'Người đương thời' Đỗ Việt Khoa: Một số ĐBQH đừng ứng cử, cử tri cũng đừng bầu

Thời sựThứ Sáu, 18/03/2016 05:08:00 +07:00

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng tỉ lệ Đảng viên trong quốc hội gần 100% là quá lớn và 3 triệu Đảng viên không thể đại diện hết cho 90 triệu người dân còn lại.

(VTC News) – Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, một số ĐBQH không phát biểu, không ý kiến không bàn bạc, họ cứ đến ngồi họp rồi về cho hết nhiệm kỳ - những người đó đừng nên ứng cử, cử tri cũng không nên bầu họ nữa.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 2 diễn ra sáng 17/3, Hà Nội đã lập danh sách sơ bộ 87 người ứng cử ĐBQH khóa 14. Trong số 48 người tự ứng cử, có thầy giáo Đỗ Việt Khoa.

Thầy Đỗ Việt Khoa trả lời VTC News xung quanh việc ứng cử đại biểu Quốc hội.
Thầy Đỗ Việt Khoa
Thầy Đỗ Việt Khoa 
-  Năm 2007, ông đã từng ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng không trúng cử. Tại sao ông lại tiếp tục muốn ứng cử năm nay?

Thứ nhất, tôi muốn thực hiện quyền công dân và để mọi người cùng thấy rằng đó là quyền của mỗi chúng ta. Không chỉ quyền ứng cử đại biểu Quốc hội mà cả ứng cử vào Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh.

Thứ hai, tôi thấy ngành giáo dục có quá nhiều vấn đề, nhưng lại gặp phải sự im lặng buông xuôi của các cấp quản lý. Tôi muốn giáo dục Việt Nam sẽ là một nền giáo dục không mất tiền. Đặc biệt, tôi muốn bãi bỏ lạm thu, tham nhũng lãng phí, chất lượng kém. Xa hơn là tôi muốn lên tiếng trước các vấn đề kinh tếxã hội khác.

-  Được biết, ông đã làm đơn ứng cử từ trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ nhưng đến sát ngày hết hạn ông mới mang nộp. Tại sao vậy?

Cũng có chút đắn đo, cho nên tôi đã nộp hồ sơ muộn vào 17h30 ngày 11/3. Việc cẩn trọng câu chữ khi khai hồ sơ, xin dấu… cũng khiến việc nộp không sớm được.

-  Ông có gặp khó khăn gì trong quá trình nộp hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 không?

Do thận trọng khi viết hồ sơ nên khi nộp tôi không mắc lỗi gì và hồ sơ được tiếp nhận thuận lợi.

Về quy trình bầu cử, cơ bản là năm nay không khác gì so với thời điểm tôi ứng cử năm 2007. Vẫn sẽ có các vòng lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác, hiệp thương, lên danh sách.

Điểm khác lớn nhất là Hà Tây đã nhập về Hà Nội từ 2008 cho nên quy mô bầu cử năm nay lớn hơn trước rất nhiều.

- Ông có thể dự đoán về khả năng trúng cử của mình hay không?

Không nên đoán làm gì. Đừng tự gây áp lực cho mình vì việc trúng hay trượt. Làm gì ở đâu có ích đều là việc tốt. Nếu trúng cử thì lại càng phải làm việc nhiều hơn, có ích hơn.

- Nhưng ông có sợ rằng rơi vào hoàn cảnh thất bại của chính mình như 9 năm trước không?

Năm 2007 tôi ứng cử đã bị 0% phiếu tín nhiệm tại nơi công tác - trường THPT Vân Tảo. Đó là kết quả của một cuộc đấu tố do lãnh đạo cơ quan gây ra. Không khác được khi mà tôi phê phán trường đã thu tiền trái phép, ép buộc học sinh học thêm, đuổi học tùy tiện cả trăm học sinh một năm, cắt phá hàng trăm đôi dép lê của học sinh, đánh đập học sinh…
Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội


-  Cuộc bầu cử Quốc hội năm nay, số ứng cử viên tự do tại Hà Nội và TP.HCM tăng cao hơn nhiều so với trước đây, trong đó xuất hiện nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng. Việc này nói lên điều gì, thưa ông?

Năm nay cả nước xuất hiện nhiều người tự ứng cử, theo tôi đó là 1 tín hiệu tốt, cho thấy người dân đã biết đến quyền lợi của mình, biết quan tâm đến chính trị, không thụ động như trước.

Có nhiều người ứng cử là những người giỏi hiểu biết về các lĩnh vực như văn học nghệ thuật, luật, giỏi làm giàu, lý luận sắc bén... không ngại va chạm, những người này ứng cử là điều tốt cho đất nước.

-  Hiện nay, thực tế đang có nhiều văn nghệ sĩ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Nhiều người lo lắng liệu Quốc hội có trở thành “phường chèo”?

Gọi Quốc hội là phường chèo, là một sự xúc phạm đến đất nước. Chúng ta cần nhớ Quốc hội là của nhân dân. Lá phiếu của người dân quyết định ai xứng đáng, ai không xứng đáng.

Bôi nhọ người ứng cử là hành vi xâm phạm luật pháp, cản trở quyền ứng cử, bầu cử. Tuy nhiên mỗi người tự ứng cử phải nâng cao trình độ kiến thức, tôn trọng dân chủ, hiểu biết và tôn trọng pháp luật.

-  Ông có thể dự đoán khả năng trúng cử của những văn nghệ sĩ, người nổi tiếng nêu trên?

Mặc dù có thể đoán trước là sẽ có rất ít người tự ứng cử sẽ trúng cử…vì tình hình hiện nay nó thế. Nhưng đừng sớm bỏ cuộc vì như thế là sẽ làm lãng phí thời gian công sức của bản thân, phụ sự quan tâm của lãnh đạo.

 

Có rất nhiều cá nhân giỏi, tâm huyết nhưng bận rộn hoặc vì lý do nào đó ở ngoài Đảng.
Thầy Đỗ Việt Khoa
 
-  Là người trong cuộc, bản thân ông có thấy rằng ở đâu đó những người ứng cử như ông vẫn bị bàn tán, chê bai, chỉ trích, thậm chí rất nặng lời?


Nhận thức trong xã hội Việt Nam còn nhiều tồn tại cho nên không tránh khỏi bị một số người dè bỉu chỉ trích.

Nhiều năm qua, Quốc hội có gần như 100% là đảng viên đã gây ra tâm lý chán nản, không muốn ứng cử của công dân. Tâm lý này, hiện nay đang thay đổi.

-  Tỷ lệ đảng viên quá lớn trong Quốc hội liệu có phải là một vấn đề không, thưa ông?

Tỉ lệ đảng viên trong Quốc hội gần 100% là quá lớn. Đảng viên chỉ có 3 triệu không thể đại diện hết cho 90 triệu người dân còn lại. Có rất nhiều cá nhân giỏi, tâm huyết nhưng bận rộn hoặc vì lý do nào đó ở ngoài Đảng. Vì vậy tôi mong muốn Quốc hội tăng tỉ lệ người ngoài Đảng lên.

-   Người dân phản ánh có trường hợp đại biểu cả khóa cũng không lần nào phát biểu. Là một cử tri, ông có thấy điều đó không?

Thời gian qua, tôi biết có một số đại biểu Quốc hội không để lại một dấu ấn nào, chẳng mấy ai nhớ mặt nhớ tên. Không phát biểu, không ý kiến không bàn bạc. Họ cứ đến ngồi họp rồi về cho hết nhiệm kỳ. Thật quá lãng phí. Can thiệp vào họ không dễ. Gặp họ cũng khó. Theo tôi những người ấy đừng ứng cử và cử tri không nên bầu.

-  Nếu trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội khóa 14, ông sẽ muốn làm những gì để đóng góp cho Quốc hội?

Nếu trúng cử, tôi sẽ làm mọi việc hữu ích trong khả năng của mình, để không phụ lá phiếu của cử tri.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn