Người viết bản quân lệnh số 1 của Quân giải phóng

Thời sựThứ Năm, 01/05/2014 05:41:00 +07:00

Thiếu tướng Nguyễn Công Trâng vẫn nhớ mình là người đã ban hành Quân lệnh số 1 của quân giải phóng trưa ngày 30/4/1975.

Thiếu tướng Nguyễn Công Trâng vẫn nhớ mình là người đã ban hành Quân lệnh số 1 của quân giải phóng trưa ngày 30/4/1975.

Tôi đến thăm thiếu tướng Nguyễn Công Trang vào đúng ngày 30/4 tại khu tập thể 16A Lý Nam Đế (Hà Nội). Ông đã 92 tuổi. Những ký ức về ngày thống nhất dường như đã mờ dần dù ánh mắt ông vẫn còn tinh anh.


Vị tướng có vai trò quan trọng trong việc ổn định Sài Gòn những ngày đầu có lẽ cũng không chống lại được sự vô tình của thời gian. Ông bảo rằng, giờ phải có người nhắc lại thì ông mới nhớ. Và ông nhớ mình là người đã ban hành Quân lệnh số 1 của quân giải phóng trưa ngày 30/4/1975.
 Nụ cười hiền hòa của Tướng Nguyễn Công Trang chiều 30/4/2014.
Nụ cười hiền hòa của Tướng Nguyễn Công Trang chiều 30/4/2014. 
Tướng Nguyễn Công Trang cười hiền hòa khi tôi ngỏ ý muốn mượn những tấm hình về Quân đoàn 2 mà ông đã làm Phó chính ủy tại thời điểm thống nhất đất nước. Gia đình ông đã đưa cho tôi cuốn hồi ký “Đời chiến đấu” của ông xuất bản năm 2005. Trong đó, phần cuối của cuộc chiến 1954 - 1975, ông viết:

Cờ hoa chào mừng quân giải phóng

9h30 ngày 30/4/1975. bộ phận đi đầu lực lượng cơ giới thọc sâu của quân đoàn hùng dũng tiến vào nội thành Sài Gòn. Bộ phận xe tăng đi đầu căn cứ vào bản đồ đường đi trong Sài Gòn do hãng xăng dầu Essor phát hành mà tiến quân.

Tại ngã tư hàng Xanh và cầu Thị Nghè, đại đội xe tăng đi đầu diệt 4 xe M41, M113 đang nổ súng ngăn chặn ta. Nhân dân đứng rất đông hai bên đường vẫy cờ hoa chào mừng quân giải phóng. Nhiều người thấy bộ đội cách mạng khỏe mạnh, đẹp đẽ trong quân phục chỉnh thì kêu lên: “Thế mà chúng tuyên truyền là quân giải phóng ở rừng, thiếu ăn, gầy yếu, bám cành đu đủ không gãy”.

Trên đường tiến vào nội đô, chúng tôi nhận được lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là phát triển tiến công thật nhanh vào các mục tiêu đã quy định, kêu gọi địch đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí, bắt giữ và tập trung các sĩ quan địch từ cấp tá trở lên.

(…)
Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 giao nhiệm vụ cho các đơn vị đánh chiếm dinh Độc Lập. Tướng Nguyễn Công Trang là người thứ 3, từ phải vào.
Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 giao nhiệm vụ cho các đơn vị đánh chiếm dinh Độc Lập. Tướng Nguyễn Công Trang là người thứ 3, từ phải vào. 
Chúng tôi thúc đẩy tốc độ tiến công. Xe tăng 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy là xe đi đầu binh đoàn thọc sâu. Trong xe có Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỳ, Lữ Văn Hỏa. Được nhân dân chỉ đường, Bùi Quang Thận cho mở hết tốc lực, húc vào cánh cổng bên trái, cổng hẹp, lại có hai trụ sắt vững hai bên, nên xe bị mắc kẹt, phải lùi.

Đi sau là xe tăng 390 do chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy. Trong xe có Lê Kim Phượng, Ngô Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Tập, Đỗ Cao Trường. Thấy xe 843 bị kẹt, Vũ Đăng Toàn liền cho xe 390 vòng sau xe 843 và húc vào cổng chính, phá tung cánh cửa sắt, vào trong sân dinh Độc Lập. Xe 843 ngay lúc đó cũng qua cổng vào trong sân dinh, tiếp đó nhiều xe khác cũng vào đầy sân.


Bùi Quang Thận vì đã biết lệnh của quân đoàn, ai vào trước thì cắm cờ lên dinh Độc Lập nên đã xuống xe, cầm cờ giải phóng chạy lên tầng thượng, giật rơi cờ chính quyền Sài Gòn và kéo lên lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lúc ấy là đúng 11h30 phút ngày 30/04/1975. Cùng lúc, toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn bị bắt sống. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 vào dinh Độc Lập lúc đó có Tư lệnh Nguyễn Hữu An, Tư lệnh phó Hoàng Đan, Phó chính ủy Nguyễn Công Trang cùng một số cán bộ đi cùng. Tư lệnh chỉ thị ngay việc bố trí canh gác và sẵn sàng chiến đấu. Tôi nhắc cán bộ cơ quan đi cùng phải duy trì nghiêm kỷ luật, vì theo quy định của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 phải bàn giao dinh Độc Lập cho Quân đoàn 4 quản lý.

Tôi cũng giao nhiệm vụ cho cán bộ chính trị đi cùng tôi đến chỗ phòng họp ghi loại toàn bộ danh sách nội các chính quyền Sài Gòn đang ngồi đợi ở đó. (…) Khi đồng chí cán bộ của quân đoàn ghi danh sách thì còn thiếu Nguyễn Văn Huyền (Phó tổng thống VNCH - PV) vì sức yếu không vào, thấy vậy tôi nói anh hỏi địa chỉ và cho người đi đón vào đây.


“Các ông nhân đạo quá!”


Theo kinh nghiệm khi giải phóng Đà Nẵng không có thiết quân luật nên dân vào lấy hết kho gạo Trần Hưng Đạo ở bán đảo Sơn Trà, Bộ Tư lệnh quyết định Quân đoàn một bản thông cáo. Bộ Tư lệnh phân công tôi dự thảo bản thông cáo số 1 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đó báo cáo với toàn thể đồng bào cả nước:

“Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Sài Gòn – Gia Định lúc 11h30 ngày 30/4/1975. Chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng vô điều kiện và tạm thời nêu sáu quy định để mọi người thực hiện như: Các sở điện nước phải hoạt động, ngụy quân ngụy quyền phải đến trình diện ở Ủy ban quân quản sẽ đặt ở các quận huyện; không ai được lấy của công; sẽ thiết quân luật từ 18h30 tối 30/4/1975 đến 6h sáng 1/5/1975, ai ở đâu ở nguyên đó không được đi lại trong thành phố".

Tôi thông qua tập thể Bộ Tư lệnh Quân đoàn; lúc đó có đồng chí Nam Long, phái viên của bộ chỉ huy chiến dịch, nên Bộ Tư lệnh mời đồng chí cùng dự. Xong tôi giao cho cán bộ mang ra đài phát thanh để tuyên đọc; và quy định cứ 15 phút đài phát thanh lại phát đi bản thông cáo số 1 đó một lần.

quân lệnh
Bản quân lệnh số 1 của Quân giải phóng do tướng Nguyễn Công Trang chấp bút. 
Khi đồng chí cán bộ đọc trên đài xong, nhân dân đứng nghe thông báo có người hỏi: “Sao không có bản tiếng Hoa kèm theo bản tiếng Việt, có người khác hỏi đến trình diện ở Ủy ban quân quản lúc nào, ở đâu? Vì đã được dặn trước, nên đồng chí ấy trả lời sẽ công bố địa điểm cụ thể sau…”.

Bữa ăn trưa và chiều ngày 30/4/1975 của chúng tôi vẫn theo nếp hàng ngày là từng xe nấu riêng trong ống “coóng” (ăng gô) treo ở gốc cây, vẫn là cá khô, thịt hộp, rau khô. Tôi có đọc một bài báo là ở dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh quân đoàn và cán bộ, chiến sĩ đi theo được uống bia và nước ngọt. Đồng chí viết bài báo đó chắc nói cho vui, chứ thực tế hoàn toàn không có.

Vào chiếm được dinh Độc Lập, Quân đoàn phân công cán bộ giữ chìa khóa tất cả các phòng, các kho, đến giờ nấu ăn, đồng chí ấy gọi nhân viên nhà bếp của dinh Độc Lập đang ngồi ở góc sân đi theo vào kho để đồng chí ấy phát lương thực, thực phẩm nấu cho các thành phần nội các đang ở trong phòng họp. Dương Văn Minh lúc đó nói: “Các ông nhân đạo quá”.


Chiều ngày 30/4, có người đến cổng dinh Độc Lập, đưa cho chúng tôi lá cờ giải phóng cỡ to, tôi liền cho người lên thay lá cờ nhỏ Bùi Quang Thận đã treo lúc 11h30.

Nghĩ về đồng đội

Tối 30/4/1975, anh An (Tư lệnh Nguyễn Hữu An - PV) và anh Hoàng Đan về kiểm tra bộ đội ở Long Bình. Tôi tiếp tục ở lại cùng với một số cán bộ cơ quan Quân đoàn để đợi Quân đoàn 4 đến nhận bàn giao. Khuya vẫn chưa thấy ai đến, tôi giao cho các đồng chí Thái Cán, Tham mưu phó, Nguyễn Hàm, Phó chủ nhiệm chính trị Quân đoàn và một số cán bộ cơ quan ở lại để bàn giao dinh Độc Lập cho Quân đoàn 4, còn tôi thì về chỉ huy Sở cơ bản của Quân đoàn trao đổi tình hình với chính ủy Lê Linh.

Dọc đường đi về, thấy nhân dân đứng ở trước cửa, không ai đi lại trong thành phố. Tôi thấy có vài người cởi trần, mặc quần đùi đi lẩn trong bóng tối, tôi đoán là binh lính Sài Gòn tìm cách trốn về nhà.
 Niềm vui của người dân Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Niềm vui của người dân Sài Gòn ngày 30/4/1975. 
Khó có thể diễn đạt được niềm vui khôn tả trong đêm 30/4/1975. Tâm trạng lâng lâng, tôi về đến Chỉ huy Sở cơ bản đã khuya, thấy một số anh em mắc võng ở đây để ngủ. Tôi và đồng chí công vụ cũng mắc võng ở cây. Đêm đó, tôi cứ thao thức không sao ngủ được.

Tôi nghĩ về những người đồng đội kề vai sát cánh chiến đấu đã vĩnh viễn nằm lại trên những nẻo đường chiến trận, nhớ về những ngày gian khổ, ác liệt đã qua… Trải mấy mươi năm, một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, chúng tôi đã đi tới ngày toàn thắng.


» Thành tựu kinh tế 39 năm sau ngày thống nhất
» Người Sài Gòn háo hức qua cầu mới trong Tết Độc lập


Theo ĐS& PL
Bình luận
vtcnews.vn