Nguyễn Ánh 9 chê ca sỹ đương thời: Hội Nhạc sỹ VN lên tiếng

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 28/08/2013 07:40:00 +07:00

(VTC News) - Nhạc sỹ Cát Vận, đại diện Hội Nhạc sỹ Việt Nam lên tiếng trước nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 về ca sỹ đương thời gây chấn động dư luận.

(VTC News) - Nhạc sỹ Cát Vận, đại diện Hội Nhạc sỹ Việt Nam lên tiếng trước nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 về ca sỹ đương thời gây chấn động dư luận.



Nhạc sỹ Cát Vận
Sau khi VTC News đăng tải ý kiến nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 cho rằng âm nhạc giờ nặng giải trí mà thiếu đi tính nghệ thuật, đồng thời ông thẳng thắng chê các ca sỹ đương thời, dư luận đã dậy sóng.

Chúng tôi tiếp tục có cuộc trò chuyện với đại diện Hội nhạc sỹ Việt Nam, nhạc sỹ Cát Vận, để làm rõ vấn đề này. Nhạc sỹ Cát Vận nói:

Một nền âm nhạc của bất cứ quốc gia nào cũng có hệ thống âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc giải trí, nhất là trong thời kì này, cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, âm nhạc giải trí xuất hiện càng nhiều, và nó cũng được coi là một mảng trong đời sống âm nhạc đất nước.

Tuy nhiên, mảng âm nhạc giải trí lại không tượng trưng cho âm nhạc chuyên nghiệp, không đại diện cho âm nhạc chuyên nghiệp.

Hơn nữa chính nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 cũng nói rằng, âm nhạc giải trí, âm nhạc thị trường tự sinh ra rồi cũng tự mất đi, vì thế nó chỉ tồn tại ở một khoảnh khắc về mặt thẩm mỹ, về mặt âm nhạc trong một thời điểm thôi chứ nó không thể tượng trưng cho nền văn hóa âm nhạc của một dân tộc.

Còn nhạc sỹ có nói âm nhạc giờ nặng giải trí mà thiếu đi tính nghệ thuật thì thật ra âm nhạc giải trí cũng có ngôn ngữ riêng của nó, nhất là khi nhiều trào lưu âm nhạc mới trên thế giới ngày càng nở rộ.

Có một điều nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 nói đúng rằng, các ca sỹ bây giờ viện tới sự giúp đỡ của những màn múa phụ họa, rồi chú ý tới thời trang nhiều hơn chú ý tới nghệ thuật, kể cả ca sỹ ‘xịn’ mà nổi tiếng đi nữa, nên hình thức bên ngoài so với nội dung thể hiện cũng mất cân đối.

- Theo ông, nguyên nhân của căn bệnh trên từ đâu?

Âm nhạc giải trí hiện nay là nhu cầu của một bộ phận không nhỏ công chúng, nhất là khi chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, mọi người quay cuồng trong guồng máy làm ăn kinh tế, nên rất cần nhu cầu thư giãn giải trí.

 


'Tình yêu của biển' của NS Cát Vận, sáng tác theo phong cách bán cổ điển, một trong những bản nhạc ám ảnh nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt Nam. Đó là tâm trạng bồi hồi khi nhìn những con sóng bạc đầu chạy tới từ nơi xa tít chân trời. Là nỗi bâng khuâng khi nhớ về một thời nào đó đã qua, một tình yêu đẹp nào đã mất. Là cảm giác yêu thương nồng nàn của tuổi trẻ với cuộc đời, với con người và với biển cả, thiên nhiên…
 
Vì những nhu cầu của đông đảo công chúng đó, âm nhạc đôi khi đặt nặng yếu tố giải trí thái quá, và dù bản chất âm nhạc là nghe nhưng họ lấy nhiều phần nhìn để thay thế, ví dụ như chuyện ca sỹ Angela Phương Trinh mặc quần áo xuyên thấu chẳng hạn, tức là người ta lấy cái nhìn để thay thế cái nghe.


Vấn đề này cũng đã được nhắc đến nhiều trong các hội thảo âm nhạc chuyên nghiệp. Có thể rõ ràng bản thân người thưởng thức không thật sự thích, nhưng do nó xuất hiện tràn lan, nó hiển hiện ra trước mắt nên cũng phải nhìn, cũng phải bị hấp dẫn.

Đối tượng nào đòi hỏi nhu cầu văn hóa thưởng thức ấy, đó là chuyện bình thường, nhưng mà cũng không phải là lấy cái đó làm đại diện cho sự phát triển âm nhạc của một nước.

- Như ông vừa nhắc đến, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 có nói thế này: ‘Theo tôi, thị trường nhạc Việt vẫn đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này.’ Ông nghĩ như thế nào về suy nghĩ này, liệu đây có phải là suy nghĩ bi quan không?

Nhìn vào thời điểm này, âm nhạc thị trường phải nói là nó đã lấn át âm nhạc chuyên nghiệp, chứ không phải nhạc chuyên nghiệp đang ngủ yên nữa. Nhạc chuyên nghiệp vẫn thức ở các rạp, ở các nơi công diễn nhưng rất ít người xem.

Ví dụ đêm nhạc của dàn nhạc Châu Á ở Nhà hát Lớn chẳng hạn, một chương trình quy mô như vậy mà số diễn viên ngang với số khán giả đến xem. Trong khi đó dàn nhạc Châu Á là dàn nhạc thượng đẳng về mặt kỹ thuật. Vì thế nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 cho rằng thị trường nhạc Việt đang nằm yên cũng chỉ là dưới một góc độ thôi.
nguyễn ánh 9
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 
Còn thị trường nhạc giải trí chết từ từ thì thực ra người ta cũng thấy rằng nó đã chết, đang chết và sẽ chết, nhưng phải thừa nhận rằng, âm nhạc giải trí vẫn là một dòng, nó chết xong con cháu nó lại sống lại, lại tồn tại dưới một hình thức khác.

 

Nhìn vào thời điểm này, âm nhạc thị trường phải nói là nó đã lấn át âm nhạc chuyên nghiệp. Nhạc chuyên nghiệp vẫn thức ở các rạp, ở các nơi công diễn nhưng rất ít người xem.
 
Có thể thấy những tác phẩm cách đây 10 năm của âm nhạc giải trí bây giờ không còn nữa, nhưng có những tác phẩm mới lại ra đời, và lại thành dòng, nên chính cuộc sống có sự chọn lọc của nó, chuyện này cũng là chuyện bình thường.


Còn âm nhạc chuyên nghiệp vẫn phát triển, với có rất nhiều buổi biểu diễn lớn, nhưng điều kiện để đông đảo khán giả thưởng thức thì nó khó, bởi nó là âm nhạc của giới chuyên nghiệp, hay người ta vẫn gọi là âm nhạc bác học. Mà âm nhạc bác học thì không bao giờ là của số đông, bác học bao giờ cũng là của số ít người, nhưng nó lại là biểu tượng thẩm mỹ âm nhạc của mỗi quốc gia.

- Hàng loạt những gương mặt ca sỹ được xưng tụng là ông hoàng, bà chúa của showbiz Việt như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, lại là những người không được học hành và đào tạo bài bản trong các trường lớp về âm nhạc. Ông nghĩ sao về điều này, đó liệu có là thực tế đáng buồn?


Cái này thì đáng buồn là ở các cơ quan thông tin đại chúng, bởi vì chắc không có ca sỹ nào tự xưng tôi là ông hoàng hay tôi là bà chúa, diva này nọ cả, mà chính là báo chí phong. Nên lúc này lại phải bàn đến câu chuyện của báo chí, nhất là những tờ báo lá cải. Phải nói thực là đôi khi các ca sỹ hỏng đi vì phương tiện thông tin đại chúng.

Có những scandal nhỏ nhặt không đáng gì thì báo chí cũng nêu ra, như vậy là gây nên những phản ứng ngược.
đàm vĩnh hưng
Chẳng có cuộc thi nào để họ làm ông hoàng bà chúa.
Ví dụ có nhiều người đặt câu hỏi là ca sỹ Việt Nam hẳn hoi tại sao bây giờ đều lấy nghệ danh tên nước ngoài, tất cả những thứ đó là thứ báo chí cần lên án. Đôi khi báo chí lên án thì ít, tung hê thì nhiều, tự phong ông hoàng bà chúa mà chẳng có cuộc thi hoa hậu nào của các ông hoàng bà chúa cả.

- Theo ông, trong lĩnh vực ca nhạc hiện nay còn điều gì bất ổn?

 

Đáng buồn là ở các cơ quan thông tin đại chúng, bởi vì chắc không có ca sỹ nào tự xưng tôi là ông hoàng hay tôi là bà chúa, diva này nọ cả, mà chính là báo chí phong.
 
Bất ổn là ở sự mất cân đối trong nền âm nhạc của nước ta, tức là âm nhạc chuyên nghiệp chưa được đề cao, chưa có công chúng, mà muốn có công chúng thì phải giáo dục âm nhạc, điều này nằm trong hệ thống giáo dục âm nhạc quốc gia. Còn  hiện nay âm nhạc giải trí đang chiếm lĩnh thị trường.


Rồi âm nhạc dân tộc cũng mất cân đối, những buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc rất ít người nghe, tôi thấy chỉ còn đài tiếng nói Việt Nam là nơi duy trì được đầy đủ tổng thể cả âm nhạc dân tộc, nhạc chuyên nghiệp hay nhạc quốc tế…

Việc cân đối nền âm nhạc trong nghị quyết 23 của bộ chính trị cũng đã nhắc đến rồi, và mọi người đều khẳng định cả, nên chúng ta cũng phải tỉnh táo và bình tĩnh, không có vấn đề gì cả.

- Có thể thấy rằng sáng tác của các nhạc sỹ trẻ hiện nay đang định hướng thẩm mỹ của giới trẻ, tức là những lớp công chúng tương lai, nhưng ngoài một số gương mặt có chuyên môn, hầu hết các nhạc sỹ trẻ đều không được đào tạo bài bản, viết ca khúc theo đơn đặt hàng và khá nghiệp dư. Ông có sợ những thứ âm nhạc thiếu chuyên nghiệp đó sẽ làm hỏng thẩm mỹ nghe nhạc của nhiều thế hệ công chúng không?


Chúng ta không sợ điều này bởi vì tất cả các nhạc sỹ chuyên nghiệp đều bắt đầu từ nghiệp dư, tất cả những người đều viết tay trái sẽ viết tay phải, và các nhạc sỹ cây đa cây đề hiện nay cách đây nửa thế kỷ họ đều là nhạc sỹ trẻ cả, và chưa phải hội viên hội nhạc sỹ.

Thế nên là chúng ta đã thấy quy luật rằng cuộc sống phải có sự đào thải, tác phẩm nào hay nó sẽ tồn tại và nhạc sỹ ấy cũng sẽ tồn tại và trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp, chứ còn định hướng là do vấn đề văn hóa, giáo dục chứ không phải bản thân âm nhạc định hướng được chính âm nhạc.

Vì thế cho nên cứ nâng cao trình độ dân trí, trẻ con được học nhạc từ nhỏ, tự nó sẽ tìm đến những cái chân chính, cái nghệ thuật và tự nó sẽ nâng cao vốn thẩm mỹ âm nhạc của mình.

Chỉ có văn hóa mới tiêu diệt được những cái gì phản văn hóa mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho rằng, những nhận xét của người nhạc sỹ lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm như Nguyễn Ánh 9 là chân thành, nghiêm túc, có nhiều trăn trở với đời sống âm nhạc đất nước, và bất cứ nghệ sỹ nào, nhất là  với thế hệ đi sau, thì những lời nhận xét ấy là đóng góp đáng ghi nhận.
Trong cuộc sống hiện tại, đôi khi những người trong giới vẫn né tránh những lời nói thật, khiến thiếu đi tiếng nói xây dựng của người làm nghề. Nên những lời nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 là cần thiết và đáng trân trọn

An Yên (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn