Nghe 'vua trâu' kể chuyện trâu chọi

Thời sựThứ Bảy, 07/03/2015 11:20:00 +07:00

Đến thôn Đoàn Kết xã Hải Lựu huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc không ai là không biết đến ông Nguyễn Hữu Bắc, người còn được gọi bằng cái tên thân mật là 'vua trâu'

(VTC News) - Đến thôn Đoàn Kết xã Hải Lựu huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc không ai là không biết đến ông Nguyễn Hữu Bắc, người còn được dân trong vùng gọi bằng cái tên thân mật “vua trâu” bởi những thành tích ông đạt được trong lễ hội chọi trâu truyền thống của xã.

Hải Lựu là địa phương thuần nông của huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc nên từ bao đời nay, con trâu là người bạn thân thiết đối với mỗi người dân nơi đây. Cũng chính vì thế mà lễ hội chọi trâu Hải Lựu từ lâu đã không còn xa lạ với người dân nơi đây nói chung và cá tỉnh lân cận nói riêng. 

Đến với Hải Lựu những ngày đầu xuân chúng tôi vẫn nghe đâu đây câu ca dao quen thuộc như nhắc nhở những người con của mảnh đất quê hương trở về với lễ hội truyền thống.

"Dù ai đi đâu, về đâu

Tháng giêng, mười bảy chọi trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Tháng giêng, mười bảy thì về chọi trâu."

Tuyệt kỹ luyện trâu chọi.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng giêng âm lịch hàng năm đem đến cho du khách những màn thi đấu đẹp mắt của các cặp trâu. Để mang đến cho khán giả những trận đấu nảy lửa, hấp dân thì vai trò của chủ trâu là rất quan trọng.

Để hiểu rõ thêm về cách thức chọn và chăm sóc trâu chọi chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Bắc, thôn Đoàn Kết. Ông Bắc là người mà nhân dân Hải Lựu gọi với cái tên thân mật là “vua trâu”. Đồng thời ông cũng chính là người giành vị trí quán quân trong cuộc thi chọi trâu Hải Lựu năm 2014.

Trâu của ông Bắc tham gia lễ hội 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bắc cho biết. “Từ việc chọn trâu chọi cho đến cách chăm sóc trâu đến ngày ra sân là cả một quá trình không hề đơn giản, không giống với cách chăm sóc trâu thông thường”

 
Để mua được những con trâu to khoẻ, ông thường phải đi rất xa để mua. Những giống trâu ở Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai... là sự lựa chọn hàng đầu của chủ trâu ở đây.

Ông cho biết thêm, đôi khi những con trâu to khỏe, nhìn đẹp mắt nhưng chưa chắc đã được lựa chọn vì nó còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung của trâu chọi đã đặt ra như: vòng ngực trâu phải đủ từ 200 vanh tức 2m trở lên, chiều cao từ 1,3m trở lên, chiều dài chéo khoảng 1,5m, cân nặng, vòng mông, mắt, sừng, móng, gối, chân... đều phải đạt tiêu chuẩn.

Ông bật mí thêm để chọn được trâu tốt, thi đấu được giải cao thì phải cần đến một yếu tố nữa là nghệ thuật chọn trâu. Ví dụ như sừng trâu như thế nào là có miếng đánh nguy hiểm, gây sợ hãi cho trâu đối phương, ánh mắt như nào mới thể hiện được sự lì lợm của trâu khi xung trận... Để có được những con trâu như thế thì việc phải có những chuyến đi dài ngày là điều hiển nhiên. Trâu được mua từ tháng sáu đến tháng bảy âm lịch chăm sóc đến lúc diễn ra lễ hội.

 
Lựa trâu đã khó, việc chăm sóc trâu còn khó hơn gấp nhiều lần. Ông Bắc cho biết, trâu chọi không giống như trâu kéo cày, việc cho ăn, bố trí chuồng trại... cũng phải thật tỉ mỉ. Thức ăn cho trâu phải là cỏ sạch, chủ yếu là cỏ voi, ngoài ra còn phải có ngọn mía, ngô, sắn, cám gạo và mật mía để cho trâu có thể đạt được kích thước tiêu chuẩn.
Những giải thưởng được trân trọng treo trong nhà 

Chuồng trại cho trâu chọi phải thoáng mát, sạch sẽ, việc tắm cho trâu mỗi ngày cũng là một yêu cầu không thể thiếu. Mỗi buổi sáng, ông Bắc cho trâu tập chạy tăng thể lực, rồi cho chạy dưới ruộng bùn để tăng độ dai, lỳ. Những ngày hè nóng nực thì phải mở quạt để làm dịu không khí, khi trời lạnh thì phải quây kín để giữ ấm cho trâu.

Tuy vậy, dù mùa đông hay mùa hè đều cần phải tắm cho trâu vì trâu rất thích tắm. Mùa hè thì mỗi ngày tắm một lần còn mùa đông thì có thể hai đến ba ngày cho trâu tắm. Nhất là khi trâu đằm xong thì cần phải được tắm cho sạch sẽ.


Ông Bắc cho hay chi phí nuôi trâu chọi trong thời gian 7 đến 8 tháng có thể lên tới hàng chục triệu đồng.

Coi trâu như con

Đã 13 năm nay, từ khi hội chọi trâu xã Hải Lựu được mở trở lại, năm nào ông Bắc cũng có trâu đi thi, những con trâu của ông như hiểu được công lao chăm sóc của chủ nhân nên năm nào cũng mang giải về, năm 2014, trâu số 16 của ông xuất sắc vượt qua trâu chọi số 10 của ông Đào Tiến Hùng để giành chức vô địch trong trận đấu kéo dài đến gần một giờ đồng hồ.

Chân dung 'vua trâu' Nguyễn Hữu Bắc và 'đứa con' của mình 

Ông cho hay “trâu cũng giống như con người vậy, tôi nuôi trâu có khác gì như chăm sóc đứa con của mình đâu, ngày 15 tháng giêng năm ngoái, sau khi đưa trâu ra đình cúng thần linh, biết ngày mai xung trận nên trâu không ăn, không uống gì. Sau khi hết lễ hội thì dù thắng hay thua trâu cũng đều bị giết bán cho du khách, dù không muốn nhưng không thể làm khác được”. 

Giống như mọi năm, năm nay ông Bắc cũng tham gia lễ hội bằng một con trâu giống mua ở Yên Bái. Dưới sự chăm sóc cẩn thận của gia đình, trâu của ông đang hừng hực khí thế ngày khai hội.

Văn Duẩn – Viết Quang.
Bình luận
vtcnews.vn