Nguyên Phó ban Tổ chức TW: Bổ nhiệm như thế là sai

Kinh tếThứ Ba, 22/05/2012 06:47:00 +07:00

(VTC News) – Bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Hàng hải trong khi Thanh tra chưa có kết luận là sai, nguyên Phó ban Tổ chức TW nói.

(VTC News) – Bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Hàng hải trong khi Thanh tra chưa có kết luận là rất sai, nguyên Phó ban Tổ chức TW nói.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban tổ chức TƯ Đảng trả lời phỏng vấn VTC News xung quanh việc bổ nhiệm nguyên Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải.

- Thưa ông, quyết định bổ nhiệm nguyên Chủ tịch Tổng công ty (TCT) Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải được đưa ra trước khi có kết luận thanh tra về những sai phạm tại TCT Vinalines. Việc làm này có đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ không?

Quy trình bổ nhiệm cán bộ bao giờ cũng có 3 bước: Thứ nhất, phải lắng nghe và tìm hiểu dư luận quần chúng nghĩ gì, nói về cán bộ này. Thứ hai, phải thẩm định những sai sót có liên quan đến đơn vị cũng như cá nhân cán bộ này, phải xem xét xem sai sót đó là vì đâu, do ai. Thứ ba, phải thấy được việc làm của cán bộ đó có hiệu quả hay không?


Công tác bổ nhiệm cán bộ thời tôi làm có 2 cách: Một là thi tuyển, anh muốn lên chức thì phải thi và ai trúng tuyển thì sẽ đảm đương chức vụ đó. Hình thức này cũng giống như đấu thầu, ai đủ năng lực thì người đó thắng.

Hai là, sẽ xét xem với vị trí đó thì cần người như thế nào. Ví dụ như với chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải thì cần điều kiện gì. Sau đó sẽ xem xét những ai có thể làm được vị trí này, các đơn vị sẽ giới thiệu người. Sau đó,  sẽ đi tìm hiểu xem dư luận về người này như thế nào, làm ăn hiệu quả đến đâu, có mắc sai phạm không, nếu có thì sai phạm này do đâu.

Ông Nguyễn Đình Hương 

Bổ nhiệm cán bộ không phải cứ bỏ phiếu là xong vì nếu chỉ căn cứ vào số phiếu sẽ hết sức nguy hiểm. Nếu anh làm Cục trưởng, xuống lấy phiếu mà cấp dưới không bỏ thì trong nhiều trường hợp không được, mà bỏ thì vô trách nhiệm và lá phiếu đó là lá phiếu không thực. Hơn nữa, nếu anh không lên được Cục trưởng mà ở lại thì người không bỏ sẽ dễ bị “trù”.


Nói chung nếu là đúng nguyên tắc thì phải qua nhiều khâu, xem xét nhiều yếu tố, còn bỏ phiếu chỉ là khâu cuối cùng.

Đối với trường hợp của ông Dương Chí Dũng, Bộ GTVT mà người đứng đầu là Bộ trưởng Đinh La Thăng ký quyết định bổ nhiệm trong khi đoàn thanh tra xuống làm việc, tức là có dấu hiệu sai phạm.

Vô lý ở chỗ là thanh tra đang xuống làm việc, chưa có kết luận mà ký quyết định đề bạt như thế là hết sức sai (Quyết định bổ nhiệm ông Dũng được Bộ trưởng Đinh La Thăng công bố ngày 8/2/2012, trong khi đó kết luận thanh tra chỉ được ký vào ngày 12/4/2012, tức hơn 2 tháng sau – PV).

Nếu thanh tra xong rồi ký quyết định đề bạt thì cái này đúng, tức là một căn cứ để biết ông này là tốt. Nhưng thanh tra cũng chỉ là một phần. Cứ cho là thanh tra đúng thì tiếng nói dư luận quần chúng là như thế nào?

Bản thân tôi là một cán bộ đã về hưu nhưng vẫn nghe thấy rất nhiều dư luận không tốt xung quanh ông Dũng. Tôi cũng đã từng cảnh báo với Bộ GTVT về trường hợp ông Dũng rồi.

- Trước đó, quyết định thanh tra đã được đưa ra sau khi Vinalines lần đầu tiên công bố con số lỗ 660 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2011. Người đứng đầu một đơn vị làm ăn thua lỗ được cất nhắc lên vị trí cao hơn, ông đánh giá thế nào về điều này?

Tôi cho rằng, câu hỏi lớn của vụ ông Dũng này là tại sao một cán bộ có nhiều tín hiệu xấu như vậy mà vẫn được đề bạt?

Trong quy định hiện hành của Đảng và pháp luật của nhà nước cũng đã nêu rõ việc hồi tố trách nhiệm, dù người đó đã về hưu hay chuyển công tác khác, nếu sai phạm vẫn phải tùy theo mức độ mà xem xét kỷ luật hay truy cứu hình sự.

Cho nên, việc ông Dũng điều hành Vinalines làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả không bị kỷ luật lại được cất nhắc, bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn thì phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cá nhân người bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng.

- Trong trường hợp của ông Dũng thì trách nhiệm của cơ quan quản lý và cụ thể là người ký quyết định sẽ như thế nào?

Để cán bộ vi phạm đến mức như thế mà đề bạt, người ký cũng không biết thì đó là quan liêu, là vô trách nhiệm. Ký một cán bộ tham nhũng như thế thì anh cũng có lỗi.

- Theo thông tin từ Cục Hàng hải VN, sáng 17/5 ông Dũng vẫn đến cơ quan làm việc, nhưng buổi chiều cùng ngày khi cơ quan điều tra thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Dũng thì ông Dũng đã bỏ trốn. Ông có thấy điều gì bất thường trong chuyện này?

3 cơ quan sẽ được biết tin này đầu tiên là Viện Kiểm sát nhân dân, Công an và Cơ quan chủ quản là Bộ GTVT. Thông thường Viện kiểm sát và Công an, nguồn tin rất khó bị lộ ra ngoài.

Trường hợp của ông Dũng, tôi cho rằng đã bị lộ nguồn tin khởi tố đã bị lộ. Còn lộ từ đâu, phải điều tra làm rõ để xử lý trách nhiệm.
Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Thang Văn Phúc - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc bổ nhiệm một cán bộ mà đang trong quá trình thanh tra là không hợp lý. Chứng tỏ khâu thẩm định, xác minh, đánh giá cán bộ là có vấn đề, chưa chuẩn.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm này cũng cần phải quan tâm đến dư luận xung quanh, đến các tố cáo, khiếu nại để đưa ra được quyết định đúng đắn nhất.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn