Nguy cơ nhiễm virut Zika sẽ lên đỉnh điểm trong 3 tháng cuối năm

Sức khỏeThứ Tư, 19/10/2016 20:56:00 +07:00

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nguy cơ nhiễm virut Zika sẽ lên đỉnh điểm trong 3 tháng cuối năm nay, đề nghị các cấp lãnh đạo tăng cường, chủ động phòng chống dịch.

Chiều nay (19/10), tại UBND TP.HCM đã diễn ra cuộc họp triển khai phòng, chống dịch do virut Zika. Đây là loại virut lây truyền qua muỗi Aedes – một loại muỗi khá phổ biến ở các vùng nhiệt đới.

Virut Zika trở thành mối lo toàn cầu do những triệu chứng cơ bản của bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với các loại bệnh khác. Theo khảo sát, cứ 5 người bị nhiễm virut Zika thì chỉ có 1 người có những biểu hiện cụ thể như sốt, phát ban, đau khớp và đỏ mắt. Đôi khi, những người nhiễm virut Zika cũng không nặng đến mức phải nhập viện.

viet_nam_duoc_thu_nghiem_muoi_dot_bien_chong_virus_zika_phunutoday_v

 Hiện tượng "Trẻ đầu nhỏ" do nhiễm virut Zika. (Ảnh internet)

Tuy nhiên, virut Zika lại là loại bệnh không thể coi thường đối với thế hệ sau. Zika gây ra chứng teo đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nếu sản phụ mắc bệnh trước và trong quá trình mang thai. Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra bất cứ một nghiên cứu cụ thể nào về cách khắc phục dịch do virut Zika.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Muỗi là trung gian truyền bệnh, nên trong 3 tháng cuối năm nguy cơ nhiễm Zika sẽ lên đỉnh điểm nếu không kịp thời phòng chống. Vì 3 tháng cuối năm là mùa mưa, tình trạng ao tù, nước đọng, cây bụi um tùm là không thể tránh khỏi, nhiệt độ ẩm mốc sẽ khiến cho muỗi sinh sôi, phát triển mạnh”.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế cũng tỏ ra lo ngại: “Trước khi nước ta xuất hiện dịch bệnh do virut Zika, Bộ Y tế đã dự đoán sẽ có trường hợp nhiễm phải. Ngay sau đó đã thông báo cho người dân biết để phòng chống, nhưng không hiệu quả. Lúc phát động chưa có trường hợp nào nhiễm virut Zika, nhưng sau khi phát động đến nay đã có tới 4 ca. Điều đó cho biết chúng ta càng phải nỗ lực hơn trong công tác phòng chống”.

IMG_3850

 Môi trường ẩm mốc là nguyên nhân khiến muỗi sinh sôi, lây truyền dịch bệnh.

Trước nguy cơ dịch bùng phát, bà Thu đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban ngành tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Phải chủ động trực tiếp kêu gọi người dân tổng vệ sinh môi trường, xử lý các điểm tụ nước, cỏ lau dễ phát bệnh.

Đồng thời, tăng cường theo dõi và giám sát dịch bệnh ở các nước trong khu vực Châu Á, các nước có người Việt Nam sinh sống nhiều, để tránh tình trạng đưa dịch bệnh từ bên ngoài vào.

Video: Việt Nam xuất hiện bé đầu nhỏ đầu tiên nghi do virut Zika.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn