Người Việt tan giấc mơ ô tô nội?

Kinh tếThứ Hai, 30/11/2015 03:40:00 +07:00

Giấc mơ ô tô Việt sẽ thành hay bại phụ thuộc vào chính sách và chiến lược của Nhà nước.

Giấc mơ ô tô Việt sẽ thành hay bại phụ thuộc vào chính sách và chiến lược của Nhà nước.

'Bán đứt' là đúng

Sau khi thoái 51% vốn nhà nước tại Tổng Cty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor) hồi đầu năm 2014 không thành, Chính phủ đã ra quyết định “bán đứt” toàn bộ Vinamotor. Đến tháng 10/2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có quyết định phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước theo lô tại Vinamotor, theo đó 97% số cổ phần nhà nước hiện có ở đây, tương đương với 85,58 triệu cổ phần, sẽ được tính là một lô và được định giá khởi điểm là 1.250 tỷ đồng.
Sản phẩm xe buýt Hybrid 80 chỗ của Vinamotor 
Bình luận về việc "bán đứt" Vinamotor, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Bộ môn Ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách khoa cho rằng, Nhà nước thoái vốn ở Vinamotor là tất yếu để không tham gia vào hoạt động kinh tế ở những khu vực không còn thiết yếu nữa. Trước đây, việc thoái vốn tại Vinamotor không thành công là do chính sách chung của Nhà nước khiến nhà đầu tư không mặn mà với việc đầu tư vào công nghiệp ô tô Việt Nam. Còn lần này, thành công hay không tùy thuộc vào thị trường.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cũng đánh giá, đối với doanh nghiệp quốc doanh làm ăn không hiệu quả thì bán đi là đúng. Bản thân Vinamotor đã có tuổi đời hơn 50 năm nhưng thử nhìn lại đến nay doanh nghiệp này đã làm được gì, hay cứ cải cách lên cải cách xuống, càng làm càng tốn tiền mà hiệu quả không được bao nhiêu.

Cách đây hơn 10 năm, Vinamotor đã được định hướng thành doanh nghiệp nòng cốt nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam, bởi thế, khi Bộ GTVT quyết định "bán đứt", có câu hỏi đặt ra rằng nó có ảnh hưởng đến công nghiệp ô tô Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng việc của các nhà làm chính sách là phải xem xét bức tranh tổng thể của ngành công nghiệp ô tô, từ đó mới biết được vị trí của Vinamotor quan trọng đến đâu. Còn trước đây Vinamotor được xác định đóng vai trò "nòng cốt", "chủ đạo" có lẽ mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế, bởi đây là doanh nghiệp quốc doanh.


"Vinamotor vẫn là nòng cốt nếu chính sách Nhà nước và thị trường ở Việt Nam rộng mở, còn trong trường hợp ngược lại thì dẫu Nhà nước có muốn thì Vinamotor cũng không thể đóng vai trò nòng cốt được", GS.TS Nguyễn Khắc Trai nhấn mạnh.

Giấc mơ ô tô Việt vẫn còn nhưng...

Nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài đều thể tham gia đấu gia mua cổ phần của Vinamotor, tuy nhiên trong tiêu chí do Bộ GTVT công bố, nhà đầu tư phải có ngành nghề kinh doanh trực tiếp liên quan hoặc hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ - Vinamotor. "Bất động sản xưa nay vẫn tạo ra lợi nhuận lớn, có lẽ Nhà nước lo ngại nhà đầu tư sau khi mua cổ phần không chịu đầu tư vào ô tô mà muốn biến miếng đất đang sống ấy thành bất động sản nên mới đặt ra tiêu chí này", GS.TS Nguyễn Khắc Trai nói.

Cũng theo ông Trai, dẫu Vinamotor được bán cho ai thì giấc mơ ô tô Việt vẫn còn, chỉ có điều nó nhanh hay chậm mà thôi.

"Với đất nước gần 100 triệu dân, với dải đất hình chứ S buộc công nghiệp ô tô vẫn phải hình thành và phát triển ở các mức độ khác nhau. Khi nền kinh tế đã mạnh và ổn định, người ta sẽ quay lại với công nghiệp ô tô và Nhà nước buộc phải có chính sách cởi mở hơn với công nghiệp ô tô để người dân có thể có ô tô sử dụng và phục vụ kinh tế. Ngay cả khi doanh nghiệp FDI nắm cổ phần Vinamotor, khi thị trường phát triển thì ngườia ta sẽ đầu tư sang công nghiệp hỗ trợ ngay. Còn tất nhiên khi thị trường không có thì họ sẽ chỉ lắp ráp mà thôi".


Nguồn: Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn