Ngoại trưởng Mỹ phát biểu về Biển Đông

Thế giớiChủ Nhật, 07/08/2011 05:19:00 +07:00

(VTC News) - Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton về Biển Đông tại Bali và thư của Thượng nghị sĩ Jim Webb gửi Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Biển Đông.

(VTC News) - Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton về Biển Đông tại Bali, Indonesia (The South China Sea) và thư của Thượng nghị sĩ Jim Webb gửi Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Biển Đông.

Nghiên cứu Biển Đông dịch và giới thiệu.

Chúng tôi hoan nghênh việc Trung Quốc - ASEAN đã đồng ý thực hiện những đường hướng chỉ đạo để tạo điều kiện thuận lợi cho các biện pháp xây dựng lòng tin và các dự án hỗn hợp chung tại Biển Đông.

Đây là một bước đi đầu tiên quan trọng nhằm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử (COC), đồng thời cho thấy có thể đạt được các tiến triển thông qua đối thoại và ngoại giao đa phương. Chúng tôi trông chờ có thêm những tiến triển mới.

Chúng tôi được khích lệ bởi thỏa thuận này gần đây bởi vì, với tư cách là một nước thuộc khu vực Thái Bình Dương và là một cường quốc khu vực, chúng tôi có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tự do tiếp cận tuyến đường biển chủ chốt của châu Á, duy trì hòa bình và ổn định và tôn trọng luật quốc tế tại Biển Đông.

 

Chúng tôi phản đối việc đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực bởi bất cứ bên tuyên bố chủ quyền nào tại Biển Đông nhằm hỗ trợ cho các tuyên bố của mình hoặc can thiệp vào các hoạt động kinh tế hợp pháp. Chúng tôi chia sẻ các lợi ích này không chỉ với các nước ASEAN, các nước tham dự ARF mà còn các quốc gia biển khác và cộng đồng quốc tế nói chung.

Mỹ ủng hộ tiến trình ngoại giao tập thể của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền nhằm giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Chúng tôi ủng hộ DOC 2002. Nhưng chúng tôi không có lập trường về các tuyên bố chủ quyền theo cấu trúc địa lý tại Biển Đông. Chúng tôi tin rằng tất cả các bên cần theo đuổi các tuyên bố lãnh thổ và các quyền liên quan tới vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những điều khoản đã được nêu trong Công ước về luật biển năm 1982.

Mỹ lo ngại rằng, những sự cố gần đây ở Biển Đông đe dọa tình hình hòa bình và ổn định tại khu vực CÁ - Thái Bình Dương, tình hình này đã từng làm cơ sở cho những tiến bộ đáng kể ở đây. Những sự cố này gây nguy hiểm cho con người trên biển, làm căng thẳng leo thang, phá hoại tự do hàng hải và tạo nên rủi ro cho các hoạt động thương mại trôi chảy hợp pháp cũng như phát triển kinh tế.

Phù hợp với Tuyên bố DOC 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, các bên cần tuân thủ cam kết của mình về tôn trọng tự do hàng hải và bay trên bầu trời Biển Đông theo luật quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các bên cần kiềm chế những hành động có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong đó có những hoạt động như đưa dân tới ở trên những hòn đảo, dải đá nổi và ngầm cũng như các dạng địa hình khác chưa có dân cư và xử lý các bất đồng với thái độ xây dựng.

Mỹ khuyến khích tất cả các bên gia tăng nỗ lực nhằm đạt được COC đầy đủ tại Biển Đông.

Chúng tôi kêu gọi các bên làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông theo các điều khoản phù hợp với luật pháp quốc tế đã được thừa nhận (customary), kể cả những điều khoản của Công ước quốc tế về luật biển. Phù hợp với luật pháp quốc tế, những tuyên bố chủ quyền về vùng biển tại Biển Đông cần dựa vào những tuyên bố hợp pháp đối với địa hình.

Thượng nghị sĩ Jim Webb gửi thư lên Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Biển Đông:

Ngày 19/7, TNS Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã gửi thư đến BNG Mỹ yêu cầu làm rõ cam kết Hiệp ước Quốc phòng Mỹ - Phillipines ký 30/8/1951 trong bối cảnh gần đây Trung Quốc liên tục sử dụng vũ lực chống lại Phillipines ở Biển Đông.

 

Thư có đoạn viết:

"Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục khẳng định các yêu sách ở Biển Đông một cách ngày càng hung hăng, đôi khi trực tiếp đối mặt với các bên tranh chấp ĐNÁ khác."

Theo báo cáo, trong tháng 2/2011, bốn tàu đánh cá Phillipines đã bị tàu hải quân Trung Quốc tấn công gần Atoll Jackson thuộc quần đảo Trường Sa và tháng 3/2011, tàu an ninh hàng hải Trung Quốc lại uy hiếp tàu tuần tra của Phillipines tại vùng đảo Reed Bank, chỉ cách 80 hải lý từ đảo Palawan của Phillipines và hơn 500 hải lý tính từ Trung Quốc. Ông Webb nhấn mạnh rằng NT/Phillipines Albert F. del Rosario đã nêu rõ những hành động sử dụng vũ lực lặp đi lặp lại của tàu chính phủ Trung Quốc chống lại Phillipines và đưa ra câu hỏi về các trường hợp theo đó cam kết của Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Phillipines sẽ được áp dụng thế nào. Ông dẫn dụ, năm 2011, sau sự va chạm của một tàu đánh cá của Trung Quốc với hai tàu tuần tra bờ biển NB, NT Clinton đã ra tuyên bố rõ ràng rằng các quần đảo Senkaku nằm trong khuôn khổ của Hiệp ước hợp tác lẫn nhau và an ninh giữa NB và Mỹ. Ông Webb nói thêm trong Thông cáo báo chí về bức thư ông gửi BNG Mỹ “Sự rõ ràng của chúng ta về vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt đối với đồng minh của chúng ta, Phillipines, và đối với toàn bộ khu vực ĐNÁ”. Ông nhắc đến Nghị quyết 217 được Thương viện thông qua ngày 27/6 trong đó thể hiện rõ thái độ của các thượng nghị sĩ phản đối việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hòa bình và đa phương nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ hàng hải ở đây.

Thái An (dịch và tổng hợp)
>> Xem thêm bài viết trên Nghiên cứu Biển Đông

 
Bình luận
vtcnews.vn