Ngôi làng nhỏ Trung Quốc biến thành ‘làng ma’ vì người Triều Tiên vượt biên

Thế giớiThứ Hai, 28/09/2015 06:01:00 +07:00

Đằng sau vài mét rào thép gai là ngôi làng nhỏ của Trung Quốc đang ngày đêm đối phó với người Triều Tiên vượt biên.

(VTC News) – Đằng sau vài mét rào thép gai là ngôi làng nhỏ của Trung Quốc đang ngày đêm đối phó với người Triều Tiên vượt biên.

Hàng rào thép gai cao 3m và con sông Đồ Môn là những gì làng Nam Bình có để ngăn cản những người Triều Tiên vượt biên xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc.

Hiện nay, những vụ giết người, được cho là do những kẻ vượt biên thực hiện đang khiến dân làng hoang mang, tìm cách bỏ trốn vì sợ rằng một con sông và vài mét rào thép gai không đủ để bảo vệ họ nữa.
Người dân làng Nam Bình ngồi nghỉ ngơi dưới bóng cây
Người dân làng Nam Bình ngồi nghỉ ngơi dưới bóng cây 
AFP dẫn nguồn quan chức Trung Quốc nói trong năm vừa qua, có ít nhất 10 người đã thiệt mạng vì những kẻ vượt biên - đa số là binh lính - ra tay.

Hãng thông tấn Pháp cho rằng, an ninh lương thực là vấn đề lâu năm của Triều Tiên, điều này là nỗi ám ảnh khiến cho những người Triều Tiên trở nên liều lĩnh, tìm cách tấn công những hàng xóm giàu có của mình ở bên kia biên giới.

Dân số của làng Nam Bình vào khoảng 6.000 nhưng hiện nay nó đang dần trở thành một ‘làng ma’. Hầu hết nhà cửa, tòa nhà đã bị bỏ hoang trong nhiều năm, cửa kính đổ vỡ, vườn tược mọc um tùm không người dọn dẹp.

Đa số những người trẻ với khả năng ngôn ngữ đa dạng đã tìm đến các khu công nghiệp Hàn Quốc làm việc. Ở làng chỉ còn lại những người già và một nhóm lính nhỏ và người đứng đầu chi bộ Đảng Công sản Trung Quốc ở làng có tên là Wu Shigen.
Nhà của người Triều Tiên bên kia sông
Nhà của người Triều Tiên bên kia sông 
Mặc dù đã hơn 30 tuổi nhưng Wu nói rằng ông là người trẻ nhất trong làng.

Hiện nay, anh dùng biện pháp giới nghiêm tự nguyện để duy trì an ninh trong làng. Wu nói: “Tôi nói mọi người không nên ra ngoài ban đêm và chú ý đến sự an toàn của bản thân. Tuy nhiên, đa số các vụ án mạng đều xảy ra trong nhà”.

Anh nói không có nhân chứng cho các vụ sát hại người làng và quan chức trong làng cũng hạn chế thông tin cho mọi người vì cho rằng càng ít người biết họ càng ít sợ hãi.

Đầu năm 2015, hệ thống camera an ninh đã được lắp đặt dọc theo đường biên giới 2 nước ở khu vực này các hoạt động tuần tra dân sự/quân sự cũng đã được thiết lập.

Tuy nhiên, người dân địa phương nói lực lượng dân quân chưa bao giờ triển khai, vài tháng gần đây nhiều người cao tuổi đã tìm cách đi khỏi quê hương vì lo sợ bạo lực xảy ra.

Đồng minh lâu đời

Theo truyền thông Trung Quốc, trong tháng 4/2015, 3 quân nhân Triều Tiên đang tìm kiếm thức ăn và tiền đã ra tay sát hại 3 người dân Trung Quốc ở gần làng Nam Bình.

Trước đó, một quân nhân Triều Tiên đã bị bắn chết tháng 12/2014 khi đang tìm cách sát hại 2 vợ chồng già trong làng nhằm cướp đi 100 tệ và một chút thức ăn.
Cánh đồng Trung Quốc và Triều Tiên cách nhau con sông
Cánh đồng Trung Quốc và Triều Tiên cách nhau con sông 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết sau 4 vụ án mạng, Bắc Kinh đã có khiếu nại với Bình Nhưỡng và cả 2 bên đồng ý rằng đó là những vụ việc ‘rất nghiêm trọng’, Triều Tiên cũng ‘bày tỏ sự hối tiếc mình với những gì đã xảy ra’.

Theo AFP, đây là một sự chỉ trích công khai hiếm hoi nhằm về phía Triều Tiên của đồng minh lâu năm Trung Quốc.

Chỉ cách đó 3 tháng, chính quyền và truyền thông Trung Quốc có xác nhận việc một người dân Triều Tiên đã bị bắt giữ sau khi giết chết một gia đình 3 người trong một vụ cướp.

Việc Bắc Kinh công khai các vụ giết người có thể cho thấy sự thất vọng đối với Bình Nhưỡng, AFP phân tích. Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng có thể trước đây đã có những vụ án mạng khác nhưng không được công bố.

Hãng thông tấn Pháp cho biết, mối quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên đã có từ lâu đời và trải qua nhiều thử thách, nhất là khi Bắc Kinh đã gửi 1 triệu quân hỗ trợ cho Bình Nhưỡng trong chiến tranh Triều Tiên.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia có các động thái bảo vệ trên phương diện ngoại giao và cung cấp viện trợ chính cho Triều Tiên, AFP cho biết thêm.

Tuy nhiên, trong lúc này vẫn tồn tại những lo ngại xung quanh sự bất ổn về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và việc ông Kim Jong-un chưa thăm chính thức Trung Quốc.

Chính sách của Bắc Kinh hiện nay là hồi hương toàn bộ những người Triều Tiên vượt biên với mong muốn trốn sang nước thức 3, đặc biệt Hàn Quốc là một điểm đến ưa thích.

Trong những năm 1990, hàng chục ngàn người Triều Tiên vượt biên sang Trung Quốc được chào đón rất nồng nhiệt, được hỗ trợ thực phẩm. 
Thế nhưng, một người bán hàng tên Cai ở làng Nam Bình cho rằng: “Đó là trước đây. Còn bây giờ tốt nhất là họ nên ở bên biên giới của mình”.

Tùng Đinh (theo AFP)
Bình luận
vtcnews.vn