Người Hà Nội thư thái đi lễ đầu năm

Thời sựChủ Nhật, 10/02/2013 10:00:00 +07:00

Không còn cảnh chen nhau như nhiều năm trước, sáng mùng 1 Tết Quý Tỵ, nhiều chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ, chùa Hà,... vẫn khá thưa người dù thời tiết đẹp.

Không còn cảnh chen nhau như nhiều năm trước, sáng mùng 1 Tết Quý Tỵ, nhiều chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ, chùa Hà,... vẫn khá thưa người dù thời tiết đẹp.

Vài năm trở lại đây, sau khi đón giao thừa ở bên ngoài về, khá nhiều bạn trẻ cũng như các gia đình ở Hà Nội đã đến một số chùa để cầu một năm mới an lành và hạnh phúc. Họ cho rằng đây là thời điểm tốt để họ tìm được sự thanh thản trong lòng.

Hơn 9h sáng, người dân vào chùa Phúc Khánh làm lễ khá thư thái. Ảnh: Hà Anh. 

"Năm nay lần đầu em đi chùa cùng gia đình. Đến đây cũng chỉ biết cầu mong cho gia đình có sức khỏe và bản thân em năm tới thi cử đỗ đạt cao...", nam sinh đang theo học một trường THPT ở quận Tây Hồ đứng trước cổng chùa Trấn Quốc nói lúc 4h sáng trong niềm hân hoan khi mùa xuân đến.

Không có điều kiện đến các đền chùa ngay sau giờ khắc giao thừa, 9h sáng nay sau khi làm cơm thắp hương tổ tiên xong, bà Yến ở quận Đống Đa cùng chồng đến chùa Phúc Khánh. Bà lão ngoài 80 tuổi nói, như thường lệ năm nào bà và người thân cũng đến đây. "Nhưng năm nay đi lễ chùa thư thái và thích quá. Không còn cảnh đông đúc như mọi năm...", bà Yến chia sẻ.
Sắm lễ đi chùa ngày đầu năm. Ảnh: Tuấn Ngọc - Trang Anh

Không riêng người già, các trẻ nhỏ cũng được bố mẹ cho đi cùng để hiểu thêm phong tục tập quán của người dân Việt. Như thường lệ, dịp đầu năm các "cửa hàng di động" bán muối lộc cũng được dịp phất. Tại cổng đền, chùa, nhiều sinh viên tranh thủ làm thêm.

"Em bán suốt đêm giao thừa ở hồ Hoàn Kiếm và giờ lại về chùa Phúc Khánh này. Hơn 300 túi muối em không đưa ra giá mà tùy tâm của khách trả bao nhiêu thì trả, giờ chỉ còn có vài chục túi...", Phạm Tiến Đạt, sinh viên năm thứ 2 khoa kĩ thuật phần mềm trường Đại học FPT chia sẻ.
Thành kính trước cửa Phật. Ảnh: Tuấn Ngọc - Trang Anh

Đạt cho biết thêm, sau khi bán muối lộc đầu năm xong cậu sẽ về du xuân cùng bố mẹ và cô em gái. Đây cũng là năm thứ ba Đạt làm thêm ở dịp này.

Cùng chung tâm trạng thoải mái, nhiều bạn trẻ đến chùa Hà (ngôi chùa được cho là nổi tiếng trong việc cầu tình duyên). Ba cô gái diện quần áo mới, trang điểm khá bắt mắt chia sẻ, sau khi được nghe bạn bè mách nước họ cũng bắt xe buýt từ Đông Anh sang để làm lễ. Sau khi mua những đồ cúng, cả 3 hi vọng, sau lần này sẽ không còn phải lận đận về đường tình duyên.

Theo ghi nhận, dòng người đến chùa Hà sáng mùng 1 Tết chưa đông nhưng nơi đây đã có dấu hiệu trộm cắp. Loa phát thanh liên tục nhắc nhở người đi chùa cần chú ý cảnh giác.
Ai ai cũng mong ước trong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Ảnh: Tuấn Ngọc - Trang Anh

Tránh bị mất đồ, nhiều năm nay, chùa Hà cũng đã đầu tư gần 100 tủ sắt để người đi lễ yên tâm gửi vào. Một người trông giữ cho biết, ở đây trông miễn phí, thủ tục gửi cũng như lấy ra gọn nhẹ.

Gần trưa mùng 1 Tết, nhiệt độ nhích dần lên. Nhiều người dân Hà Nội đã có mặt trên suối Yến ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Nam thanh niên 34 tuổi ở quận Hoàng Mai cho hay năm nay gia đình anh đi hơn chục người, trong đó có cả những Việt kiều từ Hà Lan mới về nước.

"Năm nào gia đình cũng chọn ngày mùng 1 Tết đến nơi đây dù ngày 6 mới khai hội chính thức. Lúc này mọi thứ vẫn khá yên bình và thơ mộng, không phải chen lấn để mua vé cáp treo...", anh tâm sự.

Theo VNE
Bình luận
vtcnews.vn