Người phát ngôn Văn phòng Chính phủ: Ngân hàng Đông Á có nhiều sai phạm từ trước 2012

Kinh tếThứ Ba, 01/09/2015 07:31:00 +07:00

Ngân hàng Đông Á đã có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính từ trước năm 2012,người phát ngôn Chính phủ nói rằng Ngân hàng Đông Á đã có nhiều sai phạm từ 2012

(VTC News) – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông tin ngân hàng Đông Á đã có nhiều sai phạm trong quản lý tài chính từ trước năm 2012.

Thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã miễn nhiệm 2 lãnh đạo Ngân hàng Đông Á vì để xảy ra sai phạm. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã cho biết quan điểm xử lý đối với trường hợp này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết việc thanh tra toàn diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á được thực hiện theo kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Đông Á có nhiều sai phạm từ trước 2012
Ngân hàng Đông Á có nhiều sai phạm từ trước 2012 
“Kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này đã có nhiều vi phạm quy định về quản lý tài chính, cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin.

Ngày 14/8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngày 20/8/2015, NHNN đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á. Đồng thời cử cán bộ tham gia và chỉ đạo kiện toàn Ban điều hành ngân hàng.

“Thủ tướng Chính phủ  đã chỉ đạo NHNN và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án đã được phê duyệt đối với Ngân hàng Đông Á, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan và xử lý vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Bên cạnh đó, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày hôm nay (1/9), Bộ trưởng Nên cũng khẳng định việc Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh giá đồng Nhân dân tệ thời gian vừa qua đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam.
Đồng nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá xuống đáy thấp nhất trong vòng 4 năm qua
Đồng nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá xuống đáy thấp nhất trong vòng 4 năm qua  

“Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế”, người phát ngôn Chính phủ thông tin.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

“Thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và các Bộ, ngành để đánh giá những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới, để đưa ra các đối sách phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực; có phương án cho các kịch bản có thể xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất; chủ động thông tin tình hình, dự báo và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, ứng phó phù hợp.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn