Người dân cấp cứu cho nam thanh niên ngất vì đói

Sức khỏeThứ Ba, 30/10/2012 01:00:00 +07:00

(VTC News) – Cậu thanh niên đang đi, bỗng quỵ gối và nằm giữa đường vì đói. Mọi người xúm vào đỡ cậu, người đút bánh, người pha nước đường cho uống.

(VTC News) – Cậu thanh niên đang đi, bỗng quỵ gối và nằm giữa đường vì đói. Mọi người xúm vào đỡ cậu, người đút bánh, người pha nước đường cho uống.

Nam thanh niên ngất xỉu vì đói

Trên đường Thái Thịnh 1, Hà Nội, xuất hiện cậu thanh niên gy gò, mặt giơ xương, chân tay bé tí dù cậu cao trên 1,7m. Đang lê bước đi, tự dưng cậu ngã xuống đất. Chiếc ba lô to đùng đè lên lưng cậu. Mọi người xung quanh thấy vậy tưởng cậu bị động kinh.

Thanh niên ngất vì đói được người dân cho ăn bánh. 

Anh Nguyễn Tất Hiếu, một người dân ở ngõ Thái Thịnh 1 cho biết: Tôi đang đi qua thì thấy cậu ấy ngã, tưởng bị động kinh vì thấy tay co quắp. Lại gần, hóa ra tay bên phải bị liệt, teo lại, có sẹo.

Cậu thanh niên được dìu vào ngồi bên lề đường, lưng dựa vào tường. Chiếc quần bò trên người cũ mèm, có chỗ rách. Chiếc áo sơ mi bạc màu. Gương mặt cậu quá gầy vì đói, bụng lép kẹp. Mắt vẫn còn lờ đờ.

Mỗi người một tay, một chân, người thì chạy đi mua bánh đút cho cậu ăn, người vội vàng đi pha nước đường cho cậu uống.

Tay Phong bị liệt khi cậu 7 tuổi vì điện giật. 

Anh Hiếu, chính là người đỡ cậu thanh niên vào và đút cho cậu ăn bánh. Một lúc sau, hồi tỉnh dần với bánh và cốc nước đường, cậu bắt đầu kể câu chuyện của mình.

Cậu tên là Tống Văn Phong, sinh năm 1985 (địa chỉ đội 2, xã Nghĩa Minh, Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, có bố là Tuấn, mẹ là Bình).

Khi sinh ra, Phong lành lặn như bao đứa trẻ khác. Học đến năm lớp 2, vì trèo lên cột điện cao thế bắt chim nên Phong bị điện giật. Hậu quả là tay phải  của em bị liệt, co quắp, phải phẫu thuật. Dù Phong bảo mình hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không biết có phải do cậu quá đói và mệt không mà giọng nói không tròn tiếng.

Phong kể, nhà em có 3 chị em, Phong là út. Ở nhà, em đi cuốc đất làm rau màu cho bố mẹ. Sau lần bị giật đó, Phong không đi học nữa mà ở nhà.

Cho tiền Phong, mỗi người một ít. 

Phong bảo: “Bố mẹ em không bắt em đi làm nhưng em không muốn trở thành kẻ ăn bám. Bố mẹ giờ đã ngoài 50 tuổi cả rồi. Ở nhà, hàng xóm chỉ vì bức tường mà cứ bắt nạt mẹ em. Em muốn ra Hà Nội làm bảo vệ hoặc bưng bê để có tiền về giúp gia đình. Vậy mà tìm mãi không được. Họ thấy em tàn tật nên không ai nhận cả”.

Cách đây tuần lễ, Phong bắt xe khách lên Hà Nội để tìm việc. Khi xuống bến xe Giáp Bát, Phong bị móc túi. Trong ba lô mang theo hơn 500 ngàn đồng bị móc sạch. Tiền đó dự tính để Phong chi phí ăn ở khi xuống Hà Nội nhưng rồi trắng tay. Phong lang thang đi xin việc rồi về bến xe ngủ.

Đút bánh, cho tiền: Lòng nhân ái tràn đầy

Tỉnh lại sau khi được ăn bánh, uống nước đường 
Mất tiền, không kiếm được việc Phong phải nhịn đói. Em lang thang khắp nơi. Khi được hỏi:  Tại sao không đi xin? Phong bảo: “Em không muốn xin ai, em ngượng lắm”.

Những người chứng kiến câu chuyện của Phong không khỏi xúc động. Anh Nguyễn Tất Hiếu nói: “Nhìn cậu ta khổ quá, người gầy như bộ xương. Tôi cho cậu ấy ăn để có sức đi tiếp”.

Còn bà Nguyễn Thị Nhạ, người dân ở gần đó thấy vậy liền chạy ra, bà chia sẻ: “Khổ thân nó quá, có ai ủng hộ thì ủng hộ đây này. Người thực việc thực. Nó đói quá, ngất giữa đường”. Bà Nhạ rút 50 ngàn đồng đưa cho Phong.

Có mặt tại đó, phóng viên chứng kiến cảnh mọi người cho tiền Phong, dù không nhiều, người 20 ngàn, 10 ngàn, 5 ngàn, thậm chí 2 ngàn đồng. Nhưng ai cũng ngậm ngùi thương cậu.

Chắp tay cảm ơn tấm lòng nhân ái của người dân. 
Chị Hương, số nhà 101 Thái Thịnh 1, chứng kiến Phong ngã liền vội vàng đi pha nước đường cho cậu uống. Chị Hương nói: “Thấy nó gục, biết ngay là đói, nên tôi vội vàng pha nước đường. Uống vào sẽ tỉnh nhanh. Nó bảo nó nhịn ăn 3 ngày nay rồi”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết hỏi: “Con có ăn cơm không, bà về lấy cơm cho con ăn nhé?”. Nhưng giờ, Phong không ăn được gì. Mọi người chạy đi, người mua bịch sữa, túi bánh, ai có gì mang ra cho Phong. Bà Tuyết còn hỏi Phong có muốn đến trung tâm Vì ngày mai tươi sáng của người khuyết tật không, bà đưa đi.

Anh Hiếu, người dân ở Thái Thịnh 1 về lấy xe và chở Phong ra ga để về quê. 
Nhưng Phong lắc đầu, cậu bảo: “Cháu sợ lắm rồi, cháu muốn về với bố mẹ. Cháu muốn ra ga để về quê.  Bà Tuyết gom số tiền mọi người ủng hộ được gần 400 ngàn đồng. Bà để riêng 70 ngàn đồng cho cậu đi xe khách, số còn lại cất vào túi cho Phong.

Khi Phong đã hồi sức, anh Hiếu liền về lấy xe, chở Phong ra bến xe.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin thêm về cậu thanh niên và tình huống ngất xỉu hi hữu này.




Bài, ảnh: Nguyễn  Tâm

Bình luận
vtcnews.vn