Người Nhật sống ở Việt Nam: Không muốn gộp 2 cái Tết

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 09/01/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Yamamoto Ryoko, một người Nhật gắn bó với Việt Nam 14 năm nay cho biết, chị rất thích những ngày Tết âm lịch, và không muốn gộp hai cái Tết.

(VTC News) - Yamamoto Ryoko, một người Nhật sinh sống ở Việt Nam 14 năm nay cho biết, chị rất thích những ngày Tết âm lịch, và không muốn hai cái Tết gộp vào làm một.

Chuyên đề Sẽ đến lúc đón Tết cổ truyền theo dương lịch trên báo VTC News khởi đầu bằng quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ rất nhiều độc giả.

Để có cái nhìn nhiều chiều, VTC News xin đăng tải chia sẻ của chị Yamamoto Ryoko, một người Nhật Bản đã gắn bó với Việt Nam 14 năm nay:

"Tôi sang Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2000, sau khi hoàn thành việc học tại khoa tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ Osaka – Nhật Bản.

Một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ, với những điều từ trước đến giờ chỉ được biết qua những trang sách đã nhanh chóng khiến tôi bị lôi cuốn.

Sau đó không lâu, tôi lập gia đình với một người đàn ông Việt Nam và gắn bó với đất nước hiền hòa này từ bấy cho đến nay, vừa tròn 14 năm.

Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ, với một người sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, nơi đã thay đổi truyền thống đón Tết từ âm lịch sang dương lịch từ cách đây rất lâu thì khó để thích nghi sự khác biệt văn hóa.

Nhưng ngược lại, tôi nhanh chóng hòa nhập và cảm thấy vô cùng thích thú mỗi khi cùng ông xã và gia đình chuẩn bị những cái Tết truyền thống, theo đạo lý người Việt.
tết âm lịch
Giống như hầu hết người Việt Nam, với tôi, những ngày năm hết Tết đến luôn là dịp đặc biệt nhất trong năm. Đó là khi cả gia đình cùng háo hức trang hoàng nhà cửa, rực rỡ sắc thắm của đào, sắc vàng của mai, chuẩn bị những món ăn mang đậm phong vị người Việt như bánh chưng, dưa hành, nem cuốn…

Đó cũng là quãng thời gian tạm gác lại công việc bộn bề, bận rộn của một năm, cả gia đình quây quần bên nhau, cùng về quê thăm gia đình, họ hàng, đi chúc Tết đầu xuân.

Tôi bị ấn tượng mạnh bởi những phong tục tập quán đẹp, thể hiện đạo lý hướng về nguồn cội và cầu mong một năm mới bình an.

Những ngày giáp Tết, cả gia đình chúng tôi lại về quê Tảo mộ cho những người đã khuất. Đến đêm giao thừa, thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, xúc động đốt nén nhang cúng trời đất. Và ngày đầu năm, là tục lệ đẹp mừng tuổi lấy may, gửi cho nhau những lời chúc tốt lành nhất.

Dù không sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa đậm bản sắc của Việt Nam, nhưng tôi đã bị hấp dẫn bởi những nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ đó.

Đó cũng là lý do vì sao ngay từ khi còn theo học tại Đại học ngoại ngữ Osaka, tôi đã sang Việt Nam một năm để học ngôn ngữ, khám phá nền văn hóa đa sắc màu, và quyết định gắn bó cuộc đời với một người đàn ông Việt.

tết âm lịch
Ryoko bị hấp dẫn bởi những truyền thống đẹp đẽ của người Việt. 
Khi đọc trên báo chí, có nhiều ý kiến cho rằng nên ăn Tết cổ truyền theo dương lịch như nhiều nước đã làm, tôi khá bất ngờ.

Bởi với cá nhân tôi, cái Tết nguyên đán thật đặc biệt, nếu không muốn nói, đó là những ngày đặc biệt nhất trong năm, bên gia đình, bên những người thân yêu.

Thêm một lý do nữa, đó là với những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam như tôi, Tết âm lịch không chỉ là điểm nhấn văn hóa khác biệt, mà quãng thời gian nghỉ dài ngày đó, chúng tôi có điều kiện dành ra một vài ngày về nước, thực hiện các thủ tục hành chính mà trong năm chưa thu xếp được để về.

Và nếu đón Tết theo dương lịch như Nhật Bản, sẽ rất khó cho những người như tôi hoàn thành được thủ tục giấy tờ, hành chính, bởi hai nước nghỉ Tết trùng nhau, các cơ quan ở cả hai nước khi đó đều không làm việc.

Năm nay là lần thứ 14 tôi đón Tết cổ truyền ở Việt Nam, tôi đang háo hức chờ đợi những ngày cả gia đình quây quần ấm cúng, về thăm cha mẹ, họ hàng, và nếu thu xếp được, tôi cùng ông xã và các con sẽ về Nhật Bản một vài ngày.

Có lẽ, tình yêu với con người, những nét văn hóa đẹp đẽ đã khiến Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi".

Còn bạn, quan điểm của bạn thế nào? Hãy gửi ý kiến cho chúng tôi ở box thảo luận bên dưới để có cái nhìn đa chiều về vấn đề đang gây tranh cãi này.

Theo bạn, có nên đón Tết cổ truyền theo dương lịch?

  • Nên, để hội nhập
  • Không nên, phải gìn giữ truyền thống
  • Mỗi người tự lựa chọn
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Yamamoto Ryoko
Bình luận
vtcnews.vn