Người "tiên tri" những vụ cháy rừng ở Sapa (kỳ 1)

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 10/03/2012 05:30:00 +07:00

(VTC News) - Đúng như dự báo của ông Lâm, ngọn lửa oan nghiệt đã bùng lên, thiêu rụi hàng ngàn ha rừng pơ-mu nguyên sinh đã tồn tại từ hàng triệu năm trước.

(VTC News) - Nói là tiên tri thì hơi quá, nhưng ông Trần Ngọc Lâm, đã không dưới chục lần gọi điện cho tôi, bảo rằng: “Nhà báo ơi, nếu nhà báo không theo tôi vào rừng Hoàng Liên Sơn phản ánh tình trạng phá rừng, đốt nương, ủ than, sấy thảo quả thì rừng Hoàng Liên Sơn sẽ tiếp tục cháy và cháy hết mất thôi”.

Cũng đã có không ít lần tôi cùng ông Trần Ngọc Lâm cơm nắm thịt hộp đi bộ nhiều ngày trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, và tôi đã tận mắt đầy đủ nhất sự tàn sát của con người với thiên nhiên, thế nhưng, cảm xúc của tôi là sự bất lực.

Và rồi, đúng như dự báo của ông Lâm, ngọn lửa oan nghiệt đã bùng lên, thiêu rụi hàng ngàn ha rừng pơ-mu nguyên sinh triệu năm tuổi vào năm 2010.

Ông Trần Ngọc Lâm trên hành trình dẫn PV đi xem cảnh tàn sát rừng pơ-mu. 

Mới đây, ông lại gọi tôi lên Lào Cai, đi tìm đỉnh núi “Dự báo thời tiết” và đỉnh núi sét đánh. Ông lại “tiên tri” lần nữa: “Cứ tình hình đốt nương làm rẫy, đào hầm sấy thảo quả thế này, rừng lại cháy mất thôi”. Và, đau lòng thay, tôi vừa trở về Hà Nội được vài ngày, ông gọi điện về: “Dương ơi, Séo Mý Tỷ cháy lớn lắm. Lửa sắp lan đến đỉnh Fan rồi. Lửa đã thiêu cả trăm ha rừng rồi”.

Tôi cứ bị ám ảnh mãi với chuyến cùng ông Trần Ngọc Lâm vào đại ngàn pơ-mu Séo Mý Tỷ ở đuôi dãy Hoàng Liên Sơn cách đây chừng dăm năm, tưởng chừng như dài dằng dặc ngàn dặm. Không biết trên thế giới này có nơi nào mà rừng già nguyên vẹn, đẹp rêu phong đến thế.

Thân pơ-mu rêu phong cách đây 5 năm. 
PV bên gốc pơ-mu khổng lồ, ngàn năm tuổi. 

Rồi cái ngày giữa thu năm 2009, khi người miền xuôi chịu cái nóng bỏng rát da thịt như những ngày hè, thì đại ngàn Hoàng Liên Sơn vẫn lạnh cóng, băng tuyết vẫn phủ kín đỉnh Fansipan huyền thoại. Khí hậu dãy Hoàng Liên năm đó thật khắc nghiệt, khô hanh hơn bao giờ hết.

Năm ấy, ông Lâm, người có mười mấy năm trời sống trong hang đá trên độ cao 2.900m, gọi điện cho tôi: “Cháu lên đây ngay với chú nhé. Lâm tặc phá hết rừng pơ-mu Séo Mý Tỷ rồi. Người dân đang trốc nốt gốc rễ pơ-mu lên đốt thành than gùi về xuôi bán. Khí hậu hanh khô thế này, mà cứ đốt lửa bùng bùng, dễ cháy rừng như chơi”. Tôi lập tức lên Sapa, rồi cùng ông Lâm với lỉnh kỉnh đồ ăn, túi ngủ vào rừng Séo Mý Tỷ.

 
Đại ngàn pơ-mu trong đại ngàn Hoàng Liên bị tàn sát thế này đây. 

Ông Trần Ngọc Lâm vốn bị bệnh ung thư phổi, bị bệnh viện trả về chờ chết từ 20 năm trước. Tuy nhiên, nhờ có kỳ duyên với các thiền sư Tây Tạng, ông đã học được bài thuốc bí truyền, nên vẫn sống khỏe đến ngày hôm nay.

Để có thuốc chữa bệnh, ông phải định cư trong một cái hang nhỏ trên độ cao 2.900m, gần đỉnh Fansipan. Hàng ngày, ông ngồi thiền trong giá lạnh để cái lạnh âm độ hạn chế sự phát triển của khối u, rồi lang thang đi khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn tìm những cây thuốc quý tự chữa bệnh cho mình và cứu giúp người đời.

Theo ông Lâm, ông phát hiện ra cánh rừng pơ-mu nằm trên độ cao 2.300m, thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên từ 5 năm trước, trong một chuyến đi tìm cây thuốc. Ông đã sững sờ khi tận mắt những thân pơ-mu xù xì, rêu mốc, gốc mấy người ôm mới xuể, tán xum xuê, che phủ cả vạt núi.

Xưởng mộc giữa rừng pơ-mu Séo Mý Tỷ. 

Loài cây kỳ lạ này nảy mầm từ kẽ đã, rễ luồn vào khe, kẽ, phủ trùm những khối đá cứng triệu năm mà lên. Dưỡng chất của chúng rất nghèo, lại sinh trưởng trong môi trường khắc nghiệt, quanh năm mây mù, lạnh giá, nên lớn rất chậm.

Theo tính toán của các nhà khoa học, loài pơ-mu mọc trên núi đá, ở độ cao trên 2.000m, mỗi năm đường kính của chúng chỉ lớn thêm được 1mm mà thôi. Như vậy, để có được một thân pơ-mu có đường kính 1m, thì phải mất đúng 1.000 năm, bằng mấy chục đời người.

Đứng dưới gốc những thân pơ-mu lớn 3-4 người ôm, đường kính gốc lên tới 1,5m, thậm chí đến 2m, “người rừng” Trần Ngọc Lâm rưng rưng xúc động. Những thân cây nảy mầm từ khi con người còn ăn hang ở lỗ, đến bây giờ vẫn hiên ngang cùng gió núi mây ngàn, đã mang lại cho ông Lâm cảm xúc đặc biệt. Cái thứ cảm xúc ấy, chỉ có những người sống với rừng, mạng sống phụ thuộc vào rừng như ông Lâm mới hiểu được.

 
Cháy rừng mới ra mặt... lâm tặc. 

Từ ngày phát hiện ra đại ngàn pơ-mu cổ thụ giữa rừng hoang, ông Lâm chẳng nói với ai. Trong nhiều chuyến đi rừng, có đôi lần ông kể về những cánh rừng vân sam khổng lồ, loài cây họ thông ngàn tuổi.

Từ những vết thương trên thân cây, mọc ra loại nấm phục linh vài trăm năm, quý như vàng. Rồi những vườn chè hoang cổ thụ. Loài thiết trúc nhân sâm nhiều trăm năm tuổi. Những bãi đá có hình khắc ẩn hiện trong sương mù, rêu phong. Và đặc biệt là cánh rừng pơ-mu khổng lồ mà cây nào cây nấy đều ngàn tuổi…

Cánh rừng pơ-mu ấy, chưa hề có dấu chân người. Nhiều lần tôi gặng hỏi, nhưng ông Lâm đều giấu, không nói rõ đại ngàn pơ-mu đó ở đâu.

Ông bảo, ông chẳng giữ cho riêng mình, mà ông giữ cho quốc gia. Nếu tiết lộ cánh rừng pơ-mu ấy, chắc chắn lâm tặc sẽ tìm đến đốn hạ sạch sẽ. Đại ngàn pơ-mu Tà Xùa Phù Bắc Yên ở Sơn La và Yên Bái xa xôi, hiểm trở là thế, mà bao năm nay, hàng ngàn lâm tặc như đàn kiến tha mồi, đã tha gần hết pơ-mu về xuôi rồi.

 

Bài học nhãn tiền với “người rừng” Trần Ngọc Lâm vẫn còn đó. Hồi ông tiết lộ loài cây thuốc chữa ung thư với một nhà khoa học, nhà khoa học này công bố bằng một đề tài nghiên cứu, lập tức, người Trung Quốc sang thuê người Mông đi nhổ sạch sẽ.

Rồi con đường chinh phục Fansipan ngắn nhất do ông phát hiện, tự tay ông mở ra để làm lối đi cho riêng mình, khi công bố với thiên hạ, cũng để lại nỗi đau trong ông.

Đường ngắn mở ra, chỉ lợi cho bọn lâm tặc. Chúng ùn ùn kéo vào rừng xẻ gỗ khuân ra, người dân thì kéo nhau vào rừng đốt rẫy, làm nương, phá trụi những cánh rừng vốn vạn năm không có dấu chân người.

Vì những lý do đó, ông chẳng dại gì tiết lộ đại ngàn pơ-mu. Theo ông Lâm, ngay cả những đồng chí kiểm lâm, những người tưởng là đi rừng nhiều nhất, ngày đêm canh giữ đại ngàn, cũng chưa chắc đã biết khu rừng pơ-mu cổ thụ, hùng vĩ này.

Và cho đến lúc đó, khi đại ngàn pơ-mu ngàn tuổi về cơ bản đã bị đốn hạ sạch sẽ, chưa chắc các đồng chí kiểm lâm đã nắm được.

Cánh rừng pơ-mu Séo Mý Tỷ chỉ có núi đá và những thân pơ-mu sừng sững, không phát hiện ra cây thuốc quý, nên ông Lâm ít qua khu rừng đó, rồi ông quên bẵng mấy năm liền.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương


Bình luận
vtcnews.vn