Nguyên Trâu – người khai phá địa hạt điêu khắc động

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 18/01/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Cái xúc cảm về trâu được Nguyên gửi hồn thay xác, được ‘nhân cách’ hóa, được ‘phố hóa’… và được ‘tình yêu’ hóa…

 

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1987, họa sĩ Lê Đình Nguyên về công tác tại Nhà hát múa rối Trung ương, hiện là họa sĩ chính của nhà hát múa rối. Với một loạt giải thưởng về tạo hình nghệ thuật rối, họa sĩ Lê Đình Nguyên được Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Ấn Độ mời triển lãm…

 

Gặp nhau sau những ồn ã của triển lãm, sau những lời chúc mừng, sau những ca ngợi trên các phương tiện thông tin đại chúng, quả thực chẳng còn biết nói gì về anh hơn nữa….

 

Vài sợi tóc hoe huẩy đuôi gà buộc gọn sau cái mũ catket rằn ri đội ngược cùng với bội mặt phong trần…. trông Nguyên thật lãng tử. Bảo là nghệ sĩ ư? Rõ rồi, vì với cái chân dung ấy, phong cách ấy mà lại cưỡi con xe Phaend 250 đen sì, to kềnh, thì ra ngay chất nghệ.
 

 

Họa sĩ Lê Đình Nguyên

 

 

 

Âm hưởng của triển lãm Nguyên Trâu ở 39 Lý Quốc Sư vẫn còn vang vọng. Nguyên bảo, lúc đầu định làm triển lãm về sắp đặt và tranh, nhưng rồi không hiểu sao lại làm toàn về trâu.

 

Lúc đầu, Nguyên chỉ định làm toàn rối nhân vật theo kiểu sắp đặt, nhưng khi bắt tay vào làm trâu thì nỗi ám ảnh càng ngày càng lớn. Nửa năm trời miệt mài ngày đêm trong studio với sự sáng tạo không ngừng nghỉ về… trâu, Nguyên bị con trâu ám ảnh nặng nề. Đi đâu, làm gì cũng nghĩ đến trâu, ăn cũng trâu, ngủ cũng mơ thấy trâu, thậm chí… nhìn đàn bà cũng ra trâu!

 

Chẳng thế mà tác phẩm trong triển lãm đã diễn trâu toàn tập, rồi trâu cầu, trâu dậm… Cái ý tưởng về trâu này thì phải nói là dân trong nghề cũng phải kính phục.

 

 

 

 

 

 

 
Tất cả trâu trong triển lãm đều theo mô típ của các công cụ nhà nông và được Nguyên lấy cảm hứng từ chiếc mõ trâu. Trâu cầu được lấy cảm hứng từ cầu thê húc. Trâu cối thì không thể nghĩ là Nguyên xử lý thông minh đến thế, lãng mạn và phóng túng đến thế. Cái xúc cảm về trâu được Nguyên gửi hồn thay xác, được ‘nhân cách’ hóa, được ‘phố hóa’… và được ‘tình yêu’ hóa… bằng 2 con trâu đỏ với động tác thật phóng túng và thăng hoa.

 

‘Trâu Nguyên’ là tác phẩm ‘đinh’ của triển lãm. Nguyên lấy ý tưởng từ cuộn dây thừng và cái tời kéo thừng. Cả con trâu khi chuyển động được phân khúc như sau: cái đầu thì ngúc ngắc bằng bộ ly hợp tự chế. Cái thân là một hộp gỗ rỗng cộng hưởng tự chế với khoảng hơn mười quả gỗ và sắt tiện để khi chuyển động các quả này sẽ tự va đập, rơi tự do và phát ra âm thanh. Toàn bộ thân được lắp động cơ cũ trên máy bay mô hình của Mỹ tốc độ chậm mua ở chợ giời. Còn cái đuôi thì đúng là cái tay quay tời được chế lại từ đồ cũ của xe đạp.

 

Tôi đứng lặng khi thưởng thức con ‘Trâu Nguyên’ ấy. Thích thú, ngạc nhiên và bắt đầu nhắm mắt lại thưởng thức sự cộng hưởng âm thanh của con trâu phát ra: nó lục khục như tiếng mõ của con trâu già điềm tĩnh, nhẩn nha đi trên con đường làng xếp gạch nghiêng để ra đồng vào tảng sáng, khi mà không gian còn đang yên ắng, chỉ có tiếng mõ trâu lục đục rồi dần xa… Nguyên nói rằng cái con ‘Trâu Nguyên’ này được thực hiện trong một tuần và ý tưởng vọt qua đầu chỉ là một tích tắc.

 

 

 Trâu Đàn - phút sáng tạo ngẫu hứng

 

Cái đặc biệt may mắn của Nguyên là được cọ xát với nghề rối tại nhà hát múa rối Trung ương, nên Nguyên đã sáng tạo ra những chuyển động của các tác phẩm.

 

Với sự trải nghiệm qua các loại rối, từ rối dây, rối que, rối cạn đến rối nước, đã cho Nguyên những đúc kết cho mình.

 

Với ngôn ngữ tạo hình độc đáo, cộng với sự phân khúc chuyển động của các con rối đã cho Nguyên một mảnh đất khai thác và đam mê.

 

Con trâu với sự phân khúc mạch lạc, hợp lý đã đặt Nguyên vào đỉnh cao của sự sáng tạo.

 

 

 

Trong triển lãm, Nguyên đã bán được 4 con trâu với giá mỗi con là 2.000 USD. Với giá này, Nguyên cho biết, theo luật quốc tế được nhân lên 10 bản, nếu là độc bản thì có nghĩa là nhân gấp 10 lần giá trị như thế. Riêng con ‘Trâu Nguyên’ được đặt giá 15.000 USD và có nhiều người muốn đàm phán. Con ‘trâu cầu’ và được các nghệ sĩ tiếng tăm ký tá lả vào tác phẩm và cũng sẽ được tổ chức bán đấu giá để làm từ thiện.

 

Cuộc chơi không tuyên ngôn này của Nguyên là triểm lãm đầu tiên trong cuộc đời nghệ sĩ. Triển lãm đã gây tiếng vang lớn trong giới điêu khắc và hội họa. Chẳng thế mà họa sỹ Nguyên Quân đã tất tả bay từ TP. HCM ra Hà Nội để dự hội thảo sau 2 ngày triển lãm của Nguyên, đã phải thốt lên: “Đây là triểm lãm những con rối nhưng theo tôi đây là những tác phẩm tạo hình độc lập”.

 

 

 

 

 

Không ngừng sáng tạo, điêu khắc động vẫn là hướng mà Nguyên đã đang và sẽ đi trên con đường nghệ thuật của mình. Triển lãm của Nguyên là một cuộc chơi  không ngừng nghỉ trên con đường sáng tạo.

 

Từ những con trâu của Nguyên, lịch sử mỹ thuật Việt Nam sẽ phải ghi nhận Lê Đình Nguyên là một trong những nghệ sỹ đầu tiên khai phá địa hạt điêu khắc động độc đáo này.

 
Bình luận
vtcnews.vn