Ngư dân Việt Nam không sợ tàu Trung Quốc

Thời sựThứ Hai, 30/05/2011 09:41:00 +07:00

"Tàu Trung Quốc làm căng lắm. Tràn vào vùng biển Hoàng Sa cả đoàn mấy chục chiếc. Đụng độ miết…" - một ngư dân Quảng Ngãi.

"Tàu Trung Quốc làm căng lắm. Tràn vào vùng biển Hoàng Sa cả đoàn mấy chục chiếc. Đụng độ miết…" - một ngư dân Quảng Ngãi.

Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm lãnh hải của Việt Nam. Ảnh: TTXVN. 

Tối 29-5, như thường lệ, ông Nguyễn Thanh Nam (xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mở máy Icom liên lạc với các phương tiện đang đánh bắt trên biển.

- Alô! Đài trực canh thôn Gành Cả đây. Alô! Alô...

Khoảng năm phút trôi qua với âm thanh hỗn tạp từ máy bộ đàm, một giọng nam cất lên:

- Lê đây - Võ Đức Lê, tàu QNg 8598 đây.

- Tình hình khai thác hổm rày thế nào? - ông Nam hỏi.

- Tàu Trung Quốc làm căng lắm. Tràn vào vùng biển Hoàng Sa cả đoàn mấy chục chiếc. Đụng độ miết. Không dám đánh bắt ban ngày, đêm khuya mới bắt đầu. Cứ 3g sáng là phải rút khỏi vùng đánh bắt vì chúng tuần dữ lắm. Mới hôm kia, đụng độ tàu tuần tra rượt mình chạy, họ còn định bơm nước vào tàu để đánh đắm tàu mình. Mình chạy thoát.

 - Có sợ không?

- Tất cả anh em trên tàu đều đã đụng độ nhiều lần nên coi chuyện này là chuyện thường...

- Mới sáng qua, tụi tui chạy băng qua một đảo gần đảo Hoàng Sa. Từ trong đảo, một chiếc tàu chiến lao ra, cuộn sóng ầm ầm như muốn nhấn chìm tàu của tui” - anh Trương Quang Trị, tàu QNg 95839, chen ngang lời ông Lê.

 - Chạy thoát không?

 - Tụi tui hạ ga cho dễ lách và thoát luôn - lại một giọng khác chen ngang.

 - Ai đấy? - ông Nam hỏi

 - Tiêu Viết Thường đây.

 - Nghe đây Thường ơi, tình hình thế nào? Đánh bắt tốt không?

 - Khan lắm. Bị vây hãm, rượt đuổi miết.

 - Có đụng tàu Trung Quốc không?

 - Có. Ba lần rồi.

 

Tàu Bình Minh 02 tiếp tục làm việc bình thường

Chiều 29/5, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Đỗ Bá Cường - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điều hành và khai thác dầu khí trong nước (PVEP POC) thuộc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - cho biết: “Dù tàu của Trung Quốc đã có những hành động táo tợn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, xâm phạm tài sản của ngành dầu khí nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta. Sắp tới PVEP POC sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ để bảo đảm an toàn, an ninh cho công trình của dầu khí Việt Nam”.

Theo lộ trình, sau khi khảo sát địa chấn tại vùng biển miền Trung, tàu Bình Minh 02 tiếp tục khảo sát địa chấn cho PVEP POC tại một số vùng biển khác thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Hùng Dũng - tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) - cho biết tổng thiệt hại trong vụ cáp địa chấn tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt đứt ngày 26-5 gần 100.000 USD (bao gồm cả chi phí sửa chữa, mua sắm, phải dừng làm việc để sửa chữa...).

Theo ông Dũng, trước đây khi tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam, Trung Quốc cũng từng đưa tàu đến quấy rối, cản trở nhỏ nhưng chưa bao giờ tàu Trung Quốc lại xông vào đội hình của tàu dịch vụ dầu khí, dùng thiết bị chuyên dụng để phá hoại tài sản như hôm 26-5.

Chiều cùng ngày, một lãnh đạo của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (thuộc PTSC, đơn vị sở hữu tàu Bình Minh 02) cho biết sau khi bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp địa chấn, tất cả bộ phận trên tàu Bình Minh 02 cũng như các tàu bảo vệ đã làm việc bằng tinh thần và trách nhiệm cao, chỉ mất hơn 12 giờ đã khắc phục xong sự cố, đưa tàu Bình Minh 02 vào làm việc bình thường. Tính đến 16g ngày 29-5, kể từ sau khi khắc phục sự cố, tàu Bình Minh 02 đã khảo sát địa chấn thêm được hơn 180km chiều dài đường biển.

Theo Tuổi Trẻ


Bình luận
vtcnews.vn