Ngày nào cũng tai nạn đường sắt, mục tiêu giảm đổ bể?

Thời sựThứ Hai, 06/02/2012 01:27:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ tính từ Tết Nguyên đán 2012 tới nay, cả nước đã liên tiếp xảy ra 15 vụ tai nạn đường sắt, làm 20 người chết, 9 người bị thương.

(VTC News) - Chỉ tính từ Tết Nguyên đán 2012 tới nay (từ 21/1 tới 5/2/2012), cả nước đã liên tiếp xảy ra 15 vụ tai nạn đường sắt, làm 20 người chết, 9 người bị thương. Nguyên nhân của những vụ tai nạn đó là gì, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày nào cũng có tai nạn đường sắt

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, chỉ tính từ ngày 21/1 tới 5/2/2012 (16 ngày), trên cả nước đã xảy ra 15 vụ tai nạn đường sắt, cướp đi sinh mạng của 20 người, và bị thương 9 người.

Chỉ trong ngày 3/2, đã xảy ra tới 3 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, làm chết 5 người, bị thương 6 người.

Nghiêm trọng nhất, vào sáng 3/2, tại Km 69 thuộc địa phận thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam), trên đường đi đón dâu từ tỉnh Bắc Giang về tỉnh Thái Bình, chú rể Nguyễn Quyết Tiến (26 tuổi) cùng mẹ là bà Hoàng Thị Ngần (55 tuổi) và bác họ Hoàng Văn Hưng (59 tuổi), xuống ô tô qua đường sắt đi vệ sinh, vừa đi xong đang quay lại ô tô thì bị tàu khách Thống Nhất số hiệu SE13 tông chết tại chỗ. Cả 3 nạn nhân cùng ở thôn Phú Thượng, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Chiếc ô tô 16 chỗ BKS 29B - 02663 bị tàu đâm bẹp rúm, khi qua đường ngang gần ga Bắc Hồng, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) ngày 3/2/3012.
Cùng ngày, tại khu vực đường ngang gần ga Bắc Hồng, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt khác làm 1 người chết và 4 người trọng thương. Chiếc ô tô 16 chỗ BKS 29B - 02663 chở 7 người đi lễ chùa vừa lên đường sắt, bất ngờ tàu số hiệu SP4 đi từ Lào Cai về Hà Nội tông vào. Hậu quả, tài xế Nguyễn Văn Thái (trú tại thị trấn Đông Anh) chết tại chỗ, 4 người khác bị thương nặng.

Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2011, cả nước đã xảy ra 524 vụ tai nạn giao thông đường sắt (tăng 11,7% so với năm 2010), làm 263 người chết, và 350 người bị thương. Do tai nạn giao thông và các sự cố chạy tàu nên trong năm qua, số giờ tàu bị chậm gần 1.276 giờ, làm hỏng hơn 3.100m đường sắt, 16 đầu máy, 30 toa xe, 213 ô tô, xe máy hư hỏng…
Ban đầu Cảnh sát giao thông huyện Đông Anh xác định vụ tai nạn xảy ra là do nhân viên đường sắt đã không hạ gác chắn xuống. Tuy nhiên, sau đó ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban An toàn đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) khẳng định lại, không có chuyện nhân viên gác chắn ngủ quên không hạ gác như một số thông tin đã đưa ban đầu.

Trước đó, ngày 1/2, tại nút giao đường sắt và đường bộ qua huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), do bất cẩn băng qua đường sắt, chiếc xe ô tô Innova BKS 52P-4310 do tài xế Lê Thanh Hà (44 tuổi, ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) điểu khiển, đã bị tàu hoả tông trực diện, làm 4 người chết, 3 người bị thương.

Trách nhiệm ngành đường sắt ở đâu?

Năm 2012, ngành đường sắt đặt mục tiêu giảm 10% tai nạn giao thông đường sắt, ở cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và thiệt hại về người do yếu tố chủ quan. Nhưng xem ra chỉ tiêu này khó có thể hoàn thành. Khi ngay đầu năm, đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng hàng chục người.

Ngành đường sắt thường cho rằng, tai nạn đường sắt nhiều vì người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, tự ý mở đường ngang... 

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đề nghị Chính phủ nên xem xét đến trách nhiệm của Trưởng Ban an toàn giao thông đồng thời là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nếu để xảy ra tai nạn giao thông liên tiếp. Vậy trách nhiệm của Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tới đâu? Bởi tai nạn giao thông đường sắt mỗi năm một gia tăng, chủ yếu là tai nạn tại đường ngang dân sinh.

Ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, an toàn giao thông đường sắt năm qua tiếp tục có diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn, số người bị chết và bị thương đều tăng so với năm 2010; trong đó, số vụ tai nạn xảy ra chủ yếu là do nguyên nhân khách quan - chiếm 95,2% tổng số vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Nguyên nhân mà ngành đường sắt thường nói đến khi xảy ra tai nạn, là do ý thức người tham gia giao thông, khi qua đường ngang thiếu quan sát, đường ngang dân sinh quá nhiều, nhiều người tự ý mở đường ngang, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt…

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở cả những đường ngang có gác, có tín hiệu cảnh báo tự động… Đã đến lúc cần phải xem lại trách nhiệm của những người thừa hành công vụ, nếu để xảy ra tai nạn, trong đó có người đứng đầu ngành đường sắt.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn