‘Người hay cãi’ Hữu Thọ nhẹ nhàng từ giã nhân gian

Thời sựThứ Sáu, 14/08/2015 07:55:00 +07:00

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, đã nhẹ nhàng ra đi hôm qua, 13-8, bên cạnh tách cà phê uống dở, sau bữa ăn sáng thường.

Nhà báo Hữu Thọ (1932-2015), nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, đã nhẹ nhàng ra đi hôm qua, 13/8, bên cạnh tách cà phê uống dở, sau bữa ăn sáng thường ngày.

Gia đình đã bàn bạc, thống nhất sẽ tổ chức lễ tang sáng nay, tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng từ 7 đến 10 giờ sáng.
Cậu học sinh Trường Bưởi Nguyễn Hữu Thọ tham gia Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, rồi thoát ly gia đình theo kháng chiến. Ông tham gia du kích rồi làm chính trị viên đại đội hoạt động nhiều ở Thái Bình, vùng đất sau này có nhiều duyên nợ. Ông đến với nghề báo những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, rồi trở thành cây bút chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Nhà báo Hữu Thọ
Nhà báo Hữu Thọ 
Là chân chạy ở báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng, nhà báo Hữu Thọ đã chứng kiến những vật vã của nông thôn trong phong trào hợp tác hóa ở miền Bắc, chứng kiến những tranh cãi trước sáng kiến khoán nông nghiệp dẫn tới án kỷ luật với Bí thư Kim Ngọc của tỉnh Vĩnh Phúc những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. 
Ông có những trải nghiệm khoán chui ở Hải Phòng những năm khó khăn sau ngày vui thống nhất và là cây bút ủng hộ những vượt rào về nông nghiệp của địa phương, góp phần dư luận dẫn tới chính sách khoán 100, khoán 10 của trung ương. Trong những trải nghiệm ấy, có lúc là nỗi buồn khi phát hiện ra nỗi niềm của nông dân, của những cựu chiến binh khi họ bùng lên trong biến cố Thái Bình năm 1997.
Với bút danh Hữu Thọ, sau này là Nhân Nghĩa, Nhân Chính - theo tên con, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong làng nghề, kể cả sau này khi đã nghỉ hưu, năm 2007.
Từ cây bút chuyên nghiệp, trưởng thành lên trưởng ban, rồi tổng biên tập báo Nhân Dân, ông bước vào Trung ương - cơ quan quyền lực của Đảng hai khóa VII-VIII. Hết tuổi tham gia Trung ương, ông giữ tiếp vai trò trợ lý cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh những năm 2001-2006. 
Với xã hội, ông là nhà báo. Trong chính trường, ông còn là đại biểu Quốc hội hai khóa IX-X rất hay đăng đàn, phát biểu thẳng thắn những vấn đề gai góc của đất nước.
Là người trong cuộc, chứng kiến những tranh luận nảy lửa trong Đảng để đi tới đổi mới ở Đại hội VI, rồi tham gia chính trường sâu hơn những năm sau đó, sau này khi đã nghỉ ngơi, ông là địa chỉ mà nhiều anh em phóng viên tìm tới. 
Những gì chia sẻ là những khó khăn, mất mát, trả giá của nghề báo trong vụ PMU18; là những thách thức nghề báo thời Internet; có khi là những giảng giải để giúp đồng nghiệp trẻ hiểu hơn hệ thống với những phức tạp không dễ hiểu của nó; và đôi khi là bài phỏng vấn, bình luận những sự kiện chính trị nóng hổi.
Từng là tổng biên tập, rồi giữ trọng trách cao nhất trong cơ quan tư tưởng của Đảng, khi còn công tác hay sau này đã nghỉ hưu, ông chỉ muốn mọi người gọi mình là nhà báo. Và danh xưng ấy, rất tự nhiên đã thực sự gắn bó với ông tới ngày cuối đời, bên cạnh danh xưng “Người hay cãi” mà đồng nghiệp gán cho theo tên tiểu phẩm đầu tiên ông xuất bản năm 1991.

Nguồn: Pháp luật Thành phố
Bình luận
vtcnews.vn