Người đánh đuổi tử thần trên cầu Chương Dương

Thời sựThứ Tư, 14/11/2012 11:58:00 +07:00

Đã từng cứu được rất nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng có lẽ lần cứu được cả người mẹ và đứa con gái khiến lòng anh thấy thanh thản nhất.

Lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cứu những con người có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tử, Thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội 1 CSGT, Công an Hà Nội) không bao giờ ngờ được rằng có một ngày anh được vinh danh “Công dân ưu tú của Thủ đô 2012”.

Không những thế, anh còn được cư dân mạng bình chọn là “Chiến sĩ CSGT được nhân dân yêu mến nhất”. Đó chính là phần thưởng cao quý nhất cho những cống hiến thầm lặng của anh.

‘‘Tiên ông” cứu sống nhiều người

Thượng tá Lê Đức Đoàn. 
Với những người làm báo như chúng tôi, ít người không biết đến Thượng tá Lê Đức Đoàn. Anh được nhân dân đặc biệt yêu mến với “chiến công” cứu người nhảy cầu Chương Dương tự tử. Thượng tá Đoàn bảo, mấy chục năm gắn bó với cây cầu này biết bao kỷ niệm buồn vui. Chẳng hiểu từ khi nào anh thấy nó đẹp đến thế, gắn bó với mình đến thế.

Cứ mỗi buổi sáng đến ca trực anh lại lững thững thả hồn mình trên những nhịp cầu đó. Rồi anh điểm mặt, nhớ từng người, từng vụ anh cứu họ thoát khỏi cái chết. Nhưng rồi những suy nghĩ đó, con người đó cứ lẫn vào nhau và anh chẳng nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu người có ý định quyên sinh.


Biết tin anh được vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô năm 2012, chúng tôi có ý định viết một bài báo. Trái với vẻ bề ngoài nghiêm nghị là một tâm hồn bình dị, chan hòa. Anh đồng ý cho chúng tôi gặp nhưng không quên kèm một câu: “Tôi có phá được những chuyên án ma túy lớn đâu, cũng chẳng bắt được những tên giang hồ cộm cán. Chỉ là giải cứu những con người “muốn chết” trở về với cuộc sống thôi mà”.

Trời nắng không quá gay gắt nhưng đủ để chiếc áo Thượng tá Đoàn đẫm mồ hôi trong giờ cao điểm tại cầu Chương Dương khi anh đang làm nhiệm vụ. Ở phía đầu cầu phía Nam quan sát anh làm việc, chúng tôi ngỡ ngàng nhận ra một chi tiết hết sức đặc biệt.

Thỉnh thoảng có người qua cầu còn giơ tay chào anh thân thiện. Chẳng phân biệt tuổi tác, có thanh niên tóc xanh tóc đỏ đi qua cũng vui vẻ nói to: “Con chào bố Đoàn”. Anh đáp lại bằng nụ cười hiền hậu nhưng rồi lại nhanh chóng tan biến cho nhiệm vụ phân làn, chỉ huy giao thông.


“Anh ấn tượng vụ nào nhất trong những lần giải cứu người nhảy cầu?” – vừa nhìn dòng nước chảy xiết dưới cây cầu cổ kính, tôi vừa hỏi anh. Thượng tá Đoàn trầm ngâm: “Những người nhảy cầu tự tử đều có hoàn cảnh vô cùng đáng thương và éo le. Vụ nào tôi cũng thấy thương và ám ảnh”.

Nói đến đây Thượng tá Đoàn như gặp chuyện buồn. Liên tiếp những câu chuyện éo le, những mảnh đời bất hạnh và cả những giây phút tuyệt vọng của những người nhảy cầu cứ thế hiện về trong anh. Có những cô gái còn tuổi đôi mươi chỉ vì giận người yêu cũng tìm đến cái chết.

Hay những người vợ hận chồng vì không chung thủy, hoặc làm ăn thua lỗ cũng tìm đến cái chết… Bí quyết duy nhất của người chiến sĩ CSGT này chỉ là ánh mắt và lời nói chân thành tự đáy lòng mình để khiến những người này từ bỏ ý định quyên sinh.

Thượng tá Lê Đức Đoàn kể lại sự việc khi tham gia giải cứu người nhảy cầu tự tử. 

Anh kể: “Năm 2011, chị Nguyễn Thị T. lấy chồng ở phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) muốn tìm đến cái chết vì không chịu được người chồng hay ghen vô cớ, gần như ngày nào cũng đánh đập hành hạ vợ. Cảm thấy cuộc sống quá bí bách, cùng cực, cô vợ đã quyết định tìm đến cầu Chương Dương tự tử. Khi tiếp cận được chị T. với ánh mắt cảm thông và lời nói chân tình, anh cùng đồng đội ngăn cản được ý định của chị T. Nhưng chị T. vẫn một mực đòi chết, anh em đều nản lòng, tưởng như đi vào ngõ cụt.

 

Tôi có phá được những chuyên án ma túy lớn đâu, cũng chẳng bắt được những tên giang hồ cộm cán. Chỉ là giải cứu những con người “muốn chết” trở về với cuộc sống thôi mà.
Thượng tá Lê Đức Đoàn
 
Thượng tá Đoàn nhanh trí lấy điện thoại của T. nhằm lấy số của chồng T. Chừng 20 phút, sau anh chồng xuất hiện. Thượng tá Đoàn nổi giận, túm cổ áo quát: “Mày là thằng đàn ông mà đối xử với vợ tệ bạc thế à? Hôm nay mà vợ mày nhảy xuống sông thì mày có còn vợ nữa không?”.

Sự bức xúc của Thượng tá Đoàn khiến người chồng thức tỉnh, anh ta ngồi phịch cạnh vợ và ôm vợ khóc như mưa. Rất nhanh chóng, người chồng cảm ơn anh Đoàn rồi đưa vợ về.

Kể đến đây, cặp mắt buồn buồn của anh như bừng sáng: “Từ đó vợ chồng T. thi thoảng có ghé thăm tôi. Mỗi lần về quê Nam Định còn mang đỗ, lạc, quà quê tặng tôi đấy. Bảo họ không phải khách sáo, nhưng họ nhất định phải “biếu bác Đoàn”. Đến cả ông bố chồng, lần nào qua cầu này cũng gọi “bác Đoàn”. Vui lắm!”.


Đã từng cứu được rất nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng có lẽ lần cứu được cả người mẹ và đứa con gái khiến lòng anh thấy thanh thản nhất. Vào chạng vạng tối 6/6/2012, anh cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ ở đầu cầu thì nghe tin báo có người định nhảy cầu tự tử.

Gần như thành nghiệp vụ, anh đã quá quen với những tình huống như thế. Anh vội nhảy lên xe gắn máy của một người đi đường. Đến gần giữa cầu, anh thấy một phụ nữ bế bé gái đang cố trèo qua lan can. Trong lúc hoảng loạn, bé gái cố bám chặt vào thành cầu và khóc nức nở.


Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, anh Đoàn vội vàng nhảy xuống ôm lấy cả 2 mẹ con. Nhưng người mẹ cố gạt anh ra và nói: “Tôi không muốn sống nữa. Hãy để cho tôi chết!”. Thượng tá Đoàn lấy hết sức giữ chặt, hét lớn: “Em muốn chết nhưng còn đứa con. Con em có tội tình gì đâu mà em nỡ thả nó xuống sông thế này?

Trong lúc cấp bách một đồng đội đến ứng cứu và đã kịp thời đưa 2 mẹ con vào phía trong cầu. Hỏi ra mới biết người đàn bà này quẫn trí chuyện gia đình, vì nợ nần chồng chất nên quyên sinh để thoát khỏi bể khổ. Nhưng trước những lời khuyên nhủ chân thành từ gan ruột của Thượng tá Đoàn, người phụ nữ ấy mới từ bỏ ý định tự tử.


Chiến đấu vì lý tưởng


Nhìn Thượng tá Đoàn, ít ai biết được anh là thương binh nặng, di chứng sau lần bắt cướp dũng cảm trong đêm. Đó là ngày anh được phân công tăng cường lên huyện Sóc Sơn làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đang di chuyển trên quốc lộ 3, anh nghe tiếng hô “cướp!”. Một toán thanh niên khoảng chục tên đang uy hiếp cướp xe gắn máy của một phụ nữ.

Dù bọn côn đồ rất đông lại có hung khí trong tay nhưng anh vẫn chạy đến xử lý. Trong lúc cùng đường, gặp phải Cảnh sát, bọn cướp hết sức manh động và tàn bạo. Chúng dùng tuýp sắt đánh vào đầu, vỡ xương trán, giập mũi khiến anh phải nằm viện 3 tháng. Vui vẻ anh kể lại: “Mặc dù bị thương khá nặng nhưng vẫn thấy vui vì đã được quần chúng nhân dân trợ giúp. Lấy lại được tài sản cho người bị hại và bắt được 2 tên trong vụ đó.


Vào ngày 30/4/2011, khi nghe tiếng hô thất thanh anh Đoàn phát hiện một nam thanh niên đang phóng xe gắn máy rất nhanh trên cầu để tẩu thoát. Nhanh trí, anh lệnh cho tất cả các xe dừng lại. Khi các phương tiện dừng kín cầu chặn đường, tên cướp là Nguyễn Thế Anh (37 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai) đành phải bỏ xe chạy.

Nhưng ngay sau đó bị anh Đoàn đuổi. Khi tiếp cận đối tượng, tên này dùng bình xịt hơi cay chống trả nhưng Thượng tá Đoàn vẫn cương quyết lao vào quật ngã và khóa tay tên cướp thành công. Với người chiến sĩ cảnh sát già thì hoàn thành nhiệm vụ là việc quan trọng nhất. Việc giúp được nhân dân, mang lại nụ cười cho nhân dân là là niềm hạnh phúc, phần thưởng lớn lao nhất trong cuộc đời mình. “Cuộc đời tôi luôn chiến đấu vì lý tưởng và lợi ích của nhân dân”- Anh Đoàn chia sẻ.


35 năm công tác trong lực lượng Công an, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn là một chiến sĩ nghèo theo đúng nghĩa đen. Thế nhưng anh nhận được nhiều lời khen ngợi của nhân dân và phần thưởng của Công an, UBND thành phố Hà Nội. 

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết thi đua khối Nội chính Trung ương (3/2012), anh cũng được khen thưởng, biểu dương. Điều đặc biệt ấn tượng là các “cư dân mạng” đã lập cả “Hội những người hâm mộ Thượng tá Lê Đức Đoàn”, hằng ngày có rất nhiều người chia sẻ, bày tỏ cảm xúc và chúc sức khỏe, mong “Tiên ông CSGT” luôn sống đẹp để làm gương cho các bạn trẻ.


Anh cởi mở: “Trong cuộc sống không nên nghĩ rằng “ôm rơm rặm bụng”. Mình làm gương, làm phúc trước hết là để phúc đức cho con, vì con trẻ sẽ theo gương mẹ cha mà phấn đấu. Cậu con lớn nhà mình giờ đã là Trung úy Cảnh sát, làm việc rất tốt. Cô con gái đang là sinh viên Học viện Ngoại giao.

Cả hai đứa luôn là niềm tự hào của vợ chồng mình vì tính tình ngoan ngoãn, học giỏi, ăn nói lễ phép. Sống có lý tưởng, có một gia đình hạnh phúc, chẳng phải tôi là người may mắn nhất thế gian này hay sao!”

Theo Cảnh sát toàn cầu

Bình luận
vtcnews.vn