Người 9 lần phấn đấu để được… vào tù

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 28/05/2011 11:35:00 +07:00

(VTC News) - Những đối tượng vượt biên vào tù để kiếm sống không những làm khổ gia đình, mà làm xấu mặt cả quốc gia.

(VTC News) - Không phải ai cũng được như anh Vũ Thanh Đoàn, dù có HIV vẫn lo lắng làm lụng, tích cóp gửi tiền về nuôi vợ con. Hầu hết những "ông kễnh" có HIV khác tìm cách vượt biên sang Hồng Kông là để được ăn sung mặc sướng, được sống lâu và để có tiền tiếp tục chích choác, thỏa chí nghiện ngập. Những đối tượng này không những làm khổ gia đình, mà làm xấu mặt cả quốc gia.


Trưởng Công an xã Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) Hoàng Văn Phú mở sổ thống kê thấy từ năm 1989 đến nay, toàn xã có trên 3.000 lượt người xuất cảnh cả có phép và trái phép. Tính ra, xã luôn có trên dưới 1.000 người đang sinh sống ở nước ngoài. Trừ 600 phụ nữ lấy chồng nước ngoài và một số lượng nhất định đàn ông đi lao động hợp pháp thì còn lại là trốn sang Hồng Kông làm ăn hoặc tìm cách chui vào tù để được ăn sung mặc sướng, được hưởng lương và khi ra trại thì có được một khoản khấm khá mang về tiêu pha.

Hiện tại, nghề đánh bắt hải sản ở xã phát triển khá mạnh. Thanh niên có sức khỏe ra biển kiếm sống cũng được vài triệu một tháng, nên không còn mặn mà với chuyện trốn sang Hồng Kông nữa. Đám người luôn luôn tìm cách trốn sang Hồng Kông hầu hết là mấy ông nghiện hoặc vừa nghiện vừa có HIV.

Anh Vũ Thanh Đoàn: Không phải ai vượt biên cũng sung sướng. 

Những người có HIV, sức khỏe yếu, không làm việc nặng nhọc được, không phơi nắng dầm mưa được, nên chỉ có con đường vào tù ở Hồng Kông là "ngon" nhất.

Trong số 3.000 lượt người xuất cảnh, Nguyễn Ngọc Sáng, sinh năm 1968, đạt kỷ lục với 9 lần xuất cảnh trái phép sang Hồng Kông. Công an xã nhiều lần gọi lên khuyên giải, song Sáng gân cổ cãi: "Tôi đi làm ăn mà các ông cứ suốt ngày gọi hỏi thì còn làm được gì nữa?"

Lần xuất cảnh thứ 10 vào năm 2006 thì Sáng bị công an Việt Nam bắt vì tội tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, ngồi tù được vài hôm thì phải thả gã về vì bệnh AIDS của gã đã ở giai đoạn cuối. Về nhà được vài hôm thì Sáng chết.

Nhà chị Phạm Thị Núi, vợ Nguyễn Ngọc Sáng ở thôn Quần Mục 2. Thấy chúng tôi vào nhà, chị Núi tỏ ra rất lạ lẫm. Chị bảo: "Làng xóm thấy chồng tôi chết vì AIDS, nên họ nghĩ mẹ con tôi cũng dính cả, nên không ai vào nhà bao giờ. Mấy mẹ con tôi cũng chỉ lủi thủi trong nhà thôi, không đến nhà ai chơi nữa".

Chị Núi buồn tủi nhớ lại quãng thời gian sống chui lủi ở trại tị nạn bên Hồng Kông. 

Cuộc đời người đàn bà này quá bi kịch khi lấy phải ông chồng tuổi ngựa và có "máu ngựa", không chịu ngồi yên, lúc nào cũng chỉ nghĩ cách xuất ngoại kiếm tiền. Khổ nỗi, bao nhiêu năm nay chả kiếm được đồng nào gửi về cho vợ con, đã vậy lại gán cho vợ con cái án "ếch nhái" vô hình.

Chán ngán với ông chồng, nên dù chết rồi, chị Núi cũng chả muốn nhìn mặt. Chị đem tấm vải đỏ phủ lên di ảnh chồng, đến ngày giỗ mới giở ra.

Năm 1990, Đại Hợp nổi lên phong trào xuất ngoại trái phép sang Hồng Kông, ông chồng "máu ngựa" của chị Núi cũng nổi hứng lôi cả vợ con đi. Khi đó, cậu con lớn tên Minh mới được 1 tuổi, đã phải theo bố mẹ lênh đênh trên biển nửa tháng trời mới sang đến nơi.

Vừa đặt chân sang Hồng Kông, chưa kiếm được việc làm, cả nhà đã bị tóm rồi bị tống vào trại tị nạn. Vào trại lại đẻ thêm ra con bé Ngọc.

Xã Đại Hợp khang trang hơn nhờ những người xuất ngoại, lấy chồng nước ngoài gửi tiền về xây dựng. 

Cứ tưởng đời lên tiên, nào ngờ xuống chó. Khi đó, đang xảy ra mâu thuẫn hai miền Nam-Bắc Hồng Kông, nên những người trong trại tị nạn không được quan tâm nhiều. Trại tị nạn nơi vợ chồng chị Núi ở còn bị người bản địa đốt trụi. Cả ngày chỉ trông đợi đến bữa có thứ đổ vào mồm. 4 miệng ăn chỉ được một ca cơm với vài lát thịt mỏng, phải chia nhau ăn đói ăn khát. Khổ quá, không chịu được, nên tính đường về.

Về nhà thời gian, ông chồng thấy sức khỏe sa sút nên đi khám bệnh và phát hiện có HIV. Trong thời gian ở trại tị nạn, rồi trốn trại sống chui lủi ngoài đường đi làm thuê làm mướn, tiếp xúc với kẻ xấu, nên Sáng dính nghiện, rồi chích choác toét cả ven tay.

Từ khi dính AIDS, Sáng tích cực xuất ngoại hơn nữa. Sang đó, làm việc chui lủi vất vả mà cũng chỉ kiếm được 1.000 đô-la Hồng Kông, tương đương 2 triệu đồng tiền Việt, không đủ ăn, nhưng vào tù thì xông xênh hơn, vì cơm ăn ba bữa, nước uống cả ngày, lại có lương một triệu đồng một tháng, chưa kể làm thêm.

Thế là, cứ đặt chân đến Hồng Kông là lập tức Sáng... gây án. Lần nào cũng vậy, kiếm cho được một quý bà đang dạo phố, Sáng xông vào với bộ mặt dữ tợn, giật dây chuyền, túi xách, rồi đứng yên chờ công an tới bắt. Công an lấy lời khai, Sáng khai tuốt tuột không giấu gì, thậm chí còn khai thêm những tội không có thực nữa, để mau chóng được vào tù.

Chị Núi thắp nén nhang cho người chồng đã gây cho chị rất nhiều nỗi buồn. 

Cứ vào tù, ra trại như vậy tổng cộng 9 lần, song tuyệt nhiên chẳng gửi về được cho vợ con đồng nào. Làm được bao nhiêu tiền, gã đổ hết vào mồm và đốt hết vào ma túy. Hai đứa con cứ nay ở Việt Nam, mai gã lại tha đi Hồng Kông vào trại tị nạn, nên học hành chả ra sao. Khi về Việt Nam, hai đứa con lại chẳng có giấy khai sinh, nên rõ là người Việt Nam mà như ăn nhờ ở đợ, không được hưởng quyền lợi như những thanh niên khác.

Bản thân đã hư hỏng, Sáng lại làm hỏng cả em vợ mình. Sáng rủ rê em trai chị Núi là Phạm Văn Đương, ở thôn Đông Tác 1 sang trốn sang Hồng Kông tị nạn. Đương sang rồi kéo tiếp vợ là chị Bùi Thị Lệ sang.

Tiền của chả thấy đâu, lại bị anh rể rủ rê hút chích, rồi Đương bị "ếch vồ". Điều đau xót là Đương lây bệnh cho cả vợ. Giờ đây, hai vợ chồng muốn có thuốc uống, có cơm ăn, chỉ còn cách mò sang Hồng Kông cùng gây án để được vào tù.

Đôi vợ chồng này "đi theo đường biển, về theo đường không" mấy lần rồi, nhưng có vẻ như chưa phải lần cuối cùng. Hiện tại, họ đang ở Việt Nam. Nếu lực lượng công an không quản lý chặt, sểnh ra là họ lại tìm đường vượt biên trái phép.

Bây giờ, vượt biên sang Hồng Kông khá đơn giản. Họ không phải lênh đênh nhiều ngày trên biển, mà đi tàu cao tốc chỉ mất một ngày một đêm, hoặc tiết kiệm hơn nữa thì đi theo đường bộ qua Móng Cái, bắt ô tô đến Sám Chăn, đợi nước rút bơi một lúc là sang Hồng Kông. Đi theo đường bộ như thế cũng khá nhanh mà lại chỉ mất độ vài trăm ngàn đồng.

Ngô Văn Sang - sau 3 lần sang Hồng Kông, được nhà tù cai nghiện giúp, giờ đã về quê hương làm ăn, sinh sống. 

Việc đi về Hồng Kông đơn giản như vậy, nên đám nghiện ngập, có HIV-AIDS cứ đi về Việt Nam - Hồng Kông như đi chợ, chính quyền không quản lý nổi.

Ngoài “kỷ lục gia” Nguyễn Ngọc Sáng, thì "ông kễnh" Nguyễn Văn Thước cũng đã xuất ngoại 7 lần rồi. "Ông kễnh" Bùi Văn Kỳ cũng đã đi về 5 lần. Hiện Thước và Kỳ đang ở Việt Nam, nhưng nghe nói họ cũng đang rục rịch chuẩn bị xuất ngoại tiếp. Với những ông kễnh đã bệnh tật, lại ham chơi, lười làm này, thì nhà tù, trại tị nạn ở Hồng Kông quả là thiên đường. Chỉ đau lòng cho đất nước, vì mấy "ông kễnh" này mà phần nào bị mang tiếng xấu với quốc tế.

Trưởng Công an xã Đại Hợp Hoàng Văn Phú cho biết, hầu hết những trường hợp có HIV là do nghiện ngập, chơi bời trong quá trình trốn sang Hồng Kông. Họ sống ở bên đó, nhưng lấy vợ Việt Nam, nên lại lây nhiễm cho vợ con, khiến số lượng người có HIV ở Đại Hợp khá cao.

Lực lượng Công an xã biết rõ ông nào hay trốn sang nước ngoài, nhưng không thể quản lý nổi họ. Họ đi đâu, trốn đi lúc nào làm sao mà theo dõi được. Công an xã chỉ làm được mỗi việc là lâu lâu không thấy xuất hiện ở địa phương thì nghi là họ đã ở Hồng Kông và chỉ khi nào chính quyền Hồng Kông gửi thông báo về xã, mới biết họ đã ở trại tị nạn hoặc trong tù.

Anh Hoàng Xuân Tiến, Phó Chủ tịch xã Đại Hợp bảo rằng, chuyện những người có HIV xuất ngoại để vào tù kiếm miếng ăn, có thuốc trị, gây tiếng xấu rất lớn không những cho địa phương và cho cả đất nước. Mặc dù xã đã thành lập Câu lạc bộ Phòng chống HIV-AIDS, nhưng cũng chỉ là nơi tụ họp, gặp gỡ chia sẻ của các đối tượng. Các thành viên tham gia không được phát thuốc chữa trị, không được tạo công ăn việc làm, không được cấp vốn... nên không thể giữ chân họ ở trong nước. Nếu có điều kiện, cơ hội, họ sẵn sàng bỏ câu lạc bộ, bỏ gia đình, làng xóm để đi tù ở Hồng Kông.

Theo anh Tiến, việc các đối tượng có HIV trốn sang Hồng Kông để được vào tù, ngoài việc họ là những kẻ lười lao động, thì đó cũng là cách họ kéo dài sự sống cho mình. Hơn lúc nào hết, chính quyền, đoàn thể, Nhà nước và các tổ chức xã hội cần phải vào cuộc, giúp đỡ những đối tượng này.

Lâm Thị Hương Giang – Phạm Hòa
Bình luận
vtcnews.vn