Người 50 năm nghiên cứu con cóc và luyện cóc thành 'tiên đan'

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 20/07/2015 06:31:00 +07:00

Ít ai biết rằng, ở nước ta, có một người đã nghiên cứu con cóc hơn 50 năm qua và ông đã nghĩ ra cách luyện 'tiên đan' từ cóc.

(VTC News) - Ít ai biết rằng, ở nước ta, có một người đã nghiên cứu con cóc hơn 50 năm qua và ông đã nghĩ ra cách luyện 'tiên đan' từ cóc.


Kỳ 1: Người tìm tên khoa học cho cóc Việt


Mấy năm nay, thi thoảng báo chí lại rộ lên thông tin về một người nào đó, vì nuốt gan, mật cóc mà sống được thêm nhiều năm dù bị ung thư giai đoạn cuối, bị bệnh viện trả về.

Đã có hàng vạn người thử dùng gan, mật cóc, là thứ độc dược cực mạnh, có thể giết người để thử vận may. Có người vẫn chết như thường, có người sống khỏe chục năm nay, nên chưa rõ thực hư thế nào. Cũng chưa có đề tài nghiên cứu nào chi tiết về con cóc trị ung thư, mà hầu như vẫn chỉ là lời đồn.

Các cơ quan y tế, sau khi nghiên cứu thì đều bác bỏ chuyện nuốt gan, mật cóc để trị ung thư, bởi đó là việc làm vô nghĩa, khiến bệnh nhân chết nhanh hơn vì trúng độc.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, ở nước ta, có một người đã nghiên cứu con cóc hơn 50 năm qua và ông đã nghĩ ra cách luyện 'tiên đan' từ con cóc nhằm trị bệnh. Ông coi vị thuốc từ con cóc này là tiên dược của nền Nam y nước nhà.

Dược sĩ Đào Kim Long như cây đại thụ của nền Nam y nước nhà thời hiện tại. Ông chính là người tìm ra cây sâm Ngọc Linh gây chấn động thế giới từ năm 1973.

Dược sĩ Đào Kim Long 

Theo dược sĩ Long, mặc dù sâm Ngọc Linh là thứ tinh hoa của trời đất, nhưng nó là thứ quá quý hiếm, không thể dùng đại trà chữa bệnh được, nên nhiệm vụ của những thầy thuốc xứ Nam, là phải tìm cho được những biệt dược thay thế, là những thứ rẻ tiền, mà tác dụng không kém.

Từ kiến thức cổ Nam y, kết hợp với khoa học hiện đại, ông đã sáng tạo ra phương pháp chữa bệnh mang tên Kỳ môn y pháp, dựa trên 64 ô bàn cờ, biến hóa khôn lường, tạo ra hàng vạn bài thuốc.

Kỳ môn y pháp thực chất là bàn cờ thuốc gồm 64 ô, trong đó có 36 ô ghi sẵn các vị thuốc là quân cờ, là các vị thuốc cơ bản nhất dùng cho cả đàn ông, đàn bà, trẻ em của hầu hết các bệnh phải chữa.

28 ô còn lại là những vị thuốc dự trữ để bổ sung một cách linh hoạt nhất nhằm đáp ứng được thay đổi của bệnh cảnh, lâm sàng và nhu cầu đặc biệt của bệnh, được điều chỉnh theo từng giai đoạn diễn biến của bệnh nhân cụ thể.

Bàn cờ thuốc là một ma trận, vận động không lặp lại nên đáp ứng được đầy đủ các diễn biến về bệnh lý, thời tiết, khí hậu, mùa vụ, tuổi tác, giới tính, quốc tịch…

Mục đích chính của phương pháp chữa bệnh này là xây dựng lại hệ thống miễn dịch cho cơ thể, loại độc tố ra khỏi nội môi và xây dựng lại chuyển hóa của phủ tạng.

Trong những cuộc trò chuyện với dược sĩ Long, sau khi nói về Kỳ môn y pháp, ông thường nhắc đến con cóc, mà hàng ngàn năm qua, người Việt đã sử dụng, luyện thành tiên đan, như một thứ thần dược cho cơ thể người.

Lâu nay, thi thoảng ở đâu đó lại rộ lên chuyện nuốt gan, mật cóc chữa ung thư, khiến tôi tò mò, muốn tìm hiểu.

Nói chuyện về con cóc, dược sĩ Đào Kim Long rất say mê. Ông không chỉ ca ngợi con cóc là bài thuốc chữa bệnh bí truyền của người Việt xưa, mà ông luôn dành cho con cóc một tình cảm đặc biệt, thậm chí là sự kính trọng như "cậu ông Trời".

Tượng cóc trên sân thượng - nơi ông Long thi thoảng vẫn thắp hương 

Trước khi nói chuyện về cóc, dược sĩ Đào Kim Long dẫn tôi lên sân thượng, rồi ông vạch bụi cỏ ở chỗ hòn giả sơn, chỉ tôi pho tượng con cóc to tướng, ngồi chồm hỗm dưới gốc cây, ngay dưới chân cây cầu bắc qua con suối nước chảy róc rách.

Dược sĩ Long gọi pho tượng này là "ông cóc". Lưng và bụng "ông cóc" cõng chi chít tiền xu, hướng đôi mắt màu đỏ về phía lò bát quái để trước mặt. Theo dược sĩ Long, hễ có công to, việc lớn gì, đặc biệt là lúc luyện tiên đan, ông đều thắp hương trước tượng cóc, nhớ lại nghi lễ ngày xưa.

Quay trở lại câu chuyện đưa dược sĩ Long đến với loài cóc. Theo dược sĩ Long, người Việt đã sử dụng cóc chữa bệnh hàng ngàn năm qua. Các bài thuốc từ con cóc thường được truyền cho các đạo trưởng.

Người Trung Quốc cũng biết sử dụng cóc, nhưng họ không biết luyện tiên đan từ cóc. Là con nhà nòi, nên dược sĩ Long đã tiếp xúc với con cóc từ lúc còn thơ bé. Ông được cha truyền dạy cho tất cả các bài thuốc từ con cóc và theo ông, đến bây giờ, bài thuốc đó vẫn được chế biến theo các cụ từ ngàn xưa, mà chưa có thay đổi gì.

Không chỉ con cóc, mà hầu như tất cả các bài thuốc đều vẫn dùng như vậy, không thể sáng tạo gì thêm. Khoa học kỹ thuật hiện đại chỉ làm được mỗi việc, là chứng minh sự khoa học đến tuyệt vời của các bài thuốc Nam y cổ truyền.

Cóc khô là nguyên liệu để ông Long luyện đan 

Năm 1963, khi đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Y Dược Hà Nội, trong tiết học do GS.TS. Đỗ Tất Lợi giảng dạy, ông Lợi đứng trước bục giảng nói: "Có ai lấy cho tôi được 1gram nhựa cóc không nhỉ?".

Hồi đó, mới là sinh viên năm thứ 3, nhưng ông Long đã đọc hết sách của GS. Đỗ Tất Lợi, cùng nhiều sách thuốc cổ, nên ông hiểu rất rõ hàng ngàn bài thuốc. Ông xung phong đứng lên nói: "Em có thể lấy cho thầy nhựa cóc".

GS. Lợi bảo: "Lấy cho tôi 1gram nhé. Mà mất mấy hôm đấy?". Cậu sinh viên Đào Kim Long tự tin: "Chủ nhật em sẽ lấy cho thầy".

Sau đó, ông về quê, lấy được 10gram nhựa cóc. Ngạc nhiên vì cậu học trò này, GS. Đỗ Tất Lợi đã yêu cầu hai ông nhân viên bộ môn, là ông Vơ và ông Quyết, đi bắt cóc.

Hai ông đã bắt được khoảng tạ cóc ở bãi sông Hồng bán cho bộ môn. Hôm đó, ông Long đã biểu diễn luôn cách lấy nhựa cóc cho bộ môn.

GS. Đỗ Tất Lợi đã rất ngạc nhiên trước sự hiểu biết, nghiên cứu thâm sâu về con cóc của cậu học trò Long. GS. Đỗ Tất Lợi đã lập ra đề tài nghiên cứu về con cóc Việt Nam yêu cầu cậu học trò Đào Kim Long làm phụ tá cho ông.

Thời kỳ đó, tên khoa học của con cóc Việt Nam chưa được các nhà khoa học Việt Nam biết đến, mà vẫn dùng tên khoa học nước ngoài để nói về con cóc Việt Nam, như thế chưa chính xác.

Cóc có hàng trăm loại khác nhau, ở Việt Nam cũng có hàng chục loại, nên không thể gọi chung một tên khoa học cho con cóc Việt.

Thời kỳ đó, người được mệnh danh là "sư phụ" của ngành động vật học Việt Nam, là ông Nguyễn Công Tiễu, thường gọi là cụ Phán Tiễu, là ông ngoại của giáo sư Phạm Gia Khải.

Phải mất nhiều ngày, ông Long mới có cơ hội gặp được cụ Phán Tiễu. Thấy cậu học trò này thông minh, am hiểu các loại thảo dược, bài thuốc cổ, lại yêu mến con cóc, nên cụ Phán Tiễu đã nhận dạy dỗ thêm.

Cụ đã dạy các phân loại các loài lưỡng cư Đông Dương cho ông Long suốt 3 tháng liền, sau đó cụ giới thiệu ông Long đến trường Đại học Tổng hợp nghiên cứu thêm 1 năm nữa, ông mới định danh tên khoa học được cho con cóc Việt Nam, là Bufo Melanosterictus.

Nơi dược sĩ Đào Kim Long luyện con cóc thành 'tiên đan'

Khi biết đích xác tên khoa học của nó, cụ Đỗ Tất Lợi đã sửa lại tên khoa học như cậu sinh viên Long xác định.

Thời kỳ đó, nhựa cóc là sản phẩm gây nên cơn sốt ở Trung Quốc, Hồng Kông. Ở hai lãnh thổ này, cóc bị săn lùng ráo riết đến nỗi chúng trở nên rất hiếm ngoài tự nhiên.

Người Trung Quốc điều chế nhựa cọc thành biệt dược Lục Thần Thủy. Ngoài công dụng chữa bệnh, thì theo đồn đại, Lục Thần Thủy có công dụng kích dục cực mạnh, được các đại gia săn lùng, tạo ra cơn sốt thời bấy giờ.

Thời kỳ đó, nhóm nghiên cứu về cóc đã tiến hành chiết nhựa cóc. Tuyến nhựa cóc nằm ở sau tai và một số vị trí trên da. Nhựa cóc được phơi khô, nặn thành từng bánh.

Nhựa lúc còn tươi có màu trắng đục như sữa, để khô có màu đen sẫm như hổ phách. Phải vài ngàn con cóc mới cho được 1kg nhựa.

Lúc đó, ở Hồng Kông có một hội chợ hàng hóa, một nhóm cán bộ ngoại thương nước ta đã mang 16kg nhựa cóc sang triển lãm. Các doanh nhân nước ngoài đã mua 13kg nhựa cóc đó, với giá 30 ngàn USD/1kg, một số tiền lớn kinh khủng thời bấy giờ. Còn 3kg nhựa cóc, thì không bán nữa, mà mang về, vì không biết nó quý như thế nào. Như vậy, nhựa cóc còn đắt hơn vàng nhiều lần.

Thấy món hời từ nhựa cóc rất lớn, một số lãnh đạo ngành ngoại thương đã đề nghị xây dựng nhà máy sản xuất nhựa cóc.

Tuy nhiên, đúng thời điểm đó, dược sĩ Đào Kim Long nhận lệnh vào Nam đi điều tra thảo dược và tìm nhân sâm, nên nhà máy sản xuất nhựa cóc không được xây dựng.

Khi dược sĩ Đào Kim Long vào Nam điều tra thảo dược, thì ông Phan Quốc Kinh tiếp tục nghiên cứu về con cóc, đặc biệt là nghiên cứu kỹ hóa dược trong nhựa cóc. Ông Kinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở nước ngoài về con cóc.

Còn tiếp…


Dương Phạm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn