Nghi án hối lộ 80 triệu yên: Thủ tướng chỉ đạo hai phó thủ tướng vào cuộc

Thời sựThứ Tư, 02/04/2014 07:08:00 +07:00

(VTC News)- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng xung quanh nghi án nhận hối lộ của cán bộ ngành đường sắt.

(VTC News)- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng xung quanh nghi án nhận hối lộ của cán bộ ngành đường sắt.

Điều tra kỹ, xử lý nghiêm

Chiều 1/4, trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, các phóng viên đã đặt ra nhiều câu hỏi về nghi án hối lộ của ngành đường sắt. Vụ bê bối hối lộ liên quan đến dự án đường sắt đang khiến dư luận hết sức quan ngại về sự minh bạch và hiệu quả các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.

Những thông tin được tiết lộ cho thấy có nhiều bất cập lớn trong quy định của Nhật liên quan đến dự án vốn vay ưu đãi đặc biệt cũng như dự án đường sắt này.
Nghi án cán bộ ngành đường sắt nhận hối lộ gây xôn xao dư luận những ngày qua 
Một phóng viên đã thẳng thắn đưa ra câu hỏi dành cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: “Xin được hỏi Bộ trưởng, thông tin này được đề cập như thế nào trong phiên họp Chính phủ thường kỳ để có thể tìm ra cơ chế xử lý những bất cập này trong thời gian tới? Liệu đã đến lúc Việt Nam nên từ chối những dự án kiểu như thế này hay chưa?”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết : “Những ngày gần đây, chúng ta đã nghe nhiều nhưng đây chỉ mới là thông tin ban đầu, chúng ra vẫn chưa biết cụ thể thế nào”.

Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo khẩn trương, nhanh chóng phối hợp với phía Nhật Bản nắm thông tin, điều tra làm rõ, sớm có kết luận để xử lý nghiêm minh.

Thủ tướng đã chỉ đạo hai Phó Thủ tướng làm việc, cùng với những chỉ đạo bằng văn bản và trực tiếp từ các bộ, ngành.

 

Khi sai phạm đã rõ thì phải xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên
 
Trước khi lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo cụ thể. Thậm chí, ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Thủ tướng đã tranh thủ gặp Thủ tướng Nhật Bản để trao đổi về sự việc này.


“Tôi chứng kiến lời đầu tiên hai Thủ tướng gặp nhau là: Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Nếu là sự thật thì phải nhanh chóng rút kinh nghiệm để ngăn chặn những chuyện tương tự xảy ra. Thủ tướng nói: Chúng tôi sẽ cố gắng không để ảnh hưởng đến sự giúp đỡ vốn ODA của Nhật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin tới toàn thể các phóng viên.

Điều đó nói lên quyết tâm của Việt Nam, khi có thông tin dù chưa rõ nhưng Việt Nam quyết phải làm và có nhiều hành động để làm sáng tỏ vụ việc. Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, cử một Thứ trưởng trực tiếp qua Nhật Bản để gặp các tổ chức có liên quan để làm rõ. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan đang điều tra và chưa có kết luận chính thức.

Trong cuộc họp ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo làm thận trọng, quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo theo quy định của pháp luật, theo quy trình điều tra.

“Đây mới là nguồn tin nên trước hết mình phải tin mình, phải bảo vệ người Việt Nam. Khi sai phạm đã rõ thì phải xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nêu quan điểm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo rất rõ cần phải làm đúng quy trình điều tra, thận trọng nhưng vẫn phải kỹ lưỡng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Đây là câu chuyện dài nhưng hiện nay chúng ta đang chờ đợi, cơ quan công an, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc. Chúng ta tin tưởng sẽ làm quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm và sẽ xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm”.

Quản lý nhà công vụ

Gần đây, dư luận xôn xao khi biết chuyện ở khu Nhà công vụ Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) có rất nhiều cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, nhưng vẫn “sở hữu” nhà công vụ.
Khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: L.H.V
Khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: L.H.V 
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng đây cũng là câu chuyện không vui mà mấy ngày qua báo chí phân tích, phát biểu quan điểm và có những nhận xét về một số cán bộ hiện nay nằm trong diện này.

Theo luật quy định, nhà công vụ là nhà dành cho những cán bộ nhận nhiệm vụ ở những nơi họ không có nhà ở. Đối tượng thứ nhất là những cán bộ, công chức. Đối tượng thứ hai là lực lượng sĩ quan công an, quân đội chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng. Đối tượng thứ ba là cán bộ lãnh đạo.

Thông thường, những người thuộc diện trên cứ đến công tác ở đâu được bố trí nhà theo điều kiện sẵn có ở địa phương đó. Nhà công vụ được xây dựng tùy theo điều kiện khách quan của từng nơi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho biết nhận được thông tin phản ánh về một số trường hợp nhà công vụ ở Hà Nội, đặc biệt là khu vực Hoàng Cầu.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng thông tin: “Theo báo cáo, có rất nhiều trường hợp, nhiều người khi hoàn thành nhiệm vụ đã trả nhà, kể cả cán bộ cao cấp. Nhưng cũng không ít trường hợp ở lại, có trường hợp vì lý do khách quan, có trường hợp lại là những người khác ở lại”.

Trước kia,
quy định, chế tài chưa được rạch ròi, rõ ràng về nhà công vụ nên đã xảy ra một số tình trạng như hiện nay.

Hồ sơ giao nhà, thu hồi nhà cũng phần lớn là do các cá nhân tự giác thực hiện. Khi xuất hiện tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định quy định rõ về thủ tục, chế tài, nhằm điều chỉnh tồn đọng, giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng quản lý nhà công vụ. Bộ Xây dựng đã thành lập một tổ chức chuyên trách để giải quyết vấn đề nhà công vụ.

“Về mặt chế tài, nếu như ai hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ, tổ chức này sẽ báo trước thời gian 6 tháng. Khi tổ chức đã thông báo, nếu vì lý do nào đó cán bộ chưa thực hiện thì tổ chức sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết. Tuy nhiên, bản thân cán bộ cũng phải tự giác, gương mẫu chấp hành đúng quy định về nhà công vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn