Người đàn ông buộc phải “chết đuối” suốt 60 năm!

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 29/09/2010 06:00:00 +07:00

Lần lượt xóm làng loan tin một người bị quan Tây giết, một người bị sét đánh, người đánh cá sảy chân bị dòng nước cuốn đi, mất xác…

Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Một ngày tháng tám, miền đồi núi mượt mà, tĩnh lặng, bỗng xôn xao tin lạ. Người từ các nương chè uốn lượn như sóng xanh đổ ra, người từ các triền núi thắm tụt dốc xuống, người dưới đáy thung sâu thấp thểnh trèo lên. Họ đi xem ông Hoàng Văn Phẩm, 92 tuổi cùng 2 người con bạc đầu đến từ miền biên viễn của đất nước Lào xa xôi… cứ thế lạy nhau.


Kì 1: Những ngày buộc dây vào bụng, ngủ trên cây để chạy... cọp

Ông Phẩm tóc trắng đứng bên hiên căn nhà gỗ chân đồi, ông thảng thốt như người mộng du; hai người con quỳ đầu bạc từ ngoài cổng, tiếng khóc rầm rĩ, họ lết bằng hai đầu gối tiến về phía ông bố già mà chưa bao giờ họ nhìn thấy hoặc có thể mường tượng ra gương mặt. Họ đi bằng đầu gối, họ khóc rồi nói bằng thứ tiếng lạ hoắc. Bố của họ đã “bước xuống” trần gian nước Việt sau 60 năm ngồi trên ban thờ xếp toàn xương thú, lông chim quệt máu khô và một cánh nỏ vạm vỡ bên xứ Lào.

Họ cứ khóc ròng. Khi đoàn người hiếu kì đã tản đi, có người gạt nước mắt xúc cảm với cuộc trùng phùng như là mộng mị nọ, thì ông Phẩm mới phiên dịch tiếng của các đứa con người Lào đó cho đàn con Việt Nam của mình và xóm mạc nghe: Họ bảo, “ôi, bố còn sống ư” và ông cũng bảo, “thế là các con vẫn chưa chết cả ư? Mẹ Te còn sống không?”. Chỉ mấy cái từ giống nhau đó, họ cứ khóc và nói đi nói lại suốt cả tiếng đồng hồ, nước mắt cứ lã chã, không ai buồn lau đi.

Vậy mà đúng 60 năm qua, kể từ ngày bố Phẩm buộc phải biến mất khỏi biên giới tỉnh Luang Nậm Thà - Lào (vì nhiệm vụ tuyệt mật, không thể cho gia đình biết là ông còn sống), gia đình và bản làng đã lập ban thờ, xót xa tưởng nhớ “nhà cách mạng Việt Nam” bao năm sống tình nghĩa, hòa nhập đến từng miếng ăn giấc ngủ với bà con.

Ông Hoàng Văn Phẩm kể chuyện đánh giặc, giúp dân bên Lào hồi chống Pháp gian nan. 

Nhận thấy đây là một câu chuyện cảm động, ý nghĩa, nó là một phần của lịch sử, nó mang “vóc dáng” của cả nhiều cộng đồng người trong một giai đoạn lịch sử không thể nào quên, nó giúp ta nhìn rõ hơn về bức chân dung tuyệt đẹp và cũng tuyệt kì thú của người chiến binh Việt Hoàng Văn Phẩm (và nhiều đồng đội của ông) đã tình nguyện, cam khổ và quật cường làm nhiệm vụ cách mạng bên nước bạn Lào ra sao, PV đã đi nhiều nghìn cây số từ Việt Nam sang Luang Nậm Thà, một tỉnh biên giới cực Bắc của Lào để tìm hiểu và cũng là để giúp cho đại gia đình ông Phẩm ở Việt Nam và đàn con cháu hơn 30 người của chính ông ở Lào có thể gặp được nhau, hiểu nhau nhiều hơn.

Sinh năm 1918, tại Thái Bình, qua cái ngưỡng 90 tuổi được 2 năm, ông Hoàng Văn Phẩm vẫn còn minh mẫn lắm. Cuộc đời ông bôn ba đến mức chính ông cũng phải ngạc nhiên, chuyện đời ông, bây giờ có kể lại thì chính con cháu ông cũng chẳng thể tin nổi! Sau nhiều năm hoạt động trong các cánh rừng Bắc Lào, Nam Trung Quốc, Tây Bắc Việt Nam, ông Phẩm bị giặc Pháp và tay sai truy đuổi phải trốn khỏi tỉnh Luang Nậm Thà của Lào dưới vỏ bọc đi kiếm cá bị… chết đuối.

Ông được tổ chức điều sang Trung Quốc hoạt động, rồi trở về tham gia đánh Điện Biên Phủ (năm 1954). Vì thông thạo tới 10 thứ tiếng của các dân tộc 3 nước kể trên nên ông Phẩm liên tục phải đi làm nhiệm vụ, có khi là cầm súng đánh giặc, có khi là phiên dịch “cài cắm” giúp đồng chí của ta có thể hoạt động tốt hơn. Trong căn nhà đỏ rực huân huy chương hôm nay, ông Phẩm cứ ngồi bần thần, một tay ông rê dọc các khuỷu tay còn lại của mình, ở đó lỗ chỗ, nhấp nhô chi chít các mảnh đạn pháo.

Sự giác ngộ của người lính “viễn chinh”

Phải đi nhiều nghìn cây số đường “rừng núi toàn tòng” từ Sơn La, lên Điện Biên (Việt Nam); đi dọc các tỉnh của Lào như Phông Sa Lỳ, Udomsay, Hủa Phăn, Luang Pra Băng (Lào), chúng tôi mới đặt chân lên đến khu bản làng thanh bình mà hẻo lánh của Luang Nậm Thà ấy. Là một tỉnh rộng lớn nhất nhưng cũng nghèo khó và xa xôi bậc nhất của Lào, song, giống như nhiều tỉnh khác của bạn, Luang Nậm Thà vẫn có sân bay dân dụng khá hiện đại.

Bà Te, người vợ Lào đã sinh ra 3 đứa con mang hai dòng máu Việt - Lào cùng ông Hoàng Văn Phẩm. 

Nhà của vợ và đàn con ông Phẩm ở cách sân bay có vài cây số, nhưng nó đích thực là một vùng heo hút, giữa rừng, bên bờ con suối Tùng Khoa không có cầu bắc qua, nhà sàn đìu hiu nép giữa hoang vu, giữa rừng dừa tiêu điều như miền Tây Nam Bộ ở ta.

Cả tỉnh xa xôi này chỉ có 15 hộ gia đình người gốc Việt sinh sống, số người biết nói tiếng Anh hoặc tiếng Việt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết cha mẹ ông bà họ lưu lạc sang đây từ thời thuộc Pháp. Với cộng đồng này, ông Hoàng Văn Phẩm (với bí danh Xít A khi hoạt động) là một người anh hùng thật sự. Những người già ngồi kể về ông Phẩm; đàn con mang hai dòng máu Việt - Lào của ông Phẩm ngồi kể về cha mình, tự sự của ông Phẩm với tôi… - tất cả đã dựng lên chân dung một cuộc đời nổi chìm, vật lộn, kiêu hùng, trượng nghĩa đến khó tin.

Khoảng đầu những năm 1940, ông Phẩm cùng đoàn binh của mình “Tây Tiến” sang Lào làm nhiệm vụ cho… giặc Pháp. Thời bấy giờ, trai tráng ở Việt Nam ta nằm trong tay bọn Thực dân đô hộ, chúng mở đường Quốc lộ 6 hôm nay (bấy giờ gọi là đường Sanh Pu Lop, mang tên người chỉ huy khai sơn phá thạch; hoặc còn gọi là Đường Bốn Mốt, vì nó được khánh thành vào năm 1941) suốt mười mấy năm ròng, roi cặc bò và súng lớn đã được dùng để đánh thúc người phu Việt nai lưng ra trọi tay trần với thiên thu đá núi. Hàng vạn người làm phu, cũng có hàng trăm người bị tóm đi lính mang sang chiến đấu ở đất Lào.

Tự giác ngộ rồi được tổ chức giác ngộ, Hoàng Văn Phẩm và động đội đã đứng về phía những người bị thống khổ dưới sự giày xéo của xâm lăng, họ quay súng đánh trả giặc Pháp và tay sai. Họ hoạt động trong các cánh rừng rậm và hoang đến rợn người của nước bạn. Họ đánh giặc, giúp dân làm ruộng, thậm chí tổ chức còn động viên họ lấy vợ người Lào để có điều kiện cắm rễ sâu hơn, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng.

Người đàn ông buộc phải “chết đuối” suốt 60 năm!

Trong những ngày trứng nước ấy, nỗi thống khổ của những người gieo mầm cho tinh thần vệ quốc giữa núi rừng Luang Nậm Thà thật khổ cực. Ông Phẩm kể: “Chúng tôi giúp bà con phát rừng làm nương để chống đói. Mỗi người giắt lưng một con dao, xông vào gai góc rừng rậm mà chặt, phát, đốt, trỉa (gieo hạt); đến lúc con dao mòn vẹt, cong như… vành trăng khuyết vẫn còn say sưa làm. Tối mỗi ngày đi làm cật lực về, chỉ có cơm nếp ăn với muối thôi. Có hôm, ông Ớp (một đồng đội của ông Phẩm) ông ấy đập mái gianh bắt được mấy con chuột con đỏ hỏn, đem vào nướng, ăn với mấy cái ngọn cây thành ngạnh (lá chua), thế là có một bữa ngon.

Trên tạo điều kiện cho các thanh niên ưu tú của mình lấy vợ ở bản Tùng Khoa và các bản bên cạnh, để cắm rễ sâu hơn vào vùng biên cương Lào đang bị sự nô dịch của giặc Pháp và tay sai. Chúng tôi đi hoạt động, súng ống có đủ đâu, có vài khẩu cũ gỉ. Quả lựu đạn của mình, có khi ném ra nó rơi bịch như hòn đá suối, không nổ. Súng cũ cướp được của giặc, đeo suốt ngày suốt đêm ở lưng bằng dây da, vì giặc có thể tấn công bất cứ lúc nào, đi trong rừng gặp ác thú bất cứ ở gốc cây hay tán lá nào.

Nhiều hôm, ngồi nghỉ, vạch dây lưng ra, rận bò lổm ngổm. Có khi, đang đi rừng gặp con nai nó vểnh tai lên chào mình. Có bữa thì gặp hổ, đành vác nứa nhọn hoắt mà đứng im, đứng tim đấy, nhưng mồm vẫn lẩm nhẩm mày vồ tao thì tao liều chết với mày, tao có súng. Ông Ba Mươi gằm ghè bỏ đi, nhưng đêm ấy chúng tôi sợ mất mật. Vẫn thường phải leo lên ngọn cây to ít nhất gốc to bằng cái thùng gánh nước để hổ không “tát” đổ được, lấy dây leo buộc ngang bụng mình rồi mới dám ngủ. Kẻo rơi xuống thì “nanh khái (hổ) ngà voi” nó giết. Sáng ra, lăm lăm súng, bò vào ruộng bí đỏ của bà con, kiếm mấy quả ăn chống đói. Có khi chạy vào bản Khơ Mú, mình biết tiếng, dặn bà con là nếu Tây và lính dõng nó đến, bảo là không có ai đến đây cả, rồi mình đánh lạc hướng vào rừng lẩn trốn. Khổ trăm bề!”.

Thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng, khi về bản lại bình thường là ông chồng của một bà vợ người Lào có một đàn con sống tại Tùng Khoa. Bên dòng suối thơ mộng, người đàn ông biết tới 10 thứ tiếng các cộng đồng người giáp biên giới 3 quốc gia ấy đã có một tình yêu đẹp, những đứa con xinh xẻo, một gia đình hạnh phúc. Biết bao hy sinh.

“Có khi, súng nổ đì đoàng, thế là người của mình lại chết vài người, đau lắm. Súng và lựu đạn của mình vẫn thường “xịt”, mình cũng không dám ra mặt bắn nhau. Nhưng rồi chúng nó cũng đoán được sự hoạt động của tôi. Quan địa phương nó bảo: Mày đi đâu phải báo với quan, nếu không thì tao chặt đầu mày, chặt đầu cả vợ và các con của mày. Khi chúng tôi rút vào trong rừng hoạt động, chúng cho cả một trung đội lính dõng bao vây, súng của nó nổ rền như băng pháo đùng, tương quan lực lượng “xa vời” nhau như thế, quá nhiều người đã anh dũng hi sinh….”.

Tình hình căng đến mức, ông Phẩm và các người đồng chí bèn phải dứt ruột ra đi. Họ không đem theo vợ trẻ và đàn con thơ chạy trốn được. Cũng không thể cho gia đình biết hành tung của mình được. Phải có một cuộc ra đi vĩnh quyết thật sự thì mới mong tuyệt đối bí mật được, không ngoại trừ phải cắn răng trước cả đòn roi độc ác của kẻ thù. Phải để cho cả gia đình và bản làng tin chắc là các người đồng chí kia hoặc đã hi sinh trong chiến đấu, hoặc đã chết đuối ngoài suối Tùng Khoa nước lớn khi đi đánh cá rồi, thì may ra những người thân thiết ở lại mới được toàn tính mạng. Phải như thế, người dứt áo ra đi mới có thể yên lòng vì nghĩa lớn.

Tối hôm đó, chừng 22 giờ (trùng với giờ Việt Nam), 5 người đàn ông rời bản Tùng Khoa nói với gia đình là đi đánh cá đêm. Vì đêm nay, mưa to, nước lớn, cá ếch rất nhiều. Họ bí mật chuẩn bị mỗi người 2 hộp sữa, một bi đông nước, một cái đèn pin và 3 đôi pin dự trữ. Lần lượt xóm làng loan tin một người bị quan Tây giết, một người bị sét đánh, người đánh cá sảy chân thiệt mạng, mất xác.

Bọn “Ưng Khuyển” địa phương không hạch sách, tìm giết những người “nghi là phản động” nữa. Ngay tại Bắc Lào, họ đã nhanh chóng lập chiến công, khi tổ chức bà con đánh chiếm, bắt tỉnh trưởng Phông Sa Lỳ thời Thuộc Pháp. Họ đốt phá, “quan tỉnh” người Tây bằng dây bao bạt, đặt “tù binh” gục gù trên lưng ngựa, đem ra cho bà con “tố” tội ác của chúng.

“Chúng tôi đốt lửa cho bà con xem mặt “quan Tây”, xem tội ác bao nhiều năm đè nặng lên dân chúng là từ lũ thực dân này đấy. Bà con sờ lên vạt áo chúng tôi khâm phục, “các ngài bé gầy thế này, thế mà đánh được thằng Tây à, nó có súng lớn lắm, nó to lớn lại cưỡi trên tàu bay cơ mà. Tôi nhớ mãi nhiều hạnh phúc của ông đội trưởng tên là Quý (người Sơn La), của ông Ngô Trung, một đồng đội dũng cảm của tôi khi ấy. Sau bao ngày tháng sống bên bờ vực của cái chết, chúng tôi đã nhìn thấy được chiến thắng, giữa ngọn lửa bập bùng, kẻ ác mắt xanh mũi lõ bị trói trật cánh khuỷu”.

TheoPhạm Thị Thảo GiangTTTĐ

Bình luận
vtcnews.vn