Nghệ sỹ nghi có khuất tất trong việc bán Hãng phim truyện Việt Nam

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 28/04/2016 03:32:00 +07:00

“Tổng tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam với đất đai và thương hiệu lên tới nghìn tỷ tại sao lại bán cho công ty vận tải đường thủy với giá 19,5 tỷ” .

“Tổng tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam với đất đai và thương hiệu lên tới nghìn tỷ tại sao lại bán cho công ty vận tải đường thủy với giá 19,5 tỷ” – họa sĩ Vũ Huy đặt câu hỏi.

Liên quan đến thông tin Tổng công ty vận tải thủy sẽ là chủ sở hữu mới của hãng phim truyện Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với các nghệ sĩ gạo cội – những người có thời gian gắn bó mật thiết với Hãng phim truyện Việt Nam để lắng nghe ý kiến của họ về sự việc này.

NSND Minh Châu: “Hãy giữ lại Hãng phim truyện Việt Nam"


Không nuối tiếc sao được vì tôi đã gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam gần 40 năm, từ năm 1977. Ngay sau khi ra trường tôi đã về công tác ở đó và ngay cả đến khi đã về hưu, có việc gì cần tôi, tôi luôn sẵn sàng và không ngại từ chối.

Mỗi lần tôi chuyển nhà, tôi còn bồi hồi, đầy cảm xúc huống hồ lần này Hãng phim truyện Việt Nam bị bán cho người khác, không còn là số 4-Thụy Khê đầy kỷ niệm nữa.
 minh châu
NSND Minh Châu.

Khi nghe tin cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, không chỉ tôi mà rất nhiều nghệ sĩ khác đều cảm thấy buồn, thậm chí còn có sự bức xúc.

Có thể người ta nghĩ rằng người ta thấu đáo hơn chúng tôi nhưng tôi chỉ mong rằng hãy giữ lại hãng phim vì đó là nơi đã sáng tạo ra biết bao tác phẩm kinh điển, đóng góp vô cùng lớn cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà.

Một chốc, một lát bảo hủy là hủy, bảo bán là bán, bảo chuyển đổi là chuyển đổi như vậy đâu có được, chúng tôi biết phải làm gì bây giờ trước quyết định này!

NSND Phạm Nhuệ Giang: “Cổ phần hóa để phát triển chứ đừng để chết đi”

Chi tiết về việc cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam thì tôi không rõ nhưng tôi chỉ thấy là công ty vận tải đường sông thì không liên quan đến nghệ thuật để được bán lại.

Cổ phần hóa thì không ai phản đối nhưng phải cổ phần hóa để phát triển chứ không phải cổ phần hóa để chết đi. Hãng phim đã có lịch sử tới 60 năm, làm nhiều bộ phim kinh điển, từng có địa vị lớn trong đời sống nghệ thuật sao có thể giao cho một đơn vị như vậy.

NSND, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. 

Tôi biết, trong giai đoạn hiện nay điện ảnh nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, nhà nước quan tâm đến truyền hình hơn vì tính phổ cập nhưng tại sao không chọn một đơn vị nào đó có kinh nghiệm về phim ảnh ở Việt Nam mà lại chọn một công ty mà chỉ cần nghe tên đã biết là không liên quan gì đến nghệ thuật.

Tôi sợ đây là một ông chủ không thuận và sẽ không phát triển được hãng, nói chung là tất cả nghệ sĩ, những người đã cống hiến cho hãng phim đều cảm thấy rất lo lắng.

Họa sĩ Vũ Huy: “Chắc chắn có khuất tất trong phi vụ mua bán này”

Chủ trương cổ phần hóa là chủ trương chung, không thể cưỡng lại. Chủ trương đó để doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng có thể cổ phần hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải nghiên cứu và quyết định chứ.

Với Hãng phim truyện Việt Nam, cổ phần hóa là không nên vì bán cho một đối tượng không liên quan gì đến điện ảnh, không có tí chuyên môn nào thì không ai hài lòng được.

Hơn nữa lại bán với cái giá rất rẻ, do vậy chắc chắn có sự khuất tất ở trong này. Đất đai, thương hiệu của hãng phim danh tiếng không thể chỉ có 19,5 tỷ đồng được. Nhà nước không được lợi gì từ phi vụ mua bán này, tiền sẽ được làm giàu cho tư nhân.

Tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam lên đến hàng nghìn tỷ đồng, với diện tích đất vàng ở Hà Nội, đó là còn chưa kể đến thương hiệu của hãng phim. Số tiền khổng lồ như vậy mà được bán với số tiền chưa đến 20 tỷ đồng thì thật khó hiểu.

Họa sĩ Vũ Huy. 

Chúng ta cần phải biết rằng, suốt gần 60 năm qua, Hãng phim truyện Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc.

Nhà hát Kịch không bán, nhà hát Chèo không bán tại sao lại bán số 4 Thụy Khuê và thương hiệu hãng phim truyện VN bao năm qua?

Nhiều người bảo làm phim không ai xem nên thua lỗ nhưng đâu phải do chất lượng phim không tốt. Khi chúng tôi mang phim sang nước ngoài, người ta đứng dậy vỗ tay đến hàng chữ cuối cùng, thế nhưng khán giả Việt lại không phải ai cũng đến rạp để xem những bộ phim như vậy.

Doanh thu chưa hẳn quyết định chất lượng bộ phim, nhiều bộ phim tư nhân bán vé chạy nhưng chất lượng không tốt, làm phim cũng rất manh mún.

Do vậy vẫn cần phải có điện ảnh nhà nước để làm những bộ phim chất lượng. Giờ chúng ta cần phải lấy lại hãng phim qua việc minh bạch vụ mua bán khuất tất này.

 
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.

Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy…

Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.

Năm 2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phẩn hóa, chuyển giao sở hữu cho Tổng công ty vận tải thủy.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn