Nguyễn Mạnh Hùng: Họa sỹ trẻ xây thiên đường từ… rác

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 09/04/2011 08:25:00 +07:00

(VTC News) - Hiện “Chung cư thiên đường” của anh đang “tọa lạc” tại 56 – 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Nó khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

(VTC News) - Nguyễn Mạnh Hùng luôn mơ đến một thiên đường đẹp, nơi ấy các thiên thần có thể cùng chung sống, cùng yêu thương và cùng sáng tạo. Hiện “Chung cư thiên đường” của anh đang “tọa lạc” tại địa chỉ 56 – 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Nó khiến người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trước hết là bởi nó nó được xây bằng thứ chất liệu “trời ơi đất hỡi” như: chuồng cọp, lồng sắt, vật liệu cũ, thậm chí cả… rác thải.   
 
Chúng tôi gặp họa sỹ trẻ Nguyễn Mạnh Hùng sau khi triển lãm mô hình “Chung sống trên thiên đường” của anh khai mạc được một ngày tại phòng trưng bày của Viện Goethe, 56 – 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Khác với ấn tượng ban đầu về một chàng họa sỹ trẻ có vóc dáng nhỏ nhắn, thư sinh, Nguyễn Mạnh Hùng thu hút chúng tôi bởi cách nói chuyện cởi mở và rất có duyên.

'
 Mô hình "Chung sống trên thiên đường của Nguyễn Mạnh Hùng được tạo nên từ những vật liệu phế thải.
 
- Xin họa sĩ cho biết ý tưởng của mô hình “Chung sống trên thiên đường” tại cuộc triển lãm này? Thông điệp mà anh anh muốn gửi gắm tới người xem?
 
- Cuộc đời tôi trải qua hơn 20 năm kinh nghiệm sống tại khu tập thể và đã có vô số những kỷ niệm, ký ức ám ảnh về quá khứ, về nếp sinh hoạt của những con người ở đó. Và tôi luôn nghĩ tới điều này khi sáng tác một bức tranh hay một tác phẩm nào đó. Tôi đã từng vẽ những bức tranh siêu thực với những hình ảnh của khu chung cư và đó mới chỉ là những phác thảo cho một dự định to lớn hơn: “Mô Hình”.
 
Ngay khi có đủ tuổi nghề, kinh nghiệm công tác, quan hệ xã hội… tôi lập tức tiến hành sản xuất mô hình đầu tiên – chính là tác phẩm này – năm 2009.
 
Với hình ảnh một tòa tháp chọc trời nhưng vẫn đầy đủ chuồng cọp, lồng sắt cơi nới từ mỗi căn hộ, tôi ẩn dụ một hình tượng hài hước mà sự tham lam đã có sẵn trong nhu cầu mỗi người. Không nhằm tới một thông điệp gì cụ thể, tôi chỉ đưa ra hình ảnh như vậy để người xem tự thưởng thức “tay nghề” của tôi và quan niệm về thẩm mỹ của tôi. Qua đó, họ muốn liên tưởng đến thông điệp gì là ở trí tưởng tượng của họ, nếu không liên tưởng được gì thì cũng không quan trọng.
 
- Vậy ý nghĩa của tiêu đề “Chung sống trên thiên đường”?
 
- Tiêu đề “Chung Sống Trên Thiên Đường” cũng là một cách đề cập hài hước mà tôi muốn ẩn dụ về nếp sinh hoạt của loài người. Các thiên thần là do loài người nghĩ ra và họ mặc định chỗ ở của thiên thần là trên thiên đường. Tôi không biết thiên đường rộng bao nhiêu mét vuông nhưng cứ đến đó thì gặp được thiên thần, hẳn là họ sống quanh đó hết. Và lại tưởng tượng tiếp rằng khi họ sống với nhau tập trung ở một nơi như vậy thì đời sống sẽ ra sao? Thực sự mình chỉ có thể đặt ra câu hỏi mà không có câu trả lời.
 
 
 
- Họa sĩ có thể cho biết qua về kết cấu, kích thước của mô hình độc đáo trên?
 
- Mô hình toà tháp chung cư này được làm từ gỗ dán, có khung sắt nhỏ, và các chi tiết như lồng sắt, quần áo, cây cảnh, cửa kính, mái tôn… Tất cả đều lấy từ các vật liệu cũ và rác. Kích thước của toà nhà là 65cm x 65cm - cao 3m.
 
- Phải chăng mô hình chung cư này giống với khu tập thể Kim Liên, nơi anh đã sinh ra và lớn lên?
 
- Như đã trả lời ở trên, tôi luôn ám ảnh bởi những kỷ niệm và kinh nghiệm sống ở khu nhà cũ Kim Liên nên chắc chắn rằng nhiều chi tiết trong mô hình này được copy từ đó. Nhưng khu Kim Liên chỉ có 4 tầng thôi.
 
- Anh mất bao nhiều thời gian để hoàn thiện nó?
 
- 10 người làm trong 1 tháng rưỡi.
 
- Như họa sĩ vừa nói, để hoàn thiện mô hình này, anh sử dụng đa phần là chất liệu tái chế. Phải chăng, anh muốn gửi tới mọi người thêm một thông điệp về “bảo vệ môi trường”?
 
- Tôi không có tham vọng “lớn lao” như nhiều người vẫn hô hào về bảo vệ môi trường mà chỉ muốn tiết kiệm tiền của mình để làm nghệ thuật được hiệu quả mà rẻ thôi. (Cười)
 
Cận cảnh một góc của "thiên đường". 
- Trong quá trình hoàn thiện mô hình anh gặp những khó khăn gì? Khâu nào trong mô hình là khó làm nhất?

 
- Điều khó nhất để thực hiện một mô hình trông như cũ là làm màu sắc và tìm chất liệu phù hợp. Nếu làm mô hình về một toà tháp mới tinh và hiện đại, có lẽ sẽ nhanh gọn hơn rất nhiều vì thời đại công nghiệp này cho phép chúng ta thi công trên mọi vật liệu thích hợp và sản xuất hàng loạt rất nhanh.
 
Nhưng mô hình nhà cũ không áp dụng phương pháp, kỹ thuật đó  được. Mọi thứ đều phải làm bằng tay và thêm công đoạn làm cũ. Công sức và tình cảm của hoạ sỹ sẽ bỏ vào đó nhiều hơn. Tác phẩm nghệ thuật cần có tình cảm bên trong đó và điều này không dễ.
 
- Trước khi đem về triển lãm tại Việt Nam, mô hình chung cư của anh đã được giới thiệu tại 3 triển cuộc lãm quốc tế khác nhau: Bảo tàng Stenersen tại Oslo (Na Uy), Gallery 3.14. ở Bergen, Phòng trưng bày của Viện các quan hệ đối ngoại (ifa) ở Berlin và Stuttgart. Là một người Việt Nam, tại sao anh không quyết định hiện thực hóa ý tưởng của mình lần đầu tiên tại một triển lãm trong nước mà lại chọn một quốc gia khác? Tại đây, khán giả ngoại quốc đón nhận mô hình của anh như thế nào?
 
- Sau khi hoàn thành mô hình, tôi nhận được lời mời tham gia trưng bày tác phẩm tại những đơn vị đó và nó đến rất nhanh. Tôi nghĩ rằng, nếu mình tham gia ở nước ngoài trước thì nó chỉ có thể là một mô hình kiến trúc bình thường thôi và sẽ không đủ điều kiện để làm thành bức tranh ba chiều như triển lãm ở Việt Nam. Vì vậy kinh phí vận chuyển và sức lao động sẽ đỡ hao tổn hơn cho đơn vị tổ chức. Mặt khác mình cũng không vội vàng phải làm bức tranh đó ngay nên cứ để mô hình này tham gia các cơ hội “dễ” trước, còn cơ hội “khó” sẽ được thực hiện khi mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. 
 
Họa sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - giám đốc nghệ thuật của studio Nhà sàn Đức. 
- Sau cuộc triển lãm này, anh có tiếp tục đem mô hình “Chung cư” đi trưng bày ở một nơi nào khác?

 
- Tôi chưa có dự định gì với mô hình này trong tương lai.
 
- Đây là một mô hình không dễ dịch chuyển. Anh làm cách nào để đưa được nó đi từ triển lãm này tới triển lãm khác?
 
- Tôi đã thiết kế nó có thể tháo lắp thành những bộ phận nhỏ hơn để dễ đóng thùng gỗ khi vận chuyển. Tuy nhiên khi lắp nó trở lại như cũ thì bắt buộc phải tự tay mình làm, không thể giao việc đó cho ai khác.
 
- Từ lâu mọi người đã biết tới anh với những bức tranh lạ như: Máy bay chiến đấu thay vì chở bom lại chở dưa chuột và cà chua, lúa gạo hoặc kéo rơ - moóc chở đầy vật liệu xây dựng lên không trung… Xin anh nói thêm về ý tưởng cho những tác phẩm này?
 
- Các tác phẩm của tôi không nói cụ thể về điều gì. Mọi hình ảnh tôi đưa vào tranh đều đang có trong cuộc sống, nó chỉ khác ở chỗ tôi chọn những hình ảnh liên quan đến tuổi thơ của mình, gia đình mình và những gì mình hay gặp để đặt cạnh nhau. Người xem thỏa sức tưởng tượng với chúng bằng chính hiểu biết của họ. Nếu không tưởng tượng được gì thì cứ coi như nó là phong cảnh thôi.
 
- Có rất nhiều trường phái hội họa, mỹ thuật khác nhau nhưng tại sao anh lại quyết định đi theo thể loại siêu thực?
 
- Chủ nghĩa siêu thực phù hợp với cách đặt vấn đề và tạo hình của tôi. Nó xuất phát từ hiện “thực” và chỉ khác đi khi ta đặt nó với những vị trí và bố cục “siêu” hình. Siêu thực đã ra đời từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và là một ngôn ngữ đắc lực để loài người tưởng tượng bằng hình ảnh mà không cần đọc chữ.
 
 
 
Một số tác phẩm siêu thực khác của Nguyễn Mạnh Hùng. 
- Hiện tại anh đang là Giám tuyển và Giám đốc nghệ thuật của Studio Nhà sàn Đức. Vừa làm công việc quản lí vừa làm công tác nghệ thuật, chắc hẳn sẽ rất bận rộn. Với khối lượng công việc lớn như vậy, nó có ảnh hưởng gì tới những dự định sáng tạo của anh? Có lẽ họa sĩ sẽ phải sắp xếp một lịch làm việc thực sự hợp lí và khoa học?

 
- Thực ra, nghệ sỹ không bận rộn kiểu như các cán bộ đi làm cơ quan, công việc đến với nghệ sỹ không đều đặn như một ngày 8 tiếng. Nhiều khi tất cả các việc đến với mình cùng một lúc hoặc cũng có khi chẳng có việc gì làm. Và ta chỉ có thể biết khi nào nghệ sỹ nói bận tức là bận, khi nào không bận tức là rảnh. (Cười)
 
Trong những trường hợp bận rộn, đòi hỏi mình phải giữ được bộ óc sáng suốt để sắp xếp các trình tự công việc được khoa học, bù lại thời gian đó ta sẽ có những lúc thư giãn khi công việc hoàn thành. So với những người làm công việc văn phòng thì tôi thích công việc của mình hơn vì nó đa dạng và vui hơn, nhiều cơ hội cân bằng tâm lý hơn.
 
- Là một họa sĩ trẻ có tên tuổi, anh đã đi nhiều nơi trên thế giới và tiếp xúc với nhiều trường phái hội họa khác nhau, đặc biệt là nền mỹ thuật đương đại của thế giới. Anh nghĩ sao về nền mỹ thuật Việt Nam đương đại?
 
- Tôi cho rằng một nghệ sỹ bị ba điều sau đây chi phối: “Cảm Xúc, Tay Nghề, Tri Thức”.
 
Nếu một trong ba thứ kém cân bằng trong họ thì đều không thành nghệ sỹ.   Ví dụ: Nếu anh chỉ có Cảm Xúc và Tay Nghề thì tác phẩm của anh sẽ thiếu chiều sâu và có thể bị lạc hậu, điểm này đa số nghệ sỹ Việt Nam mắc phải. Vì giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam đang ở mức độ dạy nghề.
 
Nếu anh chỉ có Tay Nghề và Tri Thức mà thiếu Cảm Xúc thì tác phẩm sẽ bị khô cứng và đôi khi bị lên gân vì các quan điểm triết lý, mất duyên.
 
Nếu anh chỉ có Cảm Xúc và Tri Thức mà không có tay nghề thì tôi không gọi anh là nghệ sỹ được vì anh không biết làm nghề.
 
Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Nó xuất hiện nhiều yếu tố mới nhưng cũng mang nhiều yếu tố cũ. Xong, con số những nghệ sỹ cân bằng được 3 yếu tố trên đây quá ít.
 
- Những dự định sắp tới của anh?
 
- Dự định sắp tới của tôi vẫn là vẽ tranh và có lẽ sẽ làm một số mô hình nhỏ thôi để không phải tốn thời gian của những người khác khi mình nhờ họ giúp đỡ. Và cũng dễ vận chuyển hơn khi đi triển lãm nữa.
 
- Rất cám ơn họa sĩ về buổi trò chuyện! Chúc anh thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật! 
 
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1976, tốt nghiệp khoa Hội họa - Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2002. Anh là một trong những họa sĩ trẻ năng nổ ở thể loại siêu thực và đã đạt được thành công nhất định. Anh đã giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật siêu thực của mình trong nhiều triển lãm riêng và nhóm.
 
Mô hình chung cư của anh đã được giới thiệu tại 3 triển lãm quốc tế: tháng 9/2009 tại Bảo tàng Stenersen tại Oslo, Gallery 3.14; Bergen và từ tháng 12/2009 đến tháng 10/2010 tại Phòng trưng bày của Viện các quan hệ đối ngoại (ifa) ở Berlin và Stuttgart.
 
Triển lãm mô hình “Chung sống trên thiên đường” của Nguyễn Mạnh Hùng hiện đang được trưng bày tại viện Goethe, 56 – 58 Nguyễn Thái Học – Hà Nội, kết thúc vào ngày 30/4. Anh hiện đang là Giám tuyển và Giám đốc nghệ thuật của Studio Nhà sàn Đức, một Studio nghệ thuật đương đại nổi tiếng tại Hà Nội.

 

Hoàng Nghĩa

Bình luận
vtcnews.vn