Nghề “không tên” nơi thị thành

Tổng hợpThứ Sáu, 02/12/2011 03:41:00 +07:00

... Đó là những nơi có ánh sáng đô thị, trong vùng hay xa tít mù khơi tận miền Bắc, miền Trung. Họ kiếm sống ở đấy.

  Giờ đây nếu về một nơi thôn ấp xa ánh đèn thành phố, kể cả nơi có những khu vườn mênh mông, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, ấn tượng dễ thấy của bạn là gì?

Đó là nhiều trẻ con và người già! Và, đặc biệt là vắng bóng thanh niên trí thức, chưa nói đến kỹ sư, bác sĩ, những cô cậu tú tài thi đỗ và cả thi trượt cũng không mấy người chịu ở lại vùng quê chôn nhau cắt rốn thân yêu...

 Họ đi đâu? Làm gì? Nơi đến thì đã rõ. Đó là những nơi có ánh sáng đô thị, trong vùng hay xa tít mù khơi tận miền Bắc, miền Trung. Họ kiếm sống ở đấy. Điều mù mờ, thậm chí bí hiểm đối với mọi người và ngay trong mỗi gia đình, là cái nghề họ làm để kiếm ra tiền ấy.

Trong số họ, một số không ít, sống bằng những nghề lạ. Đúng hơn, là những nghề xa lạ với quan niệm xưa nay của gia đình cũng như bà con thôn ấp. Những nghề lạ, khó gọi tên này nhiều khi vẫn được gọi bằng cái tên quen thuộc như cắt tóc, gội đầu, mát xa thư giãn hay hiền lành hơn, tháp tùng du lịch hoặc chăm sóc tuổi già...

Người dân vùng này, khi được hỏi “sắp nhỏ” đi làm gì ở đâu thường được trả lời: Cháu “làm Hà Nội” hay cháu “làm thành phố” (Sài Gòn) cứ như Hà Nội hay Sài Gòn không là địa danh mà là một nghề mới vậy.

Nông thôn những vùng đất ấy chưa chắc đã nghèo. Giàu có nữa là khác. Nơi cắm một cái cành khô xuống đất có thể hy vọng thành một cây ăn quả ngon ngọt. Nhưng vùng đất ấy đang buồn chán, đang bị tụt hậu so với các vùng hấp dẫn khác. Vì thế mà có thêm nhiều nghề lạ, nhiều nghề không tên để có cớ cho thanh niên rời quê tìm tới nơi phồn hoa vui vẻ!

“Nghề” làm mẫu mặt

“Làm mẫu mặt” là tên gọi của công việc làm người mẫu tại các lớp trang điểm đang rất ăn khách tại Hà Nội và Sài Gòn. Nghề này thu hút các cô gái thích được trang điểm nhưng ít có điều kiện về tài chánh. Họ chỉ phải ngồi bất động mỗi buổi vài tiếng đồng hồ để làm người mẫu cho các học viên bới tóc, tô son trát phấn lên mặt theo sự chỉ dẫn của người dạy. Tiền công trả cho người mẫu do trung tâm chịu và đã tính trong học phí (tới vài triệu đồng một khóa), học viên không phải trả.

 

Mức lương dành cho công việc này khá rẻ, chỉ 25,000 đồng/giờ. Công việc tuy đơn giản nhưng sự thực cũng có mặt trái của nó. Một cô làm mẫu giàu kinh nghiệm trong lãnh vực này cho biết: mỹ phẩm được sử dụng tại các lớp học thường là hàng Trung Quốc, chất lượng rất kém, hoặc đã quá hạn sử dụng từ lâu nên rất độc hại cho da. Từng có những chị da bị dị ứng, nổi mụn, mẩn đỏ hoặc nặng hơn phải đến chữa tại Bệnh viện Da liễu. Tiền công nhận được không đủ để trả tiền thuốc men, điều trị.

Các “tai nạn” như vậy rất hay xảy ra và hầu như tất cả các cô làm “nghề” này đều biết, nhưng số người theo “nghề” không hề giảm bớt, nguyên nhân chỉ vì nghèo: “Bây giờ kiếm được công việc làm thêm rất khó, rõ ràng là làm mẫu mặt nhàn hơn là đi làm nhân viên tiếp thị, đi phát tờ rơi hay mặc đồng phục in chữ lớn, đeo tấm bảng trên lưng, đi bộ trên hè phố cho mọi người thấy...

“Nghề” vỗ tay thuê

Mấy năm gần đây, khi các đài truyền hình nở rộ những game-show thì cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện một “nghề” mới: nghề vỗ tay thuê!

 

Ngay cả các show rất ăn khách, đã có từ lâu như người ta cũng thuê một số thanh niên, thiếu nữ, cho ngồi chung với khán giả để vỗ tay và cười nói, hoan hô những khi cần thiết cho được xôm tụ. Riêng các chương trình ca nhạc thì ôi thôi, mỗi ca sĩ có một số lượng rất đông các “fan” vỗ tay của họ. Ca sĩ càng hát dở bao nhiêu càng phải tốn tiền thuê người đến coi để giơ hai tay lên, đưa bên nọ, đưa bên kia theo hiệu lệnh thật đồng bộ, thật “dzui dzẻ” để mọi người lầm tưởng rằng ca sĩ đó rất được giới trẻ ái mộ. Có nhiều câu lạc bộ “fan” đông lên tới hàng trăm người sẵn sàng ủng hộ nhiệt tình, hết mình mỗi khi ca sĩ lên sân khấu. Sự thực, các “fan” ở đây chỉ là những thanh niên, thiếu nữ được thuê mà thôi. Tính ra, với giá thuê vỗ tay dù “bèo’, chỉ 50,000 đồng hoặc 70,000 đồng/người cho một show diễn tức một hay hai bài hát, lại còn phải chi cho những người múa minh họa nữa, tiền cát-sê vài trăm ngàn đồng/bài, các ca sĩ thuộc hạng chưa nổi tiếng phải bù vào đó rất nặng nên họ nghĩ ra cách kết hợp với nhau, cùng thuê chung những người vỗ tay và các ban múa cho đỡ tốn kém.

Riêng các ca sĩ “ngôi sao” như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Đan Trường, Lam Trường, Cẩm Ly, Thanh Thảo, Hồ Ngọc Hà..., mỗi người đều có cộng đồng rất đông những người hâm mộ “thứ thiệt” nên không cần phải thuê người vỗ tay nhưng đôi khi họ cũng phải mua vé cho số người hâm mộ này vào coi để reo hò ủng hộ cho mình. Giá trung bình khoảng 100,000 đồng/vé (với sự nhân nhượng của ban tổ chức để bảo đảm số lượng người coi), tính ra số tiền đó không phải là nhỏ. Cơ hội được gặp các “sao” và coi ca nhạc hoặc được lên Đài truyền hình (dù chỉ có hai cánh tay giơ cao, đưa bên nọ đưa bên kia đồng loạt, không trông rõ mặt) chính là sức mạnh thu hút giới trẻ đi vỗ tay thuê mặc dầu tiền thuê khá “bèo”!

 “Nghề” nhổ tóc bạc, lấy ráy tai

Ngày nay, khi bước vào một tiệm hớt tóc có nhiều thanh nữ ở Sài gòn, bạn không còn đi hớt tóc thuần túy nữa. Ở đó có đấm bóp, xoa nắn hai vai, làm mặt, gội đầu và dĩ nhiên là lấy ráy tai. Theo nhiều ông, đây là hình thức thư giãn số một trong cuộc sống quá sô bồ của một thành phố hơn 10 triệu dân.

 

Ở khu vực thuộc các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Quận 3, Quận 10... nơi nào cũng có các tiệm “thanh nữ hớt tóc”, và vào bất cứ tiệm nào, dù quen hay lạ, khách cũng được các nhân viên nữ đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Mỗi tiệm có tới vài chục em xinh như mộng, cười nói tíu tít, vui vẻ mời chào.

Cái bí mật và sự hấp dẫn là ở chỗ mang danh cửa tiệm “thanh nữ hớt tóc” nhưng hầu hết các em không hề biết hớt tóc và đàn ông cũng chẳng ai dại gì lại đem cái đầu tới nơi này để hớt tóc. Họ đến để thư giãn, để massage, để gội đầu, nhổ tóc bạc, lấy ráy tai…

Ở những tiệm có dịch vụ lấy ráy tai chuyên nghiệp, quang cảnh nhìn qua cũng có vẻ giống với một phòng răng. Có ghế dài, đèn thắp sáng choang, khách được mời nằm trên ghế ngả đầu thư giãn và các nhân viên có gắn đèn rọi trên trán, tay mang một lô lỉnh kỉnh các dụng cụ bắt đầu làm việc...

Biết được chỗ yếu của cánh đàn ông và thấy rõ lợi nhuận từ dịch vụ “nhổ tóc bạc” nhiều tiệm massage, tiệm gội đầu, hớt tóc ở Sài Gòn, hay ở Hà Nội cũng nhanh chóng “thi đua” với các tiệm nhổ tóc bạc chính cống bằng cách thiết lập thêm căn phòng có kê vài ghế “nhổ tóc bạc”, với giá khoảng 60,000 đồng/giờ.

Trong trang phục váy ngắn, áo hai dây, những cô gái trẻ thân mật mời chào, anh anh em em, khi khách ghé vào. Nhẹ nhàng đỡ khách nằm lên chiếc ghế nệm giống như ghế trong tiệm hớt tóc, các em vừa nhổ tóc bạc vừa thủ thỉ kể cho khách nghe những chuyện trên trời dưới đất, “con voi đẻ ra con chuột, con chuột đẻ ra con voi” ở nơi quê nhà, khiến khách lim dim ngủ. Mỗi phút “ngủ” như vậy là 1,000 đồng, một giờ tức 60 phút là 60, 000 đồng, khách không hề tiếc!

Dù khách có nhiều hay ít tóc bạc thì các em vẫn cứ nhổ được như thường, bởi vì đang lim dim ngủ, khách đâu có biết các em nhổ tóc sâu, tóc xanh hay tóc bạc, cho nên cứ ngủ ngon lành, lúc tỉnh dậy mới biết đã ngủ cả tiếng đồng hồ, hóa đơn theo đó tăng lên và tiền “bo” cho các em cũng tăng lên.

“Osin” bệnh viện

Vài năm trở lại đây, trong một số bệnh viện đã xuất hiện một nghề rất mới với tên gọi «ôsin bệnh viện».

 

... Mặc dù xuất hiện cách đây chưa lâu, nhưng nghề ôsin trong bệnh viện phát triển khá nhanh, xuất phát từ nhu cầu cần người chăm sóc của người nhà bệnh nhân. Họ không thể ở bên cạnh người thân 24/24 để chăm sóc, trong khi tiền thuê «ôsin» dù sao vẫn có thể chấp nhận được, lại khá tiện lợi. Hàng ngày đi làm, buổi tối, người nhà bệnh nhân chỉ cần tạt ngang thăm hỏi, còn việc chăm sóc bệnh nhân từ A tới Z đều do ôsin đảm nhiệm. Tại các bệnh viện trong TPHCM hiện nay, thuê một ôsin không khó, chỉ với khoảng 70-80 nghìn đồng một ngày đêm đã có thể nhanh chóng tìm được một ôsin khá «chuyên nghiệp» qua sự chỉ dẫn của những người nhà bệnh nhân đã từng thuê. Cũng có khi, nhờ sự chỉ dẫn, giới thiệu của y tá tại buồng bệnh, bệnh nhân cũng có thể tìm được một ôsin ưng ý.

Hầu hết, những người làm nghề này đều đối mặt với nguy cơ lây bệnh từ bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân da liễu, hay bệnh nhân đang bị cách ly. Chị Hồng (Thanh Hóa, ôsin tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) than thở: «Không phải chúng tôi không biết những nguy hiểm của cái nghề này, nhưng biết làm sao được. Số tiền công là 70 nghìn/ngày so với thu nhập của những người làm nông ở quê tôi là quá lớn. Ngoài việc tự mua thuốc sát trùng trước khi làm vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, chúng tôi chỉ còn biết... liều mà thôi».

Có tận mắt chứng kiến cảnh các chị phục vụ bệnh nhân mới phần nào thấy hết nỗi cực nhọc của cái nghề khá đặc biệt này. 6h sáng, các ôsin bắt đầu bằng việc lấy nước lau mặt, lau miệng cho bệnh nhân trước khi bác sỹ tới khám. Sau đó cho bệnh nhân ăn sáng và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ. Ăn sáng xong, người bệnh sẽ được lau rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ và đưa đi dạo trong khuôn viên bệnh viện. Trong lúc đi dạo, các ôsin còn có thêm nhiệm vụ an ủi, động viên tạo cho bệnh nhân tâm lí thật thoải mái, an tâm điều trị. Tối, khi người bệnh đã ngon giấc cũng là lúc các ôsin tranh thủ vệ sinh cá nhân và tìm chút gì đó ăn qua loa. Bữa tối thường là ổ bánh mì hay nắm xôi nhỏ. Giường ngủ của họ là manh chiếu trải cuối giường bệnh nhân. Thế là hết một ngày làm việc!

Chị Cúc (ôsin Bệnh viện Chợ Rẫy) còn nhớ nguyên những «kỷ niệm» với bệnh nhân: «7 năm thâm niên làm ôsin, tôi từng chăm nuôi rất nhiều loại bệnh nhân từ bệnh tim, dạ dày, tai nạn giao thông, da liễu đến cả những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư... Lần đầu, nhìn bệnh nhân bị da liễu lở loét đầy mình, tôi sởn gai ốc. Ngay cả những người thân của bệnh nhân đó cũng không dám lại gần, vậy mà, cứ lao vào chăm sóc, tắm rửa rồi cũng quen. Nhiều khi bệnh nhân phóng uế ra bê bết cũng một tay tôi lau chùi». Được cái chị Cúc «mát tay» nên bệnh nhân nào chị nhận chăm sóc cũng nhanh chóng bình phục.

“Nghề” bắt gián

Vào nghề đến nay đã gần 13 năm, thế nhưng anh Bình (biệt danh Sáu Bình) ở quận Gò Vấp, TP.HCM khẳng định: «Đây vẫn là một nghề kiếm sống mới toanh, cả thành phố ít ai làm nghề này lắm, đi bắt hoài mà tui chỉ gặp một hai người cùng nghề thôi...».

 

Anh nói nửa đùa nửa thật: «Anh không biết chứ thành phố mình chuột với gián là đứng hàng nhất nhì đó, chuột thì tui chẳng biết ai mua, chứ gián thì tui có mối hẳn».

Lăn lộn giữa thành phố làm đủ thứ nghề để kiếm sống, cuối cùng anh cũng đã tìm cho mình được một cái nghề khá ưng ý.

Anh kể: «Tui đến với nghề cũng thật tình cờ, khi đi ngang qua Cầu Đen dưới chân cầu Sài Gòn thấy bạn câu đông quá tui ghé xe trông thử vì cũng mê câu cá lắm. Thấy người ta dùng gián làm mồi câu vậy mà giật được cá liên tục». Sau vài lần như vậy anh Bình nảy sinh ra ý tưởng «đi câu gián cho dân câu cá». Anh nói: «Tui nghỉ chạy xe ôm, vác cần câu lân la và biết người ta mua gián để câu cá bông lau, cá trê».

Theo anh muốn kiếm tiền từ gián thì phải chấp nhận sống chung với gián: «Tối nghe mùi gián, sáng nghe mùi gián, ăn cơm cũng nghe... thử hỏi có mấy ai chịu được. Thời gian đầu mùi này còn gây sây sẩm, buồn nôn nữa chứ... người bị dị ứng chắc không sống được bằng nghề câu gián đâu. Tui nhận bốn đứa «đệ tử» giờ chỉ còn lại có một thằng là sống được bằng nghề, mấy đứa kia chạy dài...».

Phần lớn lượng gián được tiêu thụ bởi những người câu cá kiếm cơm. Một đêm người câu gián kiếm được 100.000đ thì những cần câu cá kiếm cơm cũng kiếm được ngần ấy. Điều khác nhau của «hai cần câu cơm» này là độ máu lửa và sự kiên nhẫn, anh Bình cười nói: «Câu cá tôi cũng mê lắm, nhưng không nuôi sống nổi gia đình, với lại tôi không rành về sông nước, thôi mình cứ câu ở «nắp cống» để cung cấp mồi cho mấy ông câu ở sông».

Theo một số dân câu cá kiếm cơm chuyên nghiệp thì gián là món ruột của cá bông lau, nó còn nhạy hơn cả trái bần chín hay thịt bò, trong khi đó giá cả lại quá rẻ so với những mồi câu khác.

Một nguồn khác để anh không sợ thất nghiệp từ cái nghề lạ lẫm của mình nữa đó là, dân câu cá văn nghệ xuất hiện ngày càng nhiều, câu cá đang trở thành mốt giải trí của phần đông người dân thành phố vào dịp cuối tuần.

 “Nghề” săn bụi vàng

Một buổi chiều, trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, nực nồng mùi nước cống, anh Quang dẫn tôi cùng một thợ học việc nhỏ tuổi, xách xô, chậu, giẻ lau, xẻng, bay thợ hồ... đi mót bụi vàng, theo như ngôn ngữ của họ là đi săn «heo» vàng.

 

Chúng tôi ghé tiệm vàng D.M trên đường Đinh Tiên Hoàng. Tiệm D.M có đến 10 thợ kim hoàn. Phòng làm việc của họ khá rộng. Bà chủ tiệm xởi lởi: “Lâu rồi anh Quang không tới gom nên giờ chắc “heo” lớn lắm”. Cậu nhỏ ghé tai tôi, tiết lộ: Con “heo” này anh Quang mua đứt 3 triệu đồng mỗi tháng đó. Thợ làm đông nên “heo” ở đây chắc chắn sẽ bự”.

Chúng tôi lấy đồ nghề ra. Quang cầm cây cọ tỉ mẩn quét bàn làm việc của thợ kim hoàn, vun bụi vào một chỗ. Anh chỉ bảo: “Bất cứ thứ gì dính tới thợ gia công vàng như mẩu tàn thuốc, giấy vụn, móng tay... đều phải thu gom bỏ vào chậu nước”. Lần lượt, từng chiếc bàn được quét sạch sẽ không chừa một ngóc ngách nào, ghế ngồi cũng vậy. Miếng giẻ khô sau khi lau gom hết những thứ rác rưởi, bụi bặm... cũng được bỏ vào chậu nước mang về.

Cậu nhỏ cẩn thận mở tất cả các bộ phận của chiếc máy đánh bóng vàng. Sau đó, nó lấy giẻ khô lau hết bất cứ thứ gì trong đó rồi bỏ vào chậu nước. Cái máy nhỏ xíu, nhiều ngóc ngách nên phải mất gần một giờ mới gom hết “heo” trong đó. Xong việc họ lại lấy chổi, giẻ quét dọn sàn nhà để gom “heo”. Phòng nhiều ngóc ngách, đồ nghề vứt bừa bãi khiến việc quét dọn rất vất vả. Quang vừa làm vừa luôn miệng nhắc cậu nhỏ: “Nhớ phải quét thật kỹ nghe”. Họ quét đi quét lại sàn nhà không biết bao nhiêu lần và gom được một đống vừa rác vừa bụi bặm to tướng. Tất cả cũng được hốt bỏ vào chậu nước.

Đợi hết giờ làm việc, những người thợ kim hoàn lần lượt tắm rửa xong trước khi về nhà, Quang bảo Hiền và tôi xách đồ nghề vòng ra phía sau nhà tắm. Ở đó có một cái hầm chứa nước rộng gần 1m2, sâu hơn 0,5 m. Nước từ nhà tắm chảy đến đó rồi tràn ra ngoài và bụi vàng, bụi sắt, rác... lắng lại dưới đáy hầm. Lâu ngày chưa được nạo vét nên bùn đất đóng ở hầm dày cộp, hôi thối, xung quanh đầy ruồi nhặng.

 

Phải cố gắng lắm, tôi mới chịu đựng nổi mùi hôi và lớp bùn đen kịt trong hầm chứa nước. Vậy mà thầy trò Quang vẫn tỉnh bơ nạo vét. “Thế này đã ăn thua gì, nhiều chỗ còn kinh khủng hơn. Thường những chỗ như thế này mới có “heo” to” -  Quang động viên tôi. Nín thở, tôi cùng họ vét lớp bùn đen sì trộn lẫn bao ni lông, tàn thuốc, giẻ rách... bỏ vào chậu nước.

Tới công đoạn săn “heo” trong ống cống càng kinh khủng hơn. Lấy cớ chưa quen, tôi đứng ngoài quan sát. Anh Quang dùng xẻng nạy cả đoạn ống cống dẫn nước từ nhà tắm ra hầm và vét hết bùn đất bên trong. Mùi hôi thối bốc lên mỗi lúc càng đậm. Mặc, thầy trò vẫn cứ vét từng mảng bùn đóng cứng ống cống rồi gom hết vào chậu nước.

Để biến “heo” thành vàng nguyên chất, giới làm nghề này có hai cách: “Hầm” theo kiểu luyện kim và cho phản ứng với các chất hóa học. Sau một tuần đi săn ở các tiệm vàng, hơn 10 “con heo” được gom về. Hiền lấy chậu gom “heo” ra, dùng vợt lưới vớt mẩu tàn thuốc, giẻ lau, bao ni lông... rồi cẩn thận đổ bớt lớp nước cho tới khi chỉ còn lớp bùn đặc quánh dưới đáy. Tất cả “heo” được đổ vào một cái nồi đất để bắt đầu “hầm”. Công đoạn sơ chế nhằm loại bỏ tạp chất ban đầu chỉ nấu bằng than đá, chưa cần bỏ hóa chất. Được “hầm” trong nhiều giờ và trong nhiệt độ cao nên trừ vàng và kim loại khác, còn lại đều chảy thành nước.

Tới công đoạn quan trọng, anh Quang cho hỗn hợp được trộn lẫn với dung dịch axit clohidric và axit nitric theo một tỉ lệ nhất định vào nồi đất. “Heo” tiếp tục được “hầm” bằng lửa của ngọn đèn hàn cháy bằng xăng có nhiệt độ cao khiến hỗn hợp các chất chảy ra thành nước, trong đó vàng nằm ở phía dưới; sắt, đồng, nhôm... nổi lên trên. Để cô vàng thành cục, hỗn hợp nước được thêm vào một số chất hóa học khác để tạo kết tủa có màu đỏ gạch dưới đáy. Công đoạn cuối cùng, hỗn hợp được nung chảy ở nhiệt độ 2.000 độ C bằng ngọn đèn hàn, có trộn lẫn một ít hàn the cho dễ cháy. Lớp nước trên bề mặt bốc hơi, còn chất kết tủa (vàng) do nhiệt độ cao đã chảy thành nước. Lúc này, chỉ cần đổ ra khuôn là “heo” vàng đã biến thành vàng nguyên chất.

TH

Bình luận
vtcnews.vn