Nguyễn Dương Kim Hảo: “Tài năng không đợi tuổi”

Tổng hợpThứ Hai, 27/05/2013 03:34:00 +07:00

... là tâm điểm của nhiều sự chú ý từ khi bảng điều khiển thông minh của cậu liên tiếp giành 7 giải thưởng tin học uy tín trong nước và Quốc tế.

   Khuôn mặt bầu bĩnh, nước da ngăm ngăm, đôi mắt mang cặp kính cận dày tới 6 độ và một vóc dáng… hơi “lùn”, nhưng cậu nhóc 12 tuổi này lại là tâm điểm của nhiều sự chú ý từ khi bảng điều khiển thông minh của cậu liên tiếp giành 7 giải thưởng tin học uy tín trong nước và Quốc tế. Cậu là Nguyễn Dương Kim Hảo - học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Tân Bình, TPHCM.

 

   Ngôn ngữ lập trình của cậu nhóc lớp 3

Tôi gặp Hảo lần đầu tiên tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, nhưng cuộc trò chuyện không được bao lâu bởi em có hẹn chia sẻ với nhiều cơ quan truyền thông khác và những nhà chuyên môn. Tôi đã trở lại gặp cậu bé đặc biệt này tại ngôi nhà mà em và mẹ đang sống nhờ một người bà con ở khu tập thể Nghĩa Phát, Tân Bình, TPHCM.

Niềm đam mê tin học của Hảo không phải bắt nguồn từ mảnh đất đô thị Sài Gòn này, mà từ nơi Hảo sinh ra: huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Hảo bắt đầu tiếp xúc với máy tính từ khi còn rất nhỏ. Ðến khi học lớp một, lớp hai, vốn chữ có được một chút trong đầu, cậu bé tò mò và đi tìm hiểu sâu hơn về máy tính. Ba Hảo là giáo viên Toán – Lý tại trường THCS, thi thoảng ông lại lắp ráp một số đồ dùng bằng điện, đâm ra Hảo cũng tò mò và đòi học theo. Cho đến năm lớp 3, Hảo thấy ba cậu lúc nào cũng vất vả với việc cộng điểm cho học sinh, cậu nghĩ “phải làm một điều gì đó để ba bớt cực hơn”. Từ lòng hiếu thảo của một cậu bé mới chỉ 8 tuổi, Hảo bắt đầu lên mạng tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình để sáng chế ra phần mềm cộng điểm giúp ba cậu. “Lúc đầu con cũng không biết ngôn ngữ lập trình là gì nữa. Con phải tìm rất lâu. Con nghe bảo BB dễ nhớ nhất, thế là con tìm hiểu ngôn ngữ này. Sau này con có tìm hiểu ngôn ngữ VBA Excel nhưng khó và phức tạp hơn, con chuyển sang BB6. Vì đa số những cái đó con không được đi học mà phải tự học, nên mỗi khi gặp khó khăn, con tốn rất nhiều thời gian. Nhưng con nghĩ, càng khó khăn thì con càng dễ nhớ”.

 

Mẹ Hảo – bà Dương Trần Thanh Thảo chia sẻ: “Lúc đầu mình cho con tiếp xúc với máy tính mình cũng lo lắng. Tuy nhiên, con vẫn hoàn thành việc học trên lớp, thời gian rảnh rỗi con mới làm những việc này. Ðây là sở thích, đam mê của Hảo nên mình cũng không cản được”.

Sau khi liên tiếp giành nhiều giải thưởng về tin học, “tài năng không đợi tuổi” này được gia đình đưa lên Sài Gòn học tập để tiếp tục phát triển tài năng công nghệ thông tin của em. “Lên thành phố con mới thực sự tiếp xúc và học về điện tử. Con tìm hiểu, mua linh kiện và làm. Con thấy mình thích điện tử hơn”. Và cứ mỗi buổi nghỉ trưa ở lớp học bán trú, Hảo lại tranh thủ lang thang trong chợ Nhật Tảo để tìm kiếm từng con chip, vi mạch cho sáng chế của mình.  Nguyễn Dương Kim Hảo đã có hàng chục sáng tạo về mạch ứng dụng cho gia đình như mạch hẹn giờ cho quạt, đồ sạc điện thoại cầm tay,… Mỗi phát minh của Hảo đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và mong muốn đem lại tiện ích cho gia đình của cậu.

   Sáng tạo thành công từ tật hay quên của mẹ

Bảng điều khiển thông minh là sáng kiến của Hảo khi thấy mẹ cậu hay quên tắt điện và các đồ dùng khác trong nhà mỗi khi đi ra ngoài. “Nếu có một thiết bị kiểm tra điện và tắt mở điện từ xa bằng điện thoại thì hay quá”. Vậy là Hảo bắt tay vào tìm tòi các ngôn ngữ, cơ sở và bộ phận cần thiết cho một bảng điều khiển thông minh. Tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng sản phẩm đặc biệt ấy ngay tại căn nhà của em. Thi thoảng, Hảo làm cho trí tò mò của tôi lớn dần và bỗng dưng trở thành cô học trò “già” lắng nghe “nhà khoa học nhí” giảng bài: “Cô muốn điều khiển từ xa, cô dùng phần mềm này này… Cái này là con mô phỏng điện thoại di động”. Rồi cậu chỉ từng động tác, từng nút để điều khiển các thiết bị trong căn nhà từ xa như thế nào. Ðiều kì diệu là có thể tắt, mở các thiết bị điện trong nhà bằng máy tính hoặc điện thoại ở bất kỳ đâu chỉ cần có mạng internet.

 

Ngoài tính năng tắt, mở điện trong nhà, bảng điều khiển cũng được cài đặt chế độ chống trộm và phòng ngừa hỏa hoạn nếu chủ nhân muốn bảo vệ căn nhà của mình khi cần thiết. Với bảng điều khiển này, cậu nhóc 12 tuổi đã nhận được giải Nhất Hội thi tin học trẻ toàn quốc và cuộc thi Sáng tạo trẻ dành cho thanh thiếu nhi TPHCM 2012. Và liên tiếp sau đó là các cuộc thi quốc tế vào tháng 5/2013 như: Huy chương vàng cuộc thi Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 9, cuộc thi Triển lãm dành cho các nhà sáng tạo trẻ Châu Á tại Malaysia; Giải thưởng đặc biệt của Viện Sáng tạo Hàn lâm Hàn Quốc hay Huy chương vàng của Viện Sáng tạo trẻ Indonesia.

Hảo khá thuần thục trong việc lắp đặt và điều khiển sản phẩm của mình. Cái khó của cậu là nhiều khi không có người hướng dẫn, nên lúc làm các vi mạch bị lỗi thì sửa đi, sửa lại rất cực nhọc. Hảo chia sẻ, đôi lúc làm hỏng, lỗi nhiều cũng đâm ra chán. Nhưng bây giờ, Hảo được đi học, được tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ, điện tử, cậu rút ra một điều: “Khi hỏng thì càng cố làm càng hỏng, nên bây giờ thấy chán, con nghỉ ngơi một chút rồi mới làm tiếp”.

   Cậu sinh viên 12 tuổi và giấc mơ “lập trình viên chuyên nghiệp”

Ở độ tuổi 12 mà Hảo có suy nghĩ rất chín chắn, khác những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Nhưng Hảo không nghĩ mình già dặn hơn chúng. Cậu chia sẻ rất ngây ngô khi đề cập đến sự khác biệt ấy: “Con cũng cùng tuổi với các bạn. Thậm chí con còn lùn và mập hơn các bạn. Con cũng chẳng thấy khác”. Rồi cậu cười. Tính hảo không hay đùa, nhưng những câu nói thật thà mà hồn nhiên của cậu khiến người tiếp xúc thấy hài hước và vui vẻ lạ thường. Cậu đam mê nhưng không quên nhiệm vụ chính của mình là học tập. Ở lớp, tất cả các môn học, Hảo đều đạt điểm cao và 5 năm liền là học sinh giỏi của lớp, của trường. Cậu cũng tập thể dục, thể thao, cũng đi chơi những trò chơi của các bạn cùng lớp. Dù nhiều người đùa rằng: “Mất hết tuổi thơ rồi con ơi!”. Hảo vẫn hồn nhiên như thế. Cậu vẫn sống, học tập, vui chơi như một đứa trẻ… chỉ khác, tài năng của cậu vượt trội từ rất sớm.

 

Hiện tại, Hảo đang là cậu “sinh viên” nhỏ tuổi nhất tại Ðại học FPT, TPHCM. Mẹ Hảo kể: “Lúc đầu đưa bé đến đăng ký học, bảo vệ không cho vào, họ bảo: Trường chỉ dạy người lớn, không dạy cho trẻ nhỏ. Mình phải dùng đến học bổng của Thành đoàn, họ mới cho vào”. Một đứa trẻ chưa học hết THCS, ấy vậy mà dám bước chân tới đăng ký học đại học và ngồi nghe giảng tại giảng đường đại học thì thật kỳ lạ. “Lúc đầu, thầy giáo có để ý đâu, tưởng anh chị sinh viên nào đưa em đến học cùng. Nhưng thấy bé cứ ghi chép, thầy hỏi “con tới học à?”. Rồi khi làm bài tập, bé đều giải được nên mới biết và tiếp tục cho bé học”. Không chỉ tại ÐH FPT, trước đó, mẹ Hảo đã từng đưa cậu đến đăng ký học thêm ở ÐH Bách Khoa. Ban đầu, ai cũng ngần ngại vì một cậu bé mới chỉ lớp 5 mà lại dám đăng ký học chung với các sinh viên. Cô giáo không tin, nhưng Hảo khẳng định là sẽ theo kịp chương trình nên cô đã cho kiểm tra kiến thức tin học. Hảo gây ấn tượng về độ hiểu biết của mình và được phép theo học ở đây. Tại lớp học này, Nguyễn Dương Kim Hảo nhận được giấy chứng nhận xếp loại giỏi, gây bất ngờ cho nhiều sinh viên học chung lớp.

Hiện tại, Hảo đang là “sinh viên” của Ðại học FPT. Cứ vào mỗi buổi tối, cậu lại đến lớp, ngồi chung với nhiều sinh viên lớn hơn cậu 10 tuổi, nhưng chưa bao giờ Hảo thấy e ngại, xấu hổ. Cậu tự tin và hãnh diện vì mỗi ngày kiến thức lập trình của mình lại ngày càng tăng lên, kinh nghiệm lập trình cũng dày lên. Cậu đã có thể đi học, không phải một mình tìm tòi khổ cực trên mạng như trước đây nữa. Hảo vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình bằng việc khẳng định tài năng trong các cuộc thi. Mới đây, Hảo vừa giới thiệu sáng chế mới của em nhằm phục vụ cho quá trình học của học sinh. Ðó là “máy tính hóa học” giúp cậu và bạn bè cậu có thể giải được cái bài toán hóa học, tìm được phương trình một cách chính xác và nhanh nhất.

Dường như, con đường tiến tới ước mơ  là “lập trình viên chuyên nghiệp” của Nguyễn Dương Kim Hảo đang đến rất gần.

Cát Thảo

Bình luận
vtcnews.vn