Nghệ thuật sắp đặt

Tổng hợpChủ Nhật, 31/07/2011 02:10:00 +07:00

Ngồi không ở nhà được vài tuần, lão ra Ủy ban xã (từ ngày Hà Nội mở rộng đã đổi thành phường) đăng ký sinh hoạt Chi bộ, và tham gia Hội Cựu chiến binh (CCB)

   Lão Hỷ là trưởng tộc một dòng họ danh giá trong vùng. Lúc trẻ lão đi thoát ly, nghe đâu làm chức gì to lắm ngoài phố. Nghỉ hưu, lão về quê vui thú điền viên. Vợ lão vốn sinh ra ở 36 phố phường, thích đến các trung tâm tư vấn thẩm mỹ, thể dục nhịp điệu hơn là chăm quỳnh tưới giao. Thỉnh thoảng vợ lão đi cùng xe của cậu con rể từ thành phố về, chất đầy tủ lạnh cho lão xúc xích, giò chả, dầu ăn, thịt hộp, cá khô, tôm nõn... tóm lại là đủ lương thực thực phẩm cho lão ăn cả tháng chẳng cần bước chân đến chợ huyện. Ở chơi nửa ngày rồi bà lại quày quả ra Hà Nội: “Tôi còn phải đưa đón thằng cu Tôm cho mẹ nó đi làm”. Bà giải thích cái sự “ngồi chưa ấm chỗ” của mình như vậy với bạn bè lão Hỷ. Tôm là thằng cháu ngoại lão. Tên khai sinh của nó là Hiếu Nghĩa.

 Ngồi không ở nhà được vài tuần, lão ra Ủy ban xã (từ ngày Hà Nội mở rộng đã đổi thành phường) đăng ký sinh hoạt Chi bộ, và tham giaHội Cựu chiến binh (CCB). Hồi chiến tranh biên giới phía Bắc, lão cũng mặc áo lính theo lệnh tổng động viên của Chính phủ. Sau mấy tháng huấn luyện sỹ quan dự bị ở Sơn Tây, người ta trả lão về cơ quan cũ. Những người có học hành, bằng cấp như lão cần cho công cuộc xây dựng CNXH hơn.

 Ông chủ tịch hội CCB, đại tá về hưu, thấy lão Hỷ tham gia thì khẩn khoản: “Tôi muốn có thêm thời gian chăm sóc sào vườn, đỡ đần bà lão... Học cao, biết rộng như Thầy làm lãnh đạo thì các hội viên mới được nhờ”. Đẩy qua đẩy lại mãi, cuối cùng lão Hỷ đồng ý làm “trợ lý đặc biệt” cho ông đại tá. Lão còn dự định “tin học hóa” toàn bộ dữ liệu của hội viên và “tung” các hoạt động của hội lên in-tờ-nét cho cả nước biết đến làng Thượng của lão. Ông chủ tịch Ủy ban nhân dân phường nghe báo cáo kế hoạch hoạt động của Hội CCB cũng muốn “nhờ Thầy làm giúp một cái “chính phủ điện tử” thật hoành tráng để mở mày mở mặt với các anh em “Hà Nội 1”.  “Hà Nội 1” là cách gọi các khu phố nằm trong 5 cửa ô, khi chưa có đường vành đai 1, 2, 3 và bà con dân tộc thiểu số ở Hòa Bình chưa được đăng ký hộ khẩu Thủ đô.

 
   Lão Hỷ chưa bao giờ làm nghề dạy học. Cả làng cả tổng gọi lão bằng “Thầy” vì cái học vị tiến sỹ của lão được đào tạo ở nước ngoài. Hơn nữa, sinh thời, ông cụ thân sinh ra lão cũng từng là thầy đồ Nho, sau có chuyển sang dạy chữ quốc ngữ, giữ chức hiệu trưởng của trường phổ thông cơ sở của xã suốt mấy chục năm. Tuổi tác, chức vụ, học vị, dòng dõi... ngần ấy thứ đủ để cho lão Hỷ thấy mình có quyền “trông xuống”, “bảo ban” hết thảy trong ngoài dòng tộc. Ngày họp họ, con cháu đứa nào vô phúc đến sau khi lão đã cất lời thể nào cũng bị lão mắng té tát. Lão thích thể hiện uy quyền bằng cách hắt mạnh chén nước xuống nền nhà, kiểu như Bao Thanh Thiên quăng chiếc nghiên mỗi khi tuyên “cẩu đầu trảm” cho một hèn nhân. Trong họ, gia đình nào có hiếu hỉ, tang gia, lão cũng muốn mình phải là người đầu tiên được thông báo, được xin ý kiến và ra quyết định. Có lần cô em họ lão rục rịch gả con cho một doanh nhân Đài Loan. Lão biết tin tìm đến can ngăn, khuyên giải. Đứa cháu gái ngang ngạnh, khăng khăng làm theo ý mình. Ngày đưa dâu, lão không thèm sang tiễn loại “cá không ăn muối”. Cán bộ phường, Hội, tiếng là quan chức, nhưng gặp lão Hỷ thường xuống xe từ xa, bắt tay bằng cả hai bàn tay lắc lắc, trân trọng. Nhiều việc bàn ở phường không xong, lão gọi con cháu đến nhà dạy bảo, quát mắng, hắt nước. Lão phê bình, chỉ trích phương án nọ, phủ nhận, gièm pha phương án kia. Cuối cùng, ý kiến của lão phải là “kim chỉ Nam”.  

 Lão Hỷ được đào tạo bài bản về khoa học kỹ thuật nhưng lại thích thơ ca, hò vè. Từ ngày lão về quê, sinh hoạt của Hội Cựu chiến binh rôm rả hẳn lên. Thỉnh thoảng trên bảng tin của Hội lại có một bài thơ mới. Nghiện thơ là một “căn bệnh” lây lan qua đường... hội họp. Ban đầu chỉ có Hội CCB bị “nhiễm”. Tiếp đến là Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội bảo thọ... Tần suất các buổi sinh hoạt tăng lên. Số lượng các bài phát biểu dưới dạng hò vè càng nhiều. Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Ăn thơ, ngủ thơ, ứng khẩu thành thơ... Nhân dịp kỷ niệm ba năm Hà Nội mở rộng, ban lãnh đạo Hội CCB nảy ra ý định chọn lọc các tác phẩm “cây nhà lá vườn” in một tuyển tập thơ chung, đánh dấu bước “nhảy vọt” quan trọng trong đời sống văn hóa của “nhân dân trong phường” (thay cho cụm từ “bà con nông dân trong xã” trước kia).

 Kể ra nếu chỉ in riêng thơ của Hội CCB thì lão Hỷ chỉ làm trong vòng nửa tháng là hoàn tất. Khốn nỗi mấy mụ ở Hội Phụ nữ “nghe hơi nồi chõ” liền cử đại diện đến gặp lão điều đình, xin được đóng góp kinh phí in chung.  Lão Hỷ không ghét bỏ gì các chị em trong phường. Thậm chí, chị em làng trên xóm dưới ai cần giúp đỡ, khuyên giải lão cũng đều tận tình. Có kẻ còn độc mồm độc miệng gọi nhà lão là Câu lạc bộ của các chị em “chồng bỏ - chồng chê - chồng đi Bê - chồng chết”. Của đáng tội thấy lão sống một mình, nhiều chị em cũng lời ra tiếng vào: “Thầy như táo rụng sân đình...”. Nhưng lão không dại gì công khai “bật đèn xanh”.  Mụ vợ tuy không còn ỏ ê gì đến lão, nhưng vẫn chăm chỉ tiếp tế để lão sống đàng hoàng như “nhất khoảnh đế vương”. Hơn nữa, chỉ cần lão để lộ “tung tích” thân thiết với một “nàng” là cả đám dòng dòng kia sẽ kéo nhau đi hết”. Lão kẻ cả mắng mỏ, hắt nước vào tất cả, rồi cũng bông lơn, ỡm ờ với tất cả. Trong đám, có cô Thắm là bạo miệng nhất. Cô công khai làm thơ thể hiện tình cảm của mình với lão Hỷ khiến lão hết sức bối rối. Công bằng mà nói, hồi còn đi học, Thắm cũng văn vẻ báo tường rất sôi nổi nên phường hay cử cô đi dự nhiều lớp tập huấn tuyên truyền vận động do các ban ngành tổ chức. Trong thâm tâm, lão Hỷ thích cô Trúc làm thư ký phường hơn. Thỉnh thoảng, nhân lúc vắng người, hai người vẫn “đầu mày cuối mắt”, nói năng lấp lửng kiểu “người khôn ăn nói nửa chừng...”. Trúc và Thắm học cùng nhau hồi cấp 3. Nghe đâu hai người chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng sau vụ một anh kỹ sư nông nghiệp về làng thực tập đã bắt hai tay hai cá. Xét về dòng tộc, thì Thắm có họ mấy đời với lão Hỷ, phải gọi lão bằng chú. Lão Hỷ cậy mình ngạch trên, lại trưởng tộc nên không ngần ngại mắng mỏ Thắm trước đám đông.

 Lão Hỷ chấp nhận đề nghị của Hội phụ nữ với điều kiện, chị em phải cử ra đại diện cùng tuyển chọn và trình bày với lão. Tiếng là “hợp tác”, nhưng lão Hỷ giành mọi quyền kiểm soát, quyết định từ khâu chọn bài đến phần in ấn. Điều kiện của lão chỉ nhằm hợp thức hóa sự hiện diện của lão và cô Trúc ở những nơi công cộng.

 Ngày ra mắt cuốn thơ tựa như một ngày hội văn hóa của cả phường. Băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa... Lão Hỷ tươi rói đứng trên sân khấu đọc thơ, bình thơ, khen ngợi tác giả, cám ơn lãnh đạo phường, lãnh đạo hội. Sáu chục tác giả được bố trí ngồi hai dãy ghế đầu tiên. Mỗi người được phát 10 cuốn về tặng cho anh em, bạn bè, người thân. Hàng trăm khán giả phía sau không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào “gia đình mình từ nay đã có người đặt được chân vào lãnh địa văn chương. Có hẳn thơ in thành sách”. Cô Thắm mở sách, đọc hết phần mục lục không thấy tên mình thì lẳng lặng bỏ về. Nghe đâu sau đó cô lên phố trông con cho một gia đình khá giả.

 Một buổi tối trước ngày giỗ họ, lão Hỷ nghe tiếng chó sủa râm ran ngoài cổng. Bật đèn ngoài hiên, lão thấy cô Thắm đang chống đòn gánh, cầm nón phe phẩy quạt. Cánh cổng sắt vừa mở ra, cô Thắm nhanh nhẹn quẩy đôi thùng nước đi thẳng vào giữa sân. Lão Hỷ chưa kịp mở miệng hỏi thăm thì cô Thắm đã thẽ thọt: “Thưa ông, mai là ngày tập trung đông đủ cả dòng tộc. Sợ ông không đủ nước hắt vào mặt những đứa trái lời, con mang đến biếu ông gánh nước”. Nói xong, Thắm tất tả đi ra, để mặc lão Hỷ đứng như trời trồng.

 Họ hàng làng nước không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra, chỉ thấy lão Hỷ đã bỏ được thói quen nạt nộ vô lối và hắt nước xuống nền nhà. Trên hiên, cạnh cửa ra vào, lão đặt một đôi thùng gánh nước và một chiếc gáo dừa gác ngang qua theo kiểu “nghệ thuật sắp đặt”.

 Thanh Chung

Bình luận
vtcnews.vn