Người biệt động Sài Gòn với 3 lần đạp xe xuyên Việt

Tổng hợpThứ Tư, 30/03/2011 03:19:00 +07:00

(VTC News) - Với 3 lần đạp xe xuyên Việt, người lính biệt động Sài Gòn - Chu Văn Xuất được hầu hết mọi người biết đến và rất kính trọng.

(VTC News) - Với 3 lần đạp xe xuyên việt, từ lâu người lính biệt động Sài Gòn - Chu Văn Xuất được hầu hết mọi người biết đến và rất kính trọng. 

Lẩm cẩm, ngớ ngẩn, mua việc vào thân… là những từ mà không ít người nói sau lưng ông. Thế nhưng, với ông lão 82 tuổi ấy, được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trên mảnh đất bom đạn năm xưa, nơi mình đã gắn bó tuổi trẻ thì đó lại là niềm vui, ý nghĩa cuộc sống.

Nổi tiếng là người có nghị lực phi thường, với 3 lần đạp xe xuyên Việt, từ lâu người lính biệt động Sài Gòn - Chu Văn Xuất năm xưa được hầu hết mọi người ở thị trấn Kim Bài - Thanh Oai - Hà Nội biết đến.

Từ cậu bé yêu nước trở thành biệt động Sài Gòn

Mái tóc bạc trắng bên nụ cười móm mém, ở cái tuổi 82, bước đi đã đôi phần chậm chạp cùng chiếc lưng còng, nhưng ánh mắt vẫn sáng, lời nói trầm vang vẫn toát lên hình ảnh người chiến sĩ lạc quan, yêu đời.

Ông Xuất thăm bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau trong lần xuyên Việt thứ 3 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ngay từ khi còn nhỏ, chứng kiến nhiều tội ác dã man của giặc Pháp, cậu bé Xuất đã bắt đầu nuôi chí ra trận để bảo vệ tổ quốc mình. 

Năm 12 tuổi ông cùng 2 người anh em khác của mình vào Sài Gòn kiếm sống nhằm mục đích tiếp cận gần hơn với những người yêu nước. Công việc đầu tiên của cậu bé Xuất là đánh giày, sau đó bán kem, bán bánh mỳ…chính những việc này giúp ông quen với ông Nguyễn Văn Khiếu – Người đã dìu dắt ông vào cách mạng sau này.

Chính thức gia nhập vào đội Tự vệ Thành năm 1947, hoạt động trong liên quân quyết tử Sài Gòn, chàng thanh niên 17 tuổi ngày ấy có nhiệm vụ làm liên lạc, chạy thư mật, đem tin từ chiến khu về nội thành. Đến năm 1949 ông tham gia vào đơn vị biệt động 2763 thuộc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Hoạt động trong đội biệt động Sài Gòn được một năm; đầu năm 1950 ông bị địch bắt khi đang làm nhiệm vụ trinh sát. Trải qua 5 nhà tù: Catina (Sài Gòn), Toà Bố, Đông Dương, Phú Lâm, Châu Đốc. Những trận đòn tra tấn dã man cực độ của giặc không làm lung lay ý chiến đấu của người chiến sĩ biệt động quân. 
“Những trận đòn roi phải cố chịu đựng. Đánh chết đi, sống lại, mặc kệ, nhất định không cung khai đồng chí, đồng đội của mình” - ông Xuất tâm sự. 
Trước câu hỏi, "Có khi nào ông yếu lòng trước quân định khi bị tra tấn không"?. Bằng nụ cười hiền hậu, với vẻ tự hào, ông nói:  “Chúng tra tấn dã man lắm cô ơi, những trận đòn roi cũng có giờ; ngày nào cũng vậy, chúng đánh chúng tôi từ 7h đến 11h sáng và từ 3h đến 5h chiều. Nhưng địch đánh càng đau lòng căm thù với quân địch của chúng tôi càng lớn. Bất cứ ai cũng vậy, đều có thể lấy cái chết để bảo vệ đồng bào, đồng chí, bảo vệ đất nước, dân tộc mình!”.

Người chiến sĩ biệt động Chu Văn Xuất 

Đến tháng 7 năm 1954 sau hiệp đinh Gieneve được kí kết ông cùng những người bạn tù còn sống sót đã trả tự do. Ít ngày sau đó ông về Bộ tư lệnh Miền Đông rồi ra tập kết ra Bắc. Những tháng ngày chiến đấu, chứng kiến biết bao sự hy sinh, mất mát nên trong mỗi việc làm của ông đều chất chứa nghĩa tình đồng đội.

4 năm với 3 lần đạp xe xuyên Việt

Hòa bình lập lại, ông tham gia sản xuất tại nhà máy gạch ở quê nhà. Tuy vậy, nỗi nhớ đồng đội, chiến trường xưa luôn khiến ông trăn trở. Chính suy nghĩ đó đã giúp ông thực hiện những chuyến xuyên Việt sau này.

Ông Xuất cùng những người bạn trong đơn vị 2763 Biệt động Sài Gòn trong lần xuyên Việt thứ 2 

Chuyến hành trình đầu tiên của ông được thực hiện vào đầu năm 1999 có lộ trình từ Hà Tây (cũ) và phải dừng lại ở Đà Nẵng bởi lý do sức khỏe. Chuyến xuyên Việt thứ 2 được thực hiện vào năm 2000, lộ trình từ Hà Tây vào TP. Hồ Chí Minh. Hành trình xuyên Việt lần thứ 3 được thực hiện khi ông đã 75 tuổi. Chuyến xuyên Việt lần 3 của ông với điểm xuất phát là Hà Tây (cũ) đến Hữu Nghị quan (Lạng Sơn) rồi hành trình đến Cà Mau.

Trong tờ đơn xin thực hiện xuyên Việt lần 3 của mình ông viết: "Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, và thực hiện lời giáo huấn của Bác Hồ năm xưa, “toàn dân rèn luyện sức khỏe để bảo về tổ quốc”, tôi xin tự nguyện tiến hành một cuộc hành trình bằng phương tiện xe đạp từ Hữu Nghị Quan đến Cà Mau để cổ vũ quân đội nói chung và cổ vũ người cao tuổi nói riêng…".

Cầm trên tay cuốn sổ nhật kí hành trình xuyên Việt, người lính biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn năm xưa không giấu nổi niềm tự hào: “Với tôi, 3 chuyến hành trình xuyên Việt là 3 chuyến tôi tìm lại được nghĩa tình đồng đội và tri ân những người đã ngã xuống vì tổ quốc”.

Ông lật giở từng trang nhật ký hành trình, vẻ như được sống lại với từng địa phương, đơn vị, nơi mà ông từng đặt chân tới. Nhớ lại niềm vui khi được quân đoàn Cà Mau đón tiếp, trận ốm tưởng như phải bỏ cuộc ở Bố Trạch - Quảng Bình… tất cả đều được ông khắc sâu trong trí nhớ của mình.

Ông Xuất cho biết, với ông, chuyến đi xuyên Việt lần 3 là kỉ niệm đáng nhớ nhất. Không đón Tết cùng gia đình, một ông cùng cuốn nhật kí và chiếc xe đạp cũ kỹ vẫn lăn tròn trên các nẻo đường.

Những dòng cảm tưởng của đồng chí Nguyễn Tiến Sỹ (Bộ chỉ huy quân sự tình Bình Thuận) ghi trong cuốn nhật ký xuyên Việt lần 2 của ông Xuất.

Chuyến đi của ông khiến nhiều người ngưỡng mộ. Đồng chí Nguyễn Tiến Sỹ (Cán bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận) viết: “Là một người quân nhân trong hàng ngũ QĐND Việt Nam, tôi thật cảm động và khâm phục thế hệ đi trước nói chung và bác Xuất nói riêng, đã làm cho sức mạnh của cả dân tộc ta sáng ngời, vững chắc hơn…”.

Sau mỗi chuyến đi khiến ông gầy thêm vài phần, thế nhưng, niềm vui lại giúp ông thêm yêu mến quên hương đất nước hơn. “Không ít người nói việc làm của tôi là ngớ ngẩn, mệt thân. Nhưng tôi lại thấy nó là việc nên làm”.


Khi được hỏi, ông có ý định thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ 4 nữa không, bằng nụ cười móm mém, ông nói: “Tuổi cao rồi, chắc đi không nổi. Nhưng tâm của tôi vẫn ấp ủ lắm chuyến đi tiếp theo...”.

Tạ Thùy

Bình luận
vtcnews.vn