Ngư dân Lý Sơn 'phất lên' nhờ khai thác rau câu chân vịt

Thời sựThứ Bảy, 13/06/2015 07:37:00 +07:00

Không cần đầu tư lưới chài, ngư lưới cụ hiện đại, mỗi chuyến vươn khơi mang lại từ 100-150 triệu đồng, giúp ngư dân Lý Sơn ngày càng khấm khá.

(VTC News) - Không cần đầu tư lưới chài, ngư lưới cụ hiện đại, mỗi chuyến vươn khơi mang lại từ 100-150 triệu đồng, giúp ngư dân Lý Sơn ngày càng khấm khá.

Vừa cho con tàu cá công suất 245 CV trở về sau chuyến hành trình hơn 20 ngày khai thác rau câu chân vịt ở Hoàng Sa trở về, ngư dân Nguyễn Khánh (trú thôn Đông xã An Vĩnh huyện đảo Lý Sơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 96017 TS vui mừng cho biết, đây là chuyến biển khai thác rau câu chân vịt thứ 3 trong năm, mỗi chuyến ra khơi trung bình kéo dài trên dưới 20 ngày, sản lượng khai thác từ 5-7 tấn rau câu chân vịt khô đã mang lại thu nhập khấm khá cho ngư dân Lý Sơn.

Ngư dân, Lý Sơn, 'phất lên', vươn khơi, khai thác, rau câu, chân vịt, Hoàng Sa
Vì thu nhập cao nên nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn chuyển từ nghề đánh bắt sang nghề khai thác rau câu chân vịt tại ngư trường Hoàng Sa 

"Tàu của tôi có 6 lao động, chi phí cho một chuyến ra khơi, ngoài nhu yếu phẩm mang theo còn mất khoảng 40-50 triệu đồng tiền nhiên liệu và các chi phí khác. Vươn khơi nếu khai thác được 5 tấn rau câu chân vịt khô, với giá bán trong đất liền là 25-30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi chuyến vươn khơi cũng kiếm được 100-150 triệu đồng/ chuyến.

Chia ra, mỗi lao động cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Nếu so với nghề đánh bắt thì thu nhập của nghề này cao hơn nhiều", ông Khánh cho biết.

Cũng theo nhiều ngư dân, theo nghề này, không vất vả như nghề đánh bắt hoặc nghề lặn, bởi thời gian trên biển ngắn, nhu cầu về lao động và phí tổn ít, thu nhập tương đối ổn định nên nhiều tàu cá của ngư dân địa phương chuyển từ nghề làm cá sang nghề khai thác rau câu chân vịt.

"Những năm trước khi nghề đánh bắt còn “ăn nên làm ra” thì chẳng ai khai thác rau câu chân vịt làm gì, bởi giá loại rau này so với hải sản là quá thấp, nhưng nay, việc làm ăn đánh bắt gặp nhiều khó khăn vì liên tục thua lỗ, thì việc chuyển nghề sang khai thác rau câu chân vịt là phù hợp, bởi loại rau này sinh sống dày ở ngư trường Hoàng Sa", ông Lê Hạnh (trú thôn Tây xã An Hải, huyện Lý Sơn), chủ tàu cá QNg 66978 TS cho biết.

Ông Hạnh cũng cho biết thêm: "Loại rau câu chân vịt mọc đầy ở các rạn san hô tại ngư trường Hoàng Sa, có vùng rau mọc phủ kín gò, chỉ cần lội nước quá đầu gối là cào, cắt, nhặt, chỉ vài ngày là đầy tàu, chứ không như nghề đánh bắt phải lặn ngụp nước sâu nhiều rủi ro, nên nhiều tàu cá khi ra đến Hoàng Sa đã chuyển từ đánh bắt cá, sang khai thác rau câu chân vịt”.

Vì chi phí ít nhưng cho thu nhập cao, nên ban đầu chỉ có vài tàu cá của ngư dân Lý Sơn tham gia nghề khai thác rau câu chân vịt thì nay đã có trên 20 tàu, với hơn 100 lao động đã chuyển từ nghề đánh bắt sang nghề khai thác rau câu. Từ khi chuyển nghề, nhiều ngư dân đã có “của ăn của để” sắm được tàu to máy lớn khi chuyển sang nghề này.

Ngư dân, Lý Sơn, 'phất lên', vươn khơi, khai thác, rau câu, chân vịt, Hoàng Sa
Rau câu chân vịt được tư thương phơi khô khắp đảo Lý Sơn 

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, nghề khai thác râu câu chân vịt không phải đầu tư lớn chỉ cơi nới giàn phơi trên tàu và một số máy móc để định vị phương hướng cùng thuyền thúng và những vật dụng khác là có thể ra khơi hành nghề, do vậy, nghề này đang hút lao động tham gia.

"Thay vì chở rau câu tươi về, các tàu khai thác rau câu chân vịt đóng thêm giàn tre để phơi cho khô, kéo dài thời gian khai thác, sản lượng khai thác nhờ đó tăng cao, thu nhập cũng nhiều hơn nên đang là nghề hấp dẫn của người dân trên đảo.

Ngoài mang lại thu nhập cho gia đình, nghề khai thác rau câu chân vịt ở vùng biển Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước, nơi biển Hoàng Sa thiêng liêng", ông Nguyên nói.

Video cứu hộ VN cứu tàu ngư dân gặp nạn


Mịnh Văn - Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn