Người Việt sính hàng ngoại, doanh nghiệp cũng có lỗi

Kinh tếThứ Bảy, 07/08/2010 01:21:00 +07:00

(VTC News) - Có nhiều ý kiến cho rằng người Việt ta sính hàng ngoại, chơi "ngông" nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, điều này không hoàn toàn đúng.

(VTC News) - Có nhiều ý kiến cho rằng người Việt  sính hàng ngoại, chơi "ngông" nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, điều này không hoàn toàn đúng.


Tại buổi tọa đàm “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Báo Đại đoàn kết phối hợp với VTV tổ chức sáng ngày 6/8, nhiều chuyên gia kinh tế - xã hội đều có  một nhận định chung rằng: Nguyên nhân người tiêu dùng (NTD) chưa mặn mà với hàng Việt là do chất lượng, mẫu mã, giá cả chưa hợp lý chứ không phải vì tâm lý “sính ngoại”.

Không thể đổ cho NTD sính ngoại

Theo TS Nguyễn Quang A, "hiện nay, chúng ta cứ đổ cho NTD sính ngoại nhưng chưa có số liệu nghiên cứu nghiêm túc nào về quy kết này để làm bằng chứng NTD có sính ngoại thật không? Vì sao sính ngoại, hoặc có tìm ra được bằng chứng “sính” ngoại nhưng chưa tìm ra được nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó”.

Tâm lý “sính ngoại” có lẽ chỉ đúng với một bộ phận còn đại đa số NTD thích hàng rẻ, tốt và bắt mắt. TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - nhận xét: “Nói NTD sính hàng ngoại là vì họ không có đủ thông tin về chất lượng sản phẩm hàng hóa nên vẫn phải mua hàng ngoại, dù giá đắt hơn hàng nội trong khi chất lượng tương đương”.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Thị Loan  - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Việt Á - cũng cho rằng: "Từ trước tới nay,  người Việt chỉ an tâm nhất là mua hàng ngoại và nghĩ như thế là yên tâm. Bởi một lẽ, hàng nội chưa chứng minh được chất lượng, chưa lấy được lòng tin của người dân. “Mặc dù hàng của mình tốt nhưng chưa lấy được lòng tin của dân thì dân cũng chưa tin”.

 Nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam vẫn được nhiều NTD ưa chuộng và lựa chọn, chiếm ưu thế hơn so với hàng ngoại nhập

Theo đánh giá của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, một năm sau cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, ý thức của NTD nước ta có những chuyển biến ban đầu. Nhiều yêu cầu của NTD đã được hàng nội đáp ứng, do đó tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người dân đã có thay đổi, phong cách tiêu dùng mới dần được xây dựng. Doanh thu của một số hàng nội như dệt may, thực phẩm, bánh kẹo... tăng lên rõ rệt, hứa hẹn tương lai tươi sáng cho hàng nội trên thị trường.

Tuy nhiên, theo phân tích của TS Nguyễn Quang A, hàng chục năm nay, doanh nghiệp Việt Nam luôn nhập siêu. Vài năm trở lại đây, xuất siêu đã bị âm. Con số nhập luôn chênh hơn nhiều so với con số xuất: Năm 2009, xuất 57 tỷ đô la, nhập 69 tỷ đô la  (nhập siêu 12 tỷ đô la). 6 tháng năm 2010, xuất khẩu 32 tỷ, nhập 38 tỷ; nhập siêu 6,2 tỷ đô la.

Để chữa "bệnh" nhập siêu, vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” không có cách nào khác là giáo dục. “Nghe hơi kỳ nhưng đây là cốt lõi, và chúng ta phải làm dần dần, đây là biện pháp lâu bền” - TS Nguyễn Quang A khẳng định. Giáo dục ở đây phải ở 3 đối tượng: trước hết là phải giáo dục lãnh đạo: “Cứ nói người Việt sính ngoại, nhưng từ trước đến nay vẫn có câu “Nhất sĩ nhì nông” như vậy, người cầm đầu phải không sính ngoại đã, rồi hãy bảo người dân và doanh nghiệp”.

Thứ hai là giáo dục các DN. “Chừng nào hàng Việt Nam chất lượng không tốt, không có giá phải chăng thì dân không mua. Phải tự trách mình, đừng trách dân và NTD, không thể đổ cho NTD sính ngoại. Sản xuất hàng tốt vẫn chưa ăn thua mà phải đặc biệt lưu ý khâu bán hàng, tổ chức mạng lưới phân phối ra sao, tiếp thị sản phẩm đến NTD như thế nào…”, vị TS này nhấn mạnh. Tiếp đó mới đến giáo dục ý thức cho NTD.

Làm thế nào để hàng Việt có chỗ đứng trong lòng người Việt?

Nhiều ý kiến tham luận đã được đưa ra xung quanh buổi tọa đàm nhằm tìm giải pháp để vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo đó, để thay đổi nhận thức của NTD về hàng Việt, kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng Việt, 4 vấn đề mà hầu hết các chuyên gia đều đã đề cập đến là:

Thứ nhất, đó là vai trò của doanh nghiệp (DN) và chất lượng của sản phẩm. Với NTD, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, muốn vận động kiểu gì thì yếu tố kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu của họ khi lựa chọn hàng hóa, sản phẩm. Tuy nhiên, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, những tiêu chí NTD chọn mua sản phẩm, chúng ta vẫn chưa làm được.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cũng nhận xét: Yếu tố quan trọng đầu tiên là DN phải sản xuất ra hàng hóa có chất lượng để NTD có thể yên tâm sử dụng: “Anh không thể sản xuất ra hàng dởm rồi bảo “đây là hàng Việt Nam, anh cứ việc mua đi” – ông Thành khẳng định.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Yếu tố quan trọng đầu tiên là DN phải sản xuất ra hàng hóa có chất lượng để NTD có thể yên tâm sử dụng

Sau khi đã có sản phẩm tốt, điều thứ 2 cần chú trọng đó là khâu tổ chức tiếp cận thị trường, phân phối sản phẩm. Đây cũng là cái khó đối với nhiều doanh nghiệp.

Hiện nay, thói quen của nhiều NTD Việt Nam là “tiện đâu mua đó”, tuy nhiên hệ thống phân phối sản phẩm Việt Nam còn hạn chế. Nhiều người dân ở nông thôn than thở, họ muốn mua hàng nội nhưng vừa ra đến cửa, tới bất kì cửa hàng nào cũng tràn ngập thị trường hàng Trung Quốc. Mạng lưới bán lẻ ở nông thôn còn sơ khai, chưa đầy đủ.

Chính vì thế, vai trò của các nhà phân phối và bán lẻ chiếm vị trí không kém phần quan trọng. Chính người phân phối, bán lẻ đưa sản phẩm đó giới thiệu cho NTD. Nói như chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành thì người bán hàng chính là một chiến sĩ tại tiền tuyến, nếu được đào tạo tốt, mình có quân tốt, hàng tốt, DN nắm bắt được thị trường “biết mình, biết ta” thì sẽ “trăm trận trăm thắng”.

Trao đổi trong buổi tọa đàm, bà Vũ Thị Hạnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN - cho biết: "Muốn hàng Việt thâm nhập vào đời sống của người dân, bản thân các DN bán lẻ, từng người bán lẻ phải hiểu biết về sản phẩm mình giới thiệu, tự tin với những sản phẩm Việt có chất lượng, có giá trị và thích hợp với NTD Việt. Chúng ta cứ hình dung cụ thể, nếu một cô nhân viên siêu thị, một anh bán hàng lại giới thiệu với khách là: “bác ơi, đừng có mua chiếc áo này, cái chăn này, nên mua đồ của Pháp, Mỹ hay của Trung Quốc vừa rẻ, vừa đẹp, mẫu mã bắt mắt luôn", thế thì chúng ta hỏng luôn cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt này”.

Để “người Việt dùng hàng Việt”, theo bà Hạnh cần có bàn tay của nhà nước trong việc có những chính sách và pháp luật thích hợp để hỗ trợ cho việc đưa hàng về nông thôn, bán hàng ở nông thôn. Đặc biệt, tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ, các nhà sản xuất có mặt bằng, có cơ sở sản xuất,…

TS Đinh Thị Mỹ Loan cũng nêu ra mong mỏi: “Rất mong muốn nguồn lực của nhà nước, kinh phí của nhà nước cho việc nghiên cứu đừng giới hạn và đừng chỉ loanh quanh trong môi trường các viện nghiên cứu, trong các trường Đại học mà nên đưa những nghiên cứu ấy thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Đưa về cho các DN, cho các hiệp hội sử dụng hoặc phối hợp với các hiệp hội ngành nghề trong đó có hiệp hội các nhà bán lẻ để có những nghiên cứu về NTD, nghiên cứu về thị trường, từ đó để quay trở lại phục vụ doanh nghiệp”.

Điều cuối cùng mà các chuyên gia nhắc đến trong buổi tọa đàm đó là vai trò, sức mạnh của truyền thông, tuyên truyền để thay đổi nhận thức, ý thức của NTD, kêu gọi người dân tham gia cuộc vận động một cách tích cực.

Hiện nay, ở nông thôn, người dân xem đài truyền hình là chủ yếu và họ rất tin tưởng vào những thông tin trên truyền hình. Trong khi đó, DN Việt Nam xuất hiện trên truyền hình chỉ tính trên đầu ngón tay. Chỉ có thể kể đến 2 tên tuổi nổi tiếng là Vinamilk và Tân Hiệp Phát. Theo ý kiến của TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội tại Hà Nội, vấn đề cần đặt ra là: Nhà nước cần sử dụng công cụ hệ thống truyền thông chính thức của nhà nước để hỗ trợ đắc lực cho chương trình này, bao gồm cả hỗ trợ miễn phí, truyền thông chính thức, dùng thương hiệu của cả nước để kêu gọi, vận động người dân.  Có như thế mới mong hàng Việt đến tận tay NTD.

Ngoài ra, về phía NTD, ông Phong cũng hi vọng: NTD Việt Nam hãy là một NTD thông thái đồng thời phải có lòng tự trọng, tự hào dân tộc. “Tôi lấy một ví dụ: Trên bàn thờ, người dân chỉ nên mua đồ thờ Việt Nam, không mua đồ nước ngoài được. Một cái lư hương phải mua cái được làm từ đất Việt Nam, mẫu mã Việt Nam dưới bàn tay của người Việt Nam”.


Bài, ảnh
: Tiểu Phương

Theo bạn, hiện nay chất lượng hàng nội đã đáp ứng được nhu cầu của NTD Việt Nam hay chưa? Với tư cách là NTD, bạn có thể chỉ rõ một vài ưu, khuyết điểm của hàng nội? Bạn có ủng hộ cuộc vận động này không? Hãy gửi ý kiến phản hồi của bạn vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn