Người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: 'Tài sản, nguyên khí quốc gia bị ảnh hưởng'

Kinh tếThứ Năm, 27/07/2017 07:45:00 +07:00

Những người bỏ ra 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ, đều là những người có giàu có, có tiền của là doanh nhân và … khi họ quyết định di cư sang một đất nước khác, vô hình trung tài sản, nguyên khí quốc gia của chúng ta đã bị ảnh hưởng.

Hơn 3,06 tỷ USD, đó là số tiền mà người Việt đã chi để mua nhà ở Mỹ, chỉ tính từ tháng 3/2016 đến tháng 4/2017. Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia mua nhà ở Mỹ nhiều nhất trên thế giới. Và cái tên Việt Nam không chỉ mới đứng trong danh sách này, mà nó đã đứng “top” từ vài năm nay.

Chỉ là, đến bây giờ, con số này mới được công bố và nó thực sự khiến cho dư luận phải giật mình.

3,06 tỷ USD quy đổi ra VNĐ vào khoảng  64 nghìn tỷ đồng, nó lớn gấp đôi gói 30 nghìn tỷ mà Chính phủ cho người dân vay để mua nhà. Và thực tế, với gói vay 30 nghìn tỷ đồng, rất rất nhiều người dân đã thực hiện được ước mơ “an cư lạc nghiệp”.

Nói như vậy để thấy, con số hơn 64 nghìn tỷ đồng nó lớn như thế nào. Và con số 3,06 tỷ USD “chảy” ra nước ngoài nó khiến chúng ta phải suy ngẫm ra sao.

avatar

 "Những người có khả năng để đầu tư bất động sản tại Mỹ, đa phần đều là những người có khả năng tài chính, nói đơn giản hơn, họ là doanh nhân, là người giàu có", Luật sư Nguyễn Thế Truyền nói.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận từ nhiều góc độ, việc di cư của loài người đã hình thành và có từ hàng chục nghìn năm trước đây. Từ thủa hồng hoang, con người đã luôn dịch chuyển và khao khát chinh phục những vùng đất mới, phù hợp hơn với điều kiện và nhu cầu cuộc sống.

Ngày nay, có rất nhiều lý do để người ta di cư, ví dụ như một người đi tới lao động tại địa phương khác, hoặc muốn tìm đến một môi trường tốt hơn cho việc phát triển công việc, những người này gọi là "Di dân kinh tế".

Bên cạnh đó, có những người di cư vì lý do đoàn tụ gia đình, lý do môi trường học tập... Còn có những người di cư vì mục đích chạy trốn các tranh chấp hoặc trốn khỏi hoàn cảnh hiện tại bất lợi cho họ, nhóm người thường được gọi là "dân tị nạn".

Việc ngày càng có nhiều người Việt mua bất động sản ở Mỹ, hãy lý giải theo cách đơn giản “vì họ thích thế”.

Họ đơn thuần muốn tìm những giá trị mà với họ là mục tiêu, hoặc đơn giản là sự thay đổi môi trường sống. Nơi đó tạo cho họ cảm giác an tâm, một không khí sinh hoạt phù hợp với cách sống của họ, nơi có thể cho họ cảm giác minh bạch, an toàn, cũng có thể chỉ đơn giản là tạo một môi trường học tập giáo dục tốt hơn cho thế hệ mai sau.

Dù với bất cứ lý do gì, mục đích của việc di dân đều hướng đến một cuộc sống tốt hơn cho chính họ mà không phụ thuộc vào ý chí hay quan điểm của bất kỳ ai!

Vấn đề ở đây, khi việc Việt Nam nằm trong “top” 10 quốc gia đầu tư bất động sản vào chỉ riêng Mỹ với số tiền hơn 3 tỷ USD, chắc chắn là một con số đáng phải suy ngẫm.

Video: Những ai trong danh sách người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ?

Hàng năm, chúng ta vẫn đang phải kêu gọi đầu tư, thu hút kiều hối về xây dựng đất nước, những năm gần đây, trung bình dòng kiều hối về Việt Nam hơn 10 tỷ USD.

Như vậy, con số hơn 3 tỷ USD ngoại hối “chảy” sang Mỹ kia là không hề nhỏ. Vì nó chiếm 6,39% tổng thu ngân sách quốc gia năm 2016.

Đầu tư bất động sản tại Mỹ thường ít biến động hơn, tức là vẫn có biến động, vẫn có bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, với những chính sách, cơ chế luôn minh bạch, thông thoáng và kèm theo đó là chế độ an sinh xã hội tốt, mang tính ổn định cao thì việc đầu tư bất động sản tại Mỹ lại phần nào mang đến cho nhà đầu tư có một kỳ vọng vào kế hoạch di cư của mình sẽ được bảo đảm hơn. Hơn thế nữa, quyền về tài sản của những nhà đầu tư này được tôn trọng một cách tối đa.

Những người có khả năng để đầu tư bất động sản tại Mỹ, đa phần đều là những người có khả năng tài chính. Nói đơn giản hơn, họ là doanh nhân, là người giàu có, có tiền của… và dĩ nhiên, trong lĩnh vực họ đang hoạt động, kinh doanh, họ là những con chim đầu đàn trong lĩnh vực của mình.

Vậy, khi họ quyết định di cư sang một đất nước khác, vùng lãnh thổ khác, vô hình trung tài sản, nguyên khí quốc gia của chúng ta đã bị ảnh hưởng.

Trước mắt là những khoản tiền đầu tư kia đã không thể phục vụ đất nước, nhưng về lâu về dài thì chính những thế hệ kế tiếp của những nhà đầu tư này mới là nguồn lực đáng kể mà Việt Nam đang rất cần nhưng đã để mất đi.

Đã đến lúc chúng ta nên xem xét thấu đáo vấn đề này, những số liệu của Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc (NAR) có tính chính xác khác cao cần phải được tham khảo và có những quyết sách thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tại.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. 

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh)
Bình luận
vtcnews.vn