Nghịch lý: Đồ uống tăng giá mạnh, đại lý "không mơ lãi"

Kinh tếThứ Sáu, 07/01/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Các đại lý thứ cấp than thở: Giá nhập hàng tăng cao nhưng họ cũng không dám tăng giá bán lẻ “vì dân kêu quá”.

(VTC News) – Các đại lý thứ cấp than thở: Giá nhập hàng tăng cao nhưng họ cũng không dám tăng giá bán lẻ “vì dân kêu quá”.

Đại lý cũng đau đầu

“Ngoài nước khoáng vẫn giữ giá, còn lại các loại nước uống khác tăng cả rồi. Mới đây mối giao hàng báo giá  Coca - Cola tăng đến 168.000/thùng (trước chỉ 158.000/thùng), bia Hà Nội cũng tăng 6.000 đồng/két”, bác Tuệ - chủ đại lý Huy Vinh (50 Thông Phong – Đống Đa) cho bết.

Mặc dù giá tăng nhưng đại lý của bác Tuệ chưa dám tăng giá bán lẻ cho NTD bởi "hàng hóa ở đây toàn bán cho những người quen mà “lên 500 đồng họ đã kêu nhiều lắm rồi, bác Tuệ nói: "Bây giờ, cái gì cũng thấy tăng giá chứ không giảm”.

Giá đồ uống nhích lên từng ngày.


Hiện ở đại lý của bác Tuệ, giá bán lẻ Coca - Cola vẫn ở mức 7.000 đồng/lon, bia Hà Nội 8.500 đồng/chai.
Trung bình một ngày, bác Tuệ bán lẻ được khoảng 3 két Coca - Cola, tính ra thâm hụt 30.000 đồng so với trước khi thời điểm 1/1/2011.

Tương tự, chị chủ quá café trên đường Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng kêu trời vì người báo giá hãng sữa chua mà chị vẫn dùng để chế biến thức uống cho khách sắp tới có thể tăng vọt lên 20.000 đồng/thùng (từ 173.000 – 193.000/thùng). Nếu đắt hàng, một ngày quán café của chị pha được khoảng 144 cốc sữa chua đánh đá (tương đương với 3 thùng sữa chua) và hẳn nhiên bị thâm hụt tới… 60.000 đồng. Nếu chị tiếp tục không tăng giá món thức uống này, tính ra một tháng chị sẽ mất 1.800.000 đồng, con số đáng giật mình với người bán hàng phải thuê địa điểm khoảng 7 triệu đồng/tháng như chị.

Khi được hỏi, tại sao giá nguyên liệu tăng cao nhưng chị lại không tăng giá bán? Chị bán hàng không ngần ngại giải thích: “15.000 đồng/cốc sữa chua đánh đá ở quán bình thường người ta chấp nhận được, tăng giá nữa dễ mất khách bởi không phải khách nào cũng chịu chi tiền… Những người bán hàng như tôi chỉ mong giá cả đừng tăng nữa chứ cứ thế này thì lỗ nặng”.

Nhiều đại lý thứ cấp và các nhà hàng kinh doanh đồ uống khác cũng đang rơi vào  tình trạng tương tự, nhưng đành cắn răng "sống chung với lũ" cùng hy vọng ra Tết giá cả sẽ hạ nhiệt.

Giá đồ uống còn tăng đến đâu?

Nhận định về khả năng tăng giá các loại đồ uống thời điểm giáp Tết, chị Hà - tiểu thương kinh doanh tại La Phù dự đoán, còn tăng “ít nhất 5 – 10% nữa”.

Hiện tại, giá bia Hà Nội, Heniken đã tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/két (hoặc thùng), Vodka Hà Nội loại chai 750ml tăng từ 173.000 lên 193.000 đồng/chai (tăng 20.000 đồng/chai) so với trước thời điểm 1/1/2011

Mặt khác, đồ uống có khả năng tăng giá nữa hay không còn tùy thuộc vào thời tiết. Ông Vũ Vinh Phú (chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội) nhận định: “Thời tiết lạnh, nhu cầu tiêu thụ rượu sẽ nhiều hơn. Theo tôi, giá rượu tăng khoảng 5 – 10%, bia tháng này tăng giá rồi nên tháng sau có thể sẽ không tăng vì trời lạnh, nhu cầu tiêu thụ bia sẽ ít đi”.

Trước hiện tượng bia Hà Nội, Heniken không khan hàng nhưng vẫn tăng giá và có dấu hiệu đầu cơ, trong cuộc họp gần đây ông Phú cho biết, một lãnh đạo công ty bia tuyên bố tăng công suất của nhà máy lên thêm hàng triệu chai để phục vụ dịp Tết. Nếu giá bia vẫn tăng, có thể do "nhà phân phối làm giá, nhà máy không trực tiếp bán hàng tới các đại lý mà qua nhiều kênh phân phối, dẫn tới người tiêu dùng phải chịu thiệt”.

Tại hàng Buồm, một đại lý thứ cấp bức xúc: “Giá cả tăng từng ngày, chúng tôi là đại lý nhỏ đã không được lợi gì trái lại ngày nào bị nghe than thở, thắc mắc từ phía những người đến nhập hàng. Giá là do nhà sản xuất, nhà phân phối chính đưa ra chứ chúng tôi là đại lý thứ cấp, làm sao điều chỉnh được”.

Trong khi đó, giá cả leo thang cũng gây ra hai tâm lý trái chiều với các đại lý nhỏ lẻ. Một mặt, đại lý muốn “găm hàng” trong thời điểm giá còn chưa tăng vọt để “buôn gốc, bán ngọn", mặt khác lại sợ ôm hàng sẽ chịu lỗ vì NTD thắt chặt chi tiêu trong điều kiện giá cả phi mã như hiện nay.


Bài, ảnh:
Phan Minh

Bình luận
vtcnews.vn