Ngày tàn của đế chế 'máu và nước mắt' vang bóng một thời

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 06/02/2015 06:22:00 +07:00

Dường như, đá đỏ linh thiêng, là nước mắt, giọt máu của rừng, phất lên nhờ đá đỏ mà chẳng mấy người giữ được của nả, kẻ tử nạn, người trắng tay...

(VTC News) - Nhiều người bảo rằng đá quý tự nhiên xuất hiện hàng loạt ở Quỳ Châu, rồi cũng tự nhiên rủ nhau mà đi hết, ấy là vận số.


Kỳ 5 (Kỳ cuối): Đế chế đá đỏ sụp đổ

Dường như, đá đỏ linh thiêng, là nước mắt, giọt máu của rừng, phất lên nhờ đá đỏ mà chẳng mấy người giữ được của nả, kẻ tử nạn, người trắng tay... Một người có thâm niên khai thác đá đỏ ở đồi Triệu ngậm ngùi nói như vậy.
Châu Bình giờ bình yên đến kỳ lạ 
Những năm 1991, người dân Quỳ Châu (Nghệ An) thấy xuất hiện ngày càng nhiều những người đàn ông ăn mặc lịnh lãm, đi trên những chiếc ô tô sang trọng, tay xách những chiếc va ly căng phồng tiền mặt, theo sau là đám lâu la bản địa. Họ là những đại gia buôn bán đá cỡ bự.

Chính cách tiêu tiền như nước và những món lợi khủng sau những phi vụ buôn bán ruby đã làm mê hoặc biết bao người. Dân Châu Bình nhiều người cũng tham gia buôn bán đá quý và có 1 kết quả giống nhau là tay trắng.

Anh M. kể lại, trước đó, anh từng bán cả ngôi nhà và mảnh vườn của bố mẹ để lại, dồn tiền vào mua một lô đá đỏ ở đồi Tỷ với giá 300 triệu, sau đó mang ra Hà Nội bán.

Phi vụ đầu tiên, anh đã lãi được hơn tỷ rưỡi. Quá phấn khởi, 1 tuần sau đó, anh dồn tiền vào phi vụ thứ 2, cũng ở đồi Tỷ. Tuy nhiên lần này anh mất trắng.

Một đám cò bí mật trà trộn vào đội quân phu đá ở đồi Tỷ, lén vứt xuống dưới hầm một nắm đá công nghiệp. Sau đó, chúng loan tin rằng vừa trúng được một vỉa đá cực đẹp. Đá nhỉnh hơn hạt ngô, màu huyết bồ câu. Tư thương khắp nơi đổ xô tìm đến gạ mua. 

Nghe tin đó, M dồn hết tiền lùng mua bằng được những viên còn sót lại của lô đá đó, mang về Vinh bán với suy nghĩ sẽ lãi được tiền tỷ. Nào ngờ, anh chết lặng khi mấy tiệm kim hoàn từ chối, bảo rằng đó là đá giả. Anh M từ bỏ luôn giấc mơ làm giàu từ những viên đá.
Những viên đá từng một thời gây nên cơn sốt 
Vi Đức Thuận ở bản Kẻ Khoang, xã Châu Bình, cũng là người may mắn trúng đá đỏ. Người dân ở đây thường gọi "Thuận ngón tay vàng" bởi ngón giữa anh ta đeo chiếc nhẫn giống hình ngón tay để che lấp một kỷ niệm khó quên thời trai trẻ. 

Qua cơn sốt, tiền cũng hết sạch, Thuận đã bỏ quê vào Đắk Lắk làm thuê, cuốc mướn.

Anh Nguyễn Văn Công, ở ngay trung tâm xã Châu Bình cho biết, thời cơn sốt xảy ra, anh Công mới 20 tuổi, nhưng đã nhanh chóng trở thành đại gia nhờ buôn bán đá. 
Anh Nguyễn Văn Công 
Ngồi kể lại câu chuyện với chúng tôi tại một quán cafe, anh Công cho biết thời giàu có, anh không thèm ở nhà, chỉ ngủ khách sạn, mọi giao dịch cũng chỉ ở khách sạn. Có tiền, người thân khuyên Công mua xe chạy đường dài, hay chuyển nghề làm một cái gì đó bền vững. Anh không nghe, bảo buôn bán đá lãi hơn nhiều.

Cho đến giờ anh vẫn buôn bán đã quý, nhưng những đồng tiền kiếm được từ đá đỏ thường không bền.

Phan Bá Giang, cựu lâm tặc, giang hồ đá đỏ một thời, từng có trong tay cả cửa hàng vàng bạc, sở hữu tài sản kếch xù. Nhưng rồi, anh lao vào những cơn lốc đỏ đen và khuynh gia bại sản.

Qua cơn sốt đá đỏ, Giang tu thân, lấy vợ sinh con, trả món nợ rừng xanh bằng cách xin đấu thầu trồng cây trên những “vùng đất chết”. Giờ đây, anh cũng đã có được một cơ ngơi kha khá sau những nỗ lực của mình.

Đế chế đá đỏ chỉ thực sự chấm dứt vào năm 1995, khi các băng nhóm giang hồ được dẹp yên, đá cũng chẳng tìm thấy nữa, tình hình trật tự trên địa bàn đã đi vào ổn định. 

Cơn sốt qua đi, hàng trăm héc ta rừng, hàng chục héc ta ruộng nương trở thành bãi chiến trường, bị cày xới, cây cối ngổn ngang, hoa màu tàn lụi.

Ngay chân đồi Tỷ, là địa bàn hoạt động của một xí nghiệp được nhà nước cho phép khai thác đá quý. Họ quây rào, thuê bảo vệ, không cho bất cứ một ai được vào đồi Tỷ, trừ những người trồng rừng. Tuy nhiên, nghe người ta kể, xí nghiệp vào khai thác đó cũng chỉ rầm rộ được một thời gian ngắn, rồi sau gần như không còn hoạt động nữa.
Những dấu tích của đại công trường một thời vang bóng 
Khi chúng tôi tìm vào đồi Tỷ để thu thập tài liệu cho loạt phóng sự này, con đường vắng hoe, mãi mới thấy thấp thoáng có bóng người đi chăn trâu. Bên trong cánh cổng chặn lối vào đồi Tỷ, xuất hiện những máy móc, dụng cụ nằm im, hoen rỉ bởi dấu ấn thời gian, những ngôi nhà phủ xanh rêu mốc.

Cảnh vật hoang sơ, im lìm như minh chứng cho sự “đắp chiếu” lâu năm của một đại công trường thời vang bóng. Chỉ có mấy khu đồi còn giữ nguyên những vết đào xới lở lói.

Tuy nhiên, màu xanh bắt đầu nảy mầm trên những ngọn đồi chết, dòng suối ven đồi Tỷ cũng trở lại với màu xanh ngắt trong lành, tưới mát cho những cánh đồng, cho những rặng keo miên man bất tận.

Người dân Châu Bình sau một thời gian dài ngủ mê bởi giấc mơ đá đỏ, họ đã có thể yên giấc, không còn giật mình bởi những tiếng súng, tiếng sập hầm, không còn cảnh chết chóc tang thương.

Giờ thì Châu Bình – đế chế của máu và nước mắt bình yên đến kỳ lạ. Hơn 20 năm sau khi “cơn bão” đá quý quét qua, vết thương cũ đang dần liền da.

Câu chuyện về những viên đá tiền tỷ chỉ còn trong hoài niệm, vẫn được những người cao niên trong làng kể lại cho nhau nghe trong những lúc trà dư, tửu hậu.


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn