Nguyên nhân CNH-HĐH thất bại: 'Chăm chăm xây nhà máy lớn thì suốt đời đi sau các nước'

Kinh tếThứ Tư, 20/04/2016 08:06:00 +07:00

Dù không khẳng định nhưng TS Đinh Thế Hiển cũng đề cập đến vấn đề lộ trình Công nghiệp hóa- hiện đại hóa hoàn thiện vào năm 2020 thất bại là do tư duy nhiệm kỳ.

(VTC News) – Chuyên gia kinh tế, TS.Đinh Thế Hiển cho rằng, trong quá trình CNH-HĐH, nếu chúng ta cứ chăm chăm xây dựng các nhà máy lớn thì suốt đời đi sau các nước tiên tiến...

Việt Nam đã lên kế hoạch sẽ hoàn thiện công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa (CNH-HĐH) vào năm 2020. Tuy nhiên, lộ trình này đã thất bại, như chính lời khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đã trả lời phỏng vấn của báo điện tử VTC News về vấn đề này. Ông Hiển nói:

Lộ trình CNH-HĐH thay đổi lên mốc năm 2030. Nhiều khi chúng ta xây dựng nên những kế hoạch, định hướng và an tâm về những lộ trình đã được đề ra. Nếu không hoàn thành kế hoạch thì chúng ta làm lại. Ví dụ, trước đây, ngành công nghiệp ô tô được xác định sẽ hoàn thiện vào năm 2020, nhưng khi dự kiến có thể không xong được thì ta lại thay đổi sang năm 2030.

Đây là vấn đề. Chúng ta phải xác định cụ thể là mỗi năm làm xong cái gì, cái gì mới là quan trọng. Mỗi năm, các công việc được hoàn thành sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy chúng ta thực hiện các công việc tiếp theo. Nếu mỗi năm không biết đã thực hiện việc gì, chưa thực hiện việc gì thì không có cơ sở đánh giá để cách chức những người không hoàn thành công việc.
Dự án ngàn tỷ gang thép Thái Nguyên đắp chiếu góp phần làm giảm tiến trình CNH-HĐH
Dự án ngàn tỷ gang thép Thái Nguyên "đắp chiếu" góp phần làm giảm tiến trình CNH-HĐH
Kết quả là mọi thứ lại về y như cũ. Sự cố xảy ra thì không biết đổ trách nhiệm cho ai. Kết quả là kế hoạch được đặt ra cho yên tâm thế thôi. 

Đó là cái đang xảy ra ở Việt Nam. Ví dụ xăng sinh hoc E5 hay gang thép Thái Nguyên. Đây là những dự án nghìn tỷ nhưng thất bại. Khi thất bại lại đổ thừa cho khách quan. Mà những dự án này đều đóng góp vào công nghiệp hóa. Từng trục trặc nhỏ cộng lại sẽ khiến CNH-HĐH lùi lại vài năm.

Mọi người không nhìn thấy cái nhỏ ảnh hưởng tới cái lớn như thế nào mà cứ yên tâm vào các kế hoạch, chiến lược lớn. Mà khi cái nhỏ thay đổi, kế hoạch lớn, chiến lược lớn cũng phải thay đổi theo.

- Còn điều gì khiến lộ trình CNH-HĐH của chúng ta phải thay đổi không, thưa ông?

Có một điểm có thể đúng mà cũng có thể sai. Đó là tư duy nhiệm kỳ. Người ta đề cao tầm nhìn xa trông rộng mà quên mất một điều mỗi nhiệm kỳ phải làm xong một công việc gì đó cụ thể. Chúng ta phải làm được, chứ không phải chờ 5 năm sau. Mỗi năm, cần xem xét lãnh đạo không hoàn thành những gì. Điều đó cần phải đánh giá về chức quyền. Nhưng chúng ta không chọn cách đánh giá theo từng năm mà cứ nhìn kế hoạch xa.

- Vậy, kế hoạch CNH-HĐH hoàn thiện vào năm 2020 hoặc 2030 là không phù hợp, thưa ông?

Kế hoạch CNH-HĐH hoàn thiện vào năm 2020 hoặc 2030 là tính theo con đường dự đoán. Nhưng có một vấn đề quan trọng không được biết chính là sự thay đổi tiến trình công nghệ của thế giới. Sự thay đổi nhanh chóng đó làm những gì hoạch định trong 10 năm trước trở nên quá xa xôi. Thậm chí, kế hoạch 5 năm cũng có thể lỗi thời.

 
Có một điểm có thể đúng mà cũng có thể sai. Đó là tư duy nhiệm kỳ. Người ta đề cao tầm nhìn xa trông rộng mà quên mất một điều mỗi nhiệm kỳ phải làm xong một công việc gì đó cụ thể
 
Trước đây, hoạch định 5-10 năm khả thi, vì thế giới thay đổi chậm, nhưng bây giờ hoạt động kinh tế dựa trên chuyển giao công nghệ và hội nhập giống như AFTA, TPP làm cho những khoảng mờ của hội nhập đến rất nhanh. Khi kế hoạch cũ của  chúng ta được thực hiện, chúng ta sẽ CNH-HĐH trong năm 2030 thì đó chỉ là CNH-HĐH trên cái nền cũ; trong khi thế giới đã bước sang cái mới.

Ví dụ, thế giới đang đề cao môi trường. Thực phẩm phải là thực phẩm, không cần sản xuất đại trà, chăn nuôi đại trà mà đi vào giảm năng suất, nâng cao chất lượng. Nhưng, chúng ta lại đang đi tìm các công ty quy mô lớn về nông nghiệp, sản xuất lớn, tập trung năng suất.

Điều đó có nghĩa là, nhiều công nghệ đã diễn ra trên thế giới nhưng chúng ta lại đi theo cái họ làm 10 năm trước đây.

- Thưa ông, Việt Nam nên xây dựng chính sách CNH-HĐH như thế nào để không rơi vào tình trạng lúc nào cũng phải “đuổi” theo thế giới và không bao giờ đuổi kịp?

Chúng ta hãy nhìn và tìm xem doanh nghiệp lõi của Việt Nam là gì, năng lực lõi của Việt Nam là gì. Chúng ta phải xác định cụ thể hơn chứ đừng hô khẩu hiệu CNH-HĐH. CNH-HĐH chỉ là khái niệm mơ hồ. Mỗi nước nên đi vào điểm mạnh của mình, tương tác với nhau qua hệ thống hội nhập.

Theo tôi, năng lực lõi của chúng ta chính là nông nghiệp xanh. Nông nghiệp của chúng ta vẫn lạc hậu. Và đây là cơ hội để sửa đổi. Thái Lan, Trung Quốc hay một số nước khác đã chuẩn hóa nông nghiệp quy mô lớn. Anh quốc làm từ mười mấy năm rồi. Mình chưa làm nên có thể thấy đây là thuận lợi khi mà cả thế giới đang hướng tới thực phẩm sạch.

Nhiều người tin rằng, nông nghiệp xanh phải gắn liền với các khu công nghiệp, năng suất như công nghiệp. Đó là bậy. Vì từ nông nghiệp, phải qua công nghiệp để tạo thành sản phẩm hàng hóa, từ đó ra thương mại, dịch vụ để  đến tay người tiêu dùng. Trong chuỗi giá trị này, chúng ta phải cần nhiều sáng chế để tạo ra hàng loạt  giá trị gia tăng.

Quá trình đi từ đầu tới cuối có rất nhiều thứ. Và chúng ta phải bắt đầu từ nông nghiệp sạch. Phải xác định nông nghiệp sạch là năng lực lõi của chúng ta. Hiện tại, nhu cầu ăn uống sạch của thế giới tăng cao. Chúng ta có thể làm được. Chúng ta nên kết nối giữa nông dân, công nghiệp và dịch vụ.

Bí thư Đinh La Thăng đã từng nói “đi tắt và đi trước”. Việt Nam cần “đi tắt và đi trước”, chứ không phải “đi tắt đón đầu”. Đi trước là làm cái người ta chưa làm hoặc người ta đã làm rồi nhưng cần làm mới. Thế nên, CNH-HĐH không phải là bước vào TP.HCM, chỉ thấy nhà máy với nhà máy. Phát triển các trung tâm IT, y tế, chữa bệnh là lựa chọn không tồi.

Ví dụ, chỉ cần một trung tâm nghiên cứu ra ra một loại thuốc đặc biệt sẽ tạo ra giá trị kinh khủng. Đó là gợi ý cho một hướng đi. Còn xây dựng những nhà máy khổng lồ thì ta chỉ đi sau với các nước lớn và không cạnh tranh được với họ.

- Xin cám ơn ông!

Yến Vân
Bình luận
vtcnews.vn