Nghề báo chưa bao giờ bỏ tôi

Tổng hợpThứ Ba, 18/01/2011 01:49:00 +07:00

Có những lúc gần, lúc xa nhưng chưa bao giờ tôi xa rời nghề báo hay nói đúng hơn là nghề báo chưa bao giờ bỏ tôi...

"Có những lúc gần, lúc xa nhưng chưa bao giờ tôi xa rời nghề báo hay nói đúng hơn là nghề báo chưa bao giờ bỏ tôi. "Trần Ngọc Diệp, Phó giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Chọn một rừng hoa hồng

Xin chị cho biết, hiện nay với cương vị là Phó giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, công việc chính của chị là gì?

Bất cứ công việc nào của Đài cần đến mình, công việc nào có lợi cho Đài thì tôi sẽ làm (Cười). Đùa một chút vậy thôi. Hiện nay tôi đang đảm trách công việc của 1 Phó Giám đốc phụ trách nội dung của Đài, trong đó chỉ đạo trực tiếp Kênh Công nghệ Thông tin và Truyền thông VTC2 và công tác nội chính – văn phòng của Đài.

 

Được biết rằng chị là người trực tiếp chỉ đạo kênh VTC2 và là người khởi xướng chương trình "Nhân vật sự kiện thông tin và truyền thông". Đến bây giờ chị đã hài lòng về " đứa con" tinh thần của mình chưa?

Nói cho công bằng thì "Nhân vật, Sự kiện Thông tin và Truyền thông" được bắt nguồn từ tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cuối năm 2008 khi nhận thấy cần thiết phải có một diễn đàn dành riêng cho lĩnh vực này. Chúng tôi là người hiện thực hóa điều đó bằng một chương trình truyền hình.

Con đường phía trước chắc chắn sẽ trải nhiều hoa hồng. Nếu đứng lại bạn sẽ thấy 1 bông hoa hồng. Nhưng nếu đi tiếp, trước mắt bạn sẽ là cả một rừng hoa hồng. Bạn sẽ chọn con đường nào: dừng lại hay đi tiếp?

Xin chị cho biết quá trình từ việc nghĩ ý tưởng đến khi lên sóng chương trình "Nhân vật sự kiện thông tin và truyền thông" đã gặp những khó khăn gì?

Từ ý tưởng đến hiện thực là một con đường dài và đầy chông gai. Khi bắt tay vào xây dựng format chương trình cũng là lúc chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Đây là chương trình chuyên biệt ở một lĩnh vực kiến thức hẹp; đối tượng khán giả không nhiều, nội dung dễ rơi vào khô cứng. Bên cạnh đó, khán giả hiện nay đa phần thích những chương trình mang tính giải trí: phim truyện, ca nhạc. Làm sao để cách thể hiện chương trình (từ nội dung đến hình thức) đạt được tính chất của một chương trình đối thoại trực tiếp về những vấn đề nóng của 1 lĩnh vực chuyên ngành hẹp mà không đi theo lối mòn là điều mà chúng tôi đến giờ vẫn luôn luôn trăn trở.

Bình dân hóa các nội dung khoa học khô cứng

Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chương trình "Nhân vật sự kiện thông tin và truyền thông" đang đi vào một lối mòn và có phần khô cứng. Chị đánh giá thế nào về điều này?

Chính vì những khó khăn mà tôi vừa nhắc tới nên ngay từ khi xây dựng format, chúng tôi quyết định sẽ kết hợp những ưu thế sẵn có một Đài Truyền hình nằm trong Tổng công ty truyền thông đa phương tiện để đạt được hiệu quả tối đa cho chương trình. Chương trình được thực hiện song song bằng cả hai hình thức: trực tiếp trên truyền hình và trực tuyến trên các báo điện tử. Truyền hình có một yếu thế là chương trình không nên kéo quá dài thời lượng, nhất là đối với một chương trình đối thoại nhưng Internet và báo mạng điện tử lại giải quyết được bài toán này với đặc tính tương tác rất cao.

Những ngày đầu, chúng tôi phối hợp với các báo điện tử của Ngành là chủ yếu. Sau này, phạm vi được mở rộng đến cả những tờ báo đã định danh trong lòng độc giả như ViệtNamNet hay những tờ báo chuyên ngành mà bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực CNTT đều quan tâm như VnMedia, ICT News.

Năm 2010, mỗi báo là chủ thể chính phối hợp với VTC2 thực hiện một chương trình. Đó không chỉ là sự luân phiên mà đây chính là cơ hội cho khán giả được tiếp cận với quan điểm riêng của mỗi tờ báo đối với vấn đề được đặt ra trong chương trình.

Khách mời cũng là điểm mà chúng tôi đặc biệt lưu tâm. Trong thời gian tới, khán giả sẽ có thể tiếp cận với không chỉ một nhân vật có tên tuổi trong xã hội hay một người có sức ảnh hưởng trong giới mà còn là bất cứ một người dân bình thường nhất đã, đang và sẽ song hành cùng với ICT trong cuộc sống của chính họ.

Đều đặn lên sóng đến nay gần 20 số với hơn 500 câu hỏi được trả lời trực tiếp trên truyền hình là một khích lệ lớn đối với những người thực hiện chương trình.

 

Chúng tôi sẽ coi nhận định mà bạn vừa đưa ra như một kênh tham khảo để một lần nữa nhìn lại chương trình để bước sang năm mới, chương trình sẽ tiếp tục đồng hành với khán giả với một diện mạo mới hy vọng sẽ hoàn thiện hơn.

Có nhận định rằng, truyền hình dành cho người đam mê CNTT hiện nay còn nhiều khoảng trống, rằng có nhưng chưa đủ. Tức là các chương trình về CNTT và truyền thông chưa nhiều và chưa đủ hấp dẫn người xem. Đã trải qua nhiều năm làm trong lĩnh vực này, chị có thể lý giải tại sao lại như vậy? Liệu có phải đối tượng khán giả này chưa được thực sự coi trọng?

Nhận định này hoàn toàn đúng không chỉ đối với báo giới trong nước mà còn đối với cả báo chí nước ngoài. Truyền hình có thế mạnh trong các thể loại văn hóa, nghệ thuật và giải trí. Nếu tìm kiếm thông tin, đặc biệt là những thông tin "nhanh", "gọn" kiểu như CNTT…, người ta sẽ ưu tiên tìm đến với các loại hình báo chí khác như báo mạng điện tử, internet.

Người ta cần phải biết ăn loại thực phẩm này có lợi như thế nào cho sức khỏe, một bộ phim hay, một chương trình ca nhạc có thể giúp mọi người có được nhưng giây phút thoải mái, thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Đó là những thứ thiết thân hàng ngày với mỗi người. Nhưng người ta không phải ai cũng cần biết và quá cần thiết phải biết máy tính nào là tốt nhất, thế nào là RAM, là CHIP… nếu đó không phải là người đang có nhu cầu tìm hiểu về nó.

Nói vậy để thấy với các chương trình về CNTT, những người làm chương trình luôn phải xác định một nỗ lực tìm kiếm cách bình dân hóa, phổ biến hóa các nội dung thuần túy khoa học, khô cứng của IT.

Vừa qua, Thủ tướng CP vừa phê duyệt đề án "Sớm đưa VN trở thành nước mạnh về CNTT và TT". Đây là cơ hội cho giới CNTT và TT nước nhà; cho người dân được quyền thụ hưởng nhiều hơn những tiện tích do CNTT đem lại. Khi đó, những người làm truyền hình về CNTT cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực này như một điều tất yếu.

Theo chị, VTC2 đã khỏa lấp tất cả những chỗ trống như đã nêu trên chưa?

Không có gì có thể khỏa lấp mọi thứ. VTC 2 cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cá nhân tôi cũng không mong VTC2 lấp đầy khoảng trống, mà khán giả cần có nhiều kênh thông tin khác. Điều đó cũng thuận theo quy luật phát triển của đời sống truyền thông hiện nay.

Và không bao giờ tự bằng lòng với chính mình: Đó là triết lý sống của tôi. Tôi coi VTC2 như "đứa con" của mình vậy. Chính vì lẽ đó nên tôi cũng muốn "đứa con" của mình sẽ phải cố gắng để luôn luôn tiến về phía trước.

Đứng trên góc độ là một người lãnh đạo của Đài truyền hình KTS VTC chị nhận thấy kênh VTC 2 cần khắc phục những gì để chương trình có thể gần gũi và hấp dẫn hơn?

- Đại chúng hóa, trẻ hóa trong cách thể hiện

- Gắn IT nhiều hơn với đời sống người dân

- Tìm kiếm, xây dựng các GameShow

Và còn những điều bạn và khán giả sẽ thấy trên sóng của VTC2 trong năm mới Tân Mão 2011.

3 ngày ốm và hết Tết

Người ta thường cho rằng, làm truyền hình là một nghề đặc biệt vất vả đối với phụ nữ. Công việc của một Phó giám đốc Đài truyền hình chắc hẳn khiến chị gặp nhiều áp lực? Chị vượt qua những áp lực trong công việc như thế nào?

Công việc nào cũng sẽ có những khó khăn riêng. Có thể bạn coi đó là áp lực nhưng tôi sẽ chỉ coi đó là những thử thách nhỏ phải vượt qua trong một cuộc sống vốn dĩ có rất nhiều thử thách. Biết cách để biến đại sự thành tiểu sự, bạn sẽ nhìn thấy ở công việc đâu chỉ có áp lực. Chỉ có những thứ hơi gập ghềnh một chút mà bạn phải cố gắng để làm cho nó trở nên trơn tru hơn mà thôi. Tôi đã vượt qua cái mà bạn đang gọi là áp lực như vậy đó.

Cơ duyên nào đã khiến chị theo đuổi nghiệp báo mà lại là truyền hình?

Đã gọi là duyên thì hình như phải gắn sau đó là chữ nợ. Điều này dường như rất đúng với tôi.

Thi đỗ vào Khoa Báo chí nhưng lại tốt nghiệp khoa Văn của trường ĐHKHXH và NV. Những năm cuối Đại học, tôi may mắn được thực tập và làm việc trong môi trường có cả chất văn chen chất báo. Đến giờ này, tôi vẫn luôn coi Tạp chí Văn nghệ Quân đội là cái nôi đã nuôi dưỡng kiến thức và tâm hồn cho mình những ngày tháng chập chững bước vào nghề.

Rồi giữa lúc đang hăng say với công việc của một phóng viên Ban Đô thị của tờ Báo Kinh tế - Đô thị, gia đình động viên, thuyết phục bằng được tôi thi vào biên chế của một Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý ngành Văn hóa Thông tin để mong sớm có sự ổn định cho một đứa con gái. Tưởng chừng sẽ phải vĩnh viễn chia tay với nghề báo nhưng hình như bản lĩnh của một người được ghế nhà trường đào tạo làm phóng viên luôn đầy ắp trong con người tôi. Tôi còn nhớ nguyên vẹn ký ức của một ngày đầu hè năm 2002, cô nhân viên tập sự là tôi đã đánh liều đi gặp Ban Lãnh đạo Nhà trường trình bày sở trường và nguyện vọng của mình. May mắn thay, tôi được giao cho công việc đầu tiên là bắt tay vào làm một cuốn kỷ yếu nhân 25 năm thành lập Trường và thế là từ sau đó, tôi được phân công tiếp cận và chuẩn bị cho công việc của một giảng viên chuyên ngành Quản lý Báo chí. Hơn 5 năm đứng trên giảng đường trước những học viên có những người đang giữ trọng trách ở các cơ quan báo chí lớn, rồi sau đó là gần một năm trực tiếp xử lý công việc liên quan đến báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông đã giúp tôi có được những kỹ năng quản lý như ngày hôm nay.

Có những lúc gần, lúc xa nhưng chưa bao giờ tôi xa rời nghề báo hay nói đúng hơn là nghề báo chưa bao giờ bỏ tôi.

Chị có nhớ kỉ niệm nào thú vị trong những chuyến công tác trong và ngoài nước trong các dịp Tết cổ truyền của dân tộc.?

Đi công tác thì khá nhiều nhưng đi công tác vào đúng dịp Tết Cổ truyền thì may mắn mới chỉ có một. Có lẽ bởi vậy mà đó cũng chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong các chuyến công tác. Tôi đang nói đến chuyến đi công tác tại Pháp đúng dịp Tết Canh Dần 2010 cách đây tròn 1 năm. Khi không khí Tết vẫn còn đầy ắp phố phường, tôi đã nhận lệnh lên đường tham dự Hội Báo Xuân lần đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài. Một mình đặt chân lên đất Pháp, mặc dù bắt gặp những hình ảnh gần gũi với một người sinh ra ở HN – một mảnh đất có rất nhiều dấu ấn văn hóa và kiến trúc Pháp nhưng tôi vẫn chỉ thấy cái giá lạnh đến thấu xương: vừa do thời tiết ở Pháp lúc đó là cuối mùa đông, vừa do cảm giác cô đơn, lạnh lẽo khi phải xa gia đình, xa quê đang lúc đoàn tụ, ấm cúng nhất. Thế nhưng, khi bước chân vào Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, tôi cảm nhận được ngay không khí Tết Việt nơi đây. Tôi được đón tiếp bởi một người quen cũ với một mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt (cho dù không thực sự đầy đủ). Rồi những ngày sau đó, tôi sống trong không khí của những người Việt xa quê hướng về Tết Cổ truyền của dân tộc: những người đi công tác như tôi, những bà con kiều bào Việt Nam sinh sống, học tập và làm ăn tại Pháp. Tất cả coi Hội Báo Xuân là một món quà tinh thần vô giá mà Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi tặng, một dịp để cộng đồng người Việt xa quê có dịp tụ họp với nhau để cùng cảm nhận nguyên vẹn không khí Tết trong lòng nước Pháp, cảm nhận sức vươn của dân tộc qua từng trang báo. Suốt 10 ngày diễn ra Hội Báo Xuân, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đầy ắp người đến xem: Việt có, Pháp có, có cả những người tính tuổi cũng thuộc "xưa nay hiếm" vượt qua hàng trăm km đường đến tham gia. Bất chợt tôi có cảm giác của một người đang quá "no đủ" văn hóa tinh thần dân tộc so với chính đồng bào mình và tự hào với cái nghề mà mình đã chọn và gắn bó.

 

Việc trực Tết đối với một lãnh đạo Đài, chắc hẳn cũng để lại cho chị nhiều kỷ niệm thú vị?

Năm nay là cái Tết thứ 3 trên cương vị lãnh đạo một Đài Truyền hình. Và dường như tôi đã quen thuộc với việc trực Tết, nhất là trực đêm Giao thừa đến mức nếu không được phân công đi trực, chắc sẽ thấy mình là "người thừa". Làm cái nghề lúc người ta rong nhàn thì mình lại bận bịu có lúc cũng thấy chạnh lòng. Nhưng rồi khi cuốn vào không khí hối hả của những người làm chương trình Tết phục vụ bà con lại thấy vui và đôi chút hãnh diện. Còn nhớ Tết năm ngoái, đội mưa cùng với ekip sản xuất chương trình Cầu Truyền hình ở điểm cầu Hồ Hoàn Kiếm. Kết thúc chương trình, một mình đi chùa cầu may mắn cho cả năm xong là về ốm một mạch 3 ngày liền. Thế là hết Tết.

Sở thích của chị mỗi khi rảnh rỗi?

Tôi may mắn được lớn lên trong một gia đình tuy không có người làm nghệ thuật nhưng luôn đầy ắp không khí của âm nhạc. Đến bây giờ, vui tôi cũng tìm đến nhạc, buồn cũng nhạc, thoáng chút cô đơn, trống trải cũng lấy âm nhạc khỏa lấp. Bận bịu cũng mượn âm nhạc để sẻ chia.

Công việc của chị luôn luôn bận rộn nhưng trong trường hợp một ngày không có công việc, ngày đó của chị sẽ diễn ra như thế nào?

Xin được phép mượn lời của một câu danh ngôn để trả lời câu hỏi này: "Ngày hôm nay, tôi sẽ sống hạnh phúc. Tôi sẽ trải rộng lòng để cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống, để yêu thương và tin tưởng những người tôi yêu quý, và những người thương yêu tôi. Tôi sẽ làm những việc khiến tôi cảm thấy hạnh phúc: xem một bộ phim hài, làm một việc tử tế, giúp đỡ một ai đó, gửi một chiếc thiệp điện tử, nghe một bản nhạc yêu thích..."

Cảm ơn chị và chúc chị thành công!


Bình luận
vtcnews.vn