Người đau đáu với lịch sử tư tưởng dân tộc

Chính trịThứ Năm, 23/12/2010 02:07:00 +07:00

(VTC News)- Nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám, Chủ tịch Uỷ ban giải thưởng Trần Văn Giàu cho biết trằn trọc nhiều đêm về di nguyện của cố GS Trần Văn Giàu.

(VTC News) – “Khi biết tin GS Trần Văn Giàu mất, tôi đã mất ngủ mấy đêm. Tôi trằn trọc vì mình chưa hoàn thành ý nguyện của GS về công trình lịch sử Nam Bộ”. Chủ tịch Uỷ ban giải thưởng Trần Văn Giàu, GS Tô Bửu Giám chia sẻ với VTC News tại lễ tang cố GS Trần Văn Giàu.

- Thưa, đến tiễn đưa người sáng lập giải thưởng Trần Văn Giàu mà ông là người đại diện, tâm trạng của ông thế nào?

- Kể từ khi biết tin GS mất (17h20 ngày 16/12), tôi đã mất ngủ mấy đêm. Tôi luôn nhớ đến hình ảnh cụ Sáu (tên gọi thân mật GS Trần Văn Giàu – PV), người sáng lập Giải thưởng Trần Văn Giàu với mục đích ghi nhận và tôn vinh các nhà nghiên cứu lịch sử Nam Bộ.

Kể từ khi được sáng lập năm 2002, đã qua 5 lần trao giải nhưng đến nay vẫn chưa có cá nhân hay tập thể nào được giải thưởng về đề tài lịch sử tư tưởng như mong ước cuối đời của GS Trần Văn Giàu.

Cách đây khá lâu, khi chúng tôi đến mừng sinh nhận GS, ông có chia sẻ về việc muốn tìm hiểu về lịch sử tư tưởng Việt Nam mà văn học chứa đựng nhiều tư liệu hữu ích. Khi nghiên cứu văn học, GS chú ý tư tưởng hơn những vấn đề khác.

Nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám, Chủ tịch Uỷ ban Giải thưởng Trần Văn Giàu đến viếng và chia buồn cùng tang quyến cố GS, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu (ảnh: VNE)  

Tôi rất buồn và trăn trở vì chưa thực hiện trọn vẹn những mong muốn cuối đời này của GS. Khi vào viếng GS, tôi đã viết trong sổ tang như thế này: “Ngày dạy sử, đêm viết sử, miệt mài đào tạo cán bộ sử, cả cuộc đời là một kho sử đẹp. Sống trong dân, học ở dân, suốt đời phục vụ nhân dân, giải thưởng cao nhất là luôn được dân yêu”.  GS được rất nhiều các giải thưởng, danh hiệu cao quý, nhưng giải thưởng quý nhất là GS luôn được dân yêu, dân tin tưởng. Đó là điều rất khó.

Tại tang lễ GS, chỉ mới ít giờ thôi mà người vào viếng rất đông. Thế mới thấy được rằng người dân TP và các tỉnh, thành lân cận quý trọng cố GS Trần Văn Giàu đến nhường nào.

- Nhiều năm gần gũi cố GS Trần Văn Giàu, đoạn hồi ức nào ông khó quên nhất?

- Qua hàng chục năm được gắn bó, được làm việc chung với cụ Sáu, tôi có rất nhiều kỉ niệm không thể quên được. Thế nhưng, có một điều tôi ấn tượng nhất là GS rất là thiết tha, trăn trở với sự nghiệp làm người Cộng sản chân chính.

Trong một lần được cùng GS dự một hội nghị quốc tế ở Hà Nội, tại đây có mặt rất nhiều các GS, TS nổi tiếng đến từ nước Nga. Đang trò chuyện, đột nhiên GS Giàu đứng lên chất vấn rằng tại sao Liên Xô (cũ) với hơn 20 triệu Đảng viên mà không giữ được Nhà nước Cộng sản XHCN. Lúc đó, các vị khách đến từ nước Nga tái mặt.

Điều đó chứng tỏ GS Giàu thẳng thắn và luôn quan tâm sự nghiệp làm người Cộng sản kiên trung. Tôi thấy rất đáng quí.

Trong công việc, GS luôn kiên quyết nhưng rất tinh ý, tình cảm. Cái nào làm không đúng ý là GS "chỉnh" ngay. Ông viết rất nhiều và viết rất đẹp, hiếm khi nào GS bảo ai viết hộ. Khi đã gần 100 tuổi, GS còn tự đặt cho mình yêu cầu mỗi ngày viết được 10 trang giấy. Đã nhiều lần chúng tôi thắc mắc thì ông bảo rằng muốn tự viết, thể hiện suy nghĩ của mình. Hầu như 150 tác phẩm của ông để lại đều là tự tay viết. Đó là một khối công trình đồ sộ, uyên bác cho lịch sử nước nhà.

- Ông có nhớ lần gặp gỡ gần đây nhất cố GS Trần Văn Giàu (như ông đã biết là người hoạt động không ngừng nghỉ) có dự định làm việc gì và di nguyện gì?

- Chỉ mới mấy tháng trước đây thôi, khi tôi và các thành viên Uỷ ban Giải thưởng vào thăm ông tại Bệnh  Thống Nhất, GS vẫn luôn trăn trở rằng phải làm sao cho thật nhiều, thật nhiều người hiểu và nhớ sử nước nhà, nhất là lịch sử tư tưởng.

Dù GS đã ra đi nhưng sự nghiệp và di sản của ông mãi tồn tại trong nền lịch sử và khoa học xã hội Việt Nam. Những thế hệ học trò sau này luôn giữ mãi trong tâm trí về hình ảnh một người Thầy mẫu mực, là tấm gương sáng để cho chúng tôi học tập, noi theo.

Quỹ Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu do cố GS sang lập với số kinh phí là 1.000 lượng vàng SJS – là tiền bán nhà của ông. Giải được trao ngày 6/9 hàng năm nhân ngày sinh nhật GS Trần Văn Giàu. Quỹ Giải thưởng Trần Văn Giàu gồm hai bộ phận. Một bộ phận được ủy ban giải thưởng gọi là quỹ gốc với số vốn cố định hình thành từ số vàng do GS Trần Văn Giàu tặng ban đầu (được gửi vào ngân hàng). Bộ phận khác gọi là quỹ dự trữ với số vốn lưu động hình thành từ tiền lãi tiết kiệm của quỹ gốc. Chính tiền lãi phát sinh từ quỹ gốc đã được trích để phát giải thưởng, nên số vàng 1.000 lượng (gửi ngân hàng) vẫn còn nguyên vẹn sau 5 lần phát giải.
 


Việt Dũng(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn