Người chỉ huy bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên ở Ninh Bình

Tổng hợpThứ Năm, 16/12/2010 09:50:00 +07:00

Gặp người chính trị viên trực tiếp phất cờ chỉ huy bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời tỉnh Ninh Bình 45 năm trước.

Một ngày đầu tháng 10-2010, Câu lạc bộ Cựu chiến binh xã Tam Phước (Biên Hòa, Đồng Nai) tổ chức gặp mặt truyền thống. Trong buổi họp mặt thân tình ấy, chúng tôi đã gặp người chính trị viên trực tiếp phất cờ chỉ huy bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời tỉnh Ninh Bình 45 năm trước. Ông là Thiếu tá, cựu chiến binh Nguyễn Minh Hiểu, năm nay đã tuổi bát tuần.

Chiến công đầu trên bầu trời Ninh Bình

 

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8-1964), đế quốc Mỹ tăng cường các hoạt động đánh phá miền Bắc. Chúng cho máy bay nhiều lần ném bom oanh tạc các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… Đầu tháng 9-1965, Đại đội 2 thuộc Trung đoàn 230 pháo cao xạ 57mm, Sư đoàn 367 (Quân chủng Phòng không-Không quân) được lệnh cơ động từ Hà Đông về phối hợp với bộ đội địa phương bảo vệ bầu trời tỉnh Ninh Bình. Trung úy Nguyễn Minh Hiểu, khi ấy là chính trị viên đại đội cùng Thiếu úy Nguyễn Văn Hiên, đại đội trưởng chỉ huy đơn vị tức tốc hành quân về Ninh Bình triển khai trận địa “đón” máy bay Mỹ.

 

Sáng 8-9-1965, nhận được tín hiệu báo động, Đại đội 2 sẵn sàng chiến đấu. 10 giờ 5 phút, 3 chiếc F4-D xuất hiện. Chính trị viên Hiểu chỉ huy khẩu đội 1 bình tĩnh, hiệp đồng nhịp nhàng giữa các pháo thủ bám sát mục tiêu. Khi pháo thủ kính ngắm báo cáo “bắt tiêu”, lập tức anh phất cờ hạ lệnh “bắn”. Ngay loạt đạn đầu tiên, 1 chiếc F4-D đã bốc cháy.

Hai chiếc máy bay còn lại hoảng hốt nâng độ cao rồi vội vã chuồn ra biển. Đây là chiến thắng đầu tiên trên bầu trời tỉnh Ninh Bình và cũng là chiến công đầu tiên của Trung úy Nguyễn Minh Hiểu trên cương vị chính trị viên đại đội. Sau chiến thắng ấy, Chính trị viên Hiểu được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình gửi tặng một lạng cao hổ cốt và được Báo Ninh Bình viết bài ngợi khen.

 

Những lần... thoát chết

 

Ông Nguyễn Minh Hiểu nhập ngũ tháng 11-1950. Gần 25 năm vào sinh ra tử, ông đã từng tham gia không ít trận đánh ác liệt mà ở đó sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

Nhớ lại những lần chết hụt, ông Hiểu chùng giọng: “Tôi thoát chết 2 lần đều do may mắn. Lần thứ nhất, khoảng cuối tháng 2-1954, tôi là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tham gia chiến đấu tiến công cụm cứ điểm Him Lam.

Hôm đó, tôi được cử đi cùng bộ phận hậu cần về hậu cứ nhận gạo tiếp tế cho đơn vị. Do đường sá xa xôi, nguy hiểm nên chúng tôi đề nghị được nhận luôn 2 chuyến. Bởi vậy, lượng gạo dư ra gần 6 tạ so với tiêu chuẩn ăn 1 tuần của đại đội. Mang về không biết để đâu đành phải đưa ra ngoài rừng dựng chòi bảo vệ.

Tôi vốn là chiến sĩ liên lạc của đại đội, thường xuyên nằm cùng hầm với chính trị viên để truyền nhận mệnh lệnh nhưng do thiếu người nên tôi tạm thời được điều ra canh gác số gạo dư đó. Nào ngờ ngay trong đêm đầu tiên, phi pháo của địch bắn cầm canh trúng hầm chính trị viên đại đội. Anh đã vĩnh viễn ra đi trong niềm tiếc thương của toàn đơn vị, còn tôi thoát chết. 

Ông Nguyễn Minh Hiểu (bên trái) và những đồng đội năm xưa-ông Bùi Hữu Nghĩa (giữa) và ông Nguyễn Văn Lưu. 
 

Lần thứ 2, khoảng giữa 1972, khi ấy tôi là Chính ủy Trung đoàn 230 chiến đấu bảo vệ đường 10, xóm Leng (Quảng Bình). Là đơn vị pháo cao xạ nên trong chiến đấu chúng tôi thường có 2 bộ phận: trận địa và đài quan sát chỉ huy. Tôi và đồng chí Lê Trí Ba trung đoàn phó cùng phụ trách trận địa.

Do địa hình khá hẹp, chúng tôi phải tận dụng các vật che đỡ, che khuất tiến hành đào công sự, hầm hào tổ chức trú quân. Để tiện bao quát chỉ huy đơn vị và nhường chỗ thuận lợi, kín đáo cho anh em chiến sĩ, tôi quyết định chuyển vị trí hầm của mình ra sát mép rừng, gần đường mòn cách chỗ cũ chừng 100m.

Đêm hôm sau, B52 của địch ném bom vào khu trú quân làm 36 đồng chí hy sinh, trong đó có Trung đoàn phó Lê Trí Ba. Căn hầm cũ của tôi bị san phẳng. Tôi thoát chết nhưng nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh không tìm thấy xác. Thật đau đớn!”.

 

Cuộc hội ngộ bất ngờ

 

Sau thời gian chiến đấu ở Quảng Bình, cuối năm 1973, ông Nguyễn Minh Hiểu rời quân ngũ với cấp hàm thiếu tá. Trở về quê hương Thanh Hóa, ông lại tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Hơn 30 năm sau, trong một lần vào Nam thăm con trai đang công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, ông bất ngờ gặp lại người đồng đội cùng chiến đấu năm xưa.

Ông Hiểu kể: “Hôm đó tôi đang ở nhà trông cháu thì có một đồng chí cán bộ Trường Sĩ quan Lục quân 2 đến gặp và đề nghị tôi tham gia giao lưu với cán bộ, học viên nhà trường trong đêm sinh hoạt truyền thống “Âm vang Điện Biên” nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đêm đó, tôi được mời lên sân khấu cùng một nhân chứng nữa. Ngồi vào ghế, tôi nhìn sang bên cạnh xem người đó là ai. Và, như không tin vào mắt mình, tôi nhận ra Nguyễn Văn Lưu, người đồng đội đánh bộc phá mở cửa trong trận tiến công cụm cứ điểm Him Lam năm xưa. Sau giây lát ngạc nhiên mừng mừng tủi tủi, chúng tôi ôm chặt lấy nhau, nước mắt chảy tràn quên cả đang ở trên sân khấu”.

 

Niềm vui ngày hội ngộ như còn đọng mãi trên gương mặt người lính trận năm xưa. Thế rồi sau đó qua ông Lưu, ông Hiểu gặp lại ông Bùi Hữu Nghĩa, đại đội phó chỉ huy đơn vị xung kích đánh đồi Him Lam. Tình cảm của những người đồng đội một thời cùng chiến hào nằm gai nếm mật vẫn vẹn nguyên thân thương, gắn bó. Tình cảm ấy đã giữ chân ông Hiểu ở lại Đồng Nai sinh sống, ngày ngày hàn huyên, trò chuyện, làm thơ cùng những đồng đội cũ.

 

Theo QĐND

Bình luận
vtcnews.vn