“Nghệ thuật” lăng xê và "gáo nước lạnh"

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 15/01/2011 01:18:00 +07:00

Câu chuyện bắt đầu bằng sự kiện Phần mềm BKAV của Trung tâm An ninh mạng Bách khoa (BKIS) là “1 trong 10 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới”...

Câu chuyện bắt đầu bằng 1 trong 10 sự kiện được Câu lạc bộ Nhà báo khoa học công nghệ (KHCN) chọn là sự kiện KHCN nổi bật của năm 2010: Phần mềm BKAV của Trung tâm An ninh mạng Bách khoa (BKIS) là “1 trong 10 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới”.

Sự kiện này có thể coi là sự kiện liên năm, từ năm 2010 kéo sang năm 2011 và làm "nóng" nhiều diễn đàn công nghệ thông tin.

Từ giữa tháng 12/2010, BKIS đưa ra thông tin BKAV là 1 trong 10 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới. Hiệu ứng hoan hỉ xuất hiện trên báo chí: “BKAV lọt top 10 thế giới”, “Tự hào thương hiệu Việt”, “BKAV vượt nhiều phần mềm bảo mật tên tuổi”...

Thế nhưng, cuối tháng 12, một “gáo nước lạnh” mang tên “Sự thật về việc BKAV vào top 10 phần mềm diệt virus” được dội từ các website chuyên về CNTT, cho rằng “phần mềm của BKAV là 1 trong 10 phần mềm diệt virus tốt nhất của thế giới” là không chính xác, rằng phần mềm BKAV Home Plus đạt vị trí thang điểm RAP 7/64 và RAP chỉ là một tiêu chí của Tổ chức Kiểm định virus Bulletin (VB) nên không thể nói phần mềm BKAV là xếp thứ 7 trên thế giới được…

Lời qua tiếng lại, cuộc tranh cãi thu hút sự tham gia của nhiều người am hiểu lĩnh vực này, và cho thấy càng cãi thì BKIS càng bất lợi. Một khi cộng đồng, cụ thể ở đây cộng đồng mạng, cương quyết ra tay, thì vị trí chính xác của sản phẩm được vẽ ra ngày càng thuyết phục.

Thậm chí, một trang web bày tỏ quan điểm khi dẫn lời của ông John Hawes - trưởng nhóm thử nghiệm của VB, tác giả bản báo cáo tháng 12/2010: “Mặc dù chúng tôi tránh những tuyên bố mang tính xếp hạng, nhưng tất nhiên là không thể nào ngăn được bộ phận tiếp thị của các công ty nhào nặn kết quả để thành tích được nhìn theo hướng tốt nhất đối với họ...”.

Thực ra, không cần có bản tin xếp hạng nói trên, thì với những nỗ lực của cả tập thể BKIS, phần mềm diệt virus BKAV cũng đã có chỗ đứng đáng kể trên thị trường Việt Nam và trong lòng người tiêu dùng. Rõ ràng, “nghệ thuật” lăng xê không hợp lý đã phản tác dụng.

Phải chăng, đó cũng là hệ quả của việc lạm dụng kiểu lăng xê “hàng đầu”, “tốp đầu”. Từ bột giặt hàng đầu, nước xả hàng đầu, dầu gội hàng đầu, đồ nội thất hàng đầu, cho đến nước mắm hàng đầu, bột nêm hàng đầu, dầu ăn hàng đầu… Vô hình trung, người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng không có nhiều thông tin đối soát mà chỉ có những thông tin quảng cáo được tô vẽ để mà tin, bị lạc lối giữa một ma trận toàn những thứ “hàng đầu”.

Nhìn một góc độ khác, người tiêu dùng sẽ rất mong muốn được cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm, và để họ được quyền là người xếp hạng sản phẩm trên thị trường.

Nếu chưa được như thế, thì cũng đừng làm người tiêu dùng nhầm lẫn bằng nghệ thuật lăng xê kiểu “hàng đầu”, để người tiêu dùng phải lần mò tự trả lời câu hỏi “biết tin hàng nào(?)”.

Theo Pháp luật VN

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.



Bình luận
vtcnews.vn