Ngoại trưởng Mỹ Hillary trả lời phỏng vấn báo chí

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 23/07/2010 08:20:00 +07:00

(VTC News) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc gặp mặt và trả lời phỏng vấn trước báo giới.

(VTC News) - Vào lúc 16h chiều nay 23/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc gặp mặt và trả lời phỏng vấn báo giới sau khi kết thúc Hội nghị AMM 43, PMC và Diễn đàn ARF 17.

Vào lúc 16h chiều nay 23/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc gặp mặt và trả lời phỏng vấn báo giới  

Mở đầu cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết: “Đây là lần thứ 5 tôi đến một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, và ngày hôm qua tôi đã có vinh dự được tham dự lễ kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt Mỹ, một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác song phương giữa hai nước.

Cùng với Ngoại trưởng các nước ASEAN và nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi đã có những buổi đàm phán vô cùng hiệu quả để thúc đẩy tiến trình hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác giữa các bên.”

Bà Hillary nhấn mạnh: “Như các bạn đã biết, Khẩu hiệu của Hội nghị AMM 43 lần này là: Từ tầm nhìn tới hành động. Với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, tôi nhận thấy, có rất nhiều việc mà chính phủ Mỹ có thể làm để thực hiện khẩu hiệu này. Trước hết, chúng ta chia sẻ cùng một tầm nhìn về sự phát triển. Và trên thực tế, cách đánh giá mức độ thành công hiệu quả nhất là chúng ta thực hiện tốt đến đâu việc biến tầm nhìn thành những hành động cụ thể, bằng việc duy trì và định hướng đúng mục tiêu trong quá trình thực hiện đó.”

Rất nhiều nhà báo, phóng viên của các hãng thông tấn lớn ở trong và ngoài nước tham gia vào sự kiện này 

Sau đây là một phần nội dung cuộc phỏng vấn giữa bà Hillary Clinton với báo giới:

PV: Thưa Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong bài phát biểu của mình, bà có đề cập tới vấn đề Biển Đông cũng như các tranh chấp diễn ra trong vùng lãnh hải này. Mong bà cho biết quan điểm của Mỹ về vấn đề này cũng như các phương hướng giải quyết ?

Tôi thấy 12 nước tham gia hội nghị đã nêu vấn đề về bờ biển phía Nam của Trung Quốc cùng việc tranh chấp về lãnh hải khu vực này. Nếu nhìn lại trong bản đồ khu vực, chúng ta sẽ thấy rằng rất nhiều quốc gia đang tăng cường các hoạt động giao thương, qua lại trên vùng biển “đông đúc và bận rộn” nhất thế giới này.

Các nước ASEAN và cả Trung Quốc đều phải tuân theo những hiệp ước quốc tế về lãnh hải và đường biển đã được ban hành bởi Liên hợp quốc và chúng ta cần tìm ra phương hướng giải quyết tối ưu nhất để cùng chia sẻ và sử dụng vùng biển này một cách hiệu quả thông qua đàm phán hòa bình.

Bà Hillary trả lời một cách rõ ràng và ngắn gọn về các câu hỏi của một số phóng viên tham gia cuộc họp báo này.

PV: Theo bà thì qua hình mẫu của Việt Nam và Hàn Quốc trong nỗ lực phát triển cũng như phục hồi kinh tế sau chiến tranh, Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế giới có thể rút ra được kinh nghiệm cũng như bài học gì, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa Mỹ và Afghanistan hiện nay?

Tôi hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Afghanistan sẽ có khả năng chuyển biến và phát triển không kém gì Việt Nam và Hàn Quốc thời gian qua.

Cả Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay đều đang có nhiều chuyển biến tích cực như tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, một thể chế chính trị vững chắc, với rất nhiều khác biệt so với Hàn Quốc 60 năm trước đây và Việt Nam 35 năm trước. Đây là một quá trình phấn đấu rất khó khăn mà đòi hỏi con người phải thật kiên nhẫn và bền bỉ.

Như trong cuộc họp báo hôm qua 22/7, tôi đã từng nói, sau 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, quan hệ giữa hai nước ngày càng được thắt chặt và mở rộng hợp tác hơn từng ngày.

Tôi đã từng đi khắp mọi nơi trên thế giới và tôi nhận ra rằng, khó khăn lớn nhất mà nhiều quốc gia đang gặp phải là không thể tự vượt qua được những buồn đau của quá khứ để bước tiếp trên con đường của mình. Nhưng cả Việt Nam và Hàn Quốc đều là những hình mẫu tiêu biểu cho quá trình chuyển mình và phát triển một cách nhanh chóng mà nhiều quốc gia trên thế giới cần học tập.

PV: Thưa Ngoại trưởng, trong bài phát biểu của mình, bà đã nêu ra vấn đề vũ khí hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên, bà đã có cuộc đàm phán và trao đổi với đại diện của Chính phủ Hàn Quốc về vấn đề này. Bà có lo ngại rằng, việc CHDCND Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra một cuộc “chạy đua vũ khí hạt nhân” ở khu vực châu Á không?

Mối hiểm họa của vũ khí hạt nhân đang là nguy cơ đe dọa toàn thế giới trong thời điểm hiện tại. Như tôi đã phát biểu tại Diễn đàn ARF sáng nay, tôi rất lấy làm lo ngại vì các hành động của CHDCND Triều Tiên trong thời gian gần đây và cả vụ chìm tàu Cheo-nan của Hàn Quốc .

Đây là một vấn đề gây ảnh hưởng lớn không chỉ tới hòa bình, ổn định của bán đảo Triều Tiên mà cả đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, cánh cửa vẫn còn rộng mở đối với CHDCND Triều Tiên nếu họ vẫn giữ cam kết như 5 năm trước đây về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng như các nước ASEAN luôn khuyến khích nối lại đàm phán 6 bên và giải quyết vấn đề này bằng giải pháp hòa bình.




Hoài Thư

Bình luận
vtcnews.vn