Nghịch lý: 60% sữa tươi làm từ sữa bột

Kinh tếChủ Nhật, 11/07/2010 09:36:00 +07:00

Đàn bò hiện có ở Việt Nam chỉ đáp ứng hơn 30% lượng sữa tươi trên thị trường nên hơn 60% lượng "sữa tươi" còn lại là được làm từ sữa bột.

Đàn bò hiện có ở Việt Nam chỉ đáp ứng hơn 30% lượng sữa tươi trên thị trường nên hơn 60% lượng "sữa tươi" còn lại là được làm từ sữa bột.

Ngày 11/7, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng thị trường sữa tươi Việt Nam”. Bà Vũ Thị Bạch Nga (Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, sữa tươi tiệt trùng đang chiếm thị phần ngày càng lớn nhưng chất lượng thì gần như đang bị thả nổi.

Người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là sữa tươi "xịn", đâu là sữa tươi làm từ sữa bột(ảnh minh họa). 
Điều ít người tiêu dùng biết là đàn bò hiện có ở Việt Nam chỉ đáp ứng hơn 30% lượng sữa tươi trên thị trường nên hơn 60% lượng "sữa tươi" còn lại là được làm từ sữa bột, hay còn gọi là sữa hoàn nguyên. Như năm 2008, lượng sữa tươi của đàn bò chỉ ở mức hơn 262 triệu lít trong khi lượng "sữa tươi" đưa ra thị trường lên tới hơn 439 triệu lít; năm 2009, tổng lượng sữa tươi cả nước chỉ ở mức 270 triệu lít, trong khi lượng "sữa tươi" ngoài thị trường lên tới 452,8 triệu lít?

Thế nhưng, qua khảo sát, tất cả các loại sữa nước có mặt trên thị trường, không có loại sữa nào ghi sữa hoàn nguyên tiệt trùng, mà chỉ ghi sữa tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa thanh trùng? Bà Nga khẳng định, đây là hành vi đánh lừa khách hàng, bởi sữa hoàn nguyên không được sản xuất trực tiếp từ sữa tươi mà từ sữa bột.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho biết thêm, sữa tươi hiện nay trên thị trường chủ yếu được làm từ bột sữa gầy nhập khẩu. Phần lớn các doanh nghiệp sử dụng dầu cọ thay cho chất béo từ sữa bò nguyên chất (vì giá dầu cọ khoảng 8.000 đồng/kg trong khi chất béo từ sữa bò nguyên chất có giá nhập khẩu khoảng 50.000 đồng/kg).

Hiện, việc quản lý chất lượng sữa nước được giao cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế nhưng thực tế, theo bà Nga, chất lượng sữa nước gần như đang bị thả nổi, chủ yếu dựa trên việc tự công bố chất lượng của các nhà sản xuất.

Rất nhiều doanh nghiệp thiếu hướng dẫn cũng như kiểm tra quá trình vận chuyển, bảo quản sữa trước khi bán cho người tiêu dùng, còn người tiêu dùng thì rất ít người “thông thái” - tự nhận biết, phân biệt được chất lượng sữa. Bởi vậy, bà Nga cho rằng, cần có chế tài mạnh đối với các vi phạm liên quan đến mặt hàng sữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.







Theo Pháp luật và Xã hội

Bình luận
vtcnews.vn