Áp dụng trần lãi suất vay cho hoạt động ngân hàng là thiếu hợp lý

Thời sựThứ Hai, 25/05/2015 08:59:00 +07:00

Nếu quy định về trần lãi suất vay dựa trên lãi suất cơ bản (LSCB) tại Dự thảo Bộ luật Dân sự được thông qua thì đây sẽ có thể là một bất cập trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và các quan hệ của pháp luật dân sự.

Nếu quy định về trần lãi suất vay dựa trên lãi suất cơ bản (LSCB) tại Dự thảo Bộ luật Dân sự được thông qua thì đây sẽ có thể là một bất cập trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và các quan hệ của pháp luật dân sự.

Trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XII đang diễn ra, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) sửa đổi; trong đó có một quy định rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), đó là quy định về trần lãi suất vay.

Quy định về cơ sở xác định trần lãi suất vay tại BLDS đã gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian qua. Dự thảo BLDS hiện nay có một số thay đổi trong việc xác định trần lãi suất vay, tuy nhiên vẫn bất hợp lý và chưa khắc phục được những bất cập, khó khăn của quy định tại BLDS hiện hành.


Cụ thể là: Khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 quy định “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của LSCB do Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Dự thảo BLDS tại khoản 3 Điều 491 quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo LSCB do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng,trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Theo quy định nói trên của BLDS, có thể có cách hiểu là trần lãi suất vay tại BLDS cũng được áp dụng đối với hoạt động cho vay của các TCTD. Điều đó gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các TCTD, theo đó hàng loạt hợp đồng cho vay của các TCTD có thể bị vô hiệu do vượt trần lãi suất vay theo quy định của BLDS.
Việc áp dụng trần lãi suất tại BLDS đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD có thể là không cần thiết 
Việc áp dụng trần lãi suất tại BLDS đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là không cần thiết và thiếu hợp lý xuất phát từ các lý do sau:

Trước hết, theo tinh thần của các quy định tại Luật NHNN và Luật các TCTD, mặc dù chưa hoàn toàn rõ, nhưng có thể hiểu rằng lãi suất trong hoạt động ngân hàng trong điều kiện bình thường sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất.

Chỉ trong điều kiện thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, NHNN mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng, cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng của TCTD với khách hàng.

Như vậy, nếu trần lãi suất vay tại BLDS điều chỉnh đối với cả hoạt động ngân hàng thì luôn luôn có một mức lãi suất trần khống chế với hoạt động kinh doanh của các TCTD, điều này trái với quy định nêu trên của Luật NHNN, Luật các TCTD và đi ngược với chủ trương tự do hóa lãi suất nhiều năm qua.

Thứ hai, NHNN với chức năng là cơ quan quản lý đối với các TCTD, thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, NHNN có thể điều chỉnh mức lãi suất kinh doanh của các TCTD. Lãi suất của các TCTD phụ thuộc vào mục tiêu nới lỏng hay thặt chặt chính sách tiền tệ của NHNN, có những thời điểm lãi suất của các TCTD được nâng lên rất cao để góp phần chống lạm phát.

Nói cách khác, lãi suất trong hoạt động ngân hàng được điều chỉnh bởi các công cụ chính sách tiền tệ và có một cơ quan chuyên ngành là NHNN quản lý theo các quy định của Luật chuyên ngành là Luật NHNN và Luật các TCTD.

Thứ ba, với tư cách là trung gian tài chính nhận tiền gửi từ công chúng và sử dụng tiền gửi này để cấp tín dụng, mức lãi suất cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, thời hạn vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay…

Do đó, thực tiễn cho thấy TCTD thường xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng và từng loại khoản vay khác nhau nên việc áp cùng một mức trần lãi suất cho vay là thiếu hợp lý.

Đối với một số hình thức cho vay đặc thù trong hoạt động ngân hàng như cho vay tiêu dùng (tín dụng tiêu dùng), cho vay của các tổ chức tài chính vi mô, với đặc điểm quy mô khoản vay nhỏ hoặc khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên chi phí tính trên từng khoản vay rất lớn.

Mặt khác, các khoản vay này thường không có tài sản bảo đảm, nên khả năng xảy ra rủi ro không thu hồi được vốn cao. Để bù đắp rủi ro và chi phí, mức lãi suất đối với các khoản vay này thường cao hơn khá nhiều so với các khoản cho vay thông thường của ngân hàng thương mại.

Do đó, quy định mức lãi suất trần vay như tại dự thảo BLDS là không phù hợp đối với các hoạt động này; có thể dẫn đến các hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay của các tổ chức tài chính vi mô không phát triển được, từ đó làm cho “tín dụng đen” ngày càng phát triển. 

Thứ tư, lãi suất kinh doanh của các TCTD chịu sự tác động của hoạt động cạnh tranh trên thị trường tín dụng ngân hàng và sự cạnh tranh này đủ lớn để không có TCTD nào tự ấn định mức lãi suất cho vay quá cao so với mặt bằng chung lãi suất ngân hàng. Do vậy, việc khống chế mức trần lãi suất cho vay đối với hoạt động ngân hàng trong điều kiện bình thường là không cần thiết.

Thứ năm, việc áp dụng trần lãi suất vay tại BLDS với hoạt động ngân hàng có thể hiểu là một sự can thiệp lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng biện pháp hành chính. Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO.

Đây có thể là một bất lợi để các nước khác viện cớ áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hoặc ảnh hưởng đến việc các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Thứ sáu, lãi suất cho vay trong hoạt động của các TCTD là giá dịch vụ ngân hàng. Theo quy định của Luật Giá, giá của dịch vụ ngân hàng không thuộc nhóm dịch vụ phải áp trần. Do đó, dự thảo BLDS quy định trần lãi suất cho vay đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng là không thống nhất và phù hợp với quy định tại Luật Giá.

Cuối cùng, theo kinh nghiệm quốc tế (như ở Mỹ), việc quy định trần lãi suất cho vay đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng nhằm mục đích chống cho vay nặng lãi, bảo vệ người tiêu dùng (bên đi vay) không phát huy hiệu quả.

Việc quy định trần lãi suất cho vay dẫn đến việc các tổ chức cho vay nâng mức lãi suất cao hơn đối với những khoản vay vốn có rủi ro thấp đang thực hiện lãi suất thấp, để bù đắp chi phí đối với những khoản vay có rủi ro cao nhưng không thể đặt mức lãi suất cao vượt mức lãi suất trần.

Điều này dẫn đến không phân loại được rủi ro, đánh đồng các mức lãi suất giữa các khoản vay và làm chi phí vay trung bình cao hơn.

Mặt khác, dưới tác động của trần lãi suất cho vay, các tổ chức cho vay dần rút khỏi thị trường, không cho vay đối với các rủi ro cao do lãi suất không đủ bù đắp chi phí, rủi ro, làm cho nhu cầu vay vốn của bên đi vay không được đáp ứng.

Như vậy, việc áp trần lãi suất cho vay trong hoạt động kinh doanh ngân hàng với mục đích chống cho vay nặng lãi, bảo vệ bên đi vay không đạt được mục đích mà ngược lại còn cản trở người có nhu cầu vay vốn tiếp cận vốn vay.

Từ những phân tích nêu trên, dù trần lãi suất vay tại BLDS được quy định theo hướng nào thì cũng cần có quy định thể hiện rõ trần lãi suất vay tại BLDS không áp dụng đối với hoạt động ngân hàng. Việc có cần trần lãi suất cho vay trong hoạt động ngân hàng hay không và thời điểm nào cần sẽ được thực hiện theo quy định của Luật NHNN và Luật các TCTD.

Điều 491 dự thảo BLDS có thể điều chỉnh theo hướng như sau:“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá  xxx% theo “lãi suất tham chiếu”* gần nhất do NHNN công bố. Riêng lãi suất đối với hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng của các TCTD được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng”.

Tên gọi “lãi suất tham chiếu” được tạm thời đặt ra để giả thiết về một mức lãi suất được tính toán để phù hợp với tính chất chống cho vay nặng lãi được cơ quan có thẩm quyền ấn định trong từng thời điểm cụ thể, phục vụ riêng cho việc xử lý, giải quyết các quan hệ dân sự, hình sự liên quan của các cơ quan pháp luật; đồng thời để công dân tham khảo, điều chỉnh hành vi.

Sỹ Thành
Bình luận
vtcnews.vn