Người thầy của 6 vị tướng quân đội Việt Nam

Giáo dụcChủ Nhật, 18/03/2012 08:37:00 +07:00

Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời dạy học cho các vị Tướng vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí thầy giáo già.

Buổi học đầu tiên diễn ra tại nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (số 116 phố Lý Nam Đế, TP. Hà Nội) đã không như những gì ông tưởng. “Tuy đã là tướng, là thủ trưởng, cấp trên nhưng khi bước vào giờ học, các vị ấy rất nghiêm túc, giữ đúng khuôn phép thầy – trò. Có gì không hiểu, họ giơ tay phát biểu, hỏi ý kiến thầy chứ không hề e dè, ngại ngùng. Sáu người đều rất chăm chỉ học hành và có ý thức tìm tòi, không ngừng bổ sung nguồn kiến thức” – ông nhớ lại.



Có lẽ ít ai biết được rằng, trong ngôi nhà nhỏ nằm cuối con hẻm 98 đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng là nơi lưu dấu nhiều kỷ vật về các vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam (thời kỳ 1954 – 1970).

Chủ nhân của những “món bảo bối” ấy là ông Doãn Mậu Hòe (SN 1932, ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), người thầy giáo của sáu vị tướng lừng lẫy một thời gồm: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu và Thiếu tướng Phạm Kiệt.

Ông nguyên là hiệu trưởng Trường văn hóa Quân khu V, Hiệu phó trường Quân sự quân khu V, hiện ông là Phó chủ tịch hội khuyến học TP.Đà Nẵng.

Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời dạy học cho các vị Tướng vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí thầy giáo già. Với ông, đó là khoảng thời gian in đậm nhiều dấu ấn kỷ niệm trong sự nghiệp 40 năm trồng người.

Những lớp học dã chiến tại mặt trận

Tìm đến nhà trong con hẻm số 98, đã thấy ông ngồi chờ trước sân trong bộ quân phục gọn gàng, theo đúng phong cách nhà binh. Dù đã bước qua tuổi 80 những trông ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn lạ thường.

Ông để lại trong tôi ấn tượng thật nhẹ nhàng về mẫu người thầy của thế kỷ trước với những chuẩn mực mô phạm đáng kính. Khi biết mục đích cuộc viếng thăm, ông cười xúc động lẫn chút dè dặt, khiêm nhường khi hồi tưởng về những kỷ niệm một thời dạy học.

Rót ly nước mời khách, ông kể “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trong gia đình có cha và hai anh đều tham gia mặt trận Việt Minh chống Pháp, đuổi Nhật. Hồi nhỏ, có điều kiện được đi học chữ nên tôi được người làng nhờ dạy kèm cho các em nhỏ tuổi hơn.

Sở thích làm thầy giáo của tôi nảy mầm tự dạo đó. Nhưng đất nước chiến tranh, ước mơ được cầm súng cũng thôi thúc trong tôi. Tôi vừa mong được làm thầy giáo nhưng cũng ước được một lần khoác trên mình bộ quân phục của anh bộ đội cụ Hồ”.
 Đại tá Doãn Mậu Hòe (hàng đầu tiên, thứ hai, từ phải sang) trong lần gặp gỡ những người có công tại Hà Nội.

Năm 1947, lúc vừa tròn 17 tuổi, ông tốt nghiệp lớp đệ tứ (tương đương trình độ lớp 12 hiện nay), và thi đậu vào trường Trung cấp sư phạm Quế Sơn với số điểm tuyệt đối.

Đúng ngày khai giảng niên khóa 1949 – 1950 thì anh giáo tương lai nhận được lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ ra chiến trường. Theo tiếng gọi linh thiêng của sông núi, anh giáo làng xếp bút nghiêng lên đường tòng quân đánh giặc.

Sau năm tháng quân trường vất vả tại Trường phân hiệu võ bị Trần Quốc Tuấn, ông được biên chế về chiến đấu tại đại đội 216, tiểu đoàn 50, trung đoàn 108 (Quân khu V) tham gia đánh Pháp, diệt phỉ ở mặt trận miền trung, Tây nguyên.

Trận đánh đầu tiên của chàng lính trẻ là trận công đồn Công Long – Kon Tum năm 1951 của đại đội 216.
Ông kể “Hơn ba ngày vây đồn, hầu hết anh em đã mệt mỏi, đói khát. Nhưng với quyết tâm công hạ đồn Pháp để lập công trong đợt đầu ra quân nên các chiến sĩ quyết tâm tập trung hỏa lực diệt các điểm phòng ngự.

Tôi cùng ba đồng chí nữa được lệnh nhận bộc phá vượt qua hàng dây thép gai để phá bốt có bố trí ổ châu mai. Cả ba xung phong băng qua lưới đạn của giặc, chạy nhanh về phía ổ châu mai thì một chiến sĩ bị trúng đạn hy sinh.
Tôi và anh Chữ (người đồng đội của ông – P.V) tiếp cận được bốt, châm bộc phá ném vào trong nhưng do không kịp chạy ra ngoài nên anh Chữ bị thương nặng”. Sau trận đánh đồn Công Long, đơn vị lính trẻ 216 được Quân khu V đặc biệt tuyên dương, khen thưởng.

Nhớ lại những trận đánh đã trải qua, ông Hòe hai mắt ngấn lệ nhớ về những đồng đội đã ngã xuống. Sau những trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, ông Hòe lại trở về làm anh giáo dạy văn hóa cho những đồng đội không có điều kiện đi học.

Ông xin đơn vị được đứng ra tổ chức các lớp học dã chiến từ bậc xóa mù cho đến hết lớp 9 (cấp II) ngay tại mặt trận.

“Phần lớn anh em vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc nên đường học vấn dở dang. Tôi lựa chọn một số người có trình độ văn hóa phụ giúp việc giảng bài và chữa bài tập cho các khóa học. Từ mô hình lớp học dã chiến này, đơn vị đã nhân rộng ra toàn tiểu đoàn” – ông Hòe nhớ lại.

Cứ tối đến, khi tiếng đạn nổ, pháo rền không còn nữa, các anh lại cắp sách vở đến nhờ thầy giáo Hòe giảng bài. Ròng rã hơn ba năm duy trì lớp học, ông đã xóa mù và nâng cao trình độ văn hóa cho gần 250 chiến sĩ trong đơn vị.

Ngày đó cực khổ lắm, bút mực, phấn bảng… không có, phải dùng đất sét hoặc gạch đỏ thay phấn; nhiều khi lấy mảnh bom làm bảng đen, bãi cỏ làm lớp học, khó khăn là thế nhưng ai cũng quyết tâm học tập.

Dù đã mấy mươi năm trôi qua, nhưng ông Hòe vẫn nhớ mãi câu chuyện anh lính học thuộc lòng bài tập đọc giữa chiến trường:

“Hôm đó, đơn vị chúng tôi được lệnh đánh đồn Cửu An (Quảng Ngãi). Giữa lúc hai bên đang đánh nhau ác liệt, đạn vãi ra như mưa thì có một giọng tập đọc bài vỡ lòng cất lên “i, t (tờ) có móc cả hai/I ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang/e, ê, l (lờ) cũng một loài/ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn/o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thời thêm râu”.

Anh em nghe xong cười ầm, quên cả nguy hiểm trước mặt. Nhiều người học vỡ lòng cũng xướng lên đọc phụ họa, hô to giữa chiến trường. Các chiến sĩ lấy lại khí thế vui vẻ, xốc tới tấn công, diệt đồn bắt sống quan ba của Pháp đang trấn giữ tại đây” ông Hòe cười vui vẻ.

Hồi đó, bài thơ học vỡ lòng của anh lính trẻ năm nào vang lên giữa chiến tuyến đã được truyền tụng khắp các đơn vị quân đội.

Sáu học trò đeo quân hàm Tướng

Sau năm 1954, theo hiệp định Giơ ne vơ, ông tập kết ra Bắc, đóng quân tại Trung đoàn 108, Sư đoàn 305 và đảm nhận chức vụ chính trị viên tiểu đoàn.

Năm 1957, ông được cấp trên cử đi học lớp “Bồi dưỡng giáo viên trợ lý văn hóa” để phục vụ cho công tác giáo dục trong quân đội lúc bấy giờ.

Kết thúc khóa học với tấm bằng loại ưu (điểm thi đạt kết quả tối đa – PV), anh giáo trẻ được phân công cùng một số giáo viên khác dạy bổ túc văn hóa cho các đồng chí ở Tổng Cục chính trị, Hậu Cần, Tham mưu…

Cũng trong thời gian này, ông vinh dự được Tổng cục chính trị chọn làm thầy giáo dạy văn hóa cho sáu vị tướng tại nhà riêng. Ông bồi hồi xúc động “Khi ấy, tôi vừa tròn 25 tuổi chỉ mới mang cấp hàm thượng úy còn họ đã là các tướng lĩnh nổi tiếng.

Nếu phải đứng lên giảng bài thì tôi biết cư xử sao cho phải lễ”. Gần một tuần lễ ngồi ngẫm nghĩ, ông băn khoăn không biết có nên nhận nhiệm vụ lần này hay không?

Day dứt mãi, cuối cùng ông cũng quyết định theo sự phân công, chuẩn bị giáo án để đến lớp nhận sáu học trò, cũng là sáu vị thủ trưởng cấp trên. Ngày đầu đến nhận lớp, ông hồi hộp, lo lắng, nói không thành tiếng.

Trước mặt sáu vị tướng cùng nhiều cán bộ thuộc Tổng Cục chính trị, ông cùng một giáo viên nữa được giao trọng trách dạy các môn gồm: Toán, lý, hóa… cho sáu vị tướng.

Buổi học đầu tiên diễn ra tại nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (số 116 phố Lý Nam Đế, TP. Hà Nội) đã không như những gì ông tưởng. “Tuy đã là tướng, là thủ trưởng, cấp trên nhưng khi bước vào giờ học, các vị ấy rất nghiêm túc, giữ đúng khuôn phép thầy – trò.

Có gì không hiểu, họ giơ tay phát biểu, hỏi ý kiến thầy chứ không hề e dè, ngại ngùng. Sáu người đều rất chăm chỉ học hành và có ý thức tìm tòi, không ngừng bổ sung nguồn kiến thức” – ông nhớ lại.

Khởi đầu suôn sẻ, ông Hòe phấn khởi, soạn giáo án, bài giảng để dạy cho các “sếp” của mình. Hồi ấy, một mình ông phải dạy một lúc nhiều chương trình khác nhau từ cấp I – cấp III, phân chia theo từng trình độ của mỗi vị tướng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Song Hào và Trung tướng Lê Quang Đạo được thầy Hòe dạy kiến thức chương trình Lý, Hóa cấp III, Đại tướng Hoàng Văn Thái và Trung tướng Phạm Ngọc Mậu học lớp 8 và lớp 9 (cấp II).

Riêng Thiếu tướng Phạm Kiệt thì dạy chương trình lớp 3 và lớp 4 (cấp I) do ông chỉ mới hoàn thành chương trình Bình dân học vụ sau năm 1946.

Khi kể về tướng Kiệt, trong đôi mắt người giáo già lại ngấn những giọt lệ. Có lẽ, với ông, đây là người học trò để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong nghiệp cầm bút, cầm phấn đứng trên bục giảng.

Ông ngẹn ngào kể lại, Thiếu tướng Phạm Kiệt từng bị giặc Pháp bắt, đánh đập tù đày, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên ông học hay quên. Những lúc học với tôi, ông chân tình tâm sự:

“Tôi đề nghị thầy Hòe dạy cho tôi, đừng phân các cô giáo dạy vì khi hỏi bài cũ mà mình không trả lời được thì xấu hổ lắm…”. Hiểu hoàn cảnh của tướng Kiệt, ông Hòe tận tình chỉ dạy, tỉ mỉ, cái gì quên đều được ông gợi ý, nhắc nhở.

“Có một lần tôi kiểm tra bài cũ, biết ông căng thẳng không nhớ bài nên tôi cho giải lao. Sau đó, tôi tìm cách gợi ý giúp ông nhớ lại bài cũ. Khi trả lời được tất cả các câu hỏi, ông mừng quá ôm chầm lấy tôi vui sướng vỡ òa.

Tôi xúc động và trân trọng tình cảm đó lắm. Vì hoàn cảnh chiến tranh, các thủ trưởng phải dang dở việc học hành. Vậy mà khi đã thành những vị tướng giỏi họ vẫn quyết tâm học để không ngừng hoàn thiện kiến thức.

Đó quả là những tấm gương sáng về tinh thần học tập. Không những thế, họ không lấy vai trò thủ trưởng của mình để áp đặt cho thầy giáo mà luôn thể hiện tinh thần “tôn sư, trọng đạo” ông Hòe tâm sự.

Trong giờ học, ông thường xưng hô “thủ trưởng” với các Tướng nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đứng lên đề xuất ý kiến:“Theo tôi, giáo viên nên gọi chúng tôi là “anh”, còn chúng tôi gọi giáo viên là thầy giáo. Lúc hết giờ học thì lại trở về là đồng chí, thủ trưởng…”. Từ đó, thầy giáo Hòe đổi cách xưng hô và trở nên mạnh dạn hơn trong cách truyền thụ kiến thức cho học trò.

Trong sáu vị học trò “đặc biệt” của mình, mỗi người để lại trong ông một ấn tượng, một kỳ niệm không phai. Với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Hòe kể: “Anh Thanh là một người thông minh, am hiểu các vấn đề văn hóa xã hội, đặc biệt là rất giỏi tiếng Pháp.

Anh có thể nói sành sỏi tiếng Pháp như tiếng Việt. Nhiều lần theo anh đi dạy ở các đơn vị bộ đội đóng quân ở Sơn Tây, Hà Nam…, tôi nhận ra một phong cách làm việc khoa học, nền nếp. Anh tiếp thu bài giảng rất nhanh và nghiêm túc thực hiện các bài tập về nhà, dù việc quân việc nước bận ngập đầu”.

Riêng đối với tướng Song Hào, ông nể phục tinh thần làm việc không biết mệt mỏi và cực kỳ có năng khiếu về các môn điện.

“Ngày trước đi học, hầu hết các mô hình điện dân dụng trong trường đều do anh Hào thiết kế và chỉ dẫn cách bắt điện. Tôi chỉ dạy anh Hào vẻn vẹn có hơn ba tháng môn Vật lý về điện thì anh đã thông thạo và sau đó thì vượt cả thầy” - ông Hòe cười khoe.
    
(Kỳ II: Người thầy của sáu vị tướng trong Quân đội Việt Nam )


Hạ Dương\Theo NĐT



Bình luận
vtcnews.vn