Người ăn khỏe nhất VN: Thèm được bữa no

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 13/09/2010 10:18:00 +07:00

(VTC News) - Ông Mền có nhiều mong ước lắm, nhưng mong ước lớn nhất của ông là được ăn một bữa cơm thật no. Tự dưng, tôi thấy cay cay nơi khóe mắt.

(VTC News) - Ông Mền có nhiều mong ước lắm, nhưng mong ước lớn nhất của ông là được ăn một bữa cơm thật no. Tự dưng, tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Chợt nhớ đến câu chuyện đầy bi thảm “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao thuở nào.


Ông Trịnh Văn Mền sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh em trai. Là anh cả, mới học đến lớp 3, ông đã phải bỏ học đi cắt tranh bán lấy tiền phụ bố mẹ nuôi em. Năm 15 tuổi, ông theo thanh niên trong làng đi đào vàng. Năm 1986, ông gặp chị Bùi Thị Phượng. Hai người ở với nhau, có một đứa con, nhưng do không hợp nên chị Phượng bỏ ông đi với người khác.

Từ bãi vàng, ông Mền trở về với hai bàn tay trắng. 3 người em của ông đã đi xây dựng gia đình, để lại mình ông nuôi bố mẹ già. Được vài năm, bố mẹ ông cũng lần lượt ra đi, để lại cho ông căn nhà tranh thủng lỗ chỗ. Trời mưa nước xối vào nhà, không có chỗ ngủ.

Vì không có ruộng nên ông đi làm thuê hết nhà này đến nhà khác. Ai thuê gì ông cũng làm, đủ các việc nặng nhọc như đào ao, đào giếng, phun thuốc sâu...

Mong ước lớn nhất của ông Mền là được ăn một bữa thật no. 

Làm việc vất vả, lại đói ăn nên ông mắc đủ thứ bệnh. Nhiều khi ho ra máu, nhưng không có tiền đi khám, nên chẳng biết mắc bệnh gì. Để no bụng, hàng ngày, ông hái lá đu đủ nấu với chuối tiêu xanh ăn trừ bữa.

“Ngày đó khổ lắm chú ạ! Gạo không có mà ăn, cũng chẳng có muối với mì chính. Tôi cứ nấu lẫn lộn lá đu đủ với chuối tiêu xanh để ăn. Điều lạ là sau khi xơi hết 15 buồng chuối xanh nấu với lá đu đủ thì tôi thấy khỏe hẳn, khỏi ho ra máu” – Ông Mền kể lại những ngày đói rách, thèm ăn.

Năm 1998, nhờ người mai mối, ông lấy chị Lê Thị Thúy. Đứa con đầu lòng vừa chào đời yếu quá đã bỏ vợ chồng ông mà đi. 8 năm sau, khi đứa con thứ thứ 3 chưa được 2 năm tuổi thì chị Thúy cũng bỏ ông về thế giới bên kia vì trọng bệnh. Nghĩ lại mà tủi cho vợ, vì ngày vợ ông mất, trong nhà không có gì đáng giá, nên tang lễ cũng phải nhờ hết vào làng xóm.

Thương cảnh gà trống nuôi con, bữa no bữa đói, hàng xóm mỗi nhà ủng hộ dăm ba ống gạo để bố con ông chống đói qua ngày. Khỏi phải nói cảnh ăn uống đói kém với người đàn ông ăn khỏe này vất vả thế nào. Nhà không có ruộng, con lại nheo nhóc, không có ai trông nom giúp, không đi làm thuê kiếm sống được, nên ngày càng đói kém.
Đàn con của ông Mền ngủ mà chẳng có màn để che muỗi. 

Năm 2007, ông được mọi người trong làng mai mối cho chị Hoàng Thị Nên, là người khác xã. Hai người về ở với nhau, sinh thêm được một bé gái, đến nay vừa tròn 3 tuổi.

Nhìn những đứa con ngủ lăn lóc dưới nền nhà một cách say sưa, đến cái màn cũng không có rất thương tâm. Chốc chốc chúng lại co chân gãi muỗi. Chị Nên buồn bã tâm sự: “Khổ lắm chú ạ! Bọn trẻ mỗi ngày một lớn, chồng thì ăn khỏe, mà nhà thì không có ruộng, có đất. Chồng tôi thì cũng đã già, lại đói ăn nên mỗi ngày một yếu. Cứ tình hình thế này, vài năm nữa không biết lấy gì nuôi chúng”.

Hàng ngày, ông Mền ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng và đi làm thuê đến 10 giờ đêm mới về. Hôm nào đi làm thuê về sớm thì lại có người đến đón đi tẩm quất cho người ta đến khuya mới về. Nhiều khi ông Mền đi làm xa nhà cả tuần, chị Nên rất vất vả. Ngày chị đi làm thuê, tối về lại chăm lo cho đàn trẻ lóc nhóc.

Chị Nên tâm sự: “Tôi là người quá lứa lỡ thì, tôi định sống như vậy đến hết đời. Khi ông Mền gặp, tôi đâu có ý định lấy ông ấy, nhưng vì thấy hoàn cảnh gia đình ông ấy thương tâm quá, một mình nuôi những 3 con nhỏ thì không biết xoay sở kiểu gì, nên tôi đã đồng ý”.

Ngày đầu về nhà chồng, chị Nên nhìn ngang ngó dọc mãi mà chỉ thấy có hai cái nồi, bát thì sứt mẻ hết. Chị phải về nhà mẹ đẻ lấy hết thứ này đến thứ khác. Những đứa bé thì nhem nhuốc, bẩn thỉu rất đáng thương

Hiện tại, hai người đã có với nhau một cháu gái, năm nay sang tuổi thứ 3. Chị Nên tự hào khoe: “Mấy đứa nhà tôi học giỏi lắm chú ạ! Cháu lớn 4 năm liền được học sinh giỏi, còn 2 cháu nhỏ thì năm nào cũng được học sinh tiên tiến”. Nhưng rồi khuôn mặt chị lại chợt buồn: “Cứ tình hình nghèo túng thế này, chắc vợ chồng chúng tôi phải cho các cháu nghỉ học sớm thôi, chứ ăn còn chẳng đủ thì lấy gì mà đi học”.

“Có lần nằm bên mẹ, cháu Linh nói với tôi rằng: “Mẹ ơi, sau này con sẽ học thật giỏi để làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo”. Tôi hỏi vì sao con lại muốn làm bác sĩ, thì cháu nói: “Ngày trước mẹ con không có tiền chữa bệnh nên mới mất sớm”. Nghe cháu nói vậy mà tôi ứa nước mắt” – Chị Nên kể lại.

Nhìn 4 đứa con của người đàn ông ăn siêu khỏe đang say sưa ngủ, tôi nghĩ có lẽ giấc mơ học hành của chúng sẽ không trọn nếu gia đình ông Mền không có được sự giúp đỡ của xã hội.

Hiện tại, gia đình ông vẫn trong diện đói nghèo nhất xã. Lúc chia tay chúng tôi, ông Mền có nhiều mong ước lắm, nhưng mong ước lớn nhất của ông là được ăn một bữa cơm thật no. Tự dưng, tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Chợt nhớ đến câu chuyện đầy bi thảm “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao thuở nào.


Hồ Điệp
Bình luận
vtcnews.vn