Người Nhật có cần lo lắng về hải sản nhiễm phóng xạ?

Thế giớiThứ Sáu, 01/04/2011 06:26:00 +07:00

(VTC News) - Sau khi những thông tin rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I lan ra, nhiều người có ý nghi ngại với hải sản. Thực tế ra sao?

(VTC News) - Sau khi những thông tin rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I lan ra, đặc biệt là tin đồn nhiễm xạ lan theo nước biển, độc giả trong nước đã hết sức lo lắng. Trên trang cá nhân của nhiều người, những status như "Quyết tâm không ăn cá!", "Ly dị đồ biển"... xuất hiện với tần suất khá dày đặc.

Tuy nhiên, theo phân tích của Giáo sư Kanda Jota, thuộc Khoa Khoa học Hải dương trường Đại học Hải dương Tokyo về ảnh hưởng của phóng xạ đối với biển, những mối lo ngại này trên thực tế là thiếu cơ sở.

Về vấn đề phát hiện nồng độ phóng xạ iodine tại cống xả nước của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I cao hơn tiêu chuẩn 3000 lần khiến nhiều người lo lắng, ông Kanda Jota cho biết, phần lớn nước trên mặt đất là nước biển, nên nồng độ phóng xạ được các dòng hải lưu khuếch tán và hóa giải rất nhanh. Vì thế tính đến nay, ngoại trừ những nơi gần nhà máy điện hạt nhân này, những nơi khác không có sự thay đổi lớn.

"Nghi án" nhiễm xạ đã khiến nhiều người phải "xa lánh" các món hải sản tươi ngon (Ảnh minh họa)

Người Nhật ăn nhiều cá, nên sau sự cố hạt nhân Chernobyl, trong một thời gian dài Nhật Bản đã tự theo dõi các chất phóng xạ trong nước biển và cá. Nhật Bản cũng là nước có nhiều dữ liệu giá trị về hạt nhân hàng đầu trên toàn thế giới.

Sau sự cố Chernobyl, cũng như các vụ thử hạt nhân trong 2 thập niên 1950 và 1960, các chất phóng xạ đã hòa vào nước biển. Người ta có dữ liệu về các chất phóng xạ trong nước biển chung quanh địa cầu, ví dụ như mức phóng xạ cesium. Các nguyên tố đồng vị phóng xạ có cảm độ rất cao, nên dễ đo, nhờ đó việc biết rõ tình hình về nó là không khó khăn gì.

Nhìn vào những dữ liệu này, người ta tính toán được ngay cả nếu tình hình hiện nay tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I kéo dài thêm mấy tháng nữa, thì lượng phóng xạ chảy vào nước biển cũng không thể lớn như trường hợp của Chernobyl.

Sau sự cố Chernobyl, cá không bị nhiễm phóng xạ, vì thế theo ông lần này cũng không cần phải lo lắng.

Tuy nhiên, Giáo sư Kanda Jota cũng cho biết, vì nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vẫn còn thải nước nhiễm phóng xạ ra biển, nên rong biển trồng ở gần cống xả nước của nhà máy điện này có thể bị ảnh hưởng.

Cần ghi chú thêm rằng, Nhật Bản là một trong những nước khắt khe hàng đầu trong các tiêu chuẩn về y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó, thiết nghĩ trước khi bản thân người Nhật phải lên tiếng, thì sự cảnh giác thái quá của các nước đối với những vấn đề như thực phẩm nhiễm xạ có thể chỉ có lợi cho tin đồn và giới đầu cơ.

Đ.L.(theo NHK)

Bình luận
vtcnews.vn