Nghe Chủ tịch, Tổng thư ký VFF mạn đàm về V.League 2010

Tổng hợpThứ Tư, 25/08/2010 06:42:00 +07:00

(VTC News) - Cuộc hẹn vào lúc 13h của PV VTC News và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ bỗng trở nên rôm rả hơn khi có sự xuất hiện của Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn.

(VTC News) - Cuộc hẹn vào lúc 13h00 ngày 24/8 của phóng viên VTC News và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ bỗng trở nên rôm rả hơn khi có sự xuất hiện bất chợt của Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn - Trưởng BTC V.League. Tất cả xoay quanh chủ đề chính: tổng kết V-League 2010.


Không chỉ Hà Nội T&T có tham vọng vô địch

-  Nếu để đánh giá chung về V-League 2010, ông sẽ nói gì?

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Nói về chất lượng các trận đấu, tôi thấy V-League 2010 có tính chất quyết liệt, hấp dẫn hơn hẳn năm trước. Trong hầu hết trận đấu, các cầu thủ đều thể hiện tinh thần quyết tâm cao. Ngay từ đầu mùa các đội đã phấn đấu vì mục tiêu của mình chứ không phải chờ đến cuối mùa giải mới có sự quyết liệt, phấn đấu.

Người hâm mộ đất Cảng mong chờ ngôi VĐ của XM.HP chứ không chỉ là ngôi á quân. (Ảnh: V.S.I)

Nhiều CLB thể hiện rõ tham vọng vô địch như XM The Vissai Ninh Bình chuẩn bị lực lượng để mong muốn vô địch, Hải Phòng cũng có kế hoạch vô địch ngay từ đầu chứ không chỉ đặt mục tiêu giành ngôi á quân. Hà Nội T&T thì quyết tâm đưa Cup về Thủ đô nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long trong khi lãnh đạo Becamex Bình Dương thể hiện rõ quyết tâm lần thứ 3 vô địch V-League.

V-League có tổng số 14 CLB thì có tới 4, 5 CLB bày tỏ quyết tâm muốn giành chức vô địch. Những đội khác dù ở tốp giữa hay trụ hạng cũng đặt mục tiêu ngay từ đầu. Tất nhiên, việc vận hành chuyên môn của giải còn nhiều điểm đáng xem nhưng đây vẫn là điều khác biệt giữa V-League 2010 với những mùa giải trước.

Việc các đội ở V-League thể hiện rõ tham vọng, mục tiêu là tín hiệu đáng mừng cho bóng đá Việt Nam. Giờ đây, người ta không còn làm bóng đá nửa vời nữa.

-  Với tư cách một nhà quản lý, khía cạnh nào của V-League 2010 khiến ông hài lòng và tiếc nuối nhất?

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Thuận lợi nhất và cũng là điều khiến tôi hài lòng nhất là đến cuối mùa giải, 13/14 CLB tại V-League đã hoàn tất mô hình CLB chuyên nghiệp. Theo tôi được biết, trong tuần này, TĐCS Đồng Tháp sẽ hoàn thành việc chuyển đổi. Nếu Nam Định có động lực thi đấu thì có lẽ họ cũng chuyển đổi xong. Rõ ràng, thành tích thi đấu ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình chuyển đổi hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp của các CLB.

Navibank SG (phải) hy vọng thoát rớt hạng nhờ quy định chuẩn hóa CLB chuyên nghiệp có thời hạn chót là 31/8. (Ảnh: Quang Minh)

Đáng tiếc là người đến sân không đông, nhất là ở giai đoạn sau khi World Cup diễn ra. Giai đoạn này, nhiều đội bóng cũng thi đấu không tốt, không đáp ứng được sự mong mỏi của người hâm mộ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa xây dựng được một đội ngũ CĐV chuyên nghiệp đích thực, có thể theo chân, ủng hộ đội bóng của mình cả khi chiến thắng cũng như lúc thất bại, thậm chí phải xuống hạng.

-  Nhiều ý kiến cho rằng V-League 2010 không hấp dẫn bằng mùa giải trước, ông có đồng tình không hay có sự so sánh của riêng mình?

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Kỳ vọng của khán giả mỗi năm mỗi khác, tính hấp dẫn của các trận đấu thì phải xem xét trên mối quan hệ nhiều mặt. Còn nếu để đánh giá chuyên môn, tôi nghĩ cần đánh giá thông qua kết quả thi đấu của các CLB, sâu hơn nữa là thành tích của ĐTQG.

Tôi lấy ví dụ, năm nay có thể coi là một năm không bình thường của HAGL vì thành tích thi đấu không tương xứng với tiềm năng, dù gì họ vẫn được coi là một đội bóng mạnh.

Đội vô địch Hà Nội T&T nếu nhìn vào đội hình của họ thì không mạnh, chỉ ở mức trung bình thôi. Nhưng Hà Nội T&T đạt kết quả như vậy cũng là hợp lý. Hà Nội T&T xứng đáng vô địch.

Không có ai có thể đưa Cup vô địch về cho Hà Nội T&T ngoài chính BHL, cầu thủ đội bóng này. Trong thành công của Hà Nội T&T, tôi đánh giá cao vai trò của HLV Phan Thanh Hùng, một người ham học hỏi.

Bóng đá là cơ hội của người này nhưng lại lấy mất cơ hội của người khác. Phan Thanh Hùng là HLV biết tận dụng cơ hội.

Trái ngược với Hà Nội T&T, một số đội như Bình Dương lại sa sút vì nguyên nhân theo tôi là sự chỉ đạo không sắc sảo, thiếu kiên định, thay HLV quá nhiều. Khủng hoảng của Bình Dương chính là khủng hoảng bắt nguồn từ sự chỉ đạo. Trong khi đó, ĐTLA lại có 6 trận cuối mùa giải bất bại.

Bóng đá Việt Nam không như châu Âu, thiếu tính ổn định, đội bóng chỉ thua một vài trận là đã thay HLV.

Một vấn đề nữa là vào cuối mùa giải, có những cầu thủ, đội bóng khi không còn mục tiêu phấn đấu thì đã thi đấu với tâm lý giữ chân, dẫn đến chất lượng chuyên môn của các trận đấu không được đảm bảo.

Sang năm tới, khi chỉ còn các CLB chuyên nghiệp thi đấu với nhau thì sức chiến đấu, cạnh tranh sẽ còn tăng lên nhiều. Đến thời điểm này, có thể nói là VFF có thể thở phào khi mùa giải kết thúc, các đội đã trở thành CLB chuyên nghiệp.

VFF không làm khó các đội

-  Nhân nói đến vấn đề chuyên nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động của các CLB, không ít đội bóng lên tiếng phàn nàn việc họ bị động và gặp bất lợi khi cột mốc thời gian 31/8 được VFF đưa ra?

Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn: Nói như vậy là không đúng, các phóng viên cũng nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa tin hay viết bài.

Thông báo số 19 chỉ là cập nhật tình hình chuyển đổi của các CLB ở thời điểm đó chứ không phải quy định mới mà VFF đưa ra. Tất cả những thông tin này đã có trong điều lệ giải và được tiến hành, hướng dẫn thực hiện theo đúng nghị quyết của Đại hội VI. Các CLB cũng đã bàn bạc và thống nhất với phương án. Hơn nữa, còn trận chung kết Cup QG mùa giải 2010 mới kết thúc nên áp dụng thời điểm hoàn tất chuyển đổi là 31/8 cũng là hợp lý.

Cũng xin được nói thêm là đáng ra việc chuyển đổi này phải được hoàn tất từ sau khi kết thúc giai đoạn 1 nhưng chính các CLB đã xin lùi thời hạn đến ngày 31/8.

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Sau khi có thông báo số 19, tôi có làm văn bản gửi tới các CLB nhắc lại thời hạn của việc chuyển đổi. Tôi có nghe thông tin có những cuộc vận động này khác nhưng anh nào cũng thế.

Tất nhiên, vấn đề chuyên nghiệp hóa bóng đá ở Việt Nam còn kéo dài một thời gian nữa vì nó liên quan đến cả những vấn đề thuộc về chính sách xã hội. 2 hoặc 3 năm nữa cũng không thể hoàn thành vì nhiều doanh nghiệp dù đã nhận đội bóng và hứa hẹn nhiều kế hoạch nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai được gì.

2, 3 năm tới sau V-League, hạng Nhất và cả hạng Nhì cũng phải hướng đến chuyên nghiệp. Vấn đề này sẽ được bàn bạc thêm trong những cuộc họp lần tới của BCH.

Hiện nay, nếu doanh nghiệp chỉ làm bóng đá thì làm sao sống được, làm sao nuôi nổi bóng đá. Họ còn phải kinh doanh, kêu gọi tài trợ, quảng cáo và nhiều thứ khác.

Bản chất của CLB chuyên nghiệp là đào tạo cầu thủ trẻ, cầu thủ cũng phải tận tâm, tận lực với CLB mà họ thi đấu. Thế nhưng, đào tạo trẻ ở các CLB VN hầu hết chưa ra gì, họ chỉ hay đi mua chứ chưa chăm lo đến đào tạo cầu thủ trẻ.

-  Bạo lực sân cỏ, vấn đề CĐV quá khích Hải Phòng có thể coi là một tồn tại của V-League 2010?

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Liên đoàn chỉ thực hiện đúng quy định của AFC, FIFA để giải quyết vấn đề chứ không nhượng bộ còn chắc chắn phía Hải Phòng cũng phải có phương án.

Tôi được biết trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố Hải Phòng có kế hoạch hợp nhất hai hội CĐV. Nếu Hải Phòng làm tốt, thực tâm tôi vẫn muốn đưa một số trận đấu quốc tế có đội tuyển QG thi đấu về Hải Phòng. Tất nhiên, lãnh đạo thành phố, BTC địa phương phải cam kết không để chuyện gì xảy ra.

Có nhân tố mới hay không còn do người phát hiện

-  Ngoại binh thì không nói làm gì còn về nội binh, dường như chỉ có tuyển thủ QG Quang Hải là gây được ấn tượng trong mùa giải vừa qua?

Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn: Còn có Thanh Trung của Hòa Phát HN nữa.

Thanh Trung (áo đỏ), một trong những phát hiện hiếm hoi của V-League 2010. (Ảnh: Quang Minh)

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: V-League tiến bộ sản sinh ra cầu thủ mới nhưng người tuyển trạch không phát hiện ra thôi. Hơn nữa, mặt bằng trình độ giữa các CLB, cầu thủ ở V-League đang khá đồng đều, tìm ra người nổi bật cũng là không dễ.

Cũng mừng là HLV trưởng ĐTVN, ông Calisto là người có khả năng phát hiện nhân tài nên hy vọng là chúng ta sẽ không bỏ sót các tài năng trưởng thành từ V-League cũng như giải hạng Nhất.

-  Với bộ khung đội hình chủ yếu là các gương mặt cũ, ông có tin ĐTVN sẽ bảo vệ thành công chức VĐ AFF Suzuki Cup?

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Ít đội bóng có thể vô địch ở hai giải đấu liên tiếp nhưng đã vô địch rồi thì chúng ta bắt buộc phải đặt ra cho mình mục tiêu phải bảo vệ thành công chức vô địch chứ không thể khác.

Biết vậy nhưng ĐTVN muốn bảo vệ thành công danh hiệu vô địch thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

-  Xin cảm ơn ông!


Chí Tâm (thực hiện)

Mời Quý độc giả chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và hiến kế để
Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa
Bấm vào đây để viết ý kiến, hoặc gửi về email
[email protected] 


Bình luận
vtcnews.vn