Người đàn bà khóc voi Khăm Bun

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 30/08/2010 12:11:00 +07:00

Dù câu chuyện về cái chết của chú voi Khăm Bun đáng thương đã tạm lắng lại, song với chị Thanh Hà, những giọt nước mắt xót xa vẫn còn mãi lăn dài.

Dù câu chuyện về cái chết của chú voi Khăm Bun đáng thương đã tạm lắng lại, song với chị Thanh Hà - người phụ nữ Hà Nội nhận mình là mẹ voi Khăm Bun, những giọt nước mắt xót xa vẫn còn mãi lăn dài.


Ngồi kể chuyện Khăm Bun mà đôi mắt người "mẹ" voi ầng ậng nước. Đó không chỉ là những giọt nước mắt xót đau cho cái chết của Khăm Bun, mà còn là những giọt đắng cay dành cho những ngày sống oan nghiệt của chú voi con sáu tuổi đáng thương.

Khăm Bun ngày mới ra Hà Nội. 

Chị nghẹn ngào chia sẻ: “Nước mắt tôi khóc Bun vẫn chảy từ lâu rồi, từ những lần hàng ngày đến chăm Bun thấy Bun khổ quá! Đáng lẽ Bun không phải chết tức tưởi như vậy!”.

“Khăm Bun chết oan ức quá!”

Trong suốt cuộc trò chuyện với Dân Việt, chị Hà nhiều lần khẳng định: Nếu như Khăm Bun được chữa chạy nghiêm túc chu đáo ngay từ lúc ở Tây Nguyên ra và được nuôi nấng sạch sẽ đảm bảo, chắc chắn đã không phải chịu hậu quả như thế này.

Là người đã gắn bó với Khăm Bun từ những ngày đầu khi chú voi con được đưa ra Hà Nội, chị Hà cho biết lúc đó vết thương do trúng bẫy thợ săn ở chân Khăm Bun chưa nặng, tuy đã bị lên mủ nhưng không nhiều. “Mặc dù bị thương nhưng Bun vẫn là con voi khỏe mạnh!”.

Từ Tây Nguyên ra, Khăm Bun được gửi ở Công viên Thủ Lệ do khi đó khu nuôi thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cải tạo. Ở đó gần một năm, Khăm Bun không may bị xích đúng tại chỗ trũng, hứng nước tiểu của cả ba con voi lớn chảy về. Do điều kiện vệ sinh kém kết hợp với việc chữa trị còn sơ sài nên vết thương của Khăm Bun không được cải thiện.
Khăm Bun được đeo “bao chân tẩm thuốc”. 

Kể cả sau đó khi được đưa về Liên đoàn Xiếc Việt Nam, bệnh tình của Khăm Bun cũng không khá lên. Và ngày 17-5-2009, Khăm Bun đã phải lên “bàn mổ” sau nhiều lần hội chẩn. Lúc đó, tình trạng bệnh của Khăm Bun được nhận định là “vết thương ở phần mềm và chưa ăn vào xương”.

Các bác sĩ khi đó đã tiến hành loại bỏ các tế bào hoại tử, các dịch viêm, đồng thời sát trùng bên trong và rửa sạch vết thương cho Khăm Bun. Tất cả đều hy vọng vào công đoạn hậu phẫu – nếu giữ được vết thương sạch thì chân voi sẽ nhanh chóng phục hồi…

Vậy mà chỉ hơn một năm sau, bệnh tình của Khăm Bun càng trở nên trầm trọng. Giọng chị Hà run run khi tả về những hình ảnh cuối cùng của chú voi đáng thương.

“Khăm Bun chết oan ức quá! Còn đâu hình ảnh một chú voi con xinh xắn đáng yêu với chiếc đầu tròn tròn, vai nở, lưng cong và đôi mắt sáng đẹp vô cùng".

Khăm Bun của những ngày cuối cùng da đen sạm, chiếc chân bên trái bị thương phù to bất thường, mủ chảy ròng ròng, chiếc chân bên phải cũng bị cứng khớp bất động do bị xích cố định lâu ngày bằng một chiếc xích luôn cột chặt vào chân. Từ vết thương ngoài da ngày nào, Khăm Bun đã chết với tình trạng bị hoại tử từ bàn chân lên đến khớp vai.
Khăm Bun chết mắt vẫn mở trừng trừng. 

Những ước mơ chưa thành

Không lúc nào thôi đau đáu tìm cách chữa bệnh cho “thằng Bun bé con” của mình, "mẹ" voi đã từng tìm cách xin cho Khăm Bun được đưa trở về với rừng đại ngàn Tây Nguyên – nơi có những phương thuốc dân gian có thể chữa được vết thương cho voi. Khăm Bun có thể được dẫn vào rừng dẫm chân lên tổ mối, có thể được ngâm chân dưới dòng sông Serepôk nước chảy xiết giúp vết thương được tự động rửa sạch.

Chị Hà cũng đã từng đặt vấn đề với Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ năm ngoái, rằng chị tự nguyện hợp tác kinh phí để đưa Khăm Bun đi chữa trị bên Thái Lan. Phương tiện đưa Khăm Bun đi và thủ tục qua cửa khẩu cũng đã nhờ được người lo cho sẵn sàng… nhưng mọi chuyện cũng chỉ dừng ở đó.
"Mẹ thương Bun bé bỏng của mẹ lắm!". 

Qua nhiều lần đến Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn để thăm những con hổ gặp nạn được tiếp nhận về đây, chị Hà không khỏi ước mơ “giá mà Bun được sống và chữa trị trong một môi trường sạch sẽ, thoáng mát như thế này”.

Như một người mẹ thương con lúc nào cũng chỉ mong con mình có được một nơi yên ấm, chị cứ nắc nỏm: “Nơi đó rộng rãi, có khuôn viên đẹp đẽ trong lành, các bác sĩ thì yêu nghề, yêu các con thú lắm!”…
"Mẹ" đến mà không gặp được Khăm Bun nữa rồi! (Ảnh chụp ngay sau ngày Khăm Bun chết). 

Bây giờ Khăm Bun chết rồi, "mẹ" voi tâm sự rằng chị chỉ có một mong muốn là đối với động vật hoang dã, đặc biệt là đối với những con thú bị thương hay còn nhỏ, chúng nên được đưa đến một trung tâm cứu hộ để chăm sóc chạy chữa cho đến khi bình phục hoặc trưởng thành “khỏe mạnh bình thường rồi hẵng đi đâu thì đi”…

Nói đến đây, nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt người phụ nữ có trái tim đầy nhân hậu. Chị chỉ biết cất giọng nghẹn ngào: “Tôi thương động vật hoang dã bởi chúng nó không biết nói, không biết than, không biết kêu cứu. Như Bun chỉ biết khóc thôi! Nước mắt Bun rơi tôi còn lấy tay hứng…”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà thường được gọi là “Hà Voi”, 56 tuổi, ở Mai Động, Hà Nội. Lần đầu tiên chị Hà biết đến Khăm Bun và dành tình cảm cho chú voi con này là vào tháng 6-2007 - khi xem trên VTV1 bộ phim tài liệu “Ký sự Đăk Lăk” của đạo diễn Trần Tuấn Hiệp có chú voi con bị thương, bị xiềng xích.

Đến tháng 7-2007, khi Khăm Bun được đưa ra Hà Nội, chị Hà đã tình nguyện đến chăm sóc và tự bỏ tiền túi mua thức ăn mang đến cho Khăm Bun hàng ngày.

Đặc biệt, chính chị Nguyễn Thị Thanh Hà là người đã phát đi lá đơn “kêu cứu khẩn cấp cho chú voi con” góp phần khiến cho dư luận và những người liên quan khẩn trương vào cuộc trong sự kiện mổ chân cho Khăm Bun vào tháng 5-2009.



Theo
Khánh Linh (Danviet)

 Mỗi người VN đều tự hào khi GS Ngô Bảo Châu đoạt giải "Nobel toán học". Hãy viết vào ô thảo luận cuối bài để:
 
- Hiến kế làm sao để Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa.

- Hiến cách để cùng GS Ngô Bảo Châu tạo lập, phát triển hiệu quả Quỹ Khuyến học NBC mà ông dự định thành lập.

- Bàn luận về khát vọng Việt Nam, làm sao để chúng ta vươn lên đứng đầu trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật trên thế giới.

Bình luận
vtcnews.vn