Nghệ nhân đóng loa làng Yên Phụ

Tổng hợpThứ Năm, 26/05/2011 04:11:00 +07:00

Khi nghe kể về ông Hiên đóng loa thùng Hi-end, tôi đã nghĩ người đàn ông đó thật kỳ cục...

Khi nghe kể về ông Hiên đóng loa thùng Hi-end, tôi đã nghĩ người đàn ông đó thật kỳ cục. Loa thùng sản xuất công nghiệp bây giờ nhan nhản, loại nào chẳng có? Vừa hiện đại, vừa đẹp. Loa đóng thủ công liệu hấp dẫn hơn được ở điểm nào đây? Hơn nữa tôi luôn cho rằng một bộ loa quan trọng nhất là cái củ loa (trung tâm điều khiển âm thanh)... Nhưng, một ngày đến thăm xưởng đóng loa ở làng Yên Phụ của người nghệ nhân già, tôi biết mình đã nhầm, tôi đã hoàn toàn không hiểu gì về thế giới của âm thanh…

 

 

Đóng loa vì… thích nghe nhạc

Xưởng loa của ông Hiên nằm trên gác hai ngôi nhà nhỏ trong làng Yên Phụ, cạnh Hồ Tây – Hà Nội. Trong khoảng không gian áng chừng 40 mét vuông ấy bày la liệt những dụng cụ mộc, những miếng gỗ kích thước khác nhau, những chiếc loa thùng làm dang dở… Ở phía góc gần cầu thang là bộ bàn ghế gỗ nhỏ, đặt ấm trà, bao thuốc… Ông Hiên nghỉ ngơi chút đỉnh ở đó và cũng tiếp khách ở đó.

Người con trai thứ hai của ông Hiên vừa miệt mài cắt miếng gỗ vừa hỏi bố:

-        Con lắp chân vuông bố nhé! Khách gọi đến kêu thích làm chân vuông.

-        Không! Con lắp chân tròn cho bố. Mình phải làm theo thiết kế của mình chứ!

Ông Hiên trả lời con rồi nhấp ngụm trà, miệng cười tủm tỉm. Cho đến bây giờ ông đã gắn bó với nghề đóng loa thùng ngót 30 năm, và là nghệ nhân duy nhất ở đất Hà thành gắn bó với công việc này, chỉ bởi một lý do đơn giản: ông thích nghe nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển của Beethoven!

Người ta thích nghe nhạc thì đi học để có thể sáng tác nhạc, chơi nhạc… còn ông Hiên thì mò mẫm học cách đóng loa. “Loa hay sẽ thể hiện được linh hồn của nhạc cụ và bản nhạc tốt nhất. Loa không hay chẳng nói lên điều gì cả. Trên thế giới có những chiếc loa giá 70 nghìn, 80 nghìn USD là vì thế, chứ không phải người ta điên bỏ ngần ấy tiền ra mua một cặp loa về nghe thay vì mua vài chiếc xế hộp mà lượn phố đâu”, nghệ nhân già giải thích.

Với ông Hiên chế tác những chiếc loa thùng hấp dẫn chẳng kém gì sáng tác bản nhạc, nó là cả một sự kì công, mày mò, vừa giúp ông thỏa mãn sở thích nghe nhạc, vừa mang đến cho ông nhiều niềm vui, nhiều thứ có ý nghĩa và cả… nhiều tiền nữa: “Ở cái thời của tôi, có tiền để mua một cặp loa còn khó hơn là viết một bản nhạc. Viết nhạc lúc ấy có khi chỉ để tự sướng chứ không có tiền, nhưng làm loa thì được tiền, nhiều tiền là khác”, ông hóm hỉnh.

 
Ông đóng cặp loa đầu tiên vào năm 35 tuổi. Lúc ấy ông nghĩ chỉ cần mua cái củ loa rồi lấy mấy miếng gỗ, đóng lại thành cái thùng, thế là xong! Ông đã hi sinh đập cả đôi cánh cửa tủ để đóng một cặp loa theo đúng suy nghĩ đó. Kết quả: thất bại thảm hại, nó chẳng thành cặp loa, mà nếu có thành thì ông cũng đánh giá nó là cặp loa tồi tệ nhất trên đời. Ông nhận ra: mình hoàn toàn không có kiến thức gì về làm thùng loa và nghề làm thùng loa cũng không đơn giản như ông nghĩ. Nhưng chính vì thế mà ông cảm thấy nó hấp dẫn và đam mê nó lúc nào không biết… Ông tự ví mình như một con nghiện, một tín đồ của âm nhạc và chế tác loa thùng.

Sau sự thất bại đầu tiên đó, ông bắt đầu mày mò đọc sách, nghiên cứu công thức, cách thức làm loa. Ông không phá cửa tủ nữa vì cũng chẳng còn tủ để phá mà dành tiền mua gỗ về làm. Phải đến 4 năm sau ông mới đóng được một cặp loa cho đúng là loa. Dù còn sơ khai nhưng những người mê nghe nhạc ở Hà Nội thời ấy đến nghe loa của ông đã thấy sướng, thấy tự hào lắm rồi. Họ bắt đầu đặt ông đóng loa theo nhu cầu nghe nhạc của mình. Mỗi người đến lại mang tới cho ông Hiên một ý tưởng làm loa, một tập thiết kế để ông suy ngẫm và hoàn thiện những kĩ xảo chế tác của mình, để đến giờ ông trở thành một chuyên gia âm học, một nghệ nhân đóng loa nổi tiếng ở đất Hà thành.  “Có làm mới biết, đọc sách để làm được loa khó lắm. Người không biết gì về âm nhạc lại thích làm loa kiếm tiền chắc chắn không bao giờ thành công. Trước khi làm nghề này phải là một kẻ nghiện âm nhạc cái đã”, nghệ nhân già chia sẻ.

Mỗi cặp loa lại nói lên một âm thanh khác nhau dù cùng phát ra một bản nhạc. Nó là đẳng cấp và cảm nhận riêng tinh tế mà nếu không nghe được, không hiểu được sẽ không thể chế tác ra được. Để đóng được những chiếc loa công nghiệp như nhập ở nước ngoài về không khó. Nhiều người đã đến đặt hàng nhưng ông không nhận. Nhà ông chỉ làm những thùng loa đặc biệt cho giới sành nhạc. Nó nặng tính thủ công, cầu kì và ẩn chứa trong đó những tinh hoa được đúc kết lại sau gần 30 năm gắn bó với nghề. Ông coi mỗi chiếc loa như một người đàn bà, phải có nét hấp dẫn, lôi cuốn riêng để tất cả những kẻ say mê âm nhạc đều nghiện và muốn… chiếm đoạt.

 

 

Nghệ thuật chế tác thùng loa

Ông Hiên thổ lộ: trong một chiếc loa thì củ loa được ví như sợi dây đàn, còn thùng loa là cái bầu đàn. Cái dây đàn để riêng ra ngoài có gẩy cũng không tạo ra âm điệu, hay bản nhạc gì. Nhưng đặt dây đàn trong thùng đàn mà gẩy thì lại nghe thấy âm thanh du dương, thấy âm điệu và linh hồn của bản nhạc. “Làm củ loa dễ lắm, hãng nào cũng làm được. Nhưng để củ loa thể hiện được âm thanh hay nhất thì không phải hãng nào cũng làm được, đó là điều kì lạ”.

Một củ loa giá 5 nghìn đô, nhưng một thùng loa do nghệ nhân đóng bằng tay trị giá có thể lên tới 80 nghìn đô, thậm chí hàng trăm nghìn đô. Các hãng nước ngoài họ thường chỉ làm vài bộ đặc biệt cho một số dòng sản phẩm để phục vụ người nghe chuyên nghiệp với thiết kế thùng tỉ mỉ, công phu, còn lại phần lớn là sản xuất công nghiệp. Chính vì thế, dân sành nghe nhạc thường mua củ đến nhờ ông Hiên đóng thùng.

Mỗi củ loa khác nhau lại có một thiết kế thùng khác nhau. Thậm chí cùng một củ loa đó mà thiết kế thùng khác đi thì âm thanh cũng khác đi. Việc tạo ra âm thanh như thế nào là do cảm nhận và kĩ xảo tinh tế của người chế tác. Ông Hiên cho biết, cái khó nhất của nghệ nhân làm loa thùng là phải tính toán được các đường hướng âm thanh phát ra, làm sao để các đường âm thanh không bị va đập nhau trên hành trình của chúng rồi tụ lại ở một điểm, khiến loa tái tạo âm thanh chính xác của tiếng người, tiếng kèn, tiếng violon, tiếng piano… một cách tách biệt. Khi người nghe nghe nhạc, họ sẽ không thể biết tiếng hát, tiếng nhạc… đó phát ra từ đâu? Họ sẽ nghĩ về một người ca sĩ, một ban nhạc đang chơi thực sự trước mặt mình thay vì âm thanh phát ra từ thùng loa. Thế là người làm loa đã thành công.

 
Nét tinh túy nhất trong thiết kế thùng loa chính là tạo ra ma trận âm thanh bên trong. Âm thanh sẽ được dẫn đi qua các vách ngăn bằng gỗ dạng zíc zắc, rồi ra “lỗ thông hơi” ở mặt sau là nơi thể hiện âm trầm một cách sâu lắng nhất. Chỉ mất 10 ngày để làm thùng loa, nhưng nghệ nhân phải mất đến 15 hoặc 20 ngày, thậm chí cả tháng để nghe thử và điều chỉnh thùng. “Nhiều đêm tôi thức trắng để test thùng. Người ta có nhiều cách để kiểm tra, nhưng với tôi bộ loa nào truyền tải được sự bao la của nhạc cổ điển, nhất là nhạc Beethoven thì được coi là đạt”, nghệ nhân làng Yên Phụ bày tỏ.

Loại gỗ được dùng để đóng loa cũng phải là loại gỗ đặc biệt, thường là gỗ dăm bào ép ông nhập từ Mỹ, Đức hoặc Canada về. Loại gỗ đó có khả năng chịu được thời tiết ẩm ướt ở Việt Nam, không cong vênh cũng không mối mọt. Ông Hiên không bao giờ bọc gỗ lạng bóng bẩy cho những chiếc loa của mình, ông chỉ phủ bằng sơn loại tốt và lưu giữ màu vàng nguyên bản: “Loa cốt yếu hay chứ không phải đẹp; hay là chủ yếu còn đẹp là thứ yếu thôi. Hơn nữa, để mộc như thế mới là loa của ông già Hiên”, ông hóm hỉnh.

 Những chiếc loa thùng mang thương hiệu “ông già” Hiên

Thông thường, các hãng sản xuất loa Hi-end gắn tên các cặp loa “đinh” của mình với những nhân vật tiếng tăm, tên của một thành phố hoặc một cái gì đó gần giống như bảo vật. Còn những cặp loa ông Hiên đóng chỉ mang duy nhất một dáng dấp, một thương hiệu của nghệ nhân làng Yên Phụ.

 
Giờ những chiếc loa thùng Hi-end của ông Hiên đã xuất hiện ở hầu khắp Việt Nam, từ Móng Cái cho tới Lạng Sơn, từ thành phố cho tới những vùng nông thôn xa tít tắp. “Có những người sẵn sàng bỏ ra 15, 16 triệu, chỉ để mua một đôi loa về thỏa mãn cơn nghiền nghe nhạc. Không phải họ hoang đâu, mà đó là sự say mê, là nét đặc biệt trong tâm hồn họ. Chính vì thế nếu làm loa không tốt, không cẩn thận tôi sẽ rất ân hận”, ông Hiên thổ lộ.

Loa của nghệ nhân đất Hà thành dù đắt nhất Việt Nam nhưng vẫn rẻ hơn loa ngoại. Cùng một thùng loa ma trận chất lượng như nhau, loa của nước ngoài có giá từ 4 đến 5 nghìn đô, nhưng ông Hiên chỉ bán với giá 15 triệu. Nghệ nhân già trầm ngâm: “Người Việt mình chỉ có tiền đến thế để mua loa thôi, và số tiền ấy cũng đủ để nuôi sống người làm loa rồi. Tôi làm loa chủ yếu để nuôi và chia sẻ niềm đam mê của mình”.

Đắt nhưng khách đến mua loa ông Hiên hầu như không có người nào mặc cả. Đến lúc bán ông thường bớt cho họ 500 nghìn, 1 triệu, nhưng cũng chẳng ai nhận. Ngược lại họ thường biếu ông chai rượu, hộp đĩa… bởi họ quá yêu thích những chiếc loa mà ông chế tác ra. Cũng có nhiều tay chơi loa là những người có tiền nhưng sau khi họ chơi đến “đỉnh” với những loại loa đắt giá của nước ngoài thì lại tìm đến xưởng ông Hiên. “Loa bây giờ thiên hình vạn trạng. Hãng loa nào cũng phải có một quy chuẩn riêng. Tôi cũng tìm được cho riêng mình một quy chuẩn để anh em âm thanh biết đến và say mê. Người nước ngoài: Hà Lan, Đan Mạch… họ đến đây nghe loa của tôi cũng thấy mê. Có người Mỹ sau khi ngồi nghe nhạc cả buổi họ nói là: “Không thể tưởng tượng được”. Đó là điều mà một người Việt Nam như tôi cảm thấy rất vui”.

Nhiều khách đặt hàng nên hầu như ông Hiên không có ngày chủ nhật. Năm nào cũng đến chiều 30 tết ông mới trả khách những chiếc loa cuối cùng. Thế nhưng người ta vẫn thấy xưởng chế tác của ông không có thêm người làm. Một phần khách chỉ thích ông trực tiếp làm cho họ, một phần đó là công việc mà không phải ai có nghề mộc cũng làm được. Cho đến bây giờ, người ông tin tưởng và truyền lại nghề duy nhất vẫn là cậu con trai thứ trong nhà.

Thời điểm hiện tại, phòng loa của ông có rất nhiều mẫu loa đang hoàn thiện, tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là bộ 6 loa kèn mà ông để dành cho riêng mình. Đó cũng là bộ loa mà ông ưng ý nhất.

Lắp một đĩa nhạc cổ điển vào đầu đĩa, ông Hiên nhắm mắt lại thưởng thức những giai điệu du dương của nhạc cổ điển: “Sau một ngày vất vả, không gì thú hơn là nghe một bản nhạc. Âm nhạc xua đi những muộn phiền, lo toan, bon chen hàng ngày của con người, giúp chúng ta sống thánh thiện và thật lòng với mình hơn”. Mà quả thật, chưa bao giờ tôi được nghe thứ âm nhạc mở qua đĩa nào hay như thế. Có cảm giác nó không phát ra từ những chiếc loa khổng lồ bên cạnh, mà là một cô ca sĩ, một dàn nhạc đang biểu diễn thật trước mặt tôi.

Ngần ấy năm trong nghề, cống hiến và đam mê với nghề, điều khiến ông vui nhất là những chiếc loa ông làm ra chưa bao giờ bị chê. Không nhớ nổi là đã đóng bao nhiêu bộ loa cho người chơi, tuy nhiên suốt 30 năm gắn bó với nghề, “mới chỉ có một người đem bán bộ loa của mình đi. Loa của tôi không bị trao đổi trên thị trường, có nghĩa là họ yêu thích thì họ mới giữ lại để thưởng thức”, ông tâm sự. Mỗi khách đến mua loa đều trở thành một người bạn của ông, họ đều quay lại để cùng ông thưởng thức nhạc, để đàm đạo. “Tôi thấy mình là người giàu nhất Việt Nam. Tôi nhiều bạn lắm”, nghệ nhân đất Hà thành mỉm cười.

Khánh Toàn - Ảnh: Hồ Quang
Bình luận
vtcnews.vn