Người mang vòng đời thứ hai cho lá

Tổng hợpThứ Năm, 28/03/2013 12:21:00 +07:00

...Từng bức tranh được thổi vào đó linh hồn và sự sống của lá lại được hồi sinh, bất diệt với một thân phận và vẻ đẹp mê lòng người.

Lá khô, rơi rụng rồi đằm mình vào đất. Nhưng khi được bàn tay Đắc Trung nâng niu, đặt vào từng bức tranh, thổi vào đó linh hồn thì sự sống của lá lại hồi sinh, bất diệt với một thân phận và vẻ đẹp mê lòng người.

Lớn lên ở cái nôi của văn hóa làng quê Kinh Bắc, họa sĩ trẻ Lê Ðắc Trung đã có hơn mười năm gắn bó với tranh lá. Những bức tranh của anh ngoài thể hiện chân thành sâu sắc nét đẹp tiềm ẩn của một Việt Nam thân thương yêu dấu còn có cả tác phẩm mang hơi hướng hiện đại. Có lẽ vì vậy mà phòng tranh của Trung trên phố Lý Quốc Sư thường xuyên tấp nập khách nước ngoài.

Rất nhiều tác phẩm dưới bàn tay khéo léo ấy đã được sưu tầm và trưng bày tại nhiều triển lãm trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ và Pháp… Vậy mà trong câu chuyện về công việc sáng tạo nghệ thuật của mình, Trung trầm ngâm:  “Tôi không dám nhận mình đang làm nghệ thuật chân chính chỉ cho rằng mình đang làm một loại hình nghệ thuật độc đáo, yêu nghề và cố gắng để sống bằng nghề”.

 

Không ngại đóng mác “con buôn”

Nếu ai đó cho rằng nghệ sĩ rất khác người, bay bổng và thiếu thực tế hẳn sẽ ngạc nhiên khi gặp Lê Ðắc Trung. Anh mang vẻ ngoài của một doanh nhân hơn là họa sĩ. Nơi phòng tranh sang trọng với nhiều bức tranh lá màu trầm buồn, Trung tâm sự: “Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã thấy được sự gắn bó đặc biệt với cây bút chì và những hộp màu sặc sỡ. Tôi không nuôi mộng thành họa sĩ, tôi chỉ muốn học vẽ để trở thành một kiến trúc sư”.

Ðịnh xin việc ở một phòng chép tranh hay vẽ truyền thần để luyện tay nghề, vậy mà duyên nợ thế nào Trung lại bắt đầu ở một xưởng tranh lá. Ban đầu chỉ là dễ học và dễ làm, Trung nhớ lại.  Nhưng “Tranh lá không phải đơn thuần là cắt dán. Tận mắt chứng kiến các công đoạn tỉ mỉ, công phu để làm nên bức tranh, tôi hoàn toàn bị thuyết phục”. Từ mối duyên tình cờ đến trở thành cái nghiệp vào thân, Trung đã tìm thấy tình yêu, đam mê nơi chiếc lá mỏng manh, đơn sơ.

Tính đến nay cũng đã tròn một thập kỷ. Hàng chục, hàng trăm sản phẩm đã ra đời từ đam mê tình yêu với Lá. Không dừng lại đó, chàng thanh niên trẻ lại ngược xuôi tìm mọi cách để sản phẩm của mình đến được với khách hàng. Chẳng sợ bị đóng mác “con buôn” như nhiều họa sĩ trẻ, anh tự hào mình sống được bằng tranh lá. “Bởi phải sống được mới thêm yêu và sáng tác được nhiều bức tranh đẹp. Mà suy cho cùng tranh đẹp là gì? Là tranh có người mua”, Trung “tỉnh táo” lí giải.

Ðể có được phòng tranh được công chúng biết đến, được khách hàng tìm mua đều đặn, chẳng phải dễ dàng gì. Các đây 6 năm, Trung bắt đầu được biết đến với việc cho ra đời bức tranh lá chuyển thể lại bức ảnh chân dung Bác Hồ đang làm việc tại Phủ Chủ tịch năm 1957. Báo chí tung hô anh và sản phẩm được ghi nhận là bức tranh lá về Bác Hồ lớn nhất Việt Nam. Nhưng sự kiện ấy cũng chẳng thay đổi được tình cảnh bán tranh ế ẩm của anh, tên tuổi Lê Ðức Trung vẫn lờ mờ trong làng tranh nước nhà.

 

Trung hiểu ra rằng “không phải mình làm xấu mà chưa phù hợp với nhu cầu người mua và không biết cách quảng bá sản phẩm”. Trung đã quyết định đi một nước cờ táo bạo hơn, không chỉ dừng lại ở việc vẽ và dán, Trung mở một phòng tranh và tìm con đường “bán tranh” của riêng mình. Trung rất tự hào vì giờ đây số lượng tranh bán được hàng tháng cho khách du lịch ít nhất từ 40 đến 50 bức trở lên. Anh cũng rất chăm chút về chất lượng, liên tục cải tiến đề tranh là được bền màu và đẹp hơn.

Hồi sinh sự sống cho lá

Không “may mắn” như họa sĩ vẽ các loại tranh khác, nghệ sĩ tranh lá không có cọ để vẽ nét, màu để tùy ý pha trộn. “Chất liệu duy nhất là lá với một cây kéo và keo dán người họa sĩ phải tạo được các miếng lắp ghép những hình đơn giản đến tạo khối, vờn khối làm những mảng không gian cho tranh”. Trung cho rằng làm tranh lá muốn đẹp phụ thuộc nhiều vào cảm nhận của đôi bàn tay và nguyên liệu vì phải làm thủ công hoàn toàn. Vậy nên anh rất cẩn trọng kể từ khâu chọn lá bởi “chất liệu tự nhiên này nếu được lựa chọn kĩ sẽ cho hiệu ứng thẩm mĩ bất ngờ”.

Lá cho tranh thường là lá bằng lăng, trò, ban hay sồi… được hái khi còn tươi và lành lặn. Khâu xử lí cũng lắm công phu. Phải đun đi đun lại lá trong nước nhiều lần rồi là khô từng cái một. “Quan trọng nhất là pha chế nước đun lá làm sao để tạo ra màu sắc khác nhau mà không cần màu nhuộm”. Ngay trong quan niệm về màu sắc Trung đã có tư duy khác biệt với những đàn anh đi trước đã dùng tới quá nửa là màu nhuộm.

 

Bản thân chiếc lá đã mang trong mình màu tự nhiên mà không có thứ phẩm hóa học nào đẹp bằng, tranh của Trung nhiều nhất chỉ dùng hai phần màu nhuộm. “Làm như vậy để những bức tranh lá nhìn xốp, màu chuyển êm và không dợ điều này tranh sơn dầu dù sặc sỡ cũng không có được. Quan điểm của tôi là hạn chế càng ít màu nhuộm càng tốt”. Chỉ khoảng trên dưới mười loại lá khác nhau được Trung sử dụng để làm tranh, nhưng số lượng các sắc màu được tạo ra từ mười loại lá ấy lại tăng theo cấp số nhân đó là cái tài trong khả năng xử lí của anh.

Có được những bức tranh đạt thẩm mỹ, tinh tế rồi vẫn chưa đủ bởi đi kèm với nó là khâu bảo quản và vận chuyển cho khách du lịch. Làm thế nào để có thể mang theo tranh gọn gàng nhất, bảo quản tranh được bền màu nhất. Trung đã đau đáu với hai câu hỏi đó. Ví như tranh lá của người Nhật Bản được dán trên ván mỏng, làm khổ lớn, vì thế, khi bán cho người nước ngoài gặp thời tiết khí hậu khác tranh dễ cong vênh, hư hỏng.

Ðã vậy ván gỗ lại cồng kềnh khiến cho việc bán được những bức tranh khổ lớn sẽ rất khó, ảnh hưởng đến cả nội dung sáng tác. Trung đã rất hạnh phúc khi hóa giải được bài toán khó đó khi tìm thấy vải toan. Anh thử nghiệm dán lá lên bề mặt sần của vải và sử dụng nhiều loại keo dán khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất trong một bức tranh. “Ví như khuôn mặt trong tranh phải dùng riêng keo sữa để thật mịn và giống. Từ không gian bao la, rộng lớn đến những mảng miếng nhỏ hẹp đều phải lựa chọn loại keo khác nhau cho phù hợp”, anh tiết lộ.

 

Cứ như vậy, cần mẫn, miệt mài như một con tằm rút ruột nhả tơ, những sáng tác của anh cứ đầy lên cùng với thời gian, tạo nên bản sắc và dấu ấn riêng cho tên tuổi Lê Ðắc Trung. Tranh của anh không thiên về trừu tượng, không ưa nhiều màu sắc xanh đỏ, thế mạnh của anh là chân dung với màu sắc chân thực, tự nhiên.

Triểm lãm “Vũ điệu của lá” lần này có thêm một đột phá mới, lấy nguồn cảm hứng từ nghệ sĩ tranh lá Nhật Bản Kazua Akasaki, họa sĩ Châu Á đầu tiên được trao giải thưởng "Salon De Paris” cho những cống hiến nghệ thuật của mình, Trung cùng các cộng sự đã tìm ra một phương thức ướp lá khô bằng nhiệt mới. Sáng tạo mang tính đột phá này sẽ giúp người xem được thưởng thức các tác phẩm tranh lá sống động hơn nhờ các sắc màu phong phú thay vì các bức tranh mang sắc thái trầm buồn có phần đơn điệu khi sử dụng phương pháp truyền thống.

Với người nghệ sỹ đam mê cái đẹp, sự vận động của thời gian dường như không có chút ảnh hưởng nào đến tình yêu và sự cống hiến cho các tác phẩm của họ. Hàng ngày, hàng giờ, Lê Ðắc Trung mải miết với từng chiếc lá, thổi hồn, sự sống vào chúng, nén trong đó cả tâm sự, ước mơ của mình để sự kết tinh ấy sẽ dâng cho đời những tác phẩm đẹp đến mê lòng. 

Triển lãm tranh lá đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Vũ điệu của lá” đã được khai mạc ngày 7 tháng 3 tại Hà Nội. Trong không gian sang trọng, dưới ánh đèn vàng mang đậm nét phương Tây của khách sạn Sofitel Plaza những mảng màu sáng tối, những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam được tạo hình từ lá không trở nên thô kệch. Từ chiếc lá khô rơi rụng đôi bàn tay người nghệ sĩ khéo léo ghép thành tranh tựa như đã hoàn thành một vòng luân hồi, hồi sinh bằng chính vẻ đẹp thô mộc của nó. Chiếc lá mang hơi thở tự nhiên đem đến cho những bức tranh một cái hồn vừa quen vừa lạ.

Bài và ảnh: Đinh Nha Trang

Bình luận
vtcnews.vn