Ngừng các cuộc thi qua mạng: 'Đừng đẽo cày giữa đường'

Giáo dụcThứ Sáu, 25/08/2017 12:32:00 +07:00

Những ngày qua, phát ngôn của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dừng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh trên Internet đã tạo ra làn sóng tranh luận mạnh mẽ trong xã hội.

Dù chưa có văn bản chính thức nhưng theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), quan điểm của Bộ là tạm dừng các cuộc thi này từ năm học 2017-2018 để rà soát lại toàn bộ về nội dung và phương thức tổ chức.

IOE 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng đại diện Tập đoàn FPT trao giải cho các em học sinh đạt giải Violympic quốc gia năm học 2015-2016.

Trước thông tin này, đã có hàng ngàn ý kiến được gửi về cho BTC các cuộc thi, hoặc bình luận trực tiếp trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn trên Internet.

Một số phụ huynh và giáo viên bày tỏ sự đồng tình với quyết định của Bộ khi cho rằng bớt các cuộc thi sẽ làm giảm áp lực cho cả thầy và trò.

Tuy nhiên, phần đông tỏ ra băn khoăn trước quyết định này của Bộ, bởi đây là các cuộc thi đã được tổ chức nhiều năm và có những ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động dạy và học trên cả nước.

Bạn Phùng Thu Uyên, sinh viên Học viện Tài chính, người đã gắn bó với cuộc thi giải Toán trên Internet (Violympic) gần 10 năm: “Em đã từng thi Violympic từ năm đầu tiên tổ chức cuộc thi cho đến khi em học hết lớp 12.

Cá nhân em thấy đây là sân chơi rất hay dành cho lứa tuổi học sinh vì vừa tổng hợp đc kiến thức, vừa luyện sự nhanh nhạy trong học tập cho các bạn. Giờ thi đại học dùng phương pháp trắc nghiệm thì Violympic càng cần thiết. Quan trọng là các bạn có thể tự do rèn luyện mà không phải chi trả một khoản chi phí nào.”

IOE 2

 

Bạn Nguyễn Ngọc Huyền, học sinh lớp 9 bình luận: “Em thực sự buồn và tiếc khi nghe tin Bộ sẽ dừng các cuộc thi qua mạng. Nếu đi học mà không có tính cạnh tranh thì sẽ vô cùng tẻ nhạt và học sinh bọn em sẽ mất hứng thú trong học tập.

Đừng chỉ nhìn vào Violympic mà hãy nghĩ đến những cuộc thi khác như thi học sinh giỏi chẳng hạn, tính cạnh tranh còn nhiều hơn rất nhiều. Nếu cứ đổ thừa cho Violympic thì chi bằng hãy bỏ hết tất cả những cuộc thi đi.”

Bên cạnh các em học sinh, những người được hưởng lợi ích lớn nhất từ các cuộc thi này, cũng có rất nhiều phụ huynh đưa ra ý kiến.

IOE 3 3

 

Chị Lưu Mai (Kiên Giang) chia sẻ: “Cả hai con tôi đều tham gia thi Violympic và IOE đã vài năm nay. Có lẽ tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mới có những hiện tượng tiêu cực từ các cuộc thi này, chứ ở chỗ tôi bọn trẻ thích thú lắm, vì các con được học, được thi không áp lực, được thi đua một cách lành mạnh và bổ ích với nhau.

Với trẻ con, đấy cũng là động lực để chúng tìm hiểu và ghi nhớ kiến thức, cũng như rèn luyện các kỹ năng như sử dụng máy tính hay vào mạng, thay vì chỉ học thuộc sách giáo khoa để vượt qua những bài kiểm tra khô cứng ở trường. Nếu chỉ vì một bộ phận ý kiến mà Bộ dừng tổ chức thì sẽ là một điều đáng tiếc với rất nhiều học sinh như con tôi”.

Phụ huynh Hoàng Dũng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ một góc nhìn khác: “Chẳng qua là ở thành phố có nhiều cuộc thi quá rồi nên thêm bớt không ảnh hưởng gì. Chứ lũ học trò nông thôn đến việc đến trường còn khó khăn, thì những cuộc thi này chính là cơ hội để các em tiếp cận với máy tính, với công nghệ. Nhờ đó mà địa phương, các mạnh thường quân cũng quan tâm hơn đến việc phổ cập Internet, giúp các em có phương thức học tập sinh động hơn. Thiệt thòi nhất sẽ là các bạn vùng sâu vùng xa thôi!”

IOE 4 4

 

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, “Việc tạm dừng chỉ về phía Bộ, còn các cuộc thi diễn ra hay không thì Bộ không hề ngăn cấm. Các đơn vị vẫn có thể tổ chức, đặc biệt các sân chơi trên mạng khi đã thực sự cuộc thi đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia thì Bộ muốn cũng không dừng được. Bản thân học sinh nếu muốn thì tham gia”.

Tuy vậy, các phụ huynh và giáo viên vẫn hy vọng Bộ tiếp tục chỉ đạo và đồng hành để đảm bảo chất lượng và phương thức tổ chức cho các cuộc thi.

Kể từ khi ra đời đến nay, các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh trên Internet đều có vai trò quan trọng của Bộ GD&ĐT.

Không chỉ là cơ quan cố vấn, kiểm duyệt ngân hàng đề hàng năm, Bộ còn có những hướng dẫn, chỉ đạo sát sao trong công tác tổ chức, giúp các cuộc thi diễn ra đồng bộ, gây được phong trào thi đua tích cực trên cả nước.

Video: Loạt thành tích "không phải dạng vừa đâu" của học sinh Việt dự thi Olympic Quốc tế 2017

Thầy Hoàng Long, một giáo viên Tiếng Anh tại Hà Nội cho biết: “Tốt nhất Bộ nên tiếp tục duy trì để giữ tính công bằng, minh bạch của những sân chơi này, chỉ cần không xét thi đua hay làm tiêu chí ưu tiên xét tuyển lên cấp là sẽ giải quyết được căn nguyên bệnh thành tích”.

Chị Đặng Nga (Huế), phụ huynh học sinh đã tham gia thi IOE và Violympic gửi thư về BTC cuộc thi Violympic: “Tôi hy vọng Bộ ngưng một vài tháng để rà soát rồi lại tiếp tục tổ chức thi để các cháu còn có cơ hội phấn đấu. Đưa vào giáo dục thì các cháu mới học hỏi nhau và đua nhau cùng phấn đấu. Chúng tôi chỉ muốn con mình có cơ hội học hỏi và phấn đấu một cách lành mạnh, vì đó là các cuộc thi mà Bộ đưa ra, kể cả không đưa kết quả đó vào thành tích học tập chúng tôi cũng rất hài lòng”.

Ủng hộ việc Bộ tiếp tục duy trì các cuộc thi qua mạng, các giáo viên đồng thời cũng đưa ra kiến nghị, thứ cần khắc phục là căn bệnh thành tích từ chính nhà trường và các vị phụ huynh.

Cô Trần Thủy, giáo viên trường THPT Tăng Bạt Hổ (Bình Định), cho biết: “Lỗi không phải ở cuộc thi mà ở chính quan điểm của bố mẹ và nhà trường. Đừng ép con khi con không thể. Đừng vì thành tích của nhà trường, vì danh hão của bản thân mà tạo áp lực cho con. Hãy cứ để ViOlympic hay IOE là một sân chơi đúng nghĩa, là nơi các con được học hỏi và tự kiểm tra năng lực của bản thân. Thay vì hủy bỏ các cuộc thi, hãy tìm cách khắc phục thói hư danh của bố mẹ, bệnh thành tích hão của nhà trường. Hà chi lại đẽo cày giữa đường như thế!”.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn